Cái Đẹp trong phim cắt giấy

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm về cái đẹp trong các phim hoạt hình Việt Nam chuyển thể từ tác phẩm văn học (Giai đoạn 2000 - 2015) (Trang 86 - 90)

3 á Đẹp thể hin trong thể loại phim

3.2.2. Cái Đẹp trong phim cắt giấy

Phim cắt giấy là thể loại có quy trình sản xuất gọn nhẹ nhất trong các thể loại phim hoạt hình. Nét nổi bật trong qui trình sản xuất phim cắt giấy

chính là việc tạo ra chuyển động của nhân vật dựa trên các khớp chuyển động. Cũng giống như thể loại 2D, trước khi có sự tham gia của máy tính vào qui trình sản xuất, những năm đầu 2000, HHVN chủ yếu sản xuất phim cắt giấy thủ công. Với những bộ phim này, khâu diễn xuất động tác - khâu sản xuất chính của phim đều do người họa sĩ tự tay đảm nhiệm. Các họa sĩ tạo ra chuyển động của phim bằng cách bẻ các khớp chuyển động tay chân, tạo các dáng điệu, các trạng thái tình cảm bằng cách đặt các khuôn mặt biểu cảm, gắp từng bộ phận mắt, mũi, miệng của nhân vật để tạo ra trạng thái cảm xúc, tâm lý trên các lớp phông nền và chụp lại từng hình, ghép lại thành chuỗi chuyển động. Các bộ phim Chiếc nôi trên vách đá, Sự tích cái nhà sàn; Tiếng nhạc ve

là các phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học, được sản xuất bằng quy trình sản xuất truyền thống này.

Phim cắt giấy sử dụng phương pháp diễn xuất thủ công trong phim

Tiếng nhạc ve

Các phim cắt giấy với hạn chế về mặt chuyển động do nhân vật bị giới hạn bởi các khớp xương nên yêu cầu đầu tiên của thể loại này là sự hàm súc, cô đọng. Với mỗi sự biến đổi về mặt hình ảnh, về nhân vật cắt giấy đều đòi hỏi phải

có sự tính toán trước để khâu tạo hình và làm nhân vật có thời gian chuẩn bị tỉ mỉ tới từng nét mặt biểu cảm, dáng dấp hình hài… Vì thế, các phim cắt giấy đều có dung lượng ngắn, thông thường là 10 phút. Đề tài thể hiện trong phim thường có nội dung hàm súc, rất phù hợp với các phim có chất triết lý, đồng thoại, ngụ ngôn, kích thích và gợi mở tự do tưởng tượng của người xem. Phim cắt giấy

Tiếng nhạc ve là bộ phim đồng thoại, dựa trên câu chuyện ngụ ngôn thế giới.

Chuyện phim giản dị, xoay quanh đời sống của Ve và Kiến, mang đến cho khán giả thông điệp ngắn gọn song lại lại chứa đựng những triết lý sâu sắc, gợi mở sự suy tưởng của khán giả. Phim Chiếc nôi trên vách đá là câu chuyện về tình mẹ con, nội dung đơn giản xoay quanh việc chim mẹ làm tổ và bảo vệ con. Vì hạn chế về mặt chuyển động của nội dung câu chuyện nên các nhà làm phim đã rất đúng đắn khi lựa chọn thể loại cắt giấy. Những chuyển động của chim yến mẹ trong quá trình treo mình trên vách đá để làm tổ thật sự khó nhọc, mệt mỏi. Sự chuyển động trong động tác của chim yến mẹ không có sự biến hoá, co duỗi như phim 2D nhưng lại có sức biểu cảm, tạo nên tính hình tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Cũng có liên quan mật thiết đến đặc trưng thể loại, do bị hạn chế về sự chuyển động, hầu hết các động tác diễn xuất của nhân vật trong phim cắt giấy đều mang tính tính tượng trưng, ước lệ. Công việc, sự việc trong hiện thực nếu chỉ diễn ra như động tác của nhân vật trên màn ảnh thì không thể biểu đạt được hết thực tế. Tuy nhiên, bởi là nhân vật vật của phim cắt giấy, với cách diễn xuất ước lệ, tượng trưng, gần như đang diễn trên sân khấu kịch thì người xem vẫn cảm nhận trọn vẹn nội dung của hành động, sực việc. Thậm chí, cả sự biến ảo trong phim cắt giấy cũng mang tính ước lệ, ẩn dụ. Phim Sự tích cái nhà sàn với cuộc chiến đấu của hai em bé dân tộc Mường trước những con thuỷ quái mang đầy tính tượng trưng, khái quát nhưng vẫn khiến người xem tưởng tượng được sự ác liệt trong cuộc đối đầu sống còn; sự biến hoá từ con rùa với chiếc mai là

mái nhà, bốn chiếc chân là bốn cái cột nhà sàn cũng chứa đựng tính ẩn dụ, khái quát cao, rất đặc trưng của phim cắt giấy.

Cảnh sử dụng kỹ xảo biến hoá mang tính ước lệ, tượng trưng trong phim Cắt giấy Sự tích cái nhà sàn

Nhìn chung, có thể nhận thấy những đặc điểm nổi bật, làm nên cái Đẹp trong phim cắt giấy chính là sự cô đọng, hàm súc trong nội dung và diễn xuất, tính ước lệ, tượng trưng của sân khấu, tính khái quát và chất triết lý thẫm đẫm trong hình ảnh, trong nội dung của bộ phim.

Vào những năm cuối 2000 đến nay, phim cắt giấy có nhiều đổi mới trong công nghệ. Mặc dù, vẫn dựa vào việc tạo ra sự chuyển động qua các chốt chuyển động song công đoạn diễn xuất đã được thực hiện trên máy tính, Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, của các phần mềm máy tính mà việc diễn xuất của phim cắt giấy vi tính trở nên linh hoạt hơn, nhân vật mềm mại, uyển chuyển hơn trong động tác, trong hành động. Phim cắt giấy dù đã có nhiều cải tiến song sự biến ảo trong phim vẫn bị hạn chế, phụ thuộc vào việc tạo hình nhân vật được tính toán trước để chuẩn bị trên máy tính chứ không tuỳ thuộc cảm hứng của họa sĩ khi thể hiện như phim 2D. Phim cắt giấy vi tính Thủ lĩnh vây lửa là một trong những phim tiêu biểu mà nhân vật có sự chuyển động mềm mại, uyển chuyển gần theo

kịp sự chuyển động của phim hoạt họa 2D. Các nhà làm phim đã sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ để khiến cho các động tác của chú cá Vây lửa với chiếc đuôi rực rỡ bơi lội tung tăng, uốn mình trong nước tương tự như hình ảnh của phim 2D. Phông của phim cũng sử dụng các công nghệ máy tính khiến cho cảnh nước non đẹp, sống động. Công đoạn tổng hợp hình ảnh sử dụng nhiều kỹ xảo khiến bộ phim cắt giấy có xu hướng xoá nhoà ranh giới với phim 2D. Tuy nhiên, sự biến ảo trong hình ảnh và nội dung câu chuyện vẫn bị hạn chế nên câu chuyện và hình ảnh của phim vẫn mang tính khái quát, ước lệ, chứa đựng tính ẩn dụ cao.

Phim cắt giấy vi tính Thủ lĩnh vây lửa sử dụng máy tính hỗ trợ diễn xuất Qua những phân tích cụ thể ở trên, ta nhận thấy, cái Đẹp được thể hiện trong phim cắt giấy, được các nhà làm phim đề cao, coi như quan niệm thẩm mỹ của thể loại này chính là sự cô đọng, hàm súc trong nội dung và diễn xuất; tính ước lệ, tượng trưng đặc trưng của sân khấu trong hình tượng nhân vật, trong từng hành động, sự kiện câu chuyện; tính khái quát và chất triết lý thẫm đẫm trong hình ảnh, trong nội dung của bộ phim.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan niệm về cái đẹp trong các phim hoạt hình Việt Nam chuyển thể từ tác phẩm văn học (Giai đoạn 2000 - 2015) (Trang 86 - 90)