Không gian sinh thái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua các phim bến không chồng, trăng nơi đáy giếng, cánh đồng bất tận (Trang 33 - 42)

Chương 2 : Không gian nông thôn trong ba bộ phim

2.1 Không gian sinh thái

Với nhiều người dân Việt Nam, làng quê là một hình ảnh hết sức quen thuộc và thân thương từ tấm bé. Cái thuở lên bảy, lên tám đã chạy giỡn khắp xóm làng cùng lũ bạn bè tinh nghịch. Nghịch ngợm đủ trò, nào là bắt cào cào, châu chấu; chơi ô quan; rồi thả diều; rồi đá bóng … Bao nhiêu là thú vui của con nít quen thuộc với tất cả chúng ta mà khi nhớ lại trên môi mỗi người đều nở một nụ cười hoài niệm về những kí ức tươi đẹp.

Mỗi làng quê lại có một đặc trưng vùng miền khác nhau nhưng có khác như thế nào đi chăng nữa thì mỗi cảnh vật của từng vùng đều mang những nét đẹp dân dã, bình dị và gợi nhớ. Làng quê miền Bắc bộ ghi dấu với hình ảnh những ruộng bậc thang lên thác xuống ghềnh, những ruộng lúa miên man thẳng cánh cò bay xanh rợn cả một khung trời. Làng quê miền Trung lại làm ta nhớ về những cánh đồng muối trắng trên nền trời màu xanh của biển tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng hài hòa và thơ mộng. Bên cạnh đó, là hình ảnh những ngư dân lam lũ trên biển hiện lên một cách chân thực nhất nhưng ở họ luôn luôn cho ta thấy một hình ảnh khỏe khoắn, vui tươi trong lao động. Còn vùng quê Nam bộlại tha thiết với những

điệu hò, câu ví trên sông của những thiếu nữ xinh đẹp trong những chiếc áo bà ba đủ màu sắc cùng với vành nón lá che nghiêng. Hay đó còn là những khu miệt vườn với vườn cây ăn trái trĩu quả, đầy màu sắc, đủ chủng loại, mùa nào quả nấy sẵn sàng phục vụ khách đường xa.

Khi nói đến làng quê Bắc bộ, người ta thường nghĩ ngay đến cây đa, bến nước, sân đình... Đến những ngôi nhà giản dị, thoáng mát, với hàng rào râm bụt, vườn cây... Tất cả những cảnh vật ấy chỉ cần nhìn thoáng qua thì ai ai cũng đều đoán ra được đó là vùng miền nào trên dãy đất Việt Nam hình chữ S trải dài từ Bắc tới Nam. Khung cảnh ấy khiến con người ta có thể tìm thấy một cuộc sống bình dị, thanh bình mà thời đại ngày nay khó có thể tìm thấy ở những khu đô thị lớn.

Vẫn là lũy tre, mái đình, cây đa, bến nước.…những hình ảnh thân thuộc được xuất hiện đầy đặn trong tác phẩm điện ảnh Bến Không Chồng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã rất xuất sắc kết hợp với phần thiết kế, âm thanh, ánh sáng và phần dàn cảnh vào trong phim để tạo ra bối cảnh làng Đông hết sức tinh tế, sinh động và chân thật đến từng khung hình. Điều đó cũng có nghĩa là tôi rất thích và ngưỡng mộ cũng như trân trọng cả ê-kip của đoàn phim đã quá tỉ mĩ và bỏ vào đó là cái tâm, cái sức lực cho phần thiết kế âm thanh, ánh sáng và phần dàn cảnh trong phim. Tôi nghĩ là chính những khâu này cũng đã góp phần không nhỏ cho thành công của bộ phim.

Phần âm thanh trong phim rất tuyệt vời, đó là âm thanh của bài đồng dao, của làn điệu chèo, của tiếng cười trong vắt tạo nên không gian Bắc bộ rất đậm nét. Hay nhạc nền của phim cũng được sử dụng vô cùng ấn tượng bởi tiếng đàn nguyệt, đàn nhị và tiếng sáo….Tất cả những điều đó đã được tính toán một cách chi tiết, tạo nên một khúc hòa tấu hài hòa cho cả một bộ phim. Ngoài ra, tính cách nhân vật, nét vùng miền đặc trưng được thể hiện qua giọng nói và lời thoại trong phim được đánh

giá là bám sát phần lớn đối thoại của nhân vật trong tiểu thuyết. Đây có thể nói là sự sáng tạo của đạo diễn nhưng vẫn tôn trọng những cái hay, tinh tế nhất dành cho tác giả câu truyện. Về ánh sáng trong phim Bến không chồng, đạo diễn đã tạo được ấn tượng từ ánh sáng tự nhiên đến ánh sáng nhân tạo. Ông đã khéo léo sử dụng nguồn ánh sáng của ban ngày phủ lên một màu sắc dịu nhẹ cho những toàn cảnh ở làng Đông, tạo sự tự nhiên, hài hòa về màu sắc.Và khi đêm về ánh sáng được tiết chế mang màu sắc âm u, nặng nề của đời sống cũng như tạo nên không gian tù túng, chật hẹp cho những kiếp người bị bó buộc trong chính quê hương của mình, lột tả nội tâm sâu thẳm của từng con người ở làng quê trong cuộc chiến.

Toàn cảnh làng Đông xuất hiện trên những khung hình đầu tiên là mái đình làng cổ xưa, con đường lát gạch nhỏ hẹp dài hun hút, giữa hai bức tường cao gạch trần chưa được trát vữa hay những ngôi nhà sát nhau để lộ những mảng tường rêu phong cũ kĩ. Làng Đông hiện lên đầy chân thật, gần gũi mà cổ xưa với những dấu vết của thời gian xưa cũ còn được lưu giữ lại đầy đủ nhất. Con người xuất hiện trong bối cảnh đó kết hợp với trang phục đơn sơ, màu sắc là những chiếc áo bà ba, áo yếm màu nâu sòng hay những chiếc quần thâm đen đã nhạt màu vì sờn cũ làm bật lên cái nghèo khổ nơi đây rõ ràng hơn bao giờ hết. Những vật dụng, đạo cụ trong phim như chiếc cối đá, cối giã gạo, cối xay gạo hay chiếc chõng tre,...cũng mang ý đồ về nghệ thuật dàn cảnh trong phim. Có thể nói sự sắp xếp của các đạo cụ trong từng phân đoạn phim đều vô cùng hợp lí. Trong phim đạo diễn đã chọn gam màu lạnh làm chủ đạo xuyên suốt phim, đôi khi ông còn sử dụng gam màu ấm nóng như sắc đỏ của hoa gạo, màu xanh biếc của nước ở bến nước làng Đông …để điểm xuyến lên trên nền trời lạnh như bức tranh cổ kính của làng Đông. Tất cả hình ảnh đó là ngôn ngữ điện ảnh nổi bật, đắt giá nhất trong việc lột tả sự tù túng chật hẹp ở làng Đông. Nỗi đau chiến tranh, những tàn tích của xã hội cũ được khắc họa rõ nét. Trên nền không gian đó, con người làng Đông xuất hiện với số phận bi thương của

mình. Qua đó, chúng ta cảm nhận được rằng vai trò của ngôn ngữ điện ảnh trong việc truyền tải và cụ thể hóa các hình tượng từ trang văn học thành những hình tượng cụ thể xuất hiện trên khung hình điện ảnh vô cùng thẩm mỹ.

Còn khi nói đến làng quê Trung bộ, người ta sẽ liên tưởng ngay đến những hàng chè tàu xanh rì, rặng tre, cổ thụ, cây bàng hàng trăm tuổi. Những hình ảnh thân thuộc của miền quê này. Miền Trung nắng gió – nhắc tới là ta lại thấy hình ảnh một miền đất khô cằn vì phải thường xuyên oằn mình chống chọi với mưa bão, lũ lụt nhưng con người của miền Trung vẫn luôn vươn lên, luôn nổ lực chống chọi lại với những thiên tai, khắc nghiệt ấy. Cái nắng của miền Trung khắc nghiệt vô cùng, nắng như cháy da cháy thịt, nắng như thiêu như đốt. Nắng làm hằn lên mặt người nông dân nơi đây một nét lam lũ, cơ hàn. Còn mưa ở đây thì dai dẳng, mưa dầm dề suốt mùa, mưa như thác đổ, mưa như cuốn lấy tất cả những gì mà người dân nơi đây có được. Nhưng họ không chịu khuất phục trước cái nghiệt ngã của thiên nhiên. Con người nhỏ bé ở vùng quê lam lũ này có một sức mạnh dai dẳng, họ vươn lên và thành công trong sự nghèo khó, khắc nghiệt của cuộc sống để trở thành một vùng “đất học”, vùng đất của những con người kiên cường nhất. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế , là một tỉnh thuộc vùng Trung bộ, đây còn là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của Việt Nam. Với những nét văn hóa và di tích hàng ngàn năm vẫn còn mãi đó.

Và Huế cũng là không gian chính xuất hiện trong phim Trăng nơi đáy giếng. Phải nói đây là một bộ phim rất đậm chất Huế. Với ngôi nhà cổ kính thâm u nhiều cửa là kiểu nhà cũ đặc trưng ở Huế, với những đồ dùng bằng gỗ, bằng đồng, tấm rèm trúc lưa thưa…những hình ảnh nho nhỏ đó đã tạo nên một Huế nhẹ nhàng, trầm mặc. Cách ướp trà hoa sen cầu kỳ tỉ mỉ thể hiện được cái văn hóa ngàn năm của cung đình, cao sang mà tinh tế tỉ mĩ nhất. Cách thờ Mẫu lên đồng , cái nôi của nền văn hóa tâm linh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể trong

những năm gần đây. Đạo thờ Mẫu không chỉ là văn hóa tâm linh của một vùng miền mà nó còn là nét đặc sắc đạt đến trình độ thẩm mĩ của nghệ thuật và đã được nhiều lần đem lên sân khấu đạt được nhiều cảm tình yêu mến của các tầng lớp khán giả.

Những hình ảnh trong phim như kéo người xem về một quá khứ rất xa xưa, không phải hiện tại mà vẫn là hiện tại. Chúng ta nên nhớđây là bộ phim nói về thời điểm hiện nay. Nhưng không gian và thời gian trong bộ phim như đưa khán giả trở về những năm 1960, thời đại mà không có tivi, tủ lạnh, bếp ga, bếp điện... đúng kiểu gia đình truyền thống Huế ngày xưa, đơn giản mà đầy tinh tế. Huế ngày nay cũng còn nhiều gia đình vẫn giữ nếp sống, cách sinh hoạt như vậy, nghĩa là vẫn dùng bếp củi, ở nhà tường chứ không có bếp ga, bếp điện. Và sự cổ xưa và hiện đại xen lẩn vào nhau, lấn áp lẫn nhau qua từng cảnh phim . Tất cả là để cho chúng ta có cái nhìn nhận khách quan nhất, cụ thể nhất về những giá trị xưa và về những giá trị hiện đại liệu chúng có thể tồn tại song song hay chúng sẽ phản bác nhau…

Chắc chỉ có cô giáo Hạnh trong khung cảnh nhà rường Huế giữa khuôn vườn nhỏ đầy hoa cỏ mới yêu và thần tượng người chồng theo cách ấy. Cung kính từng giấc ngủ, hơi thở của chồng. Chăm chút từng ngụm chè ướp hương sen buổi sớm mai, từng chậu nước ấm rửa mặt, tô bún giò buổi sáng, chén nước mắm giầm ớt xanh để lưu lại mùi cay trong mâm cơm. Nâng niu từng nếp áo, li quần của chồng mỗi khi anh ra khỏi nhà. Sự cung phụng đó như một thói quen tuần hoàn và là niềm hạnh phúc vô cùng của nhân vật Hạnh khi làm những viêc đó cho người chồng. Các nhà làm phim đã cố gắng chăm chút và nắn nót với từng chi tiết trong phim y như cô Hạnh đã chăm chút từng li từng tí cho chồng vậy. Ngoài ra, không khí trầm buồn và màu sắc ảm đạm của phim được tạo bởi hai màu. xám và tím. Tuy vẫn còn những màu sắc lạnh buồn khác trên trang phục của cô giáo Hạnh. Nhưng cái gây ấn tượng và đập vào mắt tôi vẫn là xám và tím. Sự lạnh lẽo và cô độc đến hoang mang.

Chúng hợp nhau, hài hòa một cách hoàn hảo. Tôi thích hình ảnh những chiếc áo dài trong phim. Chúng vừa cổ điển, vừa duyên dáng mà lại gần gủi với nền văn hóa bản địa.

Âm nhạc là thứ tiếp theo tạo nên chất Huế cho phim, tuy chỉ là những đoạn ngắn nhưng rất hợp lý, được đặt vào một cách hài hòa và ấn tượng trong cái không gian trầm mặc, lặng lẽ ấy. Những lời hát ru của Huế cất lên bằng chất giọng dịu dàng kết hợp với tiếng ghi-ta đệm nhạc Trịnh Công Sơn… Và cả khung cảnh biểu diễn nghệ thuật hát cung đình Nhã nhạc và hát chầu văn tục thờ Mẫu, những nét giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc của Huế nói riêng của dân tộc ta nói chung, mà còn là di sản văn hóa phi vật thể của cả nhân loại. Chỉ cần nhìn, xem qua một đoạn phim thì ngay cả những người khách quốc tế cũng dễ dàng nhận ra ngay đây là phim Việt bởi những giá trị văn hóa thuần Việt, khiến cho ta cảm thấy tự hào cùng với bạn bè quốc tế. Xuyên suốt bộ phim là văn hóa Huế từ bối cảnh đến nội dung thờ chồng một cách cam chịu một cách khó chấp nhận, nhưng biết đâu ở một góc nhỏ nào đó của Huế vẫn còn tồn tại những con người như cô Hạnh thì sao?

Và một bức tranh thiên nhiên hết sức đáng chú ý nữa đó là không gian sinh thái của vùng đất Nam bộ. Như chúng ta đã biết, trong nền văn hóa chung của dân tộc, thì mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có nét văn hóa độc đáo riêng. Vùng đất Nam bộ được di dân đến khai hoang lập nghiệp hơn 300 năm, có thể gọi đây là một vùng đất trẻ, năng động so với hai miền còn lại trong ba miền của cả nước. Nhưng văn hóa Nam bộ có lịch sử hơn 4000 năm, bắt nguồn từ nền văn hóa chung của cộng đồng dân tộc.

Cánh đồng lúa nước ở miền Tây Nam bộ

Miền Tây Nam bộ chính là bối cảnh chính trong bộ phim Cánh đồng bất tận. Bối cảnh phim được đầu tư công phu hoành tráng trên nhiều tỉnh của miền Tây xinh đẹp. Với câu chuyện diễn ra ở miền Tây Nam bộ, nơi có ông Võ chân chất thôn quê với đàn vịt chạy đồng, kết hôn cùng cô gái xinh đẹp nhất vùng...Các nhà làm phim đã cho chúng ta thấy một cảnh sắc rất đặc trưng của miền Tây Nam bộ. Đâu đó, vẫn còn đó những mái tranh nghèo, những con thuyền, những con người cần lao chất phác, miệt mài vật lộn với cuộc mưu sinh gian khó. Và cánh đồng, đàn vịt, chiếc ghe là những điều gắn liền với cuộc sống du canh du cư của cha con ông Võ giữa không gian mênh mông đến vô định, rợn ngợp của đồng nước, của kênh rạch, sông ngòi. Đó là một không gian sinh thái vừa khoáng đạt, rộng lớn, vừa gợi cảm giác về sự bất ổn, rày đây mai đó, cảm giác về đời sống hoang dã gắn với cảm thức lưu lạc và trong không gian ấy, những con người hiện lên hết sức nhỏ bé, miên man.

Như vậy, xét về không gian sinh thái, mỗi bộ phim đã mang đến một bức tranh với sắc thái riêng biệt về từng vùng đất, môi trường sinh sống, hoạt động của các nhân vật. Đó là không gian Bắc Bộ gắn với môi trường làng xã với cây đa, bến nước, mái đình trong Bến không chồng, là căn nhà nằm giữa miệt vườn, giữa những con đường quanh co của xứ Huế bình lặng trong Trăng nơi đáy giếng, là cánh đồng vô định, những chiếc ghe len lỏi qua kênh rạch, sông nước mênh mông vừa đẹp, khoáng đạt, vừa rợn ngợp đến nao lòng trong Cánh đồng bất tận. Và giữa những không gian sinh thái ấy là những mảnh đời, những số phận, những tâm trạng sẽ được các nhân vật bộc lộ một cách sinh động và sâu sắc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nông thôn việt nam qua các phim bến không chồng, trăng nơi đáy giếng, cánh đồng bất tận (Trang 33 - 42)