Tổng kết kinh nghiệm là công việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao trình độ lí luận, năng lực của Đảng và từng đảng viên. Qua thực tế lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đối với kinh tế nông nghiệp có thể đúc rút những bài học kinh nghiệm sau:
3.2.1. Quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế của tỉnh.
Về cơ bản, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp, vì vậy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chủ trương tập trung tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhưng ở mỗi địa phương lại có những đặc điểm riêng kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển riêng. Nếu như các địa phương áp dụng các chính sách đó một cách cứng nhắc, bài bản theo đúng quy định thì có thể không những không phát huy được tính tích cực của những chính sách đó mà ngược lại lại tạo ra những rào cản cho sự phát triển.
Là tỉnh mới tái lập, bên cạnh những hạn chế như xuất phát điểm thấp, nền kinh tế nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, Vĩnh Phúc có những lợi thế mà không phải tỉnh nào cũng có được ví như nằm sát thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước, nơi có bộ máy lãnh đạo cao nhất của đất nước, nơi có nhiều trường đại học, nhiều viện nghiên cứu với nhiều nhà kho học hàng đâu. Vì vậy, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc có điều kiện tiếp xúc với tiến bộ của khoa học kĩ thuật, công nghệ mới nhất, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sớm nhất.
Nhận thức được vấn đề đó, trên cơ sở phân tích đặc điểm, khó khăn cũng như những lợi thế của tỉnh, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã áp dụng tương đối có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngay từ Đại hội lần thứ XII, Đảng bộ tỉnh đã chủ trương: “Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng bảo đảm an toàn lương thực, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở thâm canh, tăng tính hiệu quả và bền vững” [78, tr.31], “Đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng cho người, phát triển chăn nuôi, có một phần dự trữ. Những nơi có điều kiện cần phát triển lương thực hàng hóa bằng các giống có phẩm chất thơm ngon, giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường” [78, tr.31].
Đến Đại hội lần thứ XIII (03/2001), Đảng bộ xác định: “Sản xuất nông, lâm nghiệp trên cơ sở đảm bảo an ninh về lương thực chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, xây dựng cơ cấu cây trồng và vật nuôi hợp lý, đạt hiệu quả kinh tế cao. Khai thác tiềm năng đất đai, lao động, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tận dụng mọi nguồn lực, phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện theo hướng đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Chuyển giao và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch. Gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến, sản xuất với thị trường [79, tr.55].
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIV (12/2005), Vĩnh Phúc đã nêu ra: “Tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, coi phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, đảm bảo an ninh trật tự nông thôn”, “phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững” [82, tr.35].
Kết quả ngành kinh tế nông nghiệp của tỉnh đạt được góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, nâng cao một bước đời sống vật chất cho nhân dân. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự lãnh đạo nhạy bén của Đảng bộ tỉnh.
3.2.2. Tăng cường xây dựng Đảng, đồng thời tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ, tin cậy với bà con nông dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết trong toàn Đảng bộ, toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nông dân
Trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông dân chính là động lực lớn nhất đồng thời cũng là mục tiêu của sự phát triển. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo nông dân lao động, phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ Vĩnh Phúc chú trọng đến lợi ích chính đáng của người nông dân, luôn xuất phát từ thực tiễn, từ lợi ích của người nông dân để vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng cho phù hợp, tạo niềm tin của người nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ.
Để xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ, tin cậy với người nông dân trước hết trong nội bộ Đảng cần có sự đoàn kết. Nắm bắt được tinh thần đó, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc luôn nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, thực hiện nghiêm túc các quy tắc tập trung dân chủ, chống các biểu hiện tiêu cực làm trong sạch nội bộ Đảng. Đảng bộ tỉnh không ngừng đổi mới công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy vai trò chủ động của các Đảng bộ cơ sở. Đây cũng là một kinh nghiệm quý để gắn kết Đảng với quần chúng nhân dân.
Song song với vấn đề trên, Đảng bộ tỉnh tích cực trong việc bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị cho nhân dân, để nhân dân hiểu, tin tưởng và làm theo sự chỉ đạo của Đảng bộ, để cho những đổi mới trong chính sách của Đảng bộ nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, nhờ đó phát huy được vai trò làm chủ của nông dân tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển lên một bước mới.
Trong thực tiễn lãnh đạo phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra những chính sách, cơ chế quản lí phù hợp, phát huy các thành phần kinh tế, giải phóng lực lượng sản xuất, đưa hộ nông dân trở thành đơn vị kinh tế tự chủ, chuyển giao quyền sử dụng đất lâu
dài cho nông dân, chuyển nội dung hoạt động của hợp tác xã sang làm chức năng dịch vụ và hướng dẫn cho kinh tế hộ phát triển,...
Trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết vấn đề đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhận thức được điều đó, Đảng bộ tỉnh tiến hành triển khai thực hiện việc giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài và ổn định cho hộ nông dân, cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng đất lâu dài và ổn định cho hộ nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đảng bộ cũng chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ thuế cho người nông dân nhằm khuyến khích họ hăng hái đẩy mạnh sản xuất. Ngoài ra, Đảng bộ phải chỉ đạo các sở ban ngành liên quan tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ cho nhân dân mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Giữa Đảng bộ và những người nông dân Vĩnh Phúc luôn có mối quan hệ trao đổi qua lại tích cực. Đảng bộ chỉ đạo thực hiện sản xuất theo các mục tiêu đề ra bằng những chính sách, chủ trương; ngược lại, những người nông dân lại phản hồi cho Đảng những ưu điểm hoặc những bất hợp lí trong những chủ trương chính sách để Đảng bộ kịp thời sửa chữa, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình sản xuất. Và mục tiêu cuối cùng đạt được trong mối quan hệ này chính lại hiệu quản trong sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân.
3.2.3. Xây dựng các chương trình, đề án cụ thể có vai trò quan trọng trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống
Thực tế trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã chủ động, tích cực chỉ đạo các ban ngành liên quan như Ủy ban Nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,... lập và thực hiện các dự án, chương trình như:
Đề án: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2001 - 2005” (Đề án số 2103/ĐA-UB) với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng vừng trong tỉnh, hướng tới một
nền nông nghiệp hiện đại, có tốc độ tăng trưởng nhanh, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa.
Đề án “Cơ khí hóa nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010” (Đề án số 1823/UBND-ĐA), được báo cáo tại kỳ họp thứ 4 Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIV chỉ rõ: cơ khí hóa một số khâu cơ bản trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bằng các thiết bị máy móc có công suất vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện của nông hộ trang trại để tạo đà đưa vào ứng dụng các thiết bị máy móc hiện đại, đồng bộ từ khâu canh tác đến khâu chế biến, bảo quản nông sản hàng hóa, tạo bước tăng trưởng mạnh mẽ trong nông nghiệp.
Đề án “Về cơ chế đầu tư, hỗ trợ cải tạo vùng trũng nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2006 đến 2012” của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thực hiện cải tạo vùng trũng để sản xuất theo mô hình chuyên cá, 1 vụ lúa chiêm và nuôi cá vào vụ mùa (1 lúa + 1 cá) sẽ đem lại hiệu quả, phù hợp với chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn nhằm khai thác có hiệu quả cao hơn trên 1 đơn vị diện tích đất vùng trũng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân canh tác trên các vùng đất trũng.
Năm 2006, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc cũng đã thực hiện Chương trình “Giống cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2006 - 2010, định hướng 2015 của tỉnh Vĩnh Phúc”. Chương trình được thực hiện nhằm đảm bảo đủ giống có chất lượng tốt để cung cấp cho nhu cầu phát triển sản xuất, trước hết là các ngành sản xuất quan trọng liên quan đến thu nhập của đông đảo nông dân và có khả năng xuất khẩu lớn như lúa gạo, rau và cây ăn quả, ....
Ngoài ra Ủy ban Nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn có nhiều các đề án khác như: Đề án “Tiếp tục chuyển đồi dồn ghép ruộng đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” (Đề án số 1819/ĐA-UBND), Đề án “Kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2006 - 2012”, Đề án “Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn và cung cấp thông tin cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2007 - 2010, định hướng đến năm 2020”,...
Như vậy, với việc chỉ đạo Ủy ban Nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các sở ban ngành có liên quan khác lập kế hoạch cho các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách vào thực tế sản xuất. Kết quả đạt được trong kinh tế nông nghiệp Vĩnh Phúc trong 13 năm qua đã cho thấy tính hiệu quả từ sự chỉ đạo này đối với mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống cho người nông dân.
3.2.4. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp thông qua việc chuyển giao khoa học công nghệ
Thực hiện Nghị quyết của các kì Đại hội Đảng bộ tỉnh, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có những bước đi đúng hướng, bằng chứng là tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt giảm dần, tỷ trọng giá trị chăn nuôi, thủy sản tăng, các vùng sản xuất tập trung được hình thành.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã tạo điều kiện để ứng dụng, chuyển giao khoa học cộng nghệ vào sản xuất, làm chuyển biến nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp và tạo động lực cho các thành phần kinh tế đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
Trước năm 1997, ngành nông nghiệp chưa có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, người nông dân vẫn duy trì tập quán canh tác truyền thống nên giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao.
Cho đến nay, phát huy lợi thế vị trí địa lí thuận lợi, tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, Vĩnh Phúc đã mạnh dạn áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ trong sản xuất. Đảng bộ tỉnh đã có sự chỉ đạo trực tiếp cũng như gián tiếp, từng bước đưa khoa học công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp, triển khai các dự án nghiên cứu, tuyển chọn giống cây trồng do Quỹ nghiên cứu và chọn tạo giống cây trồng (VRBF) thuộc chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp (ARPS), Ban quản lý hợp phần giống cây trồng (CMU) tài trợ.
Trong trồng trọt, tỉnh đã lựa chọn được hàng trăm giống cây, con mới bổ sung vào cơ cấu giống cây, con như: các giống lúa DT122, HT1, khang dân đột biến, Q5 đột biến, T10, N18, N19, SS2, N91, lúa lai BTST, Nhị ưu 838, Bác ưu 903, TH3-3; các giống ngô NK4300, LVN4, LVN17, VM1; các giống đậu tương DT96, DT90, DT22, DT12; giống lạc Sen lai, L14, L15, L18, SĐ1. Ngoài ra thông qua xây dựng các mô hình trình diễn, thử nghiệm nhiều giống lúa, ngô, rau, hoa quả mới như: Lúa lai Trung ưu 18, Nghi hương 2308, xoài Đài Loan, vải Hùng Long, dưa hấu Hắc mỹ nhân, các giống hoa hồng, đồng tiền, lyli, cúc, các giống rau bắp cải tím, suplơ xanh, tím, dưa chuột lai, cà chua mới.
Trong chăn nuôi, việc đưa vào các con giống có chất lượng, những vật nuối mới đã làm cho tỷ trọng của ngành chăn nuôi tăng lên đáng kể trong kinh tế nông nghiệp như: gà H’mông, gà Ai Cập, gà ác, gà Kabir, gà sao, vịt Triết Giang, vịt Super M; các giống bò lai theo hướng Zebu, Red Sinhdi, Brahman, Sahiwan, các giống lợn lai Yorkshire, Landrace,...
Thực tế của tỉnh Vĩnh Phúc đã chứng minh việc áp dụng công nghệ sinh học, các tiến bộ kỹ thuật là rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho nông dân.
3.2.5. Trong chỉ đạo phát triển kinh tế tiến hành sản xuất hàng hóa, khuyến khích nguồn vốn đầu tư có vai trò hết sức quan trọng để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh
Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIII (03/2001) đã xác định: “Khai thác và sử dụng nguồn ngoại lực là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương... Cần coi trọng hoạt động kinh tế đối ngoại” [76, tr.60]. Tiếp đó, Đại hội Đảng bộ Vĩnh Phúc lần thứ XIV (12/2005) tiếp tục khẳng định: “Tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để đầu tư cho phát triển, trong đó coi các nguồn lực bên trong là quyết định, đồng thời hết sức coi trọng các nguồn lực bên ngoài” [81, tr.37].
Từ các chủ trương đó, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết có liên quan đến đầu tư nước ngoài như: Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 08/01/1998 về “quy định về trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quản lý và giải quyết các thủ tục đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh”; Nghị quyết số 03/2002/NQ-HĐND ngày 28/01/2002, Nghị quyết số 19/2004/NQ-HĐND ngày 28/08/2004, Nghị quyết số 10/2005/NQ-HĐND ngày 22/07/2005 về chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra tỉnh còn ban hành nhiều văn bản có liên quan đến đầu tư nước ngoài như cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư...
Với phương châm “các doanh nghiệp đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, doanh nghiệp thành công thì tỉnh cũng thành công”, những năm qua, Vĩnh Phúc đã trở thành “điểm đến” của nhiều nhà đầu tư FDI. Chính sách của Vĩnh Phúc hiện luôn dành ưu tiên đặc biệt cho các doanh