Quá trình lập thân của Bùi Kỷ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bùi Kỷ với sự nghiệp văn hóa - giáo dục và cách mạng Việt Nam thế kỷ XX (Trang 25 - 29)

CHƢƠNG 1 VÀI NÉT VỀ GIA ĐÌNH VÀ THÂN THẾ CỦA BÙI KỶ

1.3. Quá trình lập thân của Bùi Kỷ

Bối cảnh lịch sử của đất nước, truyền thống của quê hương, dòng họ chính là chất xúc tác cho quá trình phấn đấu, lập thân của Bùi Kỷ sau này.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Châu Cầu, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nên từ nhỏ, Bùi Kỷ đã được tiếp nhận vốn kiến thức Nho học sâu rộng từ ông nội Bùi Văn Quế và người cha là Bùi Thức. Ngoài ra, cũng giống như nhiều trí thức khác của giai đoạn này, ông đã chịu sự ảnh hưởng của hai nền giáo dục: Giáo dục Nho học và giáo dục Pháp - Việt, nên ngoài học chữ Nho, Bùi Kỷ còn tích cực tìm học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Vốn là những người có học thức nên cha cũng như ông nội của Bùi Kỷ hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện cho Bùi Kỷ đi theo con đường học hành thi cử. Hơn nữa, truyền thống hiếu học của quê hương, dòng họ cũng khuyến khích “cậu ấm” Bùi Kỷ nỗ lực học tập, rèn luyện thành tài.

Ngày 31-5-1906, vua Thành Thái ra Chỉ dụ cải cách thi Hương, thi Hội, đưa vào chương trình một số môn thi mới như địa lý, pháp luật Đông Dương, chính trị, luận

chữ Hán, luận Quốc ngữ, dịch từ tiếng Pháp sang Quốc ngữ. Do có cả vốn kiến thức Nho học và Tây học nên trong lần đầu dự thi năm 1909, Bùi Kỷ đã vượt qua nhiều sĩ tử khác để trở thành một trong số 50 Cử nhân của khoa thi tại trường thi Hà Nam. Năm 1910, ông vào Huế thi Hội và thi Đình, và đỗ Phó bảng khi mới 23 tuổi9

. Sau đó, Bùi Kỷ được bổ dụng chức Huấn đạo10, nhưng ông từ chối, lấy cớ là phải ở nhà phụng dưỡng cha và ông nội đều đã già yếu.

Tuy vậy, với trình độ cùng với danh tiếng của gia đình, Bùi Kỷ đã xin được vào học Trường Thông ngôn và đến tháng 2-1911, ông đã sang Pháp học tại Trường Thuộc địa (Ecole coloniale)11. Nhân dịp này ông đi nhiều nơi trong nước Pháp và các nước lân cận; ông cũng có dịp tiếp xúc với một số người Việt yêu nước và cách mạng đang lưu ngụ ở Pháp, trong đó có Phan Châu Trinh. Sau khi tốt nghiệp tại Pháp và được nhận bằng Thành chung (Brevet), ông trở về nước. Dù được Tòa Thống sứ Bắc Kỳ cử giữ chức Tuần phủ12 nhiều lần nhưng ông đều từ chối. Bùi Kỷ không làm quan mà quyết định kinh doanh thực nghiệp, ông tổ chức cho gia đình mình sản xuất hàng thủ công xuất khẩu (bông vải, tre đan) nhưng tiếc là không đạt được kết quả khả quan.

Sau khi ông nội và cha qua đời (vào các năm 1913, 1915), ông sang Quảng Châu (Trung Quốc) hai năm. Về nước khi đã 30 tuổi, từ năm 1917, ông ra Hà Nội dạy

9 Thi Đình năm 1910, quan Duyệt quyền là Lễ bộ Thị lang Mai Dực, Phủ doãn phủ Thừa thiên Từ Thiệp. Kỳ thi này có những thay đổi lớn về đề thi, nội dung đề thi, cách chấm thi so với trước. Theo đó: 20 điểm (Trạng nguyên), 18-19 điểm (Bảng nhãn), 16-17 điểm (Thám hoa), 13-14-15 điểm (Hoàng giáp), 10-11-12 điểm (Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân), 7-9 điểm (Phó bảng). Kết thúc kỳ thi, triều đình nhà Nguyễn lấy đỗ 19 phó bảng và 4 Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.

10 Huấn đạo là viên học quan trông coi việc học hành tại phủ, huyện, châu. Lệ thuộc quan Bản khảo, Khảo hạch các sinh đồ, rèn tập các học sinh. Thời Nguyễn năm Gia Long thứ 2 (1803) bắt đầu đặt chức Huấn đạo ở các huyện, phẩm cấp cho ba hạng: hạng Nhất (Chánh thất phẩm), hạng Nhì (Tòng thất phẩm), hạng Ba (Chánh bát phẩm Văn ban).

11

Trường Thuộc địa do Auguste Pavie thành lập năm 1885 nhằm đào tạo 13 thanh niên Khmer được đưa sang Pháp. Từ năm 1889 trở đi Trường trở thành nơi đào tạo các viên chức Pháp để đưa đi cai trị các thuộc địa và từ năm 1896 trở đi sinh viên phải qua thi tuyển để vào như các trường lớn khác. Do nguồn gốc thành lập, Trường vẫn duy trì một ngạch bản xứ dành cho các thanh niên được Phủ Toàn quyền Đông Dương đặc biệt cấp học bổng gửi sang Pháp.

12 Tuần phủ là chức quan thuộc hàng Đốc phủ các tỉnh thời Nguyễn (quan đầu tỉnh). Tại một số tỉnh, các quan này kiêm lĩnh cả ấn triện Bố chính, Án sát. Thời Gia Long còn đặt chức Lưu thủ, Trấn thủ. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), bỏ các chức này mà đặt Tổng đốc, Tuần phủ.

học. Ông dạy tại các trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Pháp chính theo lối ký hợp đồng từng năm chứ không vào biên chế viên chức của “nhà nước bảo hộ”. Ngoài ra từ năm 1932, ông còn dạy cho hai trường tư thục là Văn Lang và Thăng Long. Bên cạnh đó, ông tích cực biên khảo, sáng tác, cộng tác với một số tờ báo ở Hà Nội như Nam Phong tạp chí, Khai Trí Tiến Đức tập san, Trung Bắc tân văn... Ông còn hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa xã hội của giới trí thức Hà thành như: Lễ truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh ở Hà Nội (1926), phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ (1938 – 1945)…

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Bùi Kỷ là một trong số những nhân sĩ trí thức được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tin tưởng giao nhiều trọng trách. Năm 1945, ông được Chính phủ mời giảng dạy cho sinh viên của Đại học Văn khoa mới được thành lập. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Bùi Kỷ làm Ủy viên nhân dân Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 3, Hội trưởng Chi hội Liên Việt Liên khu 3, Hội trưởng Hội Văn hóa kháng chiến Liên khu 3. Sau khi hòa bình lập lại, ông là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới, Hội trưởng Hội Việt - Trung hữu nghị. Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, Bùi Kỷ đã được chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Ông mất ngày 19 tháng 5 năm 1960 tại Hà Nội, thọ 73 tuổi. Mộ của ông được xây cất tại Nghĩa trang Yên Kỳ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội.

Tiểu kết chương 1

Đầu thế kỉ XX, dưới tác động của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, Việt Nam có sự chuyển biến sâu sắc về tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong bối cảnh đó, phủ Lý Nhân (từ năm 1890 là tỉnh Hà Nam) cũng chịu sự thống trị của thực dân Pháp, đứng đầu là Thống sứ Bắc Kỳ. Cho đến đầu thế kỉ XX, một số thanh thiếu niên ở Hà Nam, ngoài nền giáo dục Nho học còn được tiếp xúc với nền giáo dục Pháp - Việt.

Trong điều kiện chung đó của đất nước, lại được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Châu Cầu, trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nên ngay từ nhỏ, Bùi Kỷ đã

có ý thức học tập. Bùi Kỷ tích cực học chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Nhờ đó, ông đã đỗ Cử nhân năm 1909, rồi đỗ Phó bảng năm 1910. Mặc dù đỗ đạt nhưng trước thực tế đất nước đã mất độc lập vào tay thực dân Pháp, lại chịu sự ảnh hưởng con đường hoạn lộ của ông nội Bùi Văn Quế và cha Bùi Thức, Bùi Kỷ đã mạnh dạn từ chối làm quan dưới triều Nguyễn cũng như chính quyền thực dân Pháp.

Từ đầu thế kỉ XX, ông đã tham gia vào các hoạt động giáo dục – văn hóa rồi từng bước dấn thân vào con đường cách mạng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa kháng chiến và kiến quốc trong những năm kháng chiến chống Pháp.

CHƢƠNG 2. HOẠT ĐỘNG CỦA BÙI KỶ TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓA – GIÁO DỤC

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bùi Kỷ với sự nghiệp văn hóa - giáo dục và cách mạng Việt Nam thế kỷ XX (Trang 25 - 29)