Văn hóa Lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm Triều Trần Luận văn ThS. Văn học 60 22 36 (Trang 32)

Châu thổ Bắc Bộ là cái nôi hình thành dân tộc Việt. Vì vậy, nó cũng là nơi sinh ra các nền văn hóa lớn như văn hóa Đông Sơn thời thượng cổ, văn hóa Đại Việt thời trung cổ với những thành tựu phong phú về mọi mặt. Nó cũng là cội nguồn của văn hóa Việt ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ sau này.

Cộng đồng người Việt ở Đồng Bằng Bắc Bộ trải qua các thời kì phát triển khác nhau. Do vậy đã tạo ra những đặc trưng văn hóa với những nét riêng biệt và độc đáo so với các khu vực khác.

Trong quá trình đấu tranh sinh tồn, con người phải thích nghi với môi trường tự nhiên, chinh phục thiên nhiên để phục vụ cho sản xuất và cho đời sống của mình. Những cư dân đồng bằng châu thổ Bắc Bộ từ xa xưa đã biết đào mương máng để tạo sự thuận lợi cho tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, đắp đê phòng chống lũ lụt.... Họ còn tạo ra đặc trưng riêng cả trong văn hóa ăn, mặc, ở.

Vùng văn hóa ở châu thổ Bắc Bộ là một vùng văn hóa đa dạng, có bề dày lịch sử. Điều này được thể hiện qua sự dày đặc của các di tích văn hóa rải ở khắp các địa phương như các đình, chùa, miếu.... Cùng với các di sản văn hóa hữu thể thì các di sản văn hóa vô thể cũng rất phong phú. Kho tàng văn học dân gian mang đậm những nét riêng của vùng. Các tín ngưỡng văn hóa dân gian của cư dân trồng lúa nước cũng được nảy sinh tại đây như tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành Hoàng, thờ tổ nghề,....Các tín ngưỡng này tiềm ẩn trong tâm thức con người và tồn tại trong các lễ hội. Mật độ lễ hội ở châu thổ Bắc Bộ dày đặc. Người ta ví lễ hội ở vùng này như một bảo tàng văn hóa tổng hợp và lưu giữ khá nhiều các sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp.

Văn hóa của người Việt là cả một lịch trình, phát triển qua các thời đại khác nhau, nó bao trùm và được thể hiện trên mọi lĩnh vực sinh hoạt vật chất và tinh thần. Và những đặc điểm của đời sống vật chất, tinh thần của con người dưới triều

Trần cũng là một bộ phận, một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển văn hóa của người Việt.

Khi nhà Trần điều hành đất nước đã tạo ra một thời kỳ thịnh trị trong lịch sử xã hội Việt Nam. Đồng thời tạo dựng một nền văn hóa mang đặc điểm riêng của mình cùng với sự lớn mạnh về chính trị và kinh tế. Sự phát triển văn hóa giai đoạn này ngoài sự kế thừa thành tựu từ các giai đoạn khác, nó còn được khởi sắc bởi những điều kiện xã hội, lịch sử riêng biệt của một thời đại có nhiều sự tiến bộ và cởi mở của một vương triều tiến bộ.

Giai đoạn này là giai đoạn phục hưng của nền văn hóa Việt cổ bản địa (văn minh Văn Lang – Âu Lạc) trên nền tảng của sự khôi phục độc lập dân tộc và sự giữ vững chủ quyền quốc gia qua những cuộc kháng chiến của Đại Việt chống quân Nguyên thắng lợi. Vị thế độc lập về chính trị – dẫn đến ý thức độc lập về văn hóa “Nam Bắc đều chủ nước mình, không phải noi nhau” ( Trần Nghệ Tông). Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tìm về cội nguồn đã thấm đậm trong môi trường văn hóa thời Trần.

Ta thấy một đặc điểm nổi bật trong xã hội thời thịnh Trần đó là tạo ra khối đoàn kết toàn dân “vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức...”, những người đứng đầu nhà nước luôn đề cao sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự bền vững cho đất nước, chính sách an dân, thân dân luôn được nhà nước coi trọng và thực thi; chính sách chiêu hiền đãi sĩ, sử dụng người hiền tài vào việc dựng xây đất nước, chống lại thế lực từ bên ngoài được nhà Trần chú trọng. Nhà Trần thực hiện chế độ điền trang thái ấp, đất đai được chia cho anh em, con cháu nhà Trần nhưng không theo chế độ cát cứ phân phong. Họ đã tận dụng mối quan hệ thân thuộc anh em, dòng họ để củng cố cơ cấu dòng họ, để thống nhất, để tạo sự độc tôn quyền lực của dòng họ Trần. Như vậy văn hóa làng xã cổ truyền vẫn tiếp tục phát triển, tiếp

nối và được bền chặt hơn nhờ có những mối liên hệ đặc biệt do chế độ điền trang thái ấp tạo ra.

Phật giáo cũng là một bình diện của văn hóa dưới triều Trần, nó được nhà Trần coi trọng và phát triển. Đạo Phật thời Trần đã ảnh hưởng đến đường lối cai trị của Nhà nước (chính sách thân dân, khoan dung), là đối trọng tư tưởng của Nho giáo, tạo nên thế cân bằng tôn giáo. Nhà Trần chủ trương xây dựng một thứ tôn giáo riêng của mình. Phật giáo ở đây được phát triển theo xu thế tích cực, không phải là vô vi mà là hữu vi. Con người của đạo Phật giai đoạn này là những con người nhập thế, nhập cuộc “sống với đời, vui với đạo”, con người của Phật tử cũng chính là con người dựng xây đất nước và cũng chính là những người bảo vệ non sông đất nước trước hiểm họa ngoại xâm. Vì thế, đạo Phật đã mang tính dân tộc sâu sắc.

Xã hội dưới triều đại nhà Trần ở thời thịnh trị nếu không xét đến sự phân chia giai cấp, không tính đến tác động và ảnh hưởng do nạn ngoại xâm đem lại thì ta thấy rằng cuộc sống của nhân dân cũng được sử sách, văn thơ ca ngợi là sung túc, no đủ. Một người ngoại quốc đã miêu tả nước ta thời đó như sau:

“Những vườn dâu mầm non lên lắp xắp Những con đường làng san sát tre ghe Vườn chuối trâu quả trông như lưỡi kiếm Rặng vải rồng quả sai như ngọc châu. ...

Hàng nghìn chiếc thuyền đến buôn bán nơi đồng muối Một năm bốn vụ lúa, hạt gạo thơm ngon”

( Trần Phu – An Nam tức sự) Nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn cũng đã từng ca ngợi sự trù phú, sung túc ấy bằng những vần thơ mộc mạc giản dị:

Lúa sớm bông thơm cua béo ghê!”

Như vậy, một chế độ điền trang thái ấp làm nền cho sự phát triển kinh tế, tôn giáo làm nền cho ý thức, cuộc sống vật chất làm nền cho sự phát triển xã hội. Đó chính là cơ sở quan trọng cho sự phát triển văn hóa dưới triều Trần.

Về mặt phong tục tập quán, ngoài sự giao lưu với bên ngoài thì con người thời Trần cũng có ý thức về cái riêng của mình. Trong dân gian có tục ăn trầu nhưng người ta dùng cau tươi khác với người Màn Quảng dùng cau khô. Nhà Trần vẫn giữ tục xăm mình như là sự giữ gìn bản sắc riêng :“ Nhà ta vốn người hạ lưu (thủy tổ người Hiển Khánh) đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ nên xăm hình rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”[40, tr. 95]. Sự tiếp thu về văn hóa của nhà Trần là sự tiếp thu chọn lọc, kế thừa có sự sáng tạo.

Văn hóa Đại Việt thời Trần chính là một sức mạnh tinh thần, vừa là một động lực thúc đẩy, vừa là một mạch nguồn chảy mãi không ngừng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ non sông, đất nước. Đồng thời nó cũng là một tố chất cố kết cộng đồng người Việt, trên cơ sở tìm về một cội nguồn lịch sử và văn hóa chung, làm chín muồi ý thức quốc gia và tinh thần dân tộc Việt.

Trên nền văn hóa ấy, tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm của các thời đại trước, nhà Trần đã tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ quốc gia độc lập bằng những chiến công vang dội trong công cuộc chống ngoại xâm của toàn quân và dân.

Ngay từ những ngày đầu tiên nắm giữ triều chính, điều hành đất nước, Triều Trần phải đối mặt với biết bao khó khăn gian nan, chống lại sự nổi loạn của các phe phái trong nước như sự nổi dậy của Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng, nạn cướp bóc hoành hành và không tránh khỏi sự chống đối của những người ủng hộ nhà Lý đã suy vong.

Khó khăn đặc biệt hơn nữa mà triều Trần phải đối mặt trong những năm điều hành đất nước đó là nạn ngoại xâm, đặc biệt là sự bành trướng của Đế quốc Mông Cổ - một đế quốc hùng mạnh nhất thời phong kiến mà vó ngựa chúng đi đến đâu là gieo sự chết chóc và kinh hoàng đến đó. Thời đại nhà Trần - thời đại Đông A đã tạo ra sự đoàn kết, thống nhất từ vua - tôi đến quân - dân, sự đoàn kết ấy là sức mạnh, là ý chí, là nguồn lực để chống lại kẻ thù hung hãn. Trong cuộc chiến ấy con người anh hùng và chủ nghĩa anh hùng đã được sản sinh và nuôi dưỡng. Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm từ những thế kỉ trước được tiếp nối và phát triển. Có những con người vì nước quên thân, có ý chí chống kẻ thù đến cùng đã làm lên chiến thắng của dân tộc. Những câu nói, lời thề của họ được ghi mãi trong sử sách, như những lời hiệu triệu, thể hiện ý chí giết giặc cứu nước của toàn dân tộc :“Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác” ( Trần Thủ Độ ), “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng). Có biết bao anh hùng, đã đi vào huyền thoại, đi vào truyền thuyết, đã hiển thánh trong tâm thức, tâm linh người Việt. Những anh hùng ấy không chỉ là những vị tướng dũng mãnh, những nam tử hán đại trượng phu tiêu biểu như Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão...., mà còn là những liệt nữ, những vị vương phi, công chúa như Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, Huyền Trần công chúa.... Những anh hùng ấy không chỉ là những bậc thân vương, quý tộc mà còn là những người dân bình thường, những gia nô, những người hầu cận như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu.... Cuộc chiến ấy còn được sự phù trợ từ những thế lực siêu nhiên, thần thánh.

Ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, trải qua biết bao thăng trầm, gian lao, vất vả, các tướng lĩnh nhà Trần đã cùng quân và dân làm nên trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc.

Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

(Trần Nhân Tông) (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá Non sông nghìn thuở vững âu vàng)

Vẫn còn vang vọng hào khí Đông A, vẫn còn ngùn ngụt khí thế Sát Thát trên non sông đất nước Việt Nam. Và những di tích lịch sử, những đền đài miếu mạo, những dấu tích của triều Trần vẫn còn tồn tại trên khắp đất nước Việt Nam như những minh chứng hùng hồn cho một triều đại Đông A vĩ đại. Nhưng quan trọng hơn, đậm sâu hơn là sự tồn tại trong tâm linh người Việt một triều Trần hiển hách với những vị anh hùng đã thành thần, đã hiển thánh và vẫn “ sống” mãi mãi trong lòng những thế hệ con cháu người Việt ta.

Tiểu kết chương 1:

Xuất thân từ nghề chài lưới, dòng họ nhà Trần đã tụ cư sinh sống, tạo dựng cơ nghiệp ở những vùng đất cổ Thiên Trường – Nam Định, Long Hưng – Thái Bình, Đông Triều – Quảng Ninh. Đây là những vùng đất cổ thuộc vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, có những điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, địa hình, là những vùng cửa sông, ven biển, thuận lợi cho việc đánh bắt cá và trồng lúa nước. Tập tục canh tác và lối sống gắn bó với môi trường nước tạo cho con người nơi đây sự bền bỉ, kiên cường, dũng cảm cộng với sự mềm dẻo, linh hoạt trong tính cách. Những khí chất đó đã quy tụ lại ở những người anh hùng Đông A, góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đây chính là “cốt lõi” để nhân dân sáng tạo nên những truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm.

Nền tảng văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành nên sức mạnh tinh thần, là một động lực thúc đẩy, là một tố chất cố kết cộng đồng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ non sông, đất nước. Trên nền văn hóa Đại Việt cùng với sự tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm của các thời

đại trước, nhà Trần đã tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ quốc gia độc lập bằng những chiến công vang dội trong công cuộc chống ngoại xâm của quân và dân nhà Trần.

Quê hương, đất nước đã chung đúc nên khí chất của người anh hùng Đông A - anh hùng của thời đại nhà Trần - linh hồn của cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Trên nền tảng văn hóa cùng với sự tiếp nối các truyền thống chống ngoại xâm đã nở rộ những chiến công vang dội của quân và dân nhà Trần. Để rồi từ đó một hệ thống những truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm triều Trần xuất hiện, trở thành một bộ phận của văn học dân gian Việt Nam.

Chương 2: VĂN BẢN TRUYỀN THUYẾT ANH HÙNG CHỐNG NGOẠI XÂM TRIỀU TRẦN 2.1. Phân biệt truyền thuyết và giai thoại

Trong thực tế, khi tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm chúng ta rất dễ nhầm lẫn với một số giai thoại lịch sử bởi vì giữa chúng có nhiều nét tương đồng với nhau. Hơn nữa ranh giới giữa các thể loại không phải bao giờ cũng vững chắc và đôi khi ranh giới ấy cũng bị phá vỡ. Vì vậy, phân biệt giữa giai thoại và truyền thuyết để xác lập một tiêu chí trong việc nghiên cứu tìm hiểu văn bản truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm triều Trần là một điều cần thiết bởi vì trong thực tế có nhiều văn bản truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm nhưng lại được coi là giai thoại lịch sử.

Như đã trình bày, truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian đã được công nhận và có rất nhiều công trình nghiên cứu về thể loại này trên nhiều phương diện khác nhau. Nhìn chung, truyền thuyết là những tự sự dân gian có cái lõi lịch sử, mang ít nhiều yếu tố kì ảo, nội dung kể lại các sự kiện và nhân vật lịch sử và thể hiện cách nhìn nhận và đánh giá của nhân dân trong đó.

Giai thoại là đối tượng khá mới mẻ của cả văn học dân gian và văn học thành văn. Theo GS Vũ Ngọc Khánh nhận xét thì: “ Tuy vẫn luôn luôn được nhắc đến, kể đến, với nhiều trân trọng, nhưng phải nói rằng giai thoại chưa được nghiên cứu bao nhiêu, và thật ra thì cũng chưa xác định được vị trí cho rõ rệt lắm”[39, tr. 164]

GS Kiều Thu Hoạch trong “ Xác định thể loại văn học” cho rằng: “ Giai thoại vốn là một thuật ngữ gốc Hán, giai có nghĩa là hay, thoại có nghĩa là câu chuyện kể. Như vậy giai thoại là câu chuyện kể hay, đẹp” [ 28, tr . 644]

Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố cho giai thoại “là việc tốt, chuyện hay, thường truyền tụng ở dân gian” [47, tr. 243]

Lại Nguyên Ân cho giai thoại là: “ một thể loại truyện kể truyền miệng, lưu hành chủ yếu trong giới nhà văn và lớp công chúng yêu thích thơ văn, nhất là những người hiểu biết Hán học và văn chương chữ Hán” [8, tr. 519]

Còn Guxep định nghĩa: “Chúng tôi gọi là giai thoại, tác phẩm tự sự trào phúng hoặc hài hước, được xây dựng trên một tình tiết có một sức tăng tiến, tới điểm cao, biểu hiện rõ rệt và hết sức bất ngờ” [ 39, tr . 168]

Giai thoại cũng được phân chia làm nhiều tiểu loại khác nhau. GS Vũ Ngọc Khánh chia giai thoại ra làm ba loại khác nhau: Giai thoại văn học, giai thoại lịch sử và giai thoại Folklore. Theo GS thì:

Giai thoại văn học: là những câu chuyện hoàn toàn là chuyện sáng tạo và những chuyện người sáng tạo trong địa hạt văn chương học thuật.

Giai thoại lịch sử: Những câu chuyện khác liên quan với những sự kiện, những nhân vật hoạt động trong các chính trường, có liên hệ chặt chẽ với tiến trình tồn vong của đất nước.

Giai thoại Folklore: Các mẩu chuyện về những tài năng thợ thêu, thợ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm Triều Trần Luận văn ThS. Văn học 60 22 36 (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)