Nâng cao chất lượng học tập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chiến lược khoa giáo hưng quốcvà những tác động tích cực đối với vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học trung quốc (Trang 96 - 100)

3.2.1 .Nâng cao chất lượng giảng dạy

3.2.2. Nâng cao chất lượng học tập

Tạo môi trường học tập kết hợp lý thuyết và thực hành (liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp). Nếu nhìn vào cơ cấu tổ chức của các trường đại học hiện nay sẽ thấy chỉ có các phòng ban như: đào tạo, tổ chức – hành chánh, quản lý sinh viên, hội đồng khoa học, nghiên cứu khoa học, quan hệ quốc tế, các khoa. Rất hiếm khi thấy có bộ phận Quan hệ Doanh Nghiệp hay đại loại như vậy. Chương trình đào tạo vẫn được thay đổi, cập nhật nhưng công việc này đều do các hội đồng khoa học của Trường hay Bộ với thành phần chủ yếu là các nhà khoa học. Rõ ràng với cơ cấu tổ chức và vận hành không thay đổi từ nhiều năm, chúng ta đã tạo nên những lối mòn và đặt trên đó các rào cản đẩy các chúng ta xa với xã hội, với doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa, thay đổi cơ cấu tổ chức và vận hành theo hướng “mang khách hàng vào bên trong” sẽ là một bước đột phá quan trọng để nâng cao chất lượng hiện nay của các trường. Bước đầu tiên của quá trình mang khách hàng vào bên trong có lẽ là việc thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là việc làm mà hầu hết các trường đại học trên thế giới dù

công hay tư, dù lớn hay nhỏ đều thực hiện và được coi là một hoạt động quan trọng, thường xuyên và dài hạn. Việc làm này mang lại những giá trị cụ thể gì cho hai phía và cho xã hội nói chung?

Nhà trường nhận được nhiều lợi ích cụ thể trong quan hệ với doanh nghiệp: Thứ nhất, chất lượng đào tạo chính qui (sinh viên), dịch vụ (đào tạo và tư vấn cho doanh nghiệp), và nghiên cứu ứng dụng sẽ tăng lên nhiều do lý thuyết được gắn kết với thực tiễn.

Thứ hai, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm đúng theo chuyên ngành đào tạo tăng cao.

Thứ ba, trình độ của đội ngũ giảng viên sẽ được cải thiện đáng kể.

Thứ tư, cơ hội gia tăng thu nhập của nhà trường và giảng viên (đến từ việc các dịch vụ và nghiên cứu được doanh nghiệp chấp nhận).

Thứ năm, cơ hội được các ngành và các doanh nghiệp tài trợ hay liên kết trong các dự án nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, và sản xuất thử nghiệm.

Cuối cùng, vị trí và uy tín của các trường sẽ tăng lên cao trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Ở Mỹ và các nước công nghiệp phát triển các doanh nghiệp là những nhà tài trợ quan trọng nhất cho hoạt động của các trường đại học.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, họ cũng nhận được những lợi ích quan trọng: Thứ nhất, thông qua quan hệ chặt chẽ với các trường, họ được trang bị lý luận và được cập nhật các thông tin mới nhất với quản lý và khoa học công nghệ. Hiện nay một bộ phận các doanh nghiệp còn chưa nhận thức đúng về vai trò của lý luận/ lý thuyết đối với hoạt động thực tiễn. Ở giai đoạn trước đây, khi thị trường, cạnh tranh còn ở mức độ kém phát triển, thành đạt của nhiều doanh nghiệp dựa phần lớn vào các lợi thế cạnh tranh thô (tài nguyên thiên nhiên, vị trí đất, nhân công rẻ, kinh nghiệm cá nhân, bảo hộ của nhà nước), nhưng khi thị trường phát triển ở trình độ cao với quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ thì rất cần sự chuyển đổi về chất của lợi thế cạnh tranh và lúc này nếu không được trang bị tốt về lý luận và lý thuyết hiện đại các doanh nghiệp sẽ bị đào thải.

Lợi ích thứ hai mà các doanh nghiệp nhận được là ở đội ngũ sinh viên chất lượng cao có lý luận và thực tế.

Thứ ba, thông qua các dự án tư vấn hay nghiên cứu với các trường, doanh nghiệp sẽ nhận được các giải pháp khả thi cho các vấn đề kinh doanh, sản xuất và phát triển của mình.

Thứ tư, liên kết với các trường cũng là một các để các doanh nghiệp thể hiện sự đóng góp của mình cho xã hội và từ đó xây dựng hình ảnh và quan hệ với cộng đồng.

Cuối cùng, tất cả các giá trị trên sẽ liên kết để gia tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Trên phương diện xã hội, nguồn lực của xã hội được sử dụng và phân bố một cách tối ưu khi liên kết trên được thiết lập. Xã hội sẽ có những người lao động giỏi chuyên môn, những trường đại học và doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao là nền tảng cho một xã hội tri thức.

Thực tế ở Khoa Quản Lý Công Nghiệp, ĐH Bách Khoa Tp.HCM, từ 1998 dưới sự tài trợ của tổ chức Phát Triển Công Nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), chúng tôi đã xây dựng và vận hành một Văn Phòng Hỗ Trợ Các Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ (gọi tắt theo tên tiếng Anh là SSO). Văn phòng này đóng vai trò cầu nối giữa các hoạt động của nhà trường với doanh nghiệp. Nó cung cấp các dịch vụ về đào tạo ngắn hạn, tư vấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Hai năm đầu có nguồn tài trợ của UNIDO để hoạt động, nhưng từ đầu năm 2000 tài trợ này chấm dứt và Văn phòng đã tự vận hành hoạt động của SSO. SSO liên tục tham khảo ý kiến các doanh nghiệp để cải tiến chất lượng dịch vụ và phát triển các sản phẩm (các khóa huấn luyện mới) phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Và kết quả là SSO đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình và đáng trân trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Trong quá trình vận hành văn phòng nhận thức được rất rõ giá trị/ lợi ích mà liên kết với doanh nghiệp mang lại. Trình độ giảng viên tăng lên rõ rệt khi tham gia giảng dạy và tư vấn cho doanh nghiệp. Tương tác qua lại giữa doanh nghiệp và giảng viên, khoa và nhà trường tạo ra một môi trường học thuật và làm

việc lành mạnh. SSO rút ra được một kết luận rất quan trọng. Doanh nghiệp hiện nay có nhu cầu chất xám rất lớn nhưng chưa có được những nhà cung cấp có chất lượng. Chính từ thực tiễn này mà chúng tôi rất tự tin vào sự thành công của các liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp

Như vậy nhu cầu và sự hưởng ứng của doanh nghiệp là có thực. Vấn đề chính hiện nằm ở phía các trường.

Các trường cần thể hiện rõ sự cân đối trong bố trí nguồn lực giữa 3 nhóm sản phẩm trong kế hoạch công tác của trường: đào tạo chính qui, nghiên cứu ứng dụng, và dịch vụ cho doanh nghiệp (thường mới tập trung ở sản phẩm 1 và 2). Do vậy trong tiêu chí đánh giá giảng viên cũng chỉ tập trung ở hai nhóm đầu. Mặt khác bố trí công việc còn chưa đi đôi với bố trí nguồn lực. Ví dụ: đầu mỗi học kỳ đều có giao số tiết giảng dạy cho từng giáo viên (phục vụ mục tiêu đào tạo) nhưng không có cân đối cụ thể với thời gian giảng viên phải bỏ ra để làm nghiên cứu hay dịch vụ. Mặc dù trong mục tiêu có thể nhắc đến hai yếu tố này. Điều này dẫn đến việc các giảng viên chỉ tập trung giảng dạy còn nếu bỏ thời gian nghiên cứu hay làm dịch vụ thì không được công nhận thỏa đáng. Ở các trường đại học của Mỹ đều có qui định rõ việc này. Chẳng hạn các trường lớn chuyên làm nghiên cứu thì tỷ lệ là 60/30/10 (60% nguồn lực cho nghiên cứu, 30% cho giảng dạy, 10% cho dịch vụ), còn các trường cân bằng thì 40/40/20 hay chuyên về giảng dạy thì 20/60/20 ...

Tạo cơ chế mở cho phép các giảng viên được cộng tác chặt chẽ với các doanh nghiệp. Có thể qui định cụ thể thời gian giảng viên dành cho các dịch vụ với doanh nghiệp và coi đây là đóng góp của giảng viên.

Mời doanh nghiệp tham gia giảng dạy một số chuyên đề hay phần của chuyên đề. Tổ chức thường kỳ các chương trình giao lưu doanh nghiệp và sinh viên, doanh nghiệp với giảng viên. Mời doanh nghiệp tham gia góp ý cho các chương trình đào tạo. Thường xuyên lấy ý kiến doanh nghiệp về chất lượng sinh viên ra trường và kỳ vọng của họ đối với các “sản phẩm” của nhà trường.

Thành lập bộ phận phụ trách Quan hệ với Doanh Nghiệp. Bộ phận này đóng vai trò như một trung gian kết nối nhà trường và doanh nghiệp. Công việc cụ thể của bộ phận này có thể là:

(1) lấy thông tin về nhu cầu nhân sự, nhu cầu đào tạo, huấn luyện, các vấn đề về quản lý và khoa họ kỹ thuật mà doanh nghiệp đang quan tâm

(2) cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về những dịch vụ và sản phẩm mà nhà trường hiện có hoặc dự kiến phát triển

(3) kết hợp với các khoa, trung tâm trong trường thiết kế các dịch vụ (tư vấn, đào tạo, nghiên cứu) phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp

(4) tổ chức cho sinh viên đến doanh nghiệp thực tập một cách hiệu quả nhất (5) giới thiệu sinh viên cho doanh nghiệp và giới thiệu doanh nghiệp cho sinh viên (6) thực hiện các công việc hành chính như soạn thảo hợp đồng, bản nghi nhớ, các nguyên tắc làm việc, phương thức thanh toán, tổ chức các khóa huấn luyện, cấp chứng chỉ.

Cuối cùng, xây dựng và phát triển quan hệ trên nền tảng văn hóa khách hàng là công việc dài hạn mà những đề xuất trên đây chỉ là những nét chấm phá. Sự thành công của từng mô hình cụ thể còn tùy thuộc rất nhiều vào sự cam kết và nỗ lực của các trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chiến lược khoa giáo hưng quốcvà những tác động tích cực đối với vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học trung quốc (Trang 96 - 100)