Mối quan hệ giữa các truyền thuyết và lễ hội về anh hùng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm Triều Trần Luận văn ThS. Văn học 60 22 36 (Trang 110 - 112)

3.3. Môi trường diễn xướng của truyền thuyết anh hùng

3.3.3. Mối quan hệ giữa các truyền thuyết và lễ hội về anh hùng

chống ngoại xâm triều Trần.

3.3.3.1. Truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm triều Trần là cơ sở để các lễ hội về các anh hùng chống ngoại xâm triều Trần tồn tại và phát triển.

Như chúng ta đã biết, truyền thuyết là một thể loại của Văn học Dân gian và nó bao gồm nhiều tiểu loại. Trong đó, truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm chiếm một số lượng đáng kể và đó là các truyền thuyết được nhân dân dụng công nhiều nhất. Từ những sự kiện và con người có thực trong lịch sử nhân dân ta bằng trí tưởng tượng nghệ thuật đã sáng tạo nên những tác phẩm văn học dân gian để thể hiện sự đánh giá, tư tưởng, tình cảm của mình

đối với những người anh hùng có công trong công cuộc chống ngoại xâm của Tổ quốc.

Truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm thường là ca ngợi chiến công phi thường của các anh hùng dân tộc trong cuộc chiến chống kẻ thù.

Xuất phát từ lòng biết ơn, sự sùng kính, niềm tin yêu, ngưỡng vọng đối với các vị anh hùng dân tộc ấy mà nhân dân suy tôn họ làm phúc thần, lập đền, miếu để thờ cúng và với mong muốn họ trở thành những vị thần bảo trợ cho cuộc sống của mình được bình yên, hạnh phúc, tránh khỏi mọi điều tai ương, bệnh tật, ốm đau...

Như vậy từ những người anh hùng chống ngoại xâm được nhân dân truyền thuyết hóa, được nhân dân suy tôn làm phúc thần, được thờ cúng, tế lễ và tưởng niệm hàng năm.

Các vương triều phong kiến với mục đích chính trị củng cố vương quyền của mình đã lợi dụng các truyền thuyết dân gian, từ đó biên soạn lại thành các thần tích, tạo dựng một hệ thống thần linh, các thần được xem xét, sắc phong theo các thứ hạng, phẩm hạng khác nhau. Sau đó các thần được giao về địa phương, được lập đền miếu thờ phụng và hàng năm làng phải mở hội tưởng niệm công đức các thần đó. Quá trình biên soạn và chỉnh lý đó đã tác động mạnh mẽ vào các truyền thuyết. Các yếu tố hư ảo, thần kì, các yếu tố dân gian trong các truyền thuyết phần nào bị “ khô héo” đi; các anh hùng, các vị phúc thần của nhân dân được “khoác thêm một lớp áo mới” với những tước hiệu dài dòng, với “bộ mặt xa lạ”, mất đi sự gần gũi và “ xa cách” hơn đối với nhân dân. Nhưng việc làm đó của các triều đại phong kiến cũng đã góp phần nào xây dựng và củng cố thêm lòng tự hào dân tộc, ý thức độc lập dân tộc, lòng ngưỡng mộ, sùng bái, thần thánh hóa các anh hùng có công xây dựng đất nước và có công chống giặc ngoại xâm. Việc làm này của các triều đại phong kiến xuất phát từ lợi ích chính trị nhưng đồng thời nó cũng phù hợp với tâm

tư, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy các hội lễ được đông đảo quần chúng tham dự. Ở đây truyền thuyết chính là nội dung của các hội lễ về người anh hùng chống ngoại xâm.

Như vậy, truyền thuyết về các anh hùng chống ngoại xâm chính là cơ sở để lễ hội về các anh hùng chống ngoại xâm tồn tại và phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm Triều Trần Luận văn ThS. Văn học 60 22 36 (Trang 110 - 112)