Quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề tôn giáo từ năm 1930 đến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình thực hiện chính sách tôn giáo của đảng đối với công giáo ở huyện xuân trường ( tỉnh nam định ) từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 35 - 39)

2.1. Quá trình đổi mới về đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà

2.1.2. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề tôn giáo từ năm 1930 đến

đến năm 1997

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chỉ ra rằng, trong thời đại mới, để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thì chưa đủ, cách mạng muốn thành công phải tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc bền vững. Chính sách đại đoàn kết dân tộc nhất quán và đúng đắn của Đảng đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn.

Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam được xây dựng trên quan điểm cơ bản của học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo và căn cứ vào tình hình đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Tư tưởng nhất quán xuyên suốt của Đảng và nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đoàn kết tôn

giáo, hoà hợp dân tộc. Tư tưởng nhất quán đó được Đảng và Nhà nước thể hiện bằng một hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn cách mạng và tình hình đất nước.

Trong khối đại đoàn kết của dân tộc, đồng bào có đạo là một nhân tố quan trọng không thể thiếu. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản ngay từ đầu đã chú ý đến vấn đề tôn giáo, đặc biệt là việc vận động quần chúng theo đạo Thiên Chúa tham gia đấu tranh lãnh đạo cách mạng và xây dựng đất nước. Chỉ thị của Thường vụ trung ương Đảng về thành lập Hội phản đế đồng minh ngày 18 - 11 - 1930 đã có tuyên bố đầu tiên về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân: “Bảo đảm tự do tín ngưỡng của quần chúng, đập tan luận điệu phản tuyên truyền Cộng sản là vô Chính phủ, vô gia đình, vô tôn giáo”[13; Tr 25].

Quan điểm của Đảng về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nhiệm vụ công tác tôn giáo thể hiện ngay từ khi Đảng ta ra đời và đã được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Từ quan điểm chỉ đạo đó, Nghị quyết chính trị của Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất (3 - 1930) nói về công tác phản đế liên minh viết: “Không phân biệt chủng tộc, nam nữ, tôn giáo, xu hướng chính trị, đảng phái, hễ ai có tính chất phản đế là có thể lôi kéo vào Mặt trận phản đế”. Ngày 15 - 8 - 1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương đã thông qua Nghị quyết “Vận động đồng bào Công giáo theo đạo, mở rộng Việt Nam Công giáo cứu quốc hội” để kêu gọi đồng bào Công giáo tham gia cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục khẳng định chính sách tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và chủ trương tranh thủ tầng lớp trên trong tôn giáo để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện nhiêm vụ kháng chiến, kiến quốc. Đối với các giáo sĩ Công giáo, Đảng chủ trương kêu goi họ tham gia các tổ chức yêu nước của người Công giáo, làm nhiệm vụ hướng dẫn tín đồ đóng góp công sức cùng với nhân dân toàn quốc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 18 - 2 - 1946, thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh kỷ niệm những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của các tôn giáo ở Việt Nam. Sau đó, ngày 14 - 6 - 1955, Hồ chủ tịch đã ký Sắc lệnh 234-SL về tôn giáo, khẳng định: “Chính phủ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng của nhân dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy; các nhà tu hành và các tín đồ đều được hưởng quyền công dân và mọi nghĩa vụ công dân”.

Năm 1955, trước yêu cầu mới về công tác tôn giáo nói chung, công tác quản lý Nhà nước và hoạt động tôn giáo nói riêng, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Công hoà căn cứ vào ý kiến của Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 566 - Tgg ngày 2 - 8 - 1955 thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Phủ Thủ tướng (tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay) để nghiên cứu kế hoạch thi hành những chủ trương, chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo, giúp Thủ tướng phối hợp với những ngành ở Trung ương theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương việc thực hiện những chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo và liên hệ với các tổ chức tôn giáo.

Ngay trong năm đầu của cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ phá hoại miền Bắc, mặc dù phải lo đối phó với cuộc chiến tranh ác liệt nhưng Chính phủ vẫn quan tâm đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Ngày 11 - 6 - 1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký thông tư số 60 - TTg yêu cầu thi hành chính sách tôn giáo theo Sắc lệnh 234 của chủ tịch Hồ Chí Minh ký vào ngày 14 - 6 - 1955.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 11 - 11 - 1977, Chính phủ ban hành nghị quyết số 297 - CP về “Một số chính sách đối với tôn giáo”, trong đó nêu lên 5 nguyên tắc về tự do tôn giáo.

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời bước sang thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào giai đoạn thoái trào. Nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi, nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột về sắc tộc, dân tộc và tôn giáo vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình

mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có sự đổi mới trong chính sách đối với tôn giáo qua Nghị quyết số 24 - NQ/TW, ngày 16 - 10 - 1990 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) “về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Đây có thể coi là văn kiện chứa đựng một tư duy chính trị mới về tôn giáo, là khởi đầu của những đột phá trong nhận thức của Đảng ta về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo.

Nghị quyết 24 cho thấy chính sách tôn giáo đã cởi mở hơn rất nhiều, sự chuyển biến này hoàn toàn phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới. Hơn nữa, sự chuyển biến này phù hợp với nguyện vọng tha thiết của đồng bào các tôn giáo, tăng thêm khối đại đoàn kết toàn dân.

Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, đổi mới về nhận thức và thực hiện tốt công tác quản lý đối với các hoạt động tôn giáo là nhằm đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của nhân dân. Qua đó phát huy được năng lực, sức sáng tạo của hàng chục triệu đồng bào theo tôn giáo, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng đất nước giàu mạnh.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn có quan điểm, thái độ rõ ràng về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với tình hình cụ thể trước những biến động của tình hình thế giới và trong nước. Trong báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng đã khẳng định: “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các dân tộc với nhau. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân”.

Trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước cũng nhấn mạnh: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời chống việc lợi dụng tín ngưỡng để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Sau 10 năm đổi mới, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta cũng khẳng định chính sách đối với tôn giáo, tín ngưỡng là: “Tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, đảm bảo cho các tôn giáo hoạt động bình thường trên cơ sở tôn trọng pháp luật, nghiêm cấm xâm pham tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc”.

Qua đó có thể thấy đến năm 1997 đã có nhiều đổi mới về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Sự đổi mới về chính sách tôn giáo thể hiện ở việc quản lý của nhà nước trên các lĩnh vực sau:

- Về vấn đề theo đạo: Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tôn giáo, tín ngưỡng của công dân. Đồng bào theo đạo hay không theo đạo đều là công dân Việt Nam, có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như nhau. Mọi cồn dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, từ bỏ hoặc thay đổi tôn giáo. Đồng bào có đạo được sinh hoạt tôn giáo bình thường, có nơi thờ tự,… Chức sắc được hoạt động tôn giáo theo đúng luật pháp Nhà nước tại nơi phụ trách.

Đặc biệt, việc quản lý Nhà nước trong vấn đề hành đạo có những quy định mới là: Nơi thờ tự của tôn giáo được Nhà nước bảo hộ. Các tổ chức tôn giáo có trách nhiệm bảo vệ, tu bổ. Những công việc sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự thì phải được sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cấp hành chính tương đương. Quy định về quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo như việc phong chức, bổ nhiệm, việc cử người ra nước ngoài tham dự các hoạt động tôn giáo hay đại biểu các tổ chức tôn giáo nước ngoài vào nước ta, về hoạt động viện trợ của các tổ chức tôn giáo nước ngoài và việc nhận viện trợ của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình thực hiện chính sách tôn giáo của đảng đối với công giáo ở huyện xuân trường ( tỉnh nam định ) từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)