Quan điểm của Chủ nghĩa Mac – Lênin và Hồ Chí Minh về tôn giáo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình thực hiện chính sách tôn giáo của đảng đối với công giáo ở huyện xuân trường ( tỉnh nam định ) từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 31 - 35)

2.1. Quá trình đổi mới về đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà

2.1.1. Quan điểm của Chủ nghĩa Mac – Lênin và Hồ Chí Minh về tôn giáo

Việt Nam là một quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo và đang có xu hướng phát triển. Trong sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, vấn đề đổi mới tôn giáo được xác định là một quá trình lâu dài. Quá trình ấy đòi hỏi phải từng bước được hoàn thiện. Cùng với quá trình đổi mới xây dựng đất nước giàu mạnh, việc đổi mới nhận thức, đánh giá và chính sách đối với tôn giáo cũng cần được đề ra. Sự đổi mới đúng đắn và khoa học phải được dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn. Cơ sở đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo cùng với những đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích nguồn gốc, bản chất và hiện tượng của tôn giáo, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa ra hệ thống thế giới quan và phương pháp luận về vấn đề tôn giáo: “Tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình hoặc là đã lại để mất bản thân mình một lần nữa. Nhưng con người không chỉ là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ngoài thế giới. Con người chính là thế giới loài người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sinh ra tôn giáo…Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” [4; Tr 569 - 570].

Dựa trên cơ sở của quan niệm duy vật lịch sử, cũng như từ quan niệm của Các Mác về tôn giáo, Ph.Ăng ghen đã đưa ra một định nghĩa có tính chất kinh điển từ góc độ triết học về tôn giáo như sau: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua là sự phản ánh hư ảo vào đầu óc con người của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh mà trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”. [5; Tr 437 - 438].

Như vậy, với thế giới quan đúng đắn và phương pháp luận khoa học, biện chứng về lịch sử, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra bản chất của tôn giáo và đưa ra những định nghĩa về vấn đề tôn giáo, đồng thời cũng đã đưa ra nhiều nguyên tắc để giải quyết vấn đề này.

Các ông chỉ ra rằng, muốn thay đổi ý thức xã hội, trước hết cần phải thay đổi bản thân tồn tại xã hội; muốn xoá bỏ ảo tưởng nảy sinh trong tưởng của con người, phải xoá bỏ nguồn gốc sinh ra ảo tưởng ấy. Đó là một quá trình lâu dài, quá trình ấy không thể thực hiện được nếu tách rời việc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Chỉ có thông qua quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trí tuệ cho con người thì mới có khả năng gạt bỏ dần những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo trong đời sống xã hội.

Nguyên tắc không kém phần quan trọng để giải quyết vấn đề tôn giáo là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Nguyên tắc này là căn cứ vào nguồn gốc, tính chất của tôn giáo, căn cứ vào bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và quy luật của quá trình chuyển biến về tưởng của con người - đó là sự chuyển biến tự giác dần dần từ thấp đến cao.

Ngoài ra, để giải quyết tốt vấn đề tôn giáo thì theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin là cần phải có quan điểm lịch sử cụ thể khi giải quyết vấn đề tôn giáo. Ở những thời kỳ khác nhau, vai trò, tác động của từng tôn giáo đối với đời sống xã hội không như nhau. Quan điểm, thái độ của các giáo hội, giáo sĩ, giáo dân về các lĩnh vực của đời sống xã hội luôn có sự khác biệt. Vì vậy, cần phải có quan điểm lịch sử cụ thể khi xem xét, đánh giá và ứng xử đối với những vấn đề có liên quan đến tôn giáo.

Như vậy, nhờ thế giới quan khoa học đúng đắn, phương pháp luận khoa học, biện chứng về lịch sử mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra được bản chất của tôn giáo, đồng thời cũng đưa ra được những nguyên tắc phù hợp đúng đắn để giải quyết vấn đề tôn giáo.

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề tôn giáo trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam là giải phóng

dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, Hồ Chí Minh đã đưa ra chính sách về vấn đề tôn giáo, đoàn kết lương giáo.

Được vũ trang bằng phương pháp duy vật, với sự am hiểu về văn hoá và lịch sử sâu sắc, Hồ Chí Minh đã phát hiện sự tương đồng giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội, sự tương đồng giữa người có đạo với người không có đạo. Người đã phát hiện ra những giá trị tích cực của tôn giáo và biết khai thác kết hợp chúng với tư tưởng cộng sản nhằm đem lại lợi ích cho cách mạng. Người viết: “học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn hạnh phúc cho loài người, cho xã hội. Nếu nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng nhất định sống chung với nhau hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm học trò nhỏ của các vị ấy”. [26; Tr 134].

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo, đoàn kết các tôn giáo với nhau nằm trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Người. Tư tưởng đoàn kết lương giáo, hoà hợp dân tộc của Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở kế thừa tinh hoa của truyền thống đoàn kết toàn dân trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ lịch sử dân tộc và thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã rút ra bài học: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.[25; Tr 217].

Từ sự nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã nhận ra được vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mang nên Người đã đưa ra tư tưởng về chiến lược đoàn kết lương giáo, hoà hợp dân tộc. Kết luận của Người về đoàn kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” là kết luận có ý nghĩa lớn lao trong mọi thời đại.

Mục tiêu đoàn kết lương giáo, hoà hợp dân tộc của Hồ Chí Minh là nhằm đạt ước vọng của cả đời mà Người đã hi sinh phấn đấu và cũng là nguyện vong

của toàn dân tộc ta đó là giải phóng dân tộc, giải phóng con người thoát khỏi sự nô dịch, áp bức, bất công và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, từ sớm, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề tôn giáo và các chính sách tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn là một con người mẫu mực trong việc tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của quần chúng nhân dân.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3 - 9 - 1945), Hồ Chủ tịch đã phát biểu: “Thực dân Pháp và phong kiến thống trị thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do Lương - Giáo đoàn kết”.[27; Tr 9].

Năm 1955, khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, ngày 8 - 3 - 1955, một lần nữa Người khẳng định chính sách nhất quán lâu dài của Đảng và Nhà nước: Hiến pháp đã ghi rõ chính sách tự do tín ngưỡng. Chính phủ nhất định làm đúng như vậy. Phải vạch trần những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù và bè lũ tay sai hòng chia rẽ đồng bào ta như chúng thường nói Chính phủ cấm đạo và nhiều điều vô lý khác.

Đối với Hồ Chí Minh, cộng đồng Công giáo, kể cả giáo sĩ và giáo dân, là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Theo sự chỉ đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ họp từ 16 đến 20 - 12 - 1947 đã ra nghị quyết, chủ trương: “Chính sách đoàn kết với Công giáo phải là một việc thật sự. Chúng ta đừng để cho thực dân Pháp một việc gì để lôi kéo đồng bào Công giáo chống ta. Chúng ta không bỏ qua cơ hội nào để thân thiện với đồng bào Công giáo, nâng cao tinh thần ái quốc, kháng chiến của họ. Trong giới Công giáo luôn nêu cao khẩu hiệu: Vì Chúa, vì Tổ quốc, ủng hộ mặt trận kháng chiến, Chính phủ kháng chiến”.[25; Tr 352].

Hồ Chí Minh luôn luôn kêu gọi đồng bào Công giáo đoàn kết cùng nhân dân cả nước giữ vững nền độc lập dân tộc, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và mọi âm mưu chia rẽ của chúng. Ngay từ khi đất nước mới giành được độc lập, tháng 12 - 1945 trong thư gửi các Linh mục và đồng bào Công giáo, Người đã bày tỏ niềm tin và khích lệ lòng yêu nước của giáo dân: “Tôi tin chắc rằng dưới

sự lãnh đạo sáng suốt của các vị giám mục Việt Nam, đồng bào Công giáo quyết một lòng với nhân dân toàn quốc giữ vững nền độc lập”.[28; Tr 121].

Ngoài ra, Người còn thường xuyên viết thư gửi đồng bào Công giáo trong cả nước, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh Người luôn luôn viết thư để chúc mừng giáo dân và kêu gọi lòng yêu nước của toàn thể nhân dân: “Ngày nay, cuộc kháng chiến cứu nước đang chuyển sang giai đoạn mới, đồng bào càng phải vì Đức Chúa, vì Tổ quốc mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kháng chiến hăng hái hơn nữa, để sớm đến ngày thắng lợi và thái bình”.[28; Tr 137].

Như vậy, có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là đoàn kết, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là bước sáng tạo độc đáo, là sự vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, không chỉ trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược mà còn cho đến ngày nay - thời kỳ độc lập tự chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội, tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là kim chỉ nam cho các chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình thực hiện chính sách tôn giáo của đảng đối với công giáo ở huyện xuân trường ( tỉnh nam định ) từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 31 - 35)