Không ủng hộ việc duy trì cách phát âm địa phương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát các biến thể phát âm của l , n (nghiên cứu trường hợp làng đại lộc, yên chính, ý yên, nam định) (Trang 65 - 68)

6. Bố cục của luận văn

3.3. Bàn luận

3.3.2. Không ủng hộ việc duy trì cách phát âm địa phương

Thái độ không ủng hộ việc duy trì cách phát âm địa phương, có phải một phần phản ánh thái độ tự ti trong sử dụng các biến thể địa phương của người Đại Lộc hay có phải một phần phản ánh nhận thức của họ về sự lệch chuẩn của những biến thể địa phương hay cả hai? Đó là những vấn đề mà chúng tôi quan tâm khi nghiên cứu thái độ của nhóm xã hội theo xu hướng không ủng hộ việc duy trì cách phát âm địa phương. Các CTV thuộc nhóm này có xu hướng muốn điều chỉnh cách phát âm của mình cho phù hợp với chuẩn mực chung của người Việt. Thái độ này thường xuất hiện ở những CTV có trình độ cao, những người thường xuyên làm việc trong môi trường đòi hỏi độ chính xác về ngôn từ. Bản thân họ chưa bao giờ miệt thị hay chê bai giọng nói hay

cách phát âm của địa phương mình song do thường xuyên phải giao tiếp với nhiều người, trong môi trường đòi hỏi sự chuẩn mực (giáo viên, cán bộ xã, huyện…) nên họ ý thức được rằng ngôn từ của mình cần có sự sửa đổi cho hợp chuẩn. Là những người có trình độ cho nên với họ, việc phát âm không chuẩn, hay nói sai, nói “ngọng” làm cho họ cảm thấy tự ti, không thoải mái khi giao tiếp. Vì thế, có một tâm lý hình thành trong nhóm CTV này là cố gắng điều chỉnh, cố gắng sửa đổi cách phát âm địa phương. Điều này có thể quan sát thấy dễ dàng khi các CTV đọc bảng từ hay đoạn văn trong quá trình chúng tôi điều tra.

Trong giao tiếp với họ, chúng tôi cũng nhận thấy càng những người có trình độ cao họ càng nỗ lực để chứng tỏ mình có thể sử dụng ngôn từ chuẩn mực thay vì dung một cách tự nhiên các biến thể địa phương. Họ cũng biểu hiện nỗ lực chú ý cao vào những từ dễ bị lỗi (mà theo họ là “ngọng”) trong giao tiếp và khẳng định họ đã tự sửa đổi rất nhiều.

Với học sinh sinh viên – đối tượng đang trực tiếp được thụ hưởng giáo dục học đường và được rèn luyện theo phát âm chuẩn hàng ngày thì việc ủng hộ những sửa đổi để hướng đến chuẩn mực trong phát âm của quê hương mình là hoàn toàn dễ hiểu. Do đó 100% số học sinh, sinh viên được hỏi đều đồng tình ủng hộ, muốn sửa đổi phát âm địa phương do những đòi hỏi của môi trường học tập và từ chính áp lực tâm lý hàng ngày khi các em giao tiếp với thầy cô và các bạn khác làng khác xã. Thực tế này hoàn toàn chia sẻ với kết quả nghiên cứu của Bùi Minh Yến khi tác giả kết luận trong nghiên cứu của mình: “Học vấn, giáo dục học đường là những điều kiện cần thiết trong việc điều chỉnh phát âm chuẩn/phi chuẩn /l/, /n/”. Môi trường có tính giáo dục cao, thường xuyên được tiếp xúc với sự chuẩn mực ngôn ngữ và yêu cầu bản thân các em học sinh, sinh viên phải sử dụng ngôn ngữ chuẩn làm các em càng mong muốn thay đổi cách phát âm lệch chuẩn của mình, tự ti hơn mỗi khi mang theo cách phát âm địa phương đến với các cộng đồng giao tiếp khác.

Nếu nông dân là nhóm xã hội ít có nhu cầu thay đổi cách phát âm của mình, họ trung thành với các biến thể phát âm địa phương thì ngược lại cán bộ hay những người buôn bán, lái xe... lại muốn sửa đổi cách phát âm lệch chuẩn của địa phương vì tính chất công việc, vì môi trường giao tiếp với nhiều cơ hội tiếp xúc với các cộng đồng bên ngoài. Trong bài nghiên cứu “Đi làm ăn xa và cách phát âm [L] – [N]”, tác giả Lê Thị Lệ Thanh cũng từng khẳng định: Khi họ đi làm ăn xa mới được một năm, số người nói đúng gấp 1.95 lần lên 2.08 lần. Còn khi họ đi làm ăn xa từ 4 năm trở lên thì tỷ lệ nói đúng là cao nhất 3.5 lần. Điều đó chứng tỏ rằng việc đi làm ăn xa có ảnh hưởng tích cực đến hiện tượng lẫn lộn các âm /l/, /n/ và cái thiện tỉ lệ nói đúng hai âm này…” [30, tr274]. Nhận định này cũng được kết quả nghiên cứu cộng đồng Đại Lộc của chúng tôi chia sẻ. Những nghiệm viên của chúng tôi thường có tâm lý e ngại, cảm thấy tự ti và thậm chí đôi khi bị cản trở công việc vì sự lẫn lộn /l/, /n/ so với ngôn ngữ toàn dân.

-Mô hình hôn nhân cũng là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng ảnh hướng đến ý muốn sửa đổi hoặc duy trì cách phát âm địa phương. Một kết quả rõ nét cho thấy, các CTV Đại Lộc có mô hình hôn nhân khác làng, xã, huyện… rất muốn sửa đổi phát âm. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ những người vợ (hoặc chồng) từ một cộng đồng phát âm chuẩn /l/, /n/ luôn cảm thấy lạ lẫm, ngại ngùng và rất sợ con cái bị ảnh hưởng cách phát âm lệch chuẩn. Vì vậy với họ việc thay đổi là cần thiết để trẻ em có thể hướng đến sự chuẩn mực trong ngôn từ, tránh gặp những khó khăn trong học tập hay trong công việc. Thậm chí bản thân những người vợ (hoặc người chồng) từ cộng đồng khác đến, họ sợ chính họ sống lâu trong môi trường Đại Lộc họ cũng bị “lây” cách phát âm /l/, /n/ của những người nơi đây. Họ cảm thấy tự ti nhiều hơn khi đưa con cái về nhà ngoại (nhà nội) ở làng khác khi con hoặc chồng (vợ) phát âm sai, nhất là ở các cặp vợ chồng trẻ tuổi.

Dù là cộng đồng ngôn ngữ Đại Lộc hay bất kỳ cộng đồng ngôn ngữ địa phương nào cũng có những người trung thành tuyệt đối, đôi khi là tôn thờ

ngôn ngữ quê hương nhưng cũng có không ít người tự ti mỗi khi cất giọng. Chính thái độ ti tự, mặc cảm khiến họ mạnh mẽ hơn trong ý muốn sửa đổi cách phát âm địa phương, muốn quê hương tiến gần hơn với cách phát âm chuẩn mực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát các biến thể phát âm của l , n (nghiên cứu trường hợp làng đại lộc, yên chính, ý yên, nam định) (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)