Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng dạy

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chiến lược khoa giáo hưng quốcvà những tác động tích cực đối với vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học trung quốc (Trang 89 - 91)

3.2.1 .Nâng cao chất lượng giảng dạy

3.2.1.2. Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng dạy

Theo như một thống kê gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam chỉ đào tạo khoảng 630 người, một con số rất ư là khiêm tốn, có khi còn thấp hơn con số của một trường lớn ở các nước phương Tây. Do đó, Việt Nam cần mạnh dạn gửi học viên và giảng viên ra nước ngoài học hậu Đại học nhiều hơn nữa, đồng thời đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các Đại học nước ngoài, để qua đó đào tạo được thêm chuyên viên nghiên cứu và giảng viên với kinh phí vừa phải.

Tuyển chọn đúng người có trình độ chuyên môn phù hợp, có năng lực làm giảng viên. Không áp dụng bất kỳ chế độ ưu tiên nào (về chuyên môn) khi tuyển chọn giảng viên. Có cơ chế, chính sách, biện pháp đánh giá giảng viên hàng năm. Cụ thể hoá tiêu chuẩn đánh giá và đánh giá toàn diện bằng 3 hình thức: trên cơ sở số lượng các công trình, đề tài các cấp, bài báo, giáo trình/sách tham khảo, đánh giá của đồng nghiệp và đặc biệt là đánh giá thông qua việc khảo sát ý kiến của sinh viên

về chất lượng giảng dạy của giảng viên. Kết quả đánh giá phải được sử dụng một cách có hiệu quả, tạo “tạo áp lực tích cực” để giảng viên đổi mới.

Tạo môi trường làm việc tốt cho giảng viên. Trước hết là phải tăng lương cho giảng viên, làm thế nào để giảng viên có thể “sống bằng lương”, tiến tới trả lương theo chất lượng công tác và sự đóng góp của mỗi giảng viên, không cào bằng; cung cấp cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và cơ hội để giảng viên học tập, nghiên cứu, thăng tiến.

Khuyến khích giảng viên đại học nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy:Các trường đại học Việt Nam hiện nay cần phải thành lập trung tâm hỗ trợ giảng dạy cho giảng viên [40, tài liệu mạng], đây là đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ nghiên cứu dạy và học. Tuy nhiên để không tạo thêm biên chế và hoạt động có hiệu quả, nhân sự của đơn vị này là các giảng viên thuộc các khoa đào tạo của trường được tập hợp lại, vừa tham gia giảng dạy ở các khoa vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu về dạy và học dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám hiệu trường đại học. Việc giảng dạy và nghiên cứu phải luôn gắn kết với nhau không tách rời nhau, người thoát ly công tác giảng dạy thì không thể hoạt động ở nhóm này.

Trung tâm có chức năng chính là: Thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy và đánh giá, sử dụng công nghệ dạy học, thiết kế và ứng dụng các phần mềm phục vụ đào tạo hỗ trợ nghiệp vụ sư phạm cho tất cả giảng viên của trường. Nghiên cứu cách sử dụng Hồ sơ học tập trực tuyến (ePortfolios) và Ma trận đánh giá (Rubrics) – đây là hai thế mạnh trong nghiên cứu ứng dụng về giảng dạy đại học hiện nay; Gắn kết giữa các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ thông tin trong cùng một đơn vị để cùng làm việc theo những mục tiêu chung; Hỗ trợ giảng viên các khoa, bộ môn trong công tác đào tạo: thiết kế chương trình, đánh giá, sử dụng công nghệ và phần mềm dạy học, cung cấp thông tin, tư vấn và tổ chức tập huấn về nghiệp vụ sư phạm. Có riêng một phòng máy tính để hỗ trợ bất cứ giảng viên nào có nhu cầu tìm hiểu về các phần mềm phục vụ dạy học; Giúp giảng viên phát triển và sử dụng phương pháp giảng dạy tương tác và các phương pháp học tích cực để họ có thể trình bày tài liệu môn học theo các cách và quan điểm khác nhau.

Khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm:Các trường Đại học cần tạo điều kiện để giảng viên nâng cao trình độ và chất lượng giảng dạy. Đặc biệt phải đặt ra các ngưỡng về bằng cấp để các giảng viên phấn đấu. Ví dụ muốn ở lại giảng dạy đại học lâu dài, giảng viên sau 10 năm giảng dạy phải có bằng Tiến sĩ, sau 20 năm phải đạt chức danh Phó giáo sư. Chú trọng đến việc tôn vinh những giảng viên mô phạm, xuất sắc nhằm khích lệ sự phấn đấu của giảng viên. Hàng năm, căn cứ vào “phiếu điều tra sinh viên” và kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên, nhà trường chọn ra những giảng viên xuất sắc, lập giải thưởng dành cho họ. Những giảng viên này được vinh dự giới thiệu trước toàn trường trong những dịp lễ quan trọng, được mời nói chuyện nhằm truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp vv... Nhà trường phối hợp với trung tâm hỗ trợ giảng viên “sử dụng” ngay các giảng viên xuất sắc của trường tổ chức những lớp học, những lớp tập huấn miễn phí về chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên. Những chứng chỉ được cấp từ những lớp tập huấn này cũng là một trong những điều kiện để xét học hàm Giáo sư hoặc Phó giáo sư cho giảng viên sau này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chiến lược khoa giáo hưng quốcvà những tác động tích cực đối với vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học trung quốc (Trang 89 - 91)