2.2 Ảnh hưởng của Đạo giáo đến tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ
2.2.1 Ảnh hưởng từ quan niệm vũ trụ luận của Đạo giáo đến tín ngưỡng thờ Mẫu
thờ Mẫu
Phó giáo sư Trần Ngọc Thêm từng nhận xét: “Trong khi Nho giáo chưa hề có cơ sở xã hội ở đây thì Đạo giáo đã tìm thấy ngay những tín ngưỡng tương đồng đã có sẵn từ lâu… Vì vậy dễ hiểu là tại sao Đạo giáo, trước hết là Đạo giáo phù thủy, đã thâm nhập nhanh chóng và hòa quyện dễ dàng với tín ngưỡng ma thuật cổ truyền tới mức không còn ranh giới. Do vậy mà tình hình Đạo giáo ở Việt Nam rất phức tạp, khiến cho không ít nhà nghiên cứu đã quy hết mọi tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam cho Đạo giáo, và ngược lại, người Việt Nam sính đồng bóng, bùa chú thì lại chẳng hề biết Đạo giáo là gì”. [53, 536]
Bằng mối liên hệ gần gũi và chặt chẽ nhất với tín ngưỡng dân gian bản địa, lý thuyết Đạo giáo đã ăn sâu vào ý thức của nhiều trí thức đương thời, nhiều phương thuật, ma thuật của Đạo Lão lan truyền trong nhân dân. Đạo giáo đã kết hợp với thuyết vạn vật hữu linh, những yếu tố ma thuật còn sót lại của tín ngưỡng bản địa từ thời nguyên thủy để tạo ra những loại hình tín ngưỡng dân gian mang đậm màu sắc Đạo giáo. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng không nằm ngoài số đó.
Tuy vậy, có thể thấy, Đạo giáo có sự hòa nhập mạnh mẽ vào các tín ngưỡng dân gian bản địa, nhưng cũng chỉ làm thay đổi hình thức của các tín ngưỡng bản địa này, còn nội dung của tín ngưỡng bản địa thì không thay đổi đáng kể. Để phân biệt rạch ròi đâu là dấu hiệu của Đạo giáo trong các tín ngưỡng mang tính dân gian thì rất khó. Bởi vì tín ngưỡng dân gian từ xa xưa của người Việt cũng mang rất nhiều yếu tố phù thủy, và cũng rất nhiều yếu tố thần tiên. Vì vậy, một số tín ngưỡng của ta hiện nay nếu nhìn bề ngoài thì có vẻ là sản phẩm của Đạo giáo nhưng kỳ thực đó là tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, với một vài ảnh hưởng của Đạo giáo. Thờ Mẫu của Việt Nam là một ví dụ. Có thể coi thờ Mẫu là một hình thức Đạo giáo đặc hữu của Việt Nam, hoặc đơn giản là một tín ngưỡng dân gian thuần túy của người Việt với một số ảnh hưởng của Đạo giáo.
Tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình tác động qua lại với Đạo giáo đã có sự tiếp thu ảnh hưởng trên nhiều phương diện khác nhau mà trước hết là từ quan niệm vũ trụ luận.
Ngoài khái niệm “Đạo” được coi như trung tâm của quan niệm vũ trụ luận thì các quan niệm chủ chốt khác trong vũ trụ luận Đạo giáo như về phong thủy, quan niệm âm dương tương khắc tương sinh, quan niệm về Tam thanh, Tứ ngự, Ngũ hành, Ngũ phương, Ngũ thần, Tứ tượng, Bát quái...cũng như tinh thần tôn thờ tự nhiên và sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên được coi là nội dung tư tưởng độc đáo nhất của nhánh triết học và tôn giáo này. Những nội dung này đã ảnh hưởng lên rất nhiều nội dung của thờ Mẫu từ sự phân biệt màu sắc giữa các phủ, không gian đền điện thờ Mẫu đến cách bài trí điện thờ.
Tên gọi Đạo giáo xuất phát từ chữ Đạo, vốn là một danh từ triết học Trung Hoa được dùng rất lâu trước khi được Lão Tử nhắc đến trong Đạo Đức Kinh nhưng chỉ đạt được tầm quan trọng đặc biệt, phổ cập trong văn bản này. Đây cũng được coi là khái niệm trung tâm của vũ trụ luận Đạo giáo, từ đó đi đến các khái niệm vũ trụ luận chủ chốt khác.
Đạo là nguồn gốc của vạn vật. Trước khi vũ trụ thành hình, trong khoảng không gian hư vô bao la, có một chất sinh rất huyền diệu, gọi là ĐẠO. Đạo biến hóa ra Âm Dương. Âm Dương xô đẩy và hòa hiệp tạo ra vũ trụ và vạn vật. Trong chương I của Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết:
Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường Danh. Vô danh thiên địa chi thuỷ, hữu danh vạn vật chi mẫu.
Vế sau của câu này vẫn thường được dùng làm câu đối trong các điện thờ Mẫu với ý hiểu: Chưa hình thành trời đất là lúc khởi thủy, hình thành muôn vật ấy là từ người mẹ. Quan niệm vũ trụ luận Đạo giáo được lấy làm câu đối đặt trang trọng ở vị trí trung tâm của điện thờ Mẫu với hàm ý ca tụng vai trò của người Mẹ, coi công người Mẹ sinh thành như khởi thủy trời đất. Một câu đối nhưng đã bó gọn được tư tưởng vũ trụ luận của cả Đạo giáo Trung Hoa và nội dung cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đồng thời, nhìn vào đó, người ta có thể nhận thấy mức độ ảnh hưởng của Đạo giáo đến tín ngưỡng dân gian này đậm nét đến mức nào.
Từ khái niệm trung tâm là Đạo đã sản sinh ra một nội dung cũng hết sức quan trọng trong quan niệm vũ trụ luận Đạo giáo, có sự gần gũi cũng như ảnh hưởng rõ nét đến nhiều nội dung của tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là quan niệm Âm Dương, Ngũ Hành.
Khái niệm Âm Dương không phải đến Đạo giáo mới khởi xướng nhưng Đạo giáo đã nâng nó lên thành một lý thuyết phổ biến đến tận sau này. Lão Tử nói “Trong vạn vật, không có vật nào mà không cõng âm và bồng dương”, ông không những chỉ tìm hiểu quy luật biến hoá âm dương của trời đất mà còn muốn khẳng định trong mỗi sự vật đều chứa đựng thuộc tính mâu thuẫn, đó là Âm Dương. Âm Dương mâu thuẫn, thống nhất, vận động, phát triển, tương tác với nhau gây lên mọi sự biến hóa của vũ trụ. Vì vậy mà Đạo giáo đề cao sự giao hòa Âm Dương, quân bình, hòa hợp của vạn vật theo lẽ tự nhiên. Sự sinh hóa này vốn rất gần với tinh thần biện chứng Âm Dương của triết lý nông nghiệp của người Việt, nhất là ở vùng đất thuần nông cố hữu như đồng bằng Bắc Bộ.
Nếu như sự vận động không ngừng của vũ trụ đã hướng con người tới những nhận thức sơ khai trong việc cắt nghĩa quá trình phát sinh của vũ trụ và hình thành thuyết Âm Dương, thì ý tưởng tìm hiểu bàn thể thế giới, bản thể các hiện tượng trong vũ trụ đã giúp cho họ hình thành thuyết Ngũ hành. Thuyết Ngũ hành có thể hiểu đó là thuyết biểu thị quy luật vận động của thế giới của vũ trụ, nó cụ thể hóa và bổ sung cho thuyết Âm Dương thêm hoàn bị. Ngũ hành về mặt tự nhiên được hình thành bằng những tên của năm loại vật chất cụ thể (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) và kèm theo tính chất của các loại vật chất đó, năm loại vật chất này không thể thiếu được đối với đời sống con người. Quan niệm Ngũ hành cũng là cơ sở để hình thành lên một loạt các quan niệm như Ngũ phương, Ngũ thần, Ngũ sắc hay Tam Thanh, Tứ ngự...
Mối quan hệ giữa các hành trong ngũ hành được thực hiện qua các quy luật của Ngũ hành. Ngũ hành tương sinh: sinh có nghĩa là tương tác, nuôi dưỡng, giúp đỡ. Giữa các hành trong Ngũ hành đều có quan hệ nuôi dưỡng lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát sinh và phát triển. Đó gọi là Ngũ hành tương sinh. Quan hệ tương sinh của Ngũ hành là mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc. Ngoài quy luật tương sinh còn có quy luật tương khắc. "Khắc" có nghĩa là chế ước, ngăn trở, loại trừ. Thứ tự của Ngũ hành tương khắc là: mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hoả khắc kim, kim khắc mộc.
Triết lý Âm Dương là cơ sở để xây dựng lên hai hệ thống triết lý khác đó là “Tam tài, Ngũ hành” và “Tứ tượng, Bát quái” và trình bày lên sự hình thành vũ trụ như sau: "lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến hóa vô cùng". Đây cũng là cơ sở cho những quan niệm về phong thủy của Đạo giáo mà sau này được thờ Mẫu áp dụng trong việc tìm địa thế đẹp để xây dựng cũng như bố cục, bài trí trong khuôn viên đền, điện thờ Mẫu. Đối với phong thủy, hội tụ đủ Tứ tượng Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ là điều cần thiết để có một địa thế đẹp. Ngày xưa, để chọn được nơi để đặt kinh đô, các nhà phong thủy phải tìm nơi hài hòa giữa tứ tượng như nơi
đó phải có sông ngòi, đất phải phì nhiêu, dễ đón gió và nhận được ánh mặt trời vừa phải.
Các quan niệm chủ chốt trong vũ trụ luận Đạo giáo về triết lý giao hòa Âm Dương, Ngũ Hành tương khắc - tương sinh, Tứ tượng, Bát quái hay những quan niệm về Tam thanh, Tứ ngự, Ngũ phương, Ngũ thần...cũng như tinh thần tôn thờ tự nhiên và sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên đã ảnh hưởng đến rất nhiều nội dung của tín ngưỡng thờ Mẫu, từ những ảnh hưởng đậm nét như sự hình thành lên Tam phủ, Tứ phủ, số lượng và sự phân chia các vị Thánh, Thần thành các dòng khác nhau, sự phân định màu sắc được dùng như dấu hiệu để nhận biết các phủ hay ảnh hưởng của quan niệm phong thủy, tinh thần giao hòa âm dương trong kiến trúc đền, phủ thờ Mẫu, cách bài trí điện thờ, các biểu tượng thờ cúng, hệ thống tranh thờ...
Trước hết, thờ Mẫu chịu ảnh hưởng của quan niệm vũ trụ luận Đạo giáo mà rõ nét nhất là quan niệm Âm Dương giao hòa và thuật phong thủy thể hiện trong không gian thờ cúng của thờ Mẫu, cả ở không gian bên ngoài và kết cấu bên trong của điện thờ Mẫu.
Điện thờ Mẫu có ở rất nhiều nơi trên nước ta, từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng đến miền núi… nhưng tựu chung lại, đền phủ thờ Mẫu vẫn mang nét đặc trưng cơ bản là sự hài hòa âm và dương (nước và núi) cũng như hài hòa với thiên nhiên. Đây cũng là đặc trưng trong thuyết phong thủy của Đạo giáo. Tất nhiên, nói như vậy không hẳn là cho rằng quy ước này trong không gian thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu hoàn toàn chỉ là kết quả của sự ảnh hưởng từ Đạo giáo vì bản thân người Việt ngay từ thời kỳ cổ xưa đã hình thành trong tư duy quan niệm giao hòa âm dương giao hòa, gần gũi với thiên nhiên. Nhưng ở một khía cạnh nhất định thì quan niệm âm dương ngũ hành của Đạo giáo cũng đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn địa thế cho các đền phủ thờ Mẫu.
Đạo giáo thường áp dụng thuật phong thủy tức là cách áp dụng thuật Âm Dương Ngũ hành vào việc xem thế đất. Theo thuật này, căn cứ vào địa
thế núi sông, cây rừng, làng mạc mà định ra thế “tàng phong tụ thủy” hay “tựa núi nhìn sông” để xây dựng các công trình kiến trúc. Chiếu theo quan niệm phong phủy như trên của Đạo giáo và quan niệm của dân gian, đền phủ Mẫu thường được đặt ở những nơi gần sông (đại diện cho âm tính), phía sau tựa lưng vào núi (đại diện cho dương tính). Nếu không chọn được thế đất lành tự nhiên thì người ta sẽ tạo những điểm tụ thủy hay những hòn giả sơn để tạo phong thủy tốt cho không gian thờ Mẫu. Dân gian cũng cho rằng nếu kết hợp được hai yếu tố nước và đá trong việc xây dựng các điện thờ thì sẽ đem lại nhiều may mắn, tài lộc, của cải cho nhũng các tín đồ khi đến lễ bái ở đền điện này.
Như vậy, có thể thấy, trong không gian đền phủ thờ Mẫu in đậm dấu ấn của quan niệm Âm Dương giao hòa, gần gũi với thiên nhiên. Dấu ấn này không chỉ chịu ảnh hưởng của quan niệm hòa hợp Âm Dương của tư duy nông nghiệp Việt cổ mà còn một phần nào đó chịu ảnh hưởng của quan niệm phong thủy của Đạo giáo. Đạo giáo quan niệm âm dương giao hòa là hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa trong vũ trụ. Còn quan niệm của người Việt về sự hòa hợp âm dương là nhằm hướng tới sự sinh sôi, nảy nở của con người và vạn vật, đó là nền tảng của mọi sự phát triển. Với trường hợp thờ Mẫu, quan niệm Âm Dương giao hòa mang màu sắc Đạo giáo này có thể được coi như một sự nâng cấp, bổ sung hoàn chỉnh quan niệm vũ trụ luận từ cái nền tư duy nông nghiệp chất phác coi trọng sự giao hòa đực cái như phương thức phát triển của vạn vật trước đó. Tất cả đều nhằm thể hiện ước vọng sinh tài, sinh lộc mà thờ Mẫu hướng đến.
Mặt khác, người Việt sống gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên, họ coi những yếu tố của tự nhiên như người Mẹ sinh thành, nuôi dưỡng con người. Lối sống thân thiện, chan hòa với môi trường tự nhiên của người Việt rất gần gũi với quan niệm sống theo tự nhiên, tiêu dao, tự tại của Đạo gia.
giáo ở việc quy ước số lượng và sự phân chia các vị Thánh, Thần thành các dòng khác nhau, sự phân định màu sắc được dùng như dấu hiệu để nhận biết các phủ trong Tam phủ, Tứ phủ.
Tuy là đạo thờ Mẫu và Mẫu là vị thần có quyền năng sáng tạo tối thượng nhưng trong điện thần, các vị thần vẫn phân chia thành dòng cha và dòng mẹ, nam thần và nữ thần. Bản thân hệ thống lễ hội "tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" của thờ Mẫu cũng là một biểu hiện của mô típ đối xứng âm dương vốn rất phổ biến trong tín ngưỡng này. Nó là sự phóng tác từ quan niệm âm dương tương khắc tương sinh coi đó là nguồn gốc của mọi sự sinh trưởng, phát triển trong vũ trụ, ứng với khung "có âm dương, có vợ chồng, dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê" (Nguyễn Gia Thiều).
Một khía cạnh khác của giới tính các thần linh trong điện thần Tam phủ, Tứ phủ là số lượng các vị thánh trong mỗi hàng. Thuộc dòng Mẫu thường có Tứ vị Thánh Mẫu, Tứ vị Chầu Bà, cũng có thể tăng lên Bát vị Chầu Bà, thậm chí là thập nhị vị Chầu. Hàng cô cũng tương ứng với con số 4, 6, 8, 12 đều là các số chẵn. Dòng Vua Cha, nam thần thì con số tương ứng là Ngũ vị tôn Ông hay Thập vị tôn Ông, Ngũ vị ông Hoàng hay Thập vị ông Hoàng là các số lẻ và bội số của chúng.
Không phải ngẫu nhiên mà số lượng vị thánh của mỗi dòng được định ước như vậy, quy ước này xuất phát từ quan niệm dân gian về con số thiêng đồng thời cũng ứng với quy ước phân định âm dương đối xứng của Đạo giáo. Quy ước này ấn định con số lẻ là con số "cơ" (cố định) gắn với dương - đực - đàn ông - nam tính, còn con số chẵn là con số "ngẫu" (không cố định) gắn với âm - cái - nữ tính. Đây là những con số mang tính biểu tượng, thiêng liêng, thể hiện tính lưỡng phân lưỡng hợp giữa dòng Vua Cha và các nam thần, Thánh Mẫu và các nữ thần.
Thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ chứa đựng những quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ. Mẫu là lực lượng siêu nhiên, sáng tạo và cai quản các miền khác nhau của vũ trụ: Trời, đất, nước, núi rừng. Thánh Mẫu là nhất thể nhưng phân
thân thành Tam vị Thánh Mẫu hay Tứ vị Thánh Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) để cai quản các miền khác nhau của vũ trụ và được biểu tượng hóa thành các màu sắc trong ngũ hành - ngũ sắc. Ngũ sắc hay biểu tượng về ngũ sắc tuy không chỉ là của riêng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ nhưng không thể phủ nhận rằng quan niệm bà biểu tượng ngũ sắc được thể hiện một cách nhất quán và rõ nét nhất trong tín ngưỡng này.
Trước nhất, Phủ trong Tam Phủ, Tứ Phủ mang nghĩa rộng và bao quát, tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Địa phủ (miền đất), Thoải phủ (thuỷ phủ, miền sông biển), và Nhạc phủ (miền rừng núi). Đứng đầu mỗi Phủ như vậy là một vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên cai quản Thiên phủ, Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu) cai quản Địa phủ, Mẫu thoải cai quản Thoải phủ và Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ.