3. Cách mở đầu và cách kết thúc truyện
3.2 Cách kết thúc truyện
Trong số các yếu tố để đánh giá tính nghệ thuật của truyện ngắn Nguyễn Khải, kết thúc truyện cũng là một yếu tố thường được người ta hay nhắc đến. “Sức mạnh của cú đấm (nghệ thuật) là thuộc về đoạn cuối” (D.Phuốcmanốp – Nga). Phải chăng, vì cũng ý thức được điều này mà trong truyện ngắn của mình, Nguyễn Khải cũng có nhiều dụng công cho đoạn kết. Đoạn kết trong truyện ngắn Nguyễn Khải thường là nơi thể hiện một cách tập trung tư tưởng – chủ đề của tác phẩm đồng thời là nơi gửi gắm những suy nghĩ, tâm sự, chiêm nghiệm của tác giả về con người và lẽ sống ở đời.
Mỗi nhà văn thường có một kiểu kết thúc quen thuộc, thể hiện cáI nhìn và quan niệm về con người và cuộc sống. Riêng trong cách thức kết thúc truyện ngắn, thì từ truyện ngắn truyền thống đến truyện ngắn hiện đại đã có một sự vận động, chuyển biến từ cách kết thúc đóng sang lối kết thúc mở. Lối kết thúc mở này thường xuất hiện một cách rất bất ngờ, đột ngột. Nó để lại một khoảng trống tự do trong lòng người đọc, bắt người đọc cũng phải cùng suy nghĩ, cùng sống tiếp đời sống của nhân vật theo lý thuyết đồng sáng tạo. Đã có rất nhiều nhà văn thành công trong lối kết thúc mở như thế như Môpatxăng, O.Henry, J.Cleziô, Gôgôn. Ở Việt Nam, có Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài….
Đọc truyện ngắn của Nguyễn Khải, chúng ta cũng bắt gặp nhiều kết thúc mở như thế. Lối kết thúc mở trong truyện ngắn của ông rất phong phú, đa dạng. Có truyện kết thúc bằng cách bẻ ngoặt như Nếp nhà; có truyện kết thúc bằng cách đặt câu hỏi hoặc nêu ra các tình huống rồi cho người đọc tự chọn lấy câu trả lời như
Mẹ và các con, Lính chữa cháy, Hậu duệ dòng họ Ngô Thì; Có truyện kết thúc bằng một cảm xúc, một sự trăn trở, cảm thương của cái tôi trần thuật như Ông cháu, Mất toi một cuốn sách, Chúng tôi là bọn hắn, Nghệ nhân ở làng, Một người Hà Nội. Tuy nhiên, cách kết thúc thường thấy nhất trong truyện ngắn Nguyễn Khải là cách kết thúc kiểu triết lý, chiêm nghiệm của tác giả trước những việc, những con người, những lối sống, nhân cách cao đẹp trong cuộc sống mà nhà văn có dịp được chứng kiến, gặp gỡ. Chẳng hạn như:
-Chỉ có cái tâm tốt của con người mới làm nảy nở những mầm yêu thương đang bị thui héo ở đâu đó. (Nắng chiều).
- Nhưng hiển nhiên không có những người vợ, những bà mẹ một đời nhẫn nhục gánh chịu mọi tai hoạ vì những người thân yêu thì thế giới này sẽ buồn thảm lắm, lạnh lẽo lắm (Người vợ).
- Tôi thíchcái thời này lắm, tôi khoan khoái được sống với con người thời này, chỉ hơi kinh, chỉ hơi không thích cái lối sống bặm trợn, gian trá, tục tằn của thời hôm nay mà thôI (Chị Mai).
-Trông cuộc đổi thay, số phận của nhiều cá nhân sẽ bi thảm nhưng số phận cua cộng đồng thời sau bao giờ cũng hơn thời trước. Hãy cười lên hỡi nhà văn hay ưu tư và sầu muộn, cười lên để tiễn biệt một thời đang qua và đón chào một thời vừa tới cho dầu cái thời đang tới không phải là thời của mình (Anh hùng bĩ vận).
Ngoài ra chúng ta còn gặp kiểu kết thúc triết lý, suy nhiệm trong rất nhiều truyện ngắn như Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, Đã từng có những ngày vui, Một bàn tay và chín bàn tay, Một chiều mùa đông, Danh phận, Đất kinh kỳ … Kiểu kết thúc này tiêu biểu cho phong cách kể truyện mang đậm tính triết lý của nhà văn. Trong suốt qúa trình diễn biến truyện, nhà văn bao giờ cũng để cho các nhân vật của mình trao đổi, tranh luận thoải mái với nhau về những vấn đề nhân sinh, vấn đề về lương tâm, đạo đức. Nhà văn chăm chú dõi theo, bám sát từng cử chỉ, hành động, suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật, hướng nhân vật đi vào đúng “quỹ đạo” của mình – làm nổi bật vấn đề cần tranh luận, triết lý. Đọc Nguyễn Khải, không hiểu sao trong đầu tôi cứ nghĩ đến một lão già khắc khổ, ngồi xếp bằng trên một mảnh chiếu rách trải vội giữa sân, bên cạnh có con chó vàng ngoe nguẩy đuôi làm bạn trong truyện ngắn của Nam Cao. Khuôn mặt ông lão trầm ngâm, đôI mắt u tối như đang nhìn vào cõi xa xăm để suy nghĩ, nghiền ngẫm trước bể dâu của cuộc đời và để day dứt, trăn trở về số kiếp của những con người khốn khổ. Có vẻ như lão đã thức ngộ được lẽ sống. Tâm hồn dễ đa cảm, dễ xúc động ấy đôi khi không kìm giữ được lòng mình, phải thốt lên những lời đầy cay đắng, chua chát: “ Vâng, tại chị cả, trăm tội, ngàn tội phải đổ lên đầu chị, nếu như ông chồng siêu đẳng của chị còn sống thì chúng nó đâu đến nỗi. Tôi nôn thốc miếng xôi ra, cổ họng tắc nghẹn, chính tôi, tôi cũng muốn bật khóc” (Đời khổ).
Cũng có lúc, lão già “lẩm cẩm” ấy an ủi, vỗ về nhân vật của mình mà như an ủi chính mình :”Những người giàu lòng tự trọng lại có tính xấu hổ là sống gian truân lắm nhưng không có những con người “gàn dở” ấy, những số phận ít gặp may mắn ấy thì cuộc đời nhạt nhẽo biết nhường nào” (Một cặp vợ chồng ở chân động Từ Thức); “… không có những người vợ, những bà mẹ một đời nhẫn nhục gánh chịu mọi tai hoạ vì những người thân yêu thì thế giới này sẽ buồn thảm lắm, lạnh lẽo lắm” (Người vợ). Cái kiểu triết lý, suy ngẫm, chiêm nghiệm đặt ở phần kết thúc truyện bao giờ cũng tạo nên những sự cộng hưởng, dư ba trong lòng người đọc, đồng thời như níu giữ lấy người đọc, bắt họ phải tiếp tục suy ngẫm và sống với đời sống của nhân vật cũng như của cũng như của bầu khí quyển của truyện.
Kết thúc truyện Ông cháu gieo vào lòng người đọc một nỗi ngậm ngùi, xót thương. “Đêm nào nó cũng ngồi chồm hỗm ở vỉa hè quán bán cơm đã thu dọn, đã hạ hai tấm ván, trải chiếu, mắc màn để chờ ông nó bất thần nhon nhón bước lại. Nó nhìn đờ đẫn những bậc gạch tối đen, ẩm ướt trong ánh đèn đường nhoè nhoẹt, kêu lên khe khẽ từng lúc một: Ông ơi! Ông ơi!”. Cũng có khi, chỉ một cử chỉ, hành động rất nhỏ nhặt, trước một lối sống, một nhân cách con người hay một mơ ước, khát khao mang tính nhân văn đã có thể va chạm sâu xa trong tâm hồn của con người vốn dễ đa cảm này. Không kìm giữ được lòng mình, ông lại để cho cảm xúc chảy tràn trên mặt giấy: “Chao ôi! Một anh thợ vô danh ở làng mà lại dám có cao vọng đoạt quyền tạo hoá bằng cái chàng, cái đục của mình sao?” (Nghệ nhân ở làng). Hay như “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống, chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng (Một người Hà Nội).
Trong khi xu hướng chung của truyện ngắn hiện nay là rất tâm đắc với “sự vắng mặt” của người viết, với “độ không” của ngòi bút với một thi pháp kìm nén, cộc lốc, vật vờ, bỏ lửng, đôi lúc tưởng như gặp chăng hay chớ, với một lối kết thúc
hoàn toàn bất ngờ, đánh đổ, bẻ ngoặt, đánh lừa, lộn trái, thì truyện ngắn Nguyễn Khải như cố tình bày ra, khoe ra cái tôi xúc cảm, nhân hậu, dễ mủi lòng của mình với một lối kết thúc, cũng là kết thúc mở đấy nhưng gần như đã có sự định hướng hay “vón cục” về vấn đề, về triết lý, về chiều hướng suy nghĩ, chiêm nghiệm. Đôi lúc chúng ta thấy ông cố gắng thử sức trong một lối kết thúc bất ngờ, đánh tráo, bẻ ngoặt nhưng dường như cái lối viết đó không phù hợp với “tạng” văn của ông.
Công bằng mà nói, trong truyện ngắn Nguyễn Khải thỉnh thoảng cũng có những kết thúc bất ngờ, bẻ ngoặt khá thú vị như truyện ngắn Nếp nhà, Đời khổ
nhưng hầu hết những cách kết thúc bẻ ngoặt này đều không mấy thành công. Nó tỏ ra đuối, nhạt nhẽo, lạc lõng, khó hiểu như trong truyện Danh dự, Sống ở đời, Người của nghề… mà hầu hết có lẽ chúng là hệ quả của một sự cố gắng “bứt phá” trong cách kết thúc này.
Nói chung, trong cách kết thúc, Nguyễn Khải đã có nhiều dụng công và cũng đã có được một số thành công trong việc tạo dựng được một lối kết thúc của riêng mình, một lối kết thúc kiểu triết lý, chiêm nghiệm về sự đời và lẽ sống của con người. Nó hợp với phong cách kể truyện, giọng điệu, cảm hứng nghệ thuật nhiều triết lý của ông. Tuy nhiên, trong nhiều truyện ngắn của ông, phần mở đầu, cách giải quyết vấn đề, tạo xung đột, thắt nút đều ít nhiều hay, độc đáo, mang tính khám phá của riêng nhà văn, đề cập đến nhiều vấn đề nhân sinh sâu sắc nhưng đến phần kết thúc lại chưa được hay, sắc sảo, dư ba, ám ảnh như mong đợi của người đọc. Mở màn là tìm tòi, khám phá, đặt vấn đề bằng kinh nghiệm cá nhân nhưng kết thúc lại dễ dãi xuôi chiều, giải quyết vấn đề thì “đọc Nguyễn Khải thường có cảm tưởng như xem một vở kịch không thật hoàn chỉnh”. Còn như nói theo cách nói của chính ông thì mở màn là “bơi ngược một tí, rẽ ngang một tí” nhưng kết thúc lại “khuôn mình theo dòng chảy, theo dòng mà bơi, bơi cùng với đồng đội, vừa an toàn, vừa vui vẻ” (Anh hùng bĩ vận).
Chương 4: