Phong tục tập quán

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cộng đồng người Bố Y ở phía bắc Việt Nam trong cái nhìn so sánh về văn hóa với cộng đồng người Bố Y ở Tây Nam Trung Quốc (Trang 55 - 61)

CHƢƠNG 2 : VĂN HÓA CỦA NGƢỜI BỐ YỞ VIỆT NAM

2.3. Văn hóa tinh thần

2.3.1. Phong tục tập quán

2.3.1.1. Phong tục cưới hỏi

Lễ cưới/ phong tục cưới xin của các cộng đồng cư dân dân tộc Bố Y tương đối đơn giản hơn so với các dân tộc thiểu số anh em khác, như: Dao, Nùng, Tày,... Nhìn chung, một đám cưới truyền thống của người Bố Y cần được tiến hành theo 6 bước sau:

+ Bước 1: Đôi trai gái tìm hiểu nhau kỹ càng

Sau khi tìm hiểu nhau một cách kỹ càng, nhất trí xây dựng gia đình với nhau, người con trai Bố Y phải có lời thưa với cha mẹ đẻ và cha mẹ sẽ có trách nhiệm lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch làm lễ cưới cho con trai.

+ Bước 2: Tìm bà mối

Để khởi đầu quá trình cưới xin, nhà trai sẽ tìm hai bà mối trong làng để thay mặt nhà trai sang nhà gái tìm hiểu, thưa chuyện. Khi đi, hai bà mối sẽ mang theo 1 chai rượu, 1 gói thuốc. Nếu nhà gái chấp thuận gả cô gái cho chàng trai thì sẽ lấy rượu và thuốc ra mời mọi người trong gia đình, dòng họ; nếu nhà gái không ưng thuận thì hai bà mối phải mang rượu và thuốc về.

+Bước 3: Tìm ông mối

Trường hợp được gia đình nhà gái chấp thuận nhà trai sẽ tiếp tục tìm hai ông mối. Hai ông mối phải có nhiều kinh nghiệm và biết hát dân ca nữa thì càng tốt (vì khi sang nhà gái đưa sính lễ sẽ có màn yêu cầu hát đối đáp dân ca, nếu 2 ông mối không hát đối được sẽ phải uống 4 chén rượu), sau đó sẽ cùng gia đình hai bên chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ ăn hỏi.

+ Bước 4: Tổ chức lễ ăn hỏi

mái từ 3kg/ con trở lên, được nhốt chung vào một lồng), 2 chai rượu, 2 gói chè (1 lạng chia đôi, bọc dán giấy), 1 chút tiền để làm lì xì may mắn. Khi tất cả các khâu chuẩn bị đã xong thì phần còn lại đến nhà gái ăn hỏi sẽ hoàn toàn do hai ông mối quyết định.

Về phía nhà gái, trong ngày ăn hỏi, họ sẽ mời tất cả cô, dì chú, bác,… trong gia tộc đến nhà đông đủ để cùng tiếp đón 2 ông mối. Sau một vài lời mở đầu, ông mối mượn nhà gái một cái đĩa hoặc cái khay và 4 cái chén uống rượu, lấy rượu đã chuẩn bị sẵn rót vào chén, tuyên bố lý do, mời đại diện nhà gái, xin nhà gái nhận khay rượu. Sau khi nhà gái nhận khay rượu thì 2 ông mối mới trao gà và tiến hành làm thịt gà. Theo tục lệ, ông mối chỉ được thịt con gà trống, con gà mái nhà gái giữ lại để nuôi, nhưng sẽ bắt 1 con gà mái của chính nhà gái đưa lại cho 2 ông mối, nhờ thịt hộ. Nghi thức trao đổi gà này có ý nghĩa vợ chồng phải chung thủy, sống cùng sống và chết cùng chết. Ngày nay, nghi thức này cũng đã dần mất đi hoặc được tối giản đi rất nhiều.

Sau lễ dâng rượu và thịt gà, gia đình hai bên sẽ cùng bàn bạc, trao đổi để chuẩn bị tổ chức lễ cưới, tập trung vào việc nhà gái thách cưới bao nhiêu, sính lễ thế nào,… Hai ông mối ghi chép kỹ lại, đem về thưa với nhà trai để chuẩn bị sính lễ và chọn ngày lành tháng tốt, báo trước cho nhà gái để chuẩn bị tổ chức đám cưới.

+ Bước 5: Tổ chức đám cưới

Để chuẩn bị lễ cưới chính thức, nhà trai mời hai ông mối, 6 hoặc 8 anh em trong đội đưa lễ đến ăn cơm. Thời điểm đón dâu vào buổi sáng hay chiều do nhà gái quyết định. Không có ông mối, bà mai đi đón dâu như một số dân tộc khác, thành phần chính đi đón dâu trong đám cưới của người Bố Y gồm hai người phù rể (một chính một phụ) và một cô phù dâu thành 3 người đi đón dâu (đi ba, về bốn) tức 3 người đi đón, khi về có cô dâu nữa là bốn. Còn lại các anh chị em khác cùng đi đón của hồi môn (húa tà phà) thì chỉ tính là đi “đón của”, không phải đón dâu.

Khi sang xin dâu, nhà trai cũng chuẩn bị 1 đôi gà (1 trống, 1 mái ), 2 chai rượu, chè, thuốc,... kèm theo đó là 1 con lợn sống, 40 kg gạo, 40 lít rượu, đôi khi còn có bánh hoặc gạo nếp. Khi đến nhà gái, nhóm đón dâu cũng phải thực hiện các nghi lễ liên quan đầy đủ. Chẳng hạn như nếu nhà gái cũng là người Bố Y thì còn có màn hát đối đáp dân ca, hai ông mối hoặc các phù rể sang xin dâu nếu không hát được sẽ phải uống 4 cốc rượu. Nếu nhà gái là người dân tộc khác (thường là người Nùng vì cùng sống trong một khu vực) thì ông mối sau khi ăn cơm ở nhà gái xong chưa được về nhà ngay mà phải đi cùng cô dâu đến nhà chồng.

Khi cô dâu về nhà chồng, nhà gái cho bao nhiêu người tiễn con gái thì tùy, nhưng ít nhất từ 8 người trở lên, và để hòa hợp với nhà trai (đi số lẻ) thì phía nhà gái chỉ được đi với số chẵn (8, 10, 12,...). Số người được cử đi tiễn đưa cô gái cũng phải đều là người tốt số, nếu cân bằng nửa nam nửa nữ (có đôi có cặp) thì tốt nhất.

Một điểm thú vị trong ngày tổ chức đám cưới chính của người Bố Y ở Việt Nam là chú rể không cần đến tận nhà cô dâu để bái lạy bố mẹ vợ xin dâu; Ngày cưới chính thức ở nhà trai, cũng không có nghi thức chú rể, cô dâu cùng đứng “bái đường” (bé thằng) hoặc xin người già lấy lì xì chúc phúc như một số dân tộc anh em láng giềng xung quanh. Thậm chí, rất khác với đám cưới truyền thống của người Kinh, trong ngày cưới chính, chú rể không ở nhà cũng được. Thời điểm đó, chú rể thường sẽ tụ tập với những người bạn bè thân thiết nhất. Ngày nay, tục lệ này gần như đã không còn được thực hiện, thay vào đó, đợi khi khách đã ăn cỗ gần xong, hai vợ chồng trẻ sẽ đi rót rượu mời khách, cùng khách nâng chén chúc mừng như đám cưới của các dân tộc khác ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay.

Trong thời gian đoàn nhà trai đi xin dâu, gia đình nhà trai cần chuẩn bị một bữa cơm đơn giản cho tất cả người nhà, người giúp việc,... ăn bữa cơm sớm. Họ cũng chuẩn bị sẵn 2 - 3 mâm cơm để tiếp đoàn nhà gái khi đưa dâu sang và

chuẩn bị thêm một vài mâm để mời bạn bè của chú rể và những người đi xin dâu,…

+ Bước 6: Trao của hồi môn

Sáng hôm sau ngày tổ chức lễ cưới, nhà gái mới trao của hồi môn cho cô dâu; gia đình nhà trai lại chuẩn bị một vài mâm cơm để mời những người đã giúp cho lễ cưới thành công như ông mối, bà mối, phù rể, bạn bè,… Đến đây, lễ cưới của người Bố Y mới chính thức kết thúc, đôi trẻ chính thức thành vợ, thành chồng.

2.3.1.2. Phong tục tang ma

Một tang lễ truyền thống của người Bố Y thường phải tiến hành 5 bước cơ bản sau:

+ Bước 1: Tiến hành lễ mộc dục (tắm gội) và lễ phạn hàm

Trong trường hợp có thể phán đoán biết trước người thân sắp qua đời, việc đầu tiên người Bố Y cần làm là hỏi xem cha, mẹ, ông, bà,… có trăng trối/ dặn dò gì con cháu không.

Khi người thân vừa trút hơi thở cuối cùng, trừ con gái, cháu gái ra, tất cả các thành viên trong gia đình phải báo gọi anh em trong gia tộc đến giúp. Trước hết mọi người phải đi hái lá bưởi, lá sả về đun nước tắm cho người mất. Nếu là mẹ thì con gái ruột tắm và chải đầu. Nếu là bố hoặc ông thì con trai ruột - cháu trai có nghĩa vụ tắm rửa và cắt tóc. Chính vì tục lệ này cho nên khi cha mẹ còn sống, con trai/ cháu trai không được cắt tóc cho bố, con gái ruột không được chải đầu cho mẹ vì quan niệm đó là điềm gở.

Người thân trong nhà sẽ tắm rửa, cắt tóc chải đầu và mặc quần áo đẹp cho người chết, lấy rơm rạ về rải giữa nhà, trải chiếu lên trên rồi đặt người đã chết lên chiếu. Sau đó lấy một chút trấu bỏ vào mồm người chết và dặn rằng: “Ai hỏi cũng đừng thưa, ai xin cũng đừng cho” rồi lấy tay vuốt cho người đã chết mắt nhắm, môi ngậm kín hẳn. Cuối cùng, họ lấy chăn chiên mốc về đắp cho người đã chết. Họ có thể sử dụng chăn mầu nào cũng được, nhưng tuyệt đối không dùng

màu đỏ. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên ở những gia đình nghèo, gia đình sẽ dùng chính chiếc chăn mà người thân đã dùng khi còn sống để đắp cho người thân khi đã chết.

Theo tục lệ từ xa xưa, những người con gái, cháu gái đã đi lấy chồng vẫn đến chăm sóc cha mẹ, ông bà,… bình thường như những người con trai, con dâu khác. Nhưng khi thấy cha mẹ, ông bà không thể qua khỏi được (sắp chết) họ phải tạm tránh đi xa, không được ở cạnh nhìn cha mẹ, ông bà lúc lâm chung. Cho đến khi cha mẹ, ông bà đã qua đời, họ mới được quay trở về nhà để cùng các thành viên khác trong gia đình, họ hàng chuẩn bị lo hậu sự.

+ Bước 2: Cáo phó (thông báo gia đình có người mất)

Theo truyền thống, khi trong nhà có người chết, một người trong gia đình sẽ lấy súng bắn báo hiệu cho dân làng biết. Ngày nay, do đời sống đã thay đổi và sự phát triển, ứng dụng của các phương tiện liên lạc hiện đại nên khi trong gia đình có người chết, người Bố Y không dùng súng báo hiệu nữa mà sẽ sang tận nơi thông báo (nếu khoảng cách gần), hoặc dùng điện thoại để liên lạc. Điều đặc biệt là ngay cả với việc thông báo gia đình có người chết, người Bố Y cũng có nguyên tắc nhất định: Nếu là con trai đã có vợ thì sẽ tự đi báo tin buồn cho nhà vợ biết. Khi đến gia đình nhà vợ, người con rể không được bước chân vào nhà mà chỉ đứng ngoài gọi và thưa chuyện. Khi đã nhận được thông tin, gia đình nhà vợ sẽ xé một đoạn vải đen đội lên đầu cho người con rể, biểu thị sự chia buồn.

+ Bước 3: Phúng điếu

Sau bước cáo phó, một người trong gia đình sẽ được phân công túc trực bên linh cữu người chết. Người này có trách nhiệm khấu đầu quỳ lạy bất cứ ai (Bất cứ nam hay nữ; bất cứ già hay trẻ) ngoài gia tộc mình đến viếng.

+ Bước 4: Khâm liệm nhập quan

Gia đình cử một người trong gia tộc đi mời thầy mo về cúng. Khi thày mo đến cả gia quyến của người vừa qua đời đều phải lạy thày mo một lạy. Khi đặt người chết vào áo quan cũng phải bắn súng báo hiệu. Tục lệ này đến nay cũng

không còn nữa. Sau khi xem xét ngày giờ và các điều kiêng kỵ cần tránh, thày mo và gia đình sẽ làm lễ nhập quan, rồi thông báo ngày giờ làm ma, thời gian đưa người chết đi mai táng. Thời gian để thi hài người chết ở nhà có thể lâu hay đưa đi mai táng ngay còn phụ thuộc vào thầy mo, nhưng không được quá 36 giờ.

+ Bước 5: Di quan và các công việc sau tang lễ

Trên đường đưa thân nhân đi mai táng, nếu có qua suối thì phải mang theo một tấm vải trắng. Khi khiêng quan tài đến gần suối thì cho đặt quan tài để nghỉ. Con cháu đội khăn tang quỳ thành một hàng từ bên này suối sang bên kia suối, người con dâu cả lấy tấm vải trắng phủ lên đầu từ người đầu tiên ở bên này suối cho đến người cuối cùng ở bên kia suối, tạo thành một chiếc cầu tượng trưng để linh hồn người chết đi qua. Độ dài của “cây cầu” vải trắng không có quy định nào cụ thể mà tùy thuộc vào số lượng người thân đưa tang. Khi quan tài đã được khênh qua suối, người con dâu cả thu tấm vải mang theo. Đây là điểm rất đặc biệt trong tang ma của người Bố Y. Theo nghiên cứu của chúng tôi, ở Việt Nam không có nhiều dân tộc có tục lệ này, trừ một số dân tộc sống gần gũi với dân tộc Bố Y như dân tộc Nùng.

Khi sắp đến huyệt, con cháu phải nhanh chóng chạy vượt lên trước quan tài, đến cạnh huyệt cắm mấy nén hương xong rồi chạy ra cách xa huyệt mộ chừng 15 - 20 m. Khi quan tài được đưa đến huyệt, thày mo lấy gạo rắc xuống huyệt làm một số thủ tục rồi gia đình mới hạ quan tài xuống huyệt đặt cẩn thận, đúng hướng theo hướng dẫn của thày.

Sau khi làm xong công việc ở nơi huyệt mộ thày mo phải quay về nhà người chết ngay, trước mọi người để làm một số việc khác như làm phép quét nhà, đuổi ma quỷ, cúng thờ bái tổ tiên.

Cuối cùng, khi tang lễ đã được hoàn thành, người chủ gia đình gọi tất cả con cháu trong nhà đến tập trung thành đoàn đi cảm ơn anh em, bà con đã đến giúp gia đình và nếu có gì sai trái thì quỳ lạy một lần để cảm ơn và xin lượng thứ. Đến đây công việc tang ma được coi như kết thúc, các thành viên trong gia đình

dần quay lại với cuộc sống bình thường.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cộng đồng người Bố Y ở phía bắc Việt Nam trong cái nhìn so sánh về văn hóa với cộng đồng người Bố Y ở Tây Nam Trung Quốc (Trang 55 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)