CHƯƠNG 3 SỰ HỘI NHẬP CỦA NGƯỜI VIỆT NAM DI CƯ TỰ DO
3.5. Những thuận lợi và khó khăn trong cuộc hội nhập của của người Việt Nam d
Nam di cư tự do tại làng Thạt Luổng
3.5.1. Những thuận lợi
Những thuận lợi trong cuộc hội nhập của của người Việt Nam di cư tự do tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn trước tiên xuất phát từ những thuận lợi trong bối cảnh kinh tế xã hội mà người Việt khi bước chân đến Lào.
Sự hòa nhập của người Việt Nam di cư tự do tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn được dựa trên nền tảng tình hữu nghị đặc biệt hai nước Việt – Lào trong suốt chiều dài lịch sử, và mối quan hệ chính trị, thương mại giữa hai nước trong hiện tại và tương lai.
Thuận lợi tiếp theo trong cuộc hội nhập của của người Việt Nam di cư tự do tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn là do bản tính tương thân tương ái, cởi mở của nhân dân các bộ tộc Lào. Người dân Lào quan niệm về cuộc sống khá đơn giản, họ ít ganh ghét, bon chen về chuyện giàu nghèo, địa vị. Cuộc sống từ tốn và chậm rãi. Và đối với nhiều người Việt sang đây mưu sinh, Viêng Chăn yên bình, gần gũi quá đỗi nên họ đã chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình [38]. “Sinh sống tại Lào khỏe hơn, tinh thần thoải mái hơn. Theo phong tục tập quán của Lào không lo lắng nhiều đến cuộc sống” [11].
Người Lào luôn nhìn nhận tích cực về người Việt Nam. Như bà Monethong Charoensad, một nhà kinh doanh ở thủ đô Viêng Chăn nói rằng: “Người Việt Nam sang Lào làm việc là những người chịu khó, siêng năng nên người Lào thích thuê
họ, cho dù họ cũng còn có một số nhược điểm … nhưng điều đó không làm người Lào ghét họ, mà vẫn luôn đề cao và coi họ là người bạn tốt. Vì họ đã làm những việc mà người Lào không làm được hoặc không muốn làm.” Người Lào luôn tôn trọng sự đóng góp của người Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế của Lào. Không thể phủ nhận rằng, người Việt Nam đến Lào, mang theo văn hóa sinh kế đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Lào (nền kinh tế Lào mang tính chất tự nhiên, tâm lý của người Lào là sống dự vào lợi thế sẵn có trong tự nhiên, người Lào sống “chậm”, và “no đủ”…). Cách kiếm sống của người Việt tại Lào đã tác động khiến tâm lý người Lào từ chỗ không biết buôn bán, làm ăn trở thành người biết buôn bán làm ăn và năng động lên trong công cuộc buôn bán làm ăn…
Có thể nói từ xưa đến nay "Người Việt ở Lào là một cộng đồng đoàn kết, chí thú làm ăn và luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Họ có bản sắc riêng thuần Việt nhưng rất am hiểu tiêu dùng của người dân Lào trong kinh doanh, làm ăn buôn bán. Họ cũng biết tận dụng nhiều tính cách, khí chất của người Việt trong các công việc thuộc ngành dịch vụ cũng như xây dựng thương hiệu kinh doanh"[8] - anh Khamdist, Bí thư Tỉnh đoàn Attapeu (Lào), nhận xét.
Ngoài ra, những thuận lợi trong cuộc hội nhập của của người Việt Nam di cư tự do tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn không thể không kể đến sự giúp đỡ, chăm lo của Tổng hội người Việt Nam tại Lào. Từ ngày có Tổng hội người Việt Nam tại Lào, phong trào hướng về cội nguồn của bà con kiều bào ngày càng phát triển. Tổng hội luôn phối hợp với Đại sứ quán, Thành hội tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, văn nghệ, góp phần thiết thực, gắn kết cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Bà con trong cộng đồng ai cũng nhiệt tình hưởng ứng các phong trào trong nước phát động, nhất là việc ủng hộ người dân các vùng bị thiên tai. Có thể nói, người Việt hoà vào cuộc sống yên bình ở nước bạn nhưng vẫn luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với quê nhà Việt Nam.
3.5.2. Những khó khăn
Cũng như các tộc người khác, khi di cư đến Lào, người Việt phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức với các điều kiện môi trường mới để sinh tồn. Cụ thể:
Ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp của một cộng đồng người trong một xã hội, trong một đến nước. Trong chuyến khảo sát thực địa của tác giả, những người được phỏng vấn cho biết, khi họ đến Lào gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ. Ngôn ngữ quyết định sự giao tiếp giữa những người Việt Nam với những người dân xung quanh. Họ phải tự học ngôn ngữ. Cho đến nay, khi đã quen thuộc, hầu hết những người Việt Nam di tự do tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn, đã có thể nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Lào. Thông thường khi giao tiếp, buôn bán, làm ăn kinh doanh với người Lào họ sử dụng tiếng Lào. Còn trong gia đình họ sử dụng tiếng Việt. Mặc dù vậy, đối với những người Việt Nam trưởng thành, sang Lào làm ăn, buôn bán, dù lâu năm, họ vẫn gặp khó khăn trong giao tiếp với người Lào, vì đôi khi “không thể diễn tả, truyền đạt hết được ý nói với người Lào, hoặc không thể hiểu hết được ý người Lào nói” – một Việt kiều chia sẻ [11].
Thứ hai, sự khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng.
Khó khăn đầu tiên chính là sự khác biệt về văn hóa. Trong mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa giữa người Lào và người Việt có nhiều điểm khác biệt. Ví dụ như trong hôn nhân, người Việt quan niệm sau khi cưới cô dâu (nhất là cô dâu cả) về cư trú phía nhà chồng và có trách nhiệm chăm lo công việc (ít nhất là việc giỗ chạp – thời phụng tổ tiên, người Việt gọi là hương khói...) cho nhà chồng. Quan niệm của người Lào lại ngược lại: sau hôn nhân chàng rể phải về cư trú phía nhà cô dâu và có trách nhiệm chăm lo mọi việc trong gia đình cho nhà vợ, theo phong tục nhà vợ mà không được phép tổ chức việc thờ phụng tổ tiên của nhà nội theo phong tục Việt Nam tại nhà vợ... Những khác biệt mang tính mấu chốt này đã cản trở không ít đối với những hôn nhân hỗn hợp.
Hay trong đời sống tín ngưỡng cũng có sự khác biệt rõ ràng, ví dụ người Việt theo đạo Phật Đại Thừa, còn người Lào theo đạo Phật dòng Tiểu Thừa. Không phải bất kỳ người nào cũng sẵn sàng bỏ qua truyền thống để hội nhập, không phải ai cũng có thể gia nhập lối sống của người Lào là khi đến tuổi trưởng thành, hoặc lúc để tang bố mẹ, họ phải cạo trọc đầu, mặc áo đi tu. Hay khi có tang ma không phải gia đình có người chết nào cũng mời sư chùa Lào về làm lễ cầu siêu, rồi thiêu xác ở chùa, sau đó nhặt đặt vào trong các thạt giống như người Lào. Theo tài liệu chuyên khảo của tác giả Nguyễn Duy Thiệu cho thấy, hơn 90% người gốc Việt, mặc dù đã
mang quốc tịch Lào nhưng khi có người chết chôn như người Việt trong nghĩa địa Việt, và con trai vẫn mặc áo xô, chống gậy (cha gậy tre, mẹ gậy vông) để chịu tang bố mẹ chứ không phải cạo trọc đầu mặc áo cà sa vào chùa đi tu để chịu tang như người Lào.
Thứ ba, khó khăn từ chính sách của Nhà nước Lào đối với những người Việt Nam di cư tự do tại Lào.
Khó khăn tiếp theo chính là chính sách của Nhà nước Lào đối với những người Việt Nam di cư tự do tại Lào nói chung, tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn nói riêng. Pháp luật Lào chỉ cho phép công dân được mang một quốc tịch. Hơn thế, pháp luật Lào không cho phép ngoại kiều sở hữu các loại bất động sản quan trọng như: ruộng đất và nhà ở; không cấp thẻ môn bài cho ngoại kiều để sản xuất và kinh doanh, và trước năm 2003 không cho phép con em ngoại kiều được thi vào các trường đại học tại Lào... Đối với một số Việt kiều được tham gia kinh doanh và buôn bán thường bị đánh mức thuế rất cao (gấp khoảng 10 lần mức thuế của người Lào- một Việt kiều chia sẻ). Bởi thế mà phần đông người Việt đến Lào đều tìm cách nhập quốc tịch Lào vì sinh kế.
Hơn nữa, như một người làm ăn lâu dài tại Lào cũng phải thừa nhận, đa phần người Việt sang đây lao động chân tay, trình độ dân trí thấp, những khu vực của người Việt hiện nay cũng đang xảy ra khá nhiều tệ nạn xã hội từ trộm cắp vặt đến các vi phạm pháp luật khác. Điều này khiến cho người dân Lào hiện nay đã giảm bớt thiện cảm với người Việt hơn so với trước đây. Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến hiện nay, chính quyền Lào ngày càng siết chặt quản lý đối với các cơ sở kinh doanh và các lao động người Việt Nam. Điều này khiến cho những người dân Việt Nam làm ăn sinh sống tại Lào cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Có thể nói, khi sang làm ăn, sinh sống tại Lào, người Việt ban đầu gặp khá nhiều khó khăn do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng. Tuy nhiên, “mình ở đâu thì mình phải quen ở đó”, “nơi mình sống mình phải hòa nhập vào”, người Việt Nam đã khắc phục những khác biệt, hòa nhập vào cộng đồng người Lào từ ẩm thực, ăn mặc, cách sống.
3.6. Vấn đề bảo tồn tiếng Việt và văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt Nam di cư tự do tại làng Thạt Luổng
Liên quan đến ngôn ngữ, thì một khó khăn, thách thức quan trọng cần phải nhắc đến, đó chính là: Vấn đề bảo tồn tiếng Việt và văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam di cư tự do tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn.
Tiếng mẹ đẻ là di sản văn hóa mà mỗi tộc người mang theo suốt quá trình lịch sử của mình, là sợi dây bền chặt nối liền các thế hệ và là phương tiện không gì thay thế được nhằm xã hội hóa từng cá nhân trong một cộng đồng [18, tr.303]. Sống ở xa quê, người Việt tại Lào, ngoài việc mưu sinh, họ luôn chăm lo cho “bản sắc văn hóa con Rồng cháu Tiên" của cộng đồng không bị mai một, mà trước hết là ngôn ngữ, theo kiểu “tiếng nói còn thì dân tộc ta còn”. Bởi thế mà nói là vấn đề dược cộng đồng quan tâm đặc biệt. Trong bối cảnh mà một nhóm người bị chia tách khỏi cộng đồng chính, chuyển cư tới sống lại một địa bàn cách biệt với địa bàn truyền thống của tổ tiên mình, ví dụ cụ thể như cộng đồng người Việt tại Lào chẳng hạn, thì cái mất hay còn của ngôn ngữ, của tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa như mất hay còn của bản sắc tộc người.
Hiện nay, hầu hết những người Việt Nam di tự do tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn, đã có thể nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Lào. Đối với những cháu bé theo gia đình sang làng Thạt Luổng sinh sống, học tập thì hiện đang theo học trường tiểu học Việt - Lào, các cháu thường giao tiếp bằng tiếng Việt và tiếng Lào. Nhưng như một Việt kiều chia sẻ, “các cháu lớn lên, học tập ở đây, rồi các cháu cũng theo văn hóa Lào”. Cùng với đó, đối với một số cháu bé sinh tại Lào khi bố mẹ làm ăn, sinh sống tại đây thì lại sử dụng tiếng Lào nhiều hơn so với tiếng Việt.
Có thể nói việc sử dụng ngôn ngữ Lào và Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn khá cân bằng nhau. Điều này một phần do bối cảnh di cư cũng như ngành nghề mà những người Việt di cư sinh sống ở đây. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thực trạng của cộng đồng người Việt Nam di cư tại lào thì thế hệ Việt kiều thứ 3, thứ 4 không biết sử dụng tiếng Việt còn cao hơn nhiều. Như chị Mai Châu - một Việt kiều, đã chia sẻ trong tọa đàm tại Viêng Chăn vào tháng 4 năm 2004 rằng: "... vấn đề bức xúc đầu tiên là phải xóa nạn mù chữ
tiếng Việt. Vì kém tiếng Việt mà khoảng 90% trẻ em Việt kiều không hiểu nguồn gốc của mình. Không có trường học cho các em học, nên các em không biết đọc sách báo tiếng Việt. Những từ rất đơn giản như “thủ tướng”, “từ thiện”, “viện nghiên cứu”... có nghĩa gì trẻ em đều không biết. Do đó, khi các cháu đến trường Việt học, không hiểu thầy cô giáo nói gì cả thì làm sao mà thích học cho dược. Do dó, muốn cho trẻ em Việt kiều biết về Việt Nam thì khâu đầu tiên là phải xây trường học tử tế cho các em học” [18, tr.209]. Có thể nói, tình trạng mai một tiếng mẹ đẻ trong người Việt tại Lào luôn làm cho những người có tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc hết sức ưu tư.
Phải khẳng định rằng, một trong các nguyên nhân làm phai nhạt tiếng mẹ đẻ do vấn đề giáo dục. Có thể nói, với truyền thống Nho giáo, người Việt ở Việt Nam rất hiếu học, nhưng ở bộ phận khi di cư đến Lào, một mặt do không bị sức ép về sinh kế, họ chỉ lo buôn bán kiếm sống thường nhật, mặt khác từ năm 2003 về trước các quy định ở Lào không cho phép con em ngoại kiều sau khi đã tốt nghiệp phổ thông có cơ hội được học tiếp ở các bậc cao hơn đã làm cho truyền thống hiếu học vốn có của Việt kiều thay đổi. Nhận thức được điều này, những năm qua, Hội người Việt Nam ở các tỉnh đã tổ chức tốt việc dạy và học tiếng Việt cho con em, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, hoạt động hướng về đất nước luôn được Hội quan tâm duy trì thường xuyên. Mỗi tỉnh, thành phố trên đất nước Lào đều có trường học của người Việt dành cho con em, nhưng đó chỉ là những ngôi trường tiểu học. Lên cấp II tất cả các em buộc phải chuyển sang trường của Lào học. Chính vì vậy việc học tiếng Việt của các em bị hạn chế rất nhiều. Hiện tại, Hội người Việt Nam đang phấn đấu để nâng lên giáo dục cấp II bằng tiếng Việt, (như trường THCS Hữu nghị Lào - Việt tại tỉnh Xa văn na khệt). Đối với cộng đồng người Việt Nam tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn, các cháu nhỏ đã được tiếp cận với cơ hội học tập tốt hơn, có điều kiện bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết người Việt Nam tại trường Tiểu học Nguyễn Du, Thủ đô Viêng Chăn. Như anh Nguyễn Thế Hiển, khi còn ở Việt Nam anh học trung học, sang Lào anh học lại tiếng Lào tại trường Tiểu học Nguyễn Du. Tại các trường do các tổ chức Hội quản lý đều có giáo viên dạy tiếng Việt do Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam cử sang và giáo viên tại một số tỉnh miền trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum. Năm học 2018-2019, các
trường đang triển khai thử nghiệm giảng dạy, học tập tiếng Việt dành riêng cho người Việt tại Lào theo bộ sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 12 [41]. Có thể nói, mọi thứ thay đổi theo chiều hướng mà tinh thần hiếu học của người Việt sẽ được tái phục hồi trong cộng đồng người Việt ở Lào. Nhưng dường như chỉ mới ở thời điểm của sự khởi đầu...
Kết luận Chương 3
Có thể thấy, di cư đến môi trường mới, để sinh tồn và phát triển, những người Việt Nam di cư tự do đã phải chuyển đổi sinh kế theo hướng: xa rời truyền thống trồng lúa nước, chuyển sang các hoạt động buôn bán, làm công nhân… Sự thay đổi của môi trường sống cùng với sự cộng cư với người Lào, đã khiến đời sống vật chất của người Việt Nam tại làng Thạt Luổng, thủ đô Viêng Chăn có nhiều biến đổi, để kiếm sống và cũng là trong vô thức, thời gian hình thành nên quá trình hội nhập trong cuộc sống hiện nay của người Việt di cư tại làng Thạt Luổng.
Trong quá trình này, người Việt Nam di cư tại Lào nói chung, người Việt Nam