Bùi Kỷ với phong trào truyền bá Quốc ngữ (1938 – 1945)

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bùi Kỷ với sự nghiệp văn hóa - giáo dục và cách mạng Việt Nam thế kỷ XX (Trang 63 - 67)

CHƢƠNG 3 HOẠT ĐỘNG YÊU NƢỚC VÀ CÁCH MẠNG CỦA BÙI KỶ

3.2. Bùi Kỷ với phong trào truyền bá Quốc ngữ (1938 – 1945)

Duyên gặp gỡ với Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc cũng như với nhiều nhân sĩ cách mạng như Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh... đã có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và hành động của Bùi Kỷ, đưa ông từ yêu nước đến hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau là Đảng Cộng sản Đông Dương). Sau năm 1930, mặc dù chưa đứng vào hàng ngũ của Đảng nhưng Bùi Kỷ đã tích cực tham gia vào phong trào truyền bá Quốc ngữ, cũng là một mặt trận yêu nước của Đảng ta.

Thủ đoạn quán triệt của thực dân Pháp trong suốt quá trình nô dịch xứ Đông Dương là thực hiện chính sách ngu dân, truyền bá một nền giáo dục không đầy đủ nhằm đào tạo những công chức bản xứ hạ đẳng, những giáo viên sơ cấp, những thông ngôn và thư ký để làm cho bộ máy cai trị, cho các nhà buôn... Thực hiện mục tiêu đó, thực dân Pháp, một mặt hạn chế việc phát triển giáo dục, thu hẹp việc mở trường lớp tới mức tối thiểu và kiểm soát gắt gao; mặt khác, áp dụng một chương trình giảng dạy mang nội dung nô dịch thấp kém. Mặc dù cho tới đầu thế kỉ XX, chính quyền thuộc địa đã loại bỏ Hán học và có những chính sách mở rộng nhất định đối với các trường Pháp - Việt, dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ nhưng vẫn có khoảng 95% dân số Việt Nam không được học, phải chịu cảnh mù chữ. Trước thực tế đó, Phan Châu Trinh và giới trí thức Việt đã sớm cổ động phong trào Đông Kinh nghĩa thục, cổ xúy học tiếng Việt, nâng cao dân trí. Từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng ở Pháp, đã gửi “Bản yêu sách” gồm 8 điểm đòi “tự do, dân chủ” cho nhân dân ta, lên án chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Năm 1925, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập, mở lớp huấn luyện, giảng về “Đường cách mệnh”, Người chỉ dẫn: Lập trường học cho công nhân, lập trường học cho con cháu công nông, lập nơi xem sách báo. Năm 1930, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Chính cương vắn tắt của Đảng, Người nêu nhiệm vụ “Phổ

thông giáo dục theo công nông hóa”, và trong lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng, Người nêu khẩu hiệu “Thực hiện giáo dục toàn dân”.

Tất cả những sự kiện trên cho thấy, nền giáo dục kìm hãm của thực dân Pháp đã không thể đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân ta, và hơn thế, càng không thể đáp ứng được nhiệm vụ cách mạng là giải phóng dân tộc. Hơn ai hết, đội ngũ trí thức Việt Nam nhận thức rõ, song song với việc phê phán chính sách giáo dục của thực dân thì cần phải có biện pháp thúc đẩy sự học trong nhân dân, mà trước hết là học chữ Quốc ngữ. Mô hình học tập này bị đàn áp, mô hình khác lại mau chóng mọc lên thay thế. Sau khi Đông Kinh nghĩa thục, từ những năm 1927-1928, nhiều chiến sĩ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên sau khi dự lớp huấn luyện chính trị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về nước đã mở được những lớp học Quốc ngữ ở nhiều nơi. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cuối năm 1930, nhiều vùng nông thôn ở Nghệ An, Hà Tĩnh rầm rộ mở các lớp học Quốc ngữ. Mặc dù những lớp học như vậy chưa được mở rộng rãi và cũng sớm bị chính quyền thực dân gây khó khăn cấm đoàn, song đã có những tác dụng nhất định cũng như để lại nhiều bài học kinh nghiệm về tổ chức cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào dạy học chữ Quốc ngữ thực tế không bị dập tắt mà vẫn được Đảng và nhân dân ta âm thầm thực hiện, chờ thời cơ để mở rộng.

Năm 1936, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đảng ta về nhiều mặt. Mặc dù cho tới tháng 9-1936, Chính phủ Blum vẫn chưa có cam kết cụ thể nào nhưng ở một số khía cạnh, cũng đã tạo những thuận lợi nhất định cho sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Trước sự chuyển biến của tình hình thế giới, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng kịp thời có những điều chỉnh về mặt chiến lược, sách lược. Đảng hoạt động một phần công khai, đã ra nhiều sách báo công khai, lập nhiều tổ chức quần chúng công khai như các Hội Ái hữu, các ngành nghề… Sách, báo ra nhiều mà quần chúng cách mạng và nhân dân phần nhiều vẫn mù chữ, thì không phát huy được hết tác dụng. Trong năm 1937, báo chí cũng nhiều lần nêu lên sự cấp thiết phải chống nạn mù chữ, phải lập Hội chống nạn mù chữ… Trước yêu cầu của cách mạng, lòng mong mỏi thiết tha của quần chúng nhân dân, cộng với thời cơ phong trào dân chủ

đang dâng cao, đầu năm 1938, Đảng quyết tâm đẩy mạnh phong trào xóa nạn mù chữ và truyền bá Quốc ngữ trong nhân dân cả nước, nhằm khai sáng và mở mang dân trí. Đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt cử Phan Thanh đến gặp cụ Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp... đều thống nhất thành lập một tổ chức với tên gọi “Hội chống nạn thất học”. Khi thành lập lấy tên là Hội Truyền bá Quốc ngữ (không đặt là Hội chống nạn thất học vì có từ “chống” nhà cầm quyền thực dân khó chấp nhận). Lễ ra mắt được tổ chức vào ngày 25-5-1938 tại Câu lạc bộ Thể thao An nam, tức Hội quán Cercle Sportif Annamite, phố Khúc Hạo, Hà Nội. Ban trị sự lâm thời và các ban chuyên môn giúp việc cũng đã lập xong, theo đó: Nguyễn Văn Tố (Hội trưởng), Bùi Kỷ (Phó Hội trưởng), Phan Thanh (Thư ký, Trưởng ban Cổ động), Quản Xuân Nam (Phó Thư ký, Trưởng ban Khánh tiết), Đặng Thai Mai (Thủ quỹ), Võ Nguyên Giáp (Phó thủ quỹ, Trưởng ban Dạy học), Hoàng Xuân Hãn (Cố vấn, Trưởng ban Tu thư) [71, tr. 6].

Như vậy, Bùi Kỷ, một nhà sư phạm giàu chuyên môn, tận tâm với nền văn hóa - giáo dục nước nhà đã được Đảng ta tin tưởng bầu chọn làm Phó Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ. Và tất nhiên, Bùi Kỷ không có lý do gì để từ chối nhiệm vụ quan trọng đó. Công việc cụ thể của Bùi Kỷ trong Hội Truyền bá Quốc ngữ không được ghi chép nhiều, nhưng có thể khẳng định rằng, ông đã hòa mình vào phong trào văn hóa quan trọng nhất mà Đảng ta lãnh đạo, cũng là một mặt trận yêu nước thời kỳ này. Ông cùng với Hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã thường xuyên lưu tâm, lãnh đạo hoạt động của Hội như phân công công việc cho các ban, soạn thảo điều lệ, tuyên truyền, biên soạn nội dung giảng dạy, xây dững quỹ Hội... nhằm đạt được mục tiêu mà Đảng đã đề ra. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền có nhắc đến một chi tiết: Giáp cuộc Tổng khởi nghĩa, Bùi Kỷ có trở về quê Châu Cầu để vận động nhân dân xóa nạn mù chữ [28, tr. 31]. Hình ảnh một vị Phó bảng sau 35 năm, nay về làng bắt tận tay, nắn từng nét chữ i-tờ cho bà con thực là đáng quý. Ngoài ra, chúng ta còn biết được một chi tiết khác: “Lúc phát xít Nhật sang lật Pháp, rồi sau đó ngay tại Phủ Lý, chúng đã bắt trói cụ (tức Bùi Kỷ) một ngày một đêm tại sân trại lính” [66, tr. 391]. Nhưng sự bắt bớ ấy không hề làm Bùi Kỷ nao núng, sợ hãi.

Chính vì vậy, hoạt động truyền bá Quốc ngữ của ông được đánh giá cao: “sau quá nửa đời người băn khoăn, trăn trở vẫn giữ được cốt cách cứng cỏi, thanh sạch và vẫn tìm được cách sống có ích cho phong hóa. Riêng điều đó cũng đáng kể là có ý nghĩa cho một cuộc đời và dễ dàng chiếm được lòng tin yêu của cách mạng” [28, tr. 31].

Từ Hội Truyền bá Quốc ngữ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ sau đó cũng thành lập được Hội Truyền bá Quốc ngữ của mình. Tính từ ngày thành lập đến Cách mạng tháng Tám 1945, Hội Truyền bá Quốc ngữ hoạt động được 7 năm, đã gây được một phong trào rộng ở nhiều nơi trong cả nước và dạy được hơn 5 vạn người biết đọc, biết viết và những điều thường thức cần thiết. Việc nâng cao dân trí bước đầu ấy đã đáp ứng nhu cầu thiết tha của quần chúng và có tác động tích cực đến việc tổ chức và giác ngộ quần chúng, như Xứ ủy Bắc Kỳ đã khẳng định: Đây là “trường học văn hóa rộng lớn và cũng là trường học yêu nước, yêu dân” [23, tr. 114]. Công cuộc chống nạn mù chữ thất học đã tiến hành từ nhiều năm trước nhưng rõ ràng là đến thời kỳ Hội Truyền bá Quốc ngữ mới giành được những thắng lợi đầu tiên đáng kể.

Sự thành công ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sự lãnh đạo khéo léo của Đảng, Ban Trị sự và các ban chuyên môn của Hội hoạt động nghiêm túc, phương pháp giảng dạy thích hợp..., và một điều quan trọng nữa là nhờ có vai trò của những người lãnh đạo Hội. Vào thời kỳ đó, Đảng chủ trương mời Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng và Bùi Kỷ làm Phó Hội trưởng là có những lý lẽ, cơ sở. Nguyễn Văn Tố và Bùi Kỷ đều là những nhà nho có uy tín, chưa tham gia vào tổ chức Đảng nên để giữ chức lãnh đạo Hội sẽ phần nào hạn chế được sự bắt bẻ của chính quyền thực dân. Riêng đối với cá nhân Bùi Kỷ, ông là một người am tường cả cổ kim đông tây, lại là một nhà sư phạm giảng dạy Việt văn có tiếng, chắc chắn đáp ứng được yêu cầu của Hội về cả tư chất lẫn chuyên môn. Mặc dù chỉ tham gia ban lãnh đạo Hội trong mấy năm đầu hoạt động, song cho đến những năm 1944 - 1945, Bùi Kỷ vẫn là một hội viên hết sức nhiệt tình, năng nổ và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển sâu rộng của phong trào truyền bá Quốc ngữ.

Vượt ra khỏi phạm vi ngành giáo dục, Hội Truyền bá Quốc ngữ với tư cách là một tổ chức công khai được Đảng lãnh đạo, đã có đóng góp quan trọng đặc biệt

trong sự nghiệp chống nạn thất học ở nước ta. Những kinh nghiệm phong phú về tổ chức một phong trào dân tộc sôi nổi có tính quần chúng, về xây dựng chương trình học và biên soạn sách giáo khoa, về canh tân phương pháp sư phạm xóa mù chữ... chính là một cơ sở đầy sinh lực cho sự nghiệp Bình dân học vụ sau này. Trong thư kêu gọi nhân dân học chữ Quốc ngữ năm 1945, Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ, như anh chị em trong sáu, bảy năm nay, đã gây phong trào truyền bá quốc ngữ giúp đồng bào thất học” [92, tr. 7].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bùi Kỷ với sự nghiệp văn hóa - giáo dục và cách mạng Việt Nam thế kỷ XX (Trang 63 - 67)