Đối với dòng họ Bùi, quê hương Hà Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bùi Kỷ với sự nghiệp văn hóa - giáo dục và cách mạng Việt Nam thế kỷ XX (Trang 75 - 77)

CHƢƠNG 3 HOẠT ĐỘNG YÊU NƢỚC VÀ CÁCH MẠNG CỦA BÙI KỶ

3.1. Đối với dòng họ Bùi, quê hương Hà Nam

Bùi Kỷ được thừa hưởng truyền thống hiếu học, yêu nước từ gia đình, dòng họ, quê hương. Đó là chất xúc tác quan trọng cho con đường lập thân, lập nghiệp của ông. Đến lượt mình, ông cũng trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ sau, góp phần làm rạng danh thêm những truyền thống tốt đẹp đó.

Từ cụ Bùi Văn Hanh đến ông nội Bùi Văn Quế và cha Bùi Thức, trong dòng họ của ông đều có những người đỗ đạt cao và tận tâm với đất nước, với sự nghiệp giáo dục. Hơn ai hết, thuộc thế hệ con cháu, Bùi Kỷ nhận thức rất rõ điều ấy và nỗ lực học tập. Việc ông đỗ Cử nhân (năm 1909) rồi Phó bảng (năm 1910) là minh chứng cho sự nỗ lực ấy, để tiếp tục ghi tên vào bảng vàng của dòng họ. Hơn nữa, quyết định từ chối làm quan cho chính quyền phong kiến và thực dân của Bùi Kỷ cũng là một hành động để tôn vinh, ghi nhớ người xưa và nhắc nhở con cháu về sau. Từ đó, Bùi Kỷ bước sang một ngả đường khác, làm một người thầy, một nhà văn, một người hoạt động cách mạng, cống hiến tài lực cho quê hương, đất nước.

Cho dù Bùi Kỷ có từng giữ chức vị gì cao đi chăng nữa thì trong gia đình, dòng họ, ông vẫn chỉ là một thành viên như bao người khác. Ông sẽ chẳng được các thế hệ con cháu kính nể, mến phục nếu không có trách nhiệm với gia đình. Bởi vậy, tinh thần hiếu học, sự khước từ mọi cám dỗ danh lợi chính là thể hiện trách nhiệm của một người con có hiếu với cha mẹ. Ngoài ra, với tư cách là con trai trưởng của tiến sĩ Bùi Thức, Bùi Kỷ đã là tấm gương sáng cho các em của ông học tập, đỗ đạt (Bùi Khải, Bùi Lương, Bùi Nhung). Đặc biệt, tình cảm đối với gia đình - thứ tình cảm thiêng liêng, sâu nặng đối với Bùi Kỷ cũng được bộc lộ một cách rất đỗi bình dị trong các sáng tác của ông như: Nhớ chị, Mừng con trai lấy vợ...

Cũng như các bậc cha ông đi trước, Bùi Kỷ có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ sau trong gia đình, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục. Tính từ đời 5 đến đời thứ 10 của dòng họ Bùi chi Ất Châu Cầu của Bùi Kỷ, đã có 6 đời làm nghề giáo vinh hiển. Con trai Bùi Anh (1913 - 2003) từng làm Trưởng Ty giáo dục tỉnh Hà Đông; con trai Bùi Diễm sinh năm 1923 là Tiến sĩ Luật, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn

quyền của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tại Liên hợp quốc; cháu nội Bùi Hoàng sinh năm 1944 là Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Đông; chắt Bùi Huy sinh năm 1953 là Phó Giáo sư Tiến sĩ Vật lý (Viện Vật lý); chắt Bùi Diệu sinh năm 1956 là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa - Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội). Như vậy, tính từ đời cụ Bùi Văn Hanh (đời 5) đến đời Bùi Huy và Bùi Diệu (đời 10), ngành họ Bùi chi Ất Châu Cầu đã có 6 đời làm nghề giáo đều vinh hiển. Nói rộng ra, dòng họ Bùi Mễ Tràng - Châu Cầu có nhiều người đỗ đạt một phần nhờ “phúc ấm của tổ tiên” để lại, trong đó có đóng góp của Bùi Kỷ. Đến nay, nhiều gia đình chi Ất Châu Cầu có bố, con, anh, em đều là giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân; chi Giáp ở Mễ Tràng từ đời 9-10 trở đi cũng có nhiều người trở thành cán bộ của chính quyền các cấp, giáo sư, tiến sĩ.

Ông Bùi Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Mặc dù kỉ niệm với ông nội Bùi Kỷ không có nhiều và cũng không còn được đầy đủ nhưng qua những lời kể của cha Bùi Anh, anh em trong gia đình tôi luôn biết ơn, tưởng nhớ các thế hệ cha ông, những người đã góp phần quan trọng vào việc hình thành truyền thống yêu nước, truyền thống sư phạm của gia đình. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở bản thân mình phải không ngừng phấn đấu; đồng thời, giáo dục các thế hệ sau phải tiếp tục phát huy tinh thần ấy.

Mặc dù sau khi đỗ đạt, Bùi Kỷ ra Hà Nội hoạt động song ông vẫn là một người con của mảnh đất Châu Cầu. Vì vậy, với tài năng, uy tín của mình, ông có tiếng nói tại địa phương, được nhân dân kính trọng. Theo truyền thống của các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa, khi làng có việc như lễ đại kỳ phước hay lễ kỳ an, chức chủ tế phải là người khoa mục hay người có phẩm hàm cao hơn và đủ lệ khao vọng. Bùi Kỷ vốn là một bậc đại khoa, đã nhiều lần được làng xã mời về làm chủ tế cũng như tham dự các công việc quan trọng của làng, nhưng vì bận công việc ở Hà Nội nên ông đã không ít lần phải khước từ. Duy chỉ có một lần, Bùi Kỷ có về xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm) vào tháng 3-1943 nhân dịp giữ trách nhiệm truyền lại sắc mà triều Nguyễn phong cho đền Lăng32. Vui mừng và phấn khởi trước sự hiện diện của

32

Liêm Cần là một xã nằm dọc theo đường 21 đi Nam Định, cách Phủ Lý 7km, nơi có đền Lăng (tức đền Hạ) thờ tứ vị hoàng đế: Đinh Tiên hoàng đế, Đại Hành hoàng đế, Trung Tông hoàng đế và Ngọc Triêu hoàng đế.

vị Phó bảng, nhân dân xã rất hào hứng đem kiệu và võng đào, cờ, lọng, chiêng, trống lên rước sắc và đón ông về làm lễ bốc bát hương ở đền. Sự kiện này được tác giả Bắc Môn ghi lại theo lời kể của ông Vũ Đức Quang (người xã Liêm Cần) như sau: “Họ đều quỳ rạp xuống khi ông Bảng uy nghi trong bộ phẩm phục mới, đứng tuyên đọc sắc phong, rồi trịnh trọng yểm tờ sắc dưới bát hương thờ” [61, tr. 204]. Nhân chuyến đi này, ông Kỷ đã ghé qua chào hỏi nhà nho Vũ Thượng Đồng. Ông cũng không quên hỏi thăm về tình hình sinh hoạt, đời sống của nhân dân trong vùng...

Có thể nói, trải qua lịch sử hàng thế kỉ, dòng họ Bùi Châu Cầu đã khẳng định được thanh danh bởi những con người tài năng, đức độ. Đến nay, dòng họ Bùi vẫn là một trong những dòng họ nổi tiếng nhất của đất Hà Nam nói chung và thành phố Phủ Lý nói riêng, là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Ông Phạm Xuân Cấn – Nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư thị xã Phủ Lý từng khẳng định: “Không chỉ dũng cảm đánh giặc giữ nước, giữ nhà, người thị xã Hà Nam còn có truyền thống văn học. Cụ Bùi Văn Dị có thể nói là người “giỏi võ, sành văn”. Ngoài việc cầm quân đánh giặc, cụ còn để lại cho đời một tập thơ văn có giá trị. Người con thúc bá của cụ Bùi Văn Dị là Bùi Văn Quế cũng đỗ phó bảng. Cụ Bùi Thức là con của Bùi Văn Quế lại đỗ tiến sĩ. Còn cụ Bùi Kỷ con của Bùi Thức đỗ phó bảng, sau này tham gia hoạt động cách mạng đến năm 1960 thì mất. Như vậy, dòng dõi họ Bùi ở làng Châu Cầu đã ba đời đỗ đại khoa...” [75, tr. 6].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bùi Kỷ với sự nghiệp văn hóa - giáo dục và cách mạng Việt Nam thế kỷ XX (Trang 75 - 77)