3.1.1. Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã biết phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế, thiết lập quan hệ sản xuất phù hợp, tạo điều kiện để phát triển lực lượng sản xuất
Quan hệ sản xuất phù hợp có tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh ở Vĩnh Phúc. Việc đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và góp phần quan trọng vào phát triển nông lâm nghiệp của tỉnh. Việc chuyển đổi các hợp tác xã nông nghiệp theo luật hợp tác xã tuy còn có hạn chế song bước đầu có tác dụng khuyến khích, động viên các hộ nông dân đầu tư để phát triển sản xuất.
Kinh tế trang trại ở Vĩnh Phúc góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dần đưa sản xuất nông nghiệp từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá, mở hướng làm giàu cho nông dân, đem lại sự khởi sắc cho nông thôn. Mô hình kinh tế trang trại đã tạo ra bước chuyển cơ bản về giá trị sản phẩm hàng hoá, và thu nhập của trang trại vượt trội hẳn so với kinh tế hộ, thu hút, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm bớt áp lực thiếu việc làm ở nông thôn, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động. Vị thế của kinh tế trang trại đang dần được xác lập, ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Số lượng trang trại ngày càng tăng lên, năm 2009 cả tỉnh có 1327 trang trại.
Về cơ cấu loại hình chủ yếu là trang trại tổng hợp (chiếm 53,4% tổng trang trại toàn tỉnh), sau đó đến trang trại chăn nuôi (chiếm 30,1%), trang trại gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất (77,5%), trang trại liên doanh chiếm tỷ lệ tương đối lớn (10%), tiếp theo là các loại hình trang trại cá nhân (7,5%), các loại hình trang trại nhà nước và trang trại đi thuê để sản xuất chiếm khoảng 2,5% cho mỗi loại. Yên Lạc và Tam Dương là địa phương có tỷ lệ trang trại nhiều nhất (14,17%), Lập Thạch, Vĩnh Yên (13,33%)....
Kết quả phát triển kinh tế trang trại của tỉnh đã khẳng định bước đi đúng và khai thác được lợi thế trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Thông qua phát triển trang trại đã góp phần tăng thu nhập cho một số bộ phận hộ gia đình.
Phát triển hợp tác xã là một tất yếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố nền quốc phòng và an ninh của đất nước, dặc biệt là Hợp tác xã nông nghiệp sẽ góp phần đảm bảo cho an ninh lương thực quốc gia. Nhận rõ tầm quan trọng, vai trò, vị trí của Hợp tác xã nông nghiệp ở Vĩnh Phúc cũng có sự phát triển.
Trong năm 2010, có 66 hợp tác xã thành lập mới, đưa tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 496 hợp tác xã, trong đó: Hợp tác xã nông nghiệp là 254 hợp tác xã (chiếm 51,2%). Số xã viên tham gia hợp tác xã là 355.080 xã viên, trong đó xã viên là hộ gia đình: 261.786 xã viên; xã viên là cá nhân: 93.257 người, xã viên là cán bộ công chức: 37 người.
3.1.2. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, kinh tế nông nghiệp Vĩnh Phúc có bước phát triển mới
Về tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp
Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản đã có bước tăng trưởng khá, đạt 7,14%/năm giai đoạn 2001 - 2005 và 6,5%/năm giai đoạn 2006 - 2009, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Với sự tăng trưởng như trên đã góp phần tăng thu nhập trên một nhân khẩu nông nghiệp từ 1,73 triệu đồng/người năm 2001 lên 2,7 triệu đồng/người năm 2005, đạt 6,17 triệu đồng/người năm 2008 (giá thực tế).
Về chuyển dịch cơ cấu ngành nông lâm thủy sản
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi, bước đầu đã hình thành các vùng thâm canh lúa hàng hoá, rau quả hàng hoá, vùng trồng cây ăn quả… Ngành chăn nuôi đã khai thác được lợi thế của tỉnh, phát triển chăn nuôi lợn, gà theo
hướng sản xuất hàng hoá, do đó tỷ trọng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng nhanh.
Năm 2010 cơ cấu ngành nông lâm thủy sản tương tự là: nông nghiệp chiếm 93,8%, lâm nghiệp chiếm 0,90%, thủy sản chiếm 5,4%. Nhìn chung, sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng ngành lâm nghiệp và tăng tỷ trong ngành thủy sản.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra trên diện rộng và trên nhiều lĩnh vực, như chuyển dịch giữa trồng trọt và chăn nuôi, chuyển dịch mùa vụ, chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi giống vật nuôi, chuyển mục đích sử dụng đất có hiệu quả. Chính sự đa dạng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn đã làm cho sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản của tỉnh đạt được những kết quả cao trong những năm qua.
Trong nông nghiệp, năm 2010 so với năm 2001, tỷ trọng trồng trọt giảm từ 69,73% xuống còn 39,2%, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 26,26% lên 56,1%, tỷ lệ dịch vụ tăng từ 4,01% lên 4,07%.
Trong lĩnh vực trồng trọt
Cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo xu hướng tăng dần diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, hàng hoá cao như rau, đậu tương, hoa, cây cảnh, cây thức ăn gia súc, cây dược liệu, một số loại cây ăn quả và giảm dần diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp như khoai lang, sắn. Việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống được thực hiện ngày càng rộng rãi và dần trở thành tập quán sản xuất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, về biện pháp thâm canh, về bảo quản và tiêu thụ nông sản sau thu hoạch... được áp dụng đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển. Đã hình thành và ổn định tập quán sản xuất 3 vụ/năm trên diện tích canh tác cây hàng năm; đã và đang dần hình thành vùng sản xuất hàng hoá với một số cây trồng có thị trường tiêu thụ như rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây thức ăn gia súc... Nhiều mô hình trang trại chuyên canh và sản xuất kinh doanh tổng hợp hình thành và ngày càng phát triển.
Đối với ngành chăn nuôi
Thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TU và Đề án 2103/ĐA-UB, chăn nuôi của tỉnh được xác định là khâu đột phá, được quan tâm nhiều hơn trong chỉ đạo và đầu tư bằng các dự án cụ thể, ngành chăn nuôi của tỉnh có bước tăng trưởng khá và có sự chuyển dịch tích cực.
Trong những năm 1996 - 2000, tốc độ tăng giá trị sản xuất trong chăn nuôi là 11,15%, những năm 2001 - 2010, tốc độ tăng giá trị sản xuất trong chăn nuôi là 14,1%.
Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong công tác giống, sản xuất thức ăn, thú y và các phương thức tổ chức sản xuất chăn nuôi mới được ứng dụng vào sản xuất, hình thành những trang trại chăn nuôi chuyên canh bò sữa, bò thịt, lợn hướng nạc, gia cầm, thuỷ cầm…với qui mô khá lớn; Phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đang dần từng bước thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, vừa tích cực chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp.
Trong lâm nghiệp
Tỷ trọng ngành lâm nghiệp tiếp tục giảm trong cơ cấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thuỷ sản; năm 2001 tỷ trọng lâm nghiệp chiếm 2,37%, đến năm 2009 giảm còn 0,9% trong giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Tuy nhiên, tốc độ tăng của giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2001 - 2009 vẫn đạt 1,63%. Năm 2001, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 33,22 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), đến năm 2009 tăng lên 37,8 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh là 33.089,12ha, độ che phủ tự nhiên khoảng 27%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Về ngành thủy sản
Là lĩnh vực được xác định là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giai đoạn 2001 - 2009, lĩnh vực thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành, giá trị sản xuất tăng bình quân 15,43%/năm, (giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân 19%/năm). Năm 2001, giá trị sản xuất
thuỷ sản đạt 39,05 tỷ đồng; năm 2009 đạt 123,06 tỷ đồng (tính theo giá so sánh 1994). Các giống thuỷ sản mới có năng suất và giá trị kinh tế cao như chép lai, rô phi đơn tính, chim trắng, tôm càng xanh,... được đưa vào sản xuất và bước đầu đã đạt những kết quả nhất định. Bên cạnh việc nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống, hộ nông dân đã áp dụng các hình thức nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp. Nhiều dự án cải tạo vùng trũng được triển khai, giai đoạn 2001 - 2005 đã cải tạo 1.073,1ha đất 1 vụ lúa chiêm sang nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức 1 lúa + 1 cá hoặc chuyên cá.
Về công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Trong những năm qua, Đảng bộ Vĩnh Phúc chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng tỷ lệ những giống có ưu thế lai, đưa tỷ lệ giống lúa lai lên > 90%, ngô lai 70%, bò lai trên 60%, lợn hướng nạc 80 - 90%.
Trong trồng trọt, khuyến nông đã tập trung hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật thâm canh và đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, tập trung gieo cấy giống lúa ngắn ngày, giảm mạnh trà xuân sớm chuyển sang trà xuân muộn, tăng diện tích lúa mùa sớm, mùa trung, tăng diện tích cây vụ đông, phát triển các giống lúa đặc sản.
Trong chăn nuôi, công tác khuyến nông tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc ở các huyện thuộc tiểu vùng Tây Bắc với các chương trình chăn nuôi trọng điểm; cải tạo đàn bò, nạc hoá đàn lợn, phát triển chăn nuôi gà quy mô trang trại ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo và Bình Xuyên.
Trong thuỷ sản, tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống, nâng cao chất lượng đàn cá giống bố mẹ trên địa bàn nhằm tạo ra các con giống tốt cho sản xuất.
Trong lâm nghiệp, hoạt động khuyến lâm của tỉnh đã lựa chọn các chương trình giống phù hợp với từng vùng sinh thái. Nghiên cứu khảo nghiệm
một số giống cây lâm nghiệp mới nhập nội như tre điền trúc, keo và các cây bản địa như giổi, trò chỉ, tếch….
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi của tỉnh đòi hỏi phải áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ cao đặc biệt là công nghệ sinh học trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng vật nuôi để sản xuất ra giống có chất lượng đồng đều, sạch bệnh, đúng tiêu chuẩn, đồng thời sản xuất các nông sản phẩm có chất lượng cao như rau, hoa cao cấp, thịt chất lượng cao phục vụ nhu cầu ngày một cao của người dân.
Trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh cho phép xây dựng như: Khu sản xuất thôn Trại Mới (Gia Khánh - Bình Xuyên) với diện tích 12,5 ha chuyên sản xuất rau; khu sản xuất thôn Bình Sơn Thượng (Tam Sơn - Sông Lô) diện tích 10 ha chuyên sản xuất rau, hoa; và khu sản xuất rau công nghệ cao xã Đại Tự (Yên Lạc) diện tích 20 ha.
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp của tỉnh những năm gần đây có sự chuyển dịch rõ nét và đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá; tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản tăng nhanh so với bình quân chung cả nước. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất. Bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
3.1.3. Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã chú trọng phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/08/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu: "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn
nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường" [33].
Mặc dù Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình mới với nhiều địa phương trong cả nước, nhưng đối với Vĩnh Phúc trong những năm qua, toàn tỉnh đã tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn bằng việc thực hiện hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, nhiều hạng mục đã được đầu tư xây dựng phù hợp với các tiêu chí nông thôn mới trong bộ tiêu chí quốc gia. Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 03, tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh là 4.862 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực: điện, thủy lợi, giao thông, giáo dục... Đến nay, 100% các xã đã hoàn thành và được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới cả chung và chi tiết; 112/112 xã hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới, trong đó 86/112 xã đã được Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành, thị phê duyệt đề án. Các chương trình, dự án, quy hoạch phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh như: Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản Vĩnh Phúc giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030; Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; Đề án bảo vệ môi trường nông thôn…cùng với đó, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển. Từ năm 2007 - 2010, Vĩnh Phúc đã đầu tư từ ngân sách tỉnh 2.067,48 tỷ đồng cho một số lĩnh vực. Đến nay, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều đổi mới. Hàng loạt công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật được đầu tư làm cho nông thôn Vĩnh Phúc ngày càng hiện đại, văn minh. Cụ thể như sau:
Giao thông nông thôn: Đã kiên cố hoá được 2.720 km/3.562 km đường giao thông nông thôn, đạt 76,3% so với mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu NQ 03- TU là 80% trở lên); vốn đầu tư cho giai đoạn 2007 - 2010: 191,1 tỷ đồng.
Về thủy lợi: Kiên cố hóa được 569,3km kênh mương (đạt 84,5% mục tiêu). Vốn được bố trí: Giai đoạn 2007 - 2010: 207,858 tỷ đồng; năm 2011: 53,419 tỷ đồng; Đầu tư các công trình vùng khó khăn về nguồn nước: 165,11 tỷ đồng.
Về giáo dục: Đến nay, có 60% trường mầm non, (mục tiêu là 70%); 77,7% trường tiểu học (mục tiêu là 90%); 48,7% trường THCS, 27,9% trường THPT (mục tiêu là 70%) đạt chuẩn quốc gia. Từ khi thực hiện Nghị quyết, chất lượng giáo dục mầm non ở khu vực nông thôn của tỉnh có nhiều chuyển biến, số lượng trẻ đến trường tăng, tất cả các trường mầm non và trung học phổ thông bán công trên địa bàn tỉnh đã được chuyển sang công lập; Chỉ tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông chưa đạt. Vốn đã bố trí giai đoạn 2007 - 2011: 988,9 tỷ đồng.
Về y tế: có 134/137 (97,8%) xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế (mục tiêu là 100%), các chỉ tiêu: 80% học sinh được khám sức khỏe hàng năm, 90% người cao tuổi, tàn tật được quản lý sức khỏe, 100% số xã xây dựng quĩ sự nghiệp y tế và khám chữa bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách, trẻ em