Cách mở đầu

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải (Trang 83 - 88)

3. Cách mở đầu và cách kết thúc truyện

3.1. Cách mở đầu

Xưa nay, mỗi tác phẩm văn học luôn được xem là một thế giới nghệ thuật riêng, mà ở đó con người, sự việc, tính cách, biến cố, không gian – thời gian, chi tiết nghệ thuật, đều mang tính “duy nhất”, không lặp lại và tương đồng với bất kể một tác phẩm nào khác. Chính vì vậy, sáng tác một tác phẩm văn học nghệ thuật, yêu cầu đầu tiên là phải tạo dựng được cho nó một bầu khí quyển riêng. Khác với tiểu thuyết, là một thể tài có khả năng phản ánh một cách toàn vẹn và sinh động hiện thực cuộc sống với nhiều quá trình, nhiều tính cách, số phận khác nhau thì truyện ngắn chỉ là một lát cắt của cuộc sống. Tính “quy định” về dung lượng, kết cấu, cốt truyện, tình huống, nhân vật, không cho phép truyện ngắn có thể nói nhiều như tiểu thuyết. Vì vậy, yêu cầu tạo dựng được một không khí riêng của truyện ngắn ngay từ câu mở đầu hết sức quan trọng.

“Y như một người chạy đua 100m, ngay từ câu mở đầu cho đến khi kết thúc, người viết không lúc nào được nhởn nhơ, la cà mà phải trong một lúc, dồn hết sức lực và tâm trí vào cái đích”(Nguyễn Minh Châu [314-3]. Ngay từ câu mở đầu, phải dứt ngay được người đọc ra khỏi thế giới hiện thực bề bộn người ta đang sống, ném ngay họ vào bầu khí quyển của truyện, nhấn chìm họ trong đó, bắt họ sống cái

đời sống riêng của truyện với những khung cảnh, con người, sự việc cụ thể, chân thực đến mức tưởng như có thể nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy được. Việc tạo dựng không khí riêng ấy trong truyện ngắn phải được thực hiện ngay từ câu mở đầu, đoạn mở đầu.

Tuy nhiên, với truyện ngắn Nguyễn Khải, có vẻ như nhà văn ít dụng công trong việc tạo dụng phần mở đầu, chính vì thế trong truyện ngắn của ông chúng ta không thấy nhiều nhiều đoạn mở đầu, câu mở đầu hay, độc đáo. Cách vào truyện thường gặp nhất trong truyện ngắn của ông là cách vào truyện trực tiếp với những thời điểm, những con người, những mối quan hệ cụ thể.

Đây là cách vào truyện bằng những mốc thời gian, có cả những mốc thời gian của hiện tại, có cả thời gian của hồi ức, quá khứ:

- Năm 1941, gia đình tôi từ Hà Nội dọn ra sống ở Hải Phòng.(Thầy Minh). - Cuối tháng 12 năm 1946, tôi xin gia nhập trung đội Tự vệ chiến đấu của

thị xã Hưng Yên. (Hoa cỏ may).

- Đầu năm 1957, tạp chí văn nghệ Quân đội được dọn ra ở ngoài phố(Chị Mai).

- Cách đây hai chục năm, dọc đường Lý Nam Đế của Hà Nội có một bà lão gánh đôi sọt đan to đi nhặt hoa tại các công sở (Mẹ và các con)

Còn đây là cách mở đầu bằng những mối quan hệ giữa cái tôi trần thuật và những con người cụ thể trong truyện:

- Vợ chồng Tiếp và Hạnh là bạn của tôi từ nhiều chục năm (Một bà mẹ chồng tuyệt vời).

- Chúng tôi gọi cô, cô Hiền, là chị em con dì ruột với mẹ già tôi … (Một người Hà Nội).

- Anh Hợp và tôi là đồng đội, lại cũng là bạn đồng tuế và đồng nghiệp …

Cách mở đầu truyện bằng những mốc thời gian xác định và các mối quan hệ cụ thể như thế này, gần như nó chuẩn bị sẵn trong đầu óc người tiếp nhận những mô típ chuyện kể khá quen thuộc, hoặc kể về một vấn đề, sự kiện xảy ra vào cái thời điểm xác định ấy hoặc là những mối quan hệ, hành động, việc làm với những con người được nhắc tới. Tình huống truyện sẽ ít có cái căng thẳng, gay cấn, độc đáo mà hầu như chỉ là một hồi ức, một cuộc gặp gỡ tình cờ. Nó là cái cớ để nhà văn giăng mắc lên những câu chuyện. Cách kể chuyện như thế có một ưu thế rất lớn trong việc tạo dựng một không khí gần gũi, tự nhiên, chân thật với cách vào truyện, cách kể chuyện có thứ tự, lớp lang, gần với kiểu truyện truyền thống.

Sang thời kỳ Đổi mới, cùng với việc đổi mới cách nghĩ, cách viết nhà văn cũng đã khác trước. Truyện ngắn của ông có nhiều sự cách tân về mặt thể loại. Cách kể chuyện và tính nghệ thuật của truyện được chú trọng hơn. Nhiều truyện ngắn của ông ngay từ câu mở đầu, phần mở đầu đã tạo dựng được một bầu khí quyển riêng. Cái không khí truyện, cái giọng điệu nghệ thuật trong mấy câu mở đầu của những truyện ngắn này như vồ chộp lấy người đọc, nhận chìm họ trong thế giới của truyện. Cách mở đầu của Luật trời là một trong những cách vào truyện như thế:

“Thế là cái việc phải đến đã đến, không tránh được, buộc y phải quyết định trong mấy ngày tới, có thể ngay trong ngày mai, y phải sống như thế nào?. Cái quyết định tới sẽ rất đau đớn nhưng nó lại chấm dứt mọi nỗi lo sợ, phấp phỏng, những ân hận, tủi nhục đã xé nát tâm hồn y từ thuở trẻ thơ đến tận ngày tóc đã gần bạc trắng. Năm mươi tuổi, tức là đã sống được hai phần ba đời người, cái phần đời đẹp nhất, sôi nổi nhất nhưng y lại chưa từng được biết một niềm vui nào thật trọn vẹn”.

Mở đầu truyện là một ám ảnh tâm lý. Một con người khốn khổ với những dằn vặt của nội tâm, đang tìm cách trốn chạy quá khứ. Mải miết chạy. Cắm cúi chạy. Nhưng dường như càng lẩn trốn, càng che dấu thì sự thật lại càng bị phơi

bày. Con đường trước mắt cứ như ngắn lại, nhập nhoà, lẫn lộn cả quá khứ – thực tại. Không thể trốn chạy được mãi cũng không thể phanh chân được trước cái vực thẳm hun hút trước mắt, con người khốn khổ ấy đã hụt chân, đã bị cái vực thẳm quá khứ tội lỗi của chính mình hút lấy, nuốt chửng.

Ngay từ câu mở đầu, nhà văn đã cho người đọc thấy được cái tình huống, một tình thế bắt buộc phải lựa chọn: một sự tồn tại, một lẽ sống hay là nhân cách con người, dẫu đấy là một con người khốn khổ, cô độc, lạc loài, tha hoá ngay với chính bản thân mình (suốt đời trốn chạy chính mình).

Câu mở đầu trong truyện ngắn vốn là một nhân tố quyết định để tạo ra không khí, giọng điệu riêng cho truyện. Viết được câu mở đầu, nhà văn như mở toang được cánh cửa bí ẩn trong tâm hồn nhân vật. Ở đây, nhà văn đã tạo ra câu mở đầu bằng rất nhiều lớp khác nhau, là những lớp ngôn từ tiềm ẩn, dồn nén rất nhiều sự kiện và tâm lý nhân vật. “Thế là cái việc phải đến đã đến, không tránh khỏi, buộc y phải quyết định trong mấy ngày tới, có thể ngay trong ngày mai, y phải sống như thế nào?. Trong câu mở đầu này, có tâm trạng, thái độ của nhân vật (“ thế là”- một sự việc nào đấy có thể rất nghiêm trọng, kinh khủng, chắc chắn sẽ xảy ra, như một câu thở dài, “không tránh được” – và đã có sự chuẩn bị, đón đợi); có biến cố (“đã đến”-sự việc đã xảy ra); có thời gian cụ thể (“trong mấy ngày tới, có thể ngay trong ngày mai”- thời gian hiện tại nhưng đang hướng đến tương lai); có diễn biến, phát triển (“buộc y phải quyết định””y phải sống như thế nào?” – sự lựa chọn thật khó khăn, nó quyết định sự diễn biến của cốt truyện).

Chỉ với một câu mở đầu như thế, nhà văn đã „nói” được rất nhiều với độc giả và nó cũng dồn nén được rất nhiều day dứt, đau đớn của nhân vật (“những nỗi lo sợ, phấp phỏng, những ân hận, tủi nhục đã xé nát tâm hồn y từ thuở bé thơ đến tận ngày tóc đã bạc trắng”). Nó hứa hẹn một câu chuyện rất ám ảnh về một ký ức khủng khiếp mà ở đó sẽ có rất nhiều dằn vặt, đối thoại nội tâm. Đã từ lâu, y đã sống trong một sự phẩp phỏng, một sự trốn chạy mà lúc nào bên tai cũng văng vẳng lời

phán xét lương tâm, lời tuyên án của Trời cho bản án của một người con đã dám làm cái chuyện đảo hành nghịch lý (Làm điều trái ngược luân thường) - giết chết cha đẻ của mình. “Xưa kia là bản án của Người, Người còn thương người lắm. Bây giờ là bản án của Trời. Trời không thương riêng ai, không ghét riêng ai, công bằng và nghiệt ngã”.

Có thể nói, với một cách mở đầu như thế, nhà văn đã thổi vào truyện một hơi thở ngồn ngộn của sự sống, đã có thể “nhận chìm” độc giả trong cái bầu khí quyển riêng của truyện cũng như đánh thức, kêu gọi lương tri con người luôn phải tự đối diện, đối thoại với quá khứ, với lương tâm của chính mình. Một cách mở đầu thật độc đáo, lão luyện. Tiếc rằng trong truyện ngắn Nguyễn Khải cách mở đầu như thế này không nhiều.

Bên cạnh cách mở đầu bằng một ám ảnh tâm lý như trên, trong truyện ngắn của Nguyễn Khải, chúng ta còn bắt gặp những kiểu vào truyện độc đáo khác của nhà văn, đó là cách vào truyện theo kiểu đòn bẩy, hoặc kiểu triết lý gợi cho người đọc rất nhiều hứng thù tò mò:

Ông có cái mã ngoài đáng được kính trọng: cao lớn, trắng trẻo, mắt sáng, miệng tươi. Tướng người có uy lắm. Hơn nữa ông lại là vụ trưởng một Bộ quan trọng. Vậy mà một đời ông không được bạn bè, cấp dưới và cả vợ con nể trọng như ông xứng đáng được có. Vì sao thế? Chẳng vì sao cả. Ông chả có khuyết điểm gì cả. (Sống giữa đám đông).

Con người ta đã tới tuổi 60, tuổi được nghỉ hưu, còn sống năm nào lấy sự an vui làm chính, lão giả an chi, không giám có sự phiêu lưu mới, không dám có danh vọng mới, cái gì đã có chỉ mong nó đừng mất đi, rất sợ sự thay đổi, càng thay đổi người già càng thiệt, vì họ là một phần tử bị động, phụ thuộc, không có khả năng chặn đứng, càng không có khả năng đảo ngược, tiền bạc hết uy quyền hết, trí lực suy kiệt lấy gì mà chống chọi với hoàn cảnh. Ấy là nói chung thì thế, với nhiều

người đồng tuế thì thế, chứ với tôi, cái số phận của tôi lại lại khác hẳn.(Sống giữa đời).

Trong nhiều truyện khác, chúng ta thấy Nguyễn Khải lại vào truyện bằng cách trữ tình ngoại đề, hoặc mở rộng vấn đề, điểm nhìn trần thuật như Lạc thời, Một chiều mùa đông hoặc là miêu tả cảnh vật thiên nhiên như Mùa lạc, Nghệ nhân ở làng. Cách vào truyện bằng hồi ức, sự kiện cũng là một cách mở đầu thường gặp như trong Đời khổ, Người của nghề, Danh dự, Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu.

Rõ ràng cách vào truyện của Nguyễn Khải rất phong phú, đa dạng. Sự phong phú đó chính là do sự thay đổi trong kết cấu, cách tạo tình huống, cách xây dựng chi tiết, biến cố, trong giọng điệu, cũng như trong điểm nhìn trần thuật của nhà văn. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nhìn nhận thì trong cách mở đầu và cách vào truyện của truyện ngắn Nguyễn Khải chúng ta thấy ít có sự thay đổi mới và cách tân cũng ít thấy có sự dụng công trong công nghệ vào truyện. Nhiều truyện mở đầu bình thường, thậm chí lười biếng, thiếu sự dồn nén hay sự “đánh đố”, “thách thức” gây tò mò, hấp dẫn người đọc. Dẫu sao, cách vào truyện của ông gần với kiểu kể chuyện và viết truyện truyền thống hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải (Trang 83 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)