6. Bố cục của luận văn
2.2. Những biểu tượng đặc sắc trong thơ Nguyễn Quang Thiều
2.2.2. Một số biểu tượng khác
2.2.2.1“Trẻ em” - biểu tượng về sự sống, sự trong sáng.
“Tuổi thơ là biểu tượng của sự trong trắng, vô tội: là trạng thái chưa hề mắc tội lỗi… Tuổi thơ là biểu tượng của tính chất phác tự nhiên, tính hồn nhiên… trẻ thơ hồn nhiên, lành hiền, mộc mạc, không có mưu đồ gì, không có ẩn ý…” [10, 946, 947].
Trong truyền thống của đạo Ki-tô, các thiên thần được miêu tả bằng những nét của trẻ thơ, dấu hiệu của sự ngây thơ, trong trắng… hình ảnh trẻ thơ tượng trưng cho sự chiến thắng những mặc cảm, nỗi lo âu và đạt được sự bình yên trong nội tâm và giữ được lòng tin.
Nguyễn Quang Thiều luôn trăn trở về sự suy kiệt của cõi thế, sự tái sinh của nhân loại. Và trong nhiều bài thơ, thi sĩ có những dự cảm về sự tan rã tinh thần của con người trong đời sống hiện đại, con người có những khoảnh khắc “bị đánh tráo dịu dàng với những kẻ bên cạnh” và “quên mất mình trong đám đông”. Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng những hình ảnh, hình tượng mang ý nghĩa tốt đẹp để phục sinh lại đời sống. Đó là biểu tượng trẻ thơ. Sự
tượng trẻ thơ. Theo Nguyễn Quang Thiều, trẻ em đồng nghĩa với sự trong sáng, không bị chủ nghĩa thực dụng chen vào. Trẻ em cũng đồng nghĩa với thiên thần vừa trong sáng vừa linh thiêng, tinh khiết biểu trưng cho sự toàn vẹn của thế gian.
Trong các bài thơ tiêu biểu như: “Đoản ca về buổi tối”, “Nhân chứng của một cái chết”, nằm trong mạch cảm hứng về sự tàn lụi và tái sinh đã phân tích ở các phần trước đều xuất hiện hình ảnh trẻ thơ. Sự vật, đời sống bị đẩy đến bờ vực tàn lụi, những đứa trẻ xuất hiện để bảo vệ sự sống trên trái đất:
- Từ phía các ngôi sao các thiên thần bay về Đậu lên trán những đứa trẻ đang ngủ
Những đứa trẻ lẻn dậy trốn bố mẹ và ra đi khỏi giường Chúng che kín đèn chỉ để lọt qua một tia sáng nhỏ
(Đoản ca về buổi tối) - Trong hoang tàn của lăng tẩm một bầy trẻ thơ ùa vào
Với gương mặt không dấu vết gì của thời đại suy tàn Chúng đuổi nhau, nô đùa, cười vang và hát
Dưới bầu trời lớn lao ngập ánh sáng vĩnh hằng.
Trong thơ J.Brodsky, những đứa trẻ có tâm hồn trong sáng cũng cứu rỗi thế gian này:
… Mây bay qua phía trên những lùm cây
Đâu đây suối nước chạy trốn, chỉ cần hát và chỉ cần khóc dọc theo những hàng rào mùa thu Chỉ cần lúc nào cũng nhìn lên cao hơn, nức nở không thôi,
Chỉ cần là một đứa trẻ của đêm…
… Phía trên chúng ta, một cái bóng lướt qua và tan biến Chỉ cần hát và chỉ cần khóc, chỉ cần sống
Tiếng hát ca ngợi thế gian của những đứa trẻ đã làm thế giới sống lại. Ở bài thơ này, Nguyễn Quang Thiều đã gặp gỡ ý tưởng với người thầy tinh thần của mình.
Trong lời giới thiệu của tập “Nhịp điệu châu thổ mới”, người viết đã có nhận định rất sắc sảo khi giới thiệu về tập thơ như sau: “…“Nhịp điệu châu thổ mới” là tập thơ hoàn thành sau “Những người đàn bà gánh nước sông”. Tập thơ này vẫn là sự đẩy tiếp trong cuộc chuyển đổi thi pháp đầy quyết liệt và nhọc nhằn của Nguyễn Quang Thiều. Trong tập thơ này, có hai bài thơ dài tựa hai cột trụ dựng giữa tập thơ, đó là “Nhịp điệu châu thổ mới” và “Chuyển dịch màu đen”.
“Nhịp điệu châu thổ mới biểu đạt về thế giới của một Cậu Bé, cậu mang khát vọng và trí tưởng tượng của mình soi rọi vào biển cuộc đời bề bộn chồng chất với vô vàn sự kiện, hình ảnh, âm thanh, màu sắc. Cậu xác lập khát vọng (bằng thế giới của mình, trong thế giới với những cảnh tượng hùng tráng của người lớn)… Hai bài thơ này biểu đạt thơ bằng hình tượng nên mạch thơ và hình tượng thơ trộn chảy phức tạp, có phần không dễ bề cảm nhận”.
“Nhịp điệu châu thổ mới” là tác phẩm có tầm vóc của một trường ca. Người Nông Dân và Cậu Bé là hai nhân vật trữ tình trung tâm của bài thơ. Bắt đầu là một hình ảnh gợi đến sự huỷ diệt của một đám tang, nhà thơ đã ca ngợi và mở ra một cuộc sống mới qua hình ảnh nhân vật Cậu Bé:
Thổ ngữ gieo từ bàn tay người Nông Dân già vào bàn tay Cậu Bé Cậu Bé chầm chậm mở vương quốc của mình và chầm chậm khép vào.
Và lúc đó những dòng sông nước mắt bắt đầu tuôn chảy Chảy về ngày mai, nơi hàng rào chân trời nở mãi mùa hoa lạ Chảy về hôm qua phần sống của người.
Từ cái chết đó “tuôn chảy một dòng sông”, “mọc lên những quả đồi”. Hình ảnh Cậu Bé “đi như một trụ cầu để đỡ một giọng nói” trở thành một biểu tượng nâng đỡ sự sống mới. “Giọng nói” là biểu tượng của sự sống, sự tồn tại. Kết thúc bài thơ, tất cả sự vật và Cậu Bé bừng dậy chào đón một giọng nói:
Đêm vĩ đại và linh ẩn đã chuẩn bị con đường cho Cậu Bé Những quả đồi tự xưng tên tuổi thật của mình
Tất cả thức dậy và đứng lên, những quả đồi bóng tối …
THỨC DẬY ĐỂ CHÀO ĐÓN MỘT GIỌNG NÓI
Trong bài thơ, nhân vật “Cậu Bé” và “giọng nói” có mối quan hệ mật thiết. Cậu Bé luôn tồn tại để “đỡ một giọng nói” còn giọng nói là biểu tượng của sự sống. Ở nhiều bài thơ khác, Nguyễn Quang Thiều thường nhắc đến một “giọng nói”. Có khi là một tiếng gọi xa xăm, mơ hồ (Lời nguyện cầu, Con bống đen đẻ trứng, Bài ca những con chim đêm,…) vọng lên từ cõi sâu tâm linh con người như để nhắc nhở con người hướng thiện, như để nâng đỡ tâm hồn con người. Song giọng nói trong thơ Nguyễn Quang Thiều thường mang ý nghĩa về sự sống. Đó là giọng nói của đứa trẻ trong bụng người đàn bà câm “Mẹ hãy mang con lên đỉnh đồi”.
Phải chăng, hình ảnh người bà nội với những câu chuyện kể về thế giới ma đã ám ảnh nhà thơ và từ cuộc đời thật của người bà đã ăn sâu vào tư duy nhà thơ. Đó là giọng nói của bà nội. Đó là những năm tháng bà nội nằm liệt giường chỉ xác nhận được sự sống của mình bằng giọng nói. Nguyễn Quang Thiều viết những bài viết “Hồi tưởng về những người đã khuất”, hồi tưởng về bà nội:
“Bà tôi nằm liệt giường đã bốn năm rồi. Những buổi tối ở quê tôi thường đi qua căn buồng bà tôi nằm thủa trước… Cùng lúc đó một giọng nói xa xăm vọng về. Đấy là tiếng nói của bà tôi. Không phải tiếng từ cõi âm…
Khi lớn lên có chút hiểu biết tôi đã tự hỏi vì sao bà tôi lại nói nhiều như thế khi nằm bất động trên giường. Những ngày ấy bà tôi không còn cảm giác gì về thân xác của mình… Bà tôi không xác định được mình còn tồn tại trên thế gian này nữa hay không thông qua thể xác của mình. Có lẽ thế mà bà tôi dùng giọng nói để xác thực sự tồn tại của mình: Và nếu bà tôi không nói thì bà tôi tin rằng mình đã chết…” [121].
Không chỉ ở trong văn xuôi mà trong thơ, Nguyễn Quang Thiều cũng viết về người bà nội với tình cảm thiêng liêng:
Trong bóng tối ấu thơ, tôi cần giọng nói Từ góc buồng ẩm mốc của bà tôi
Cây đèn của kí ức ấy cạn dầu và sợi bấc Bò đến sát tai tôi, nức nở nguyện cầu
(Hồi tưởng tháng hai)
Như vậy, có thể nói, kí ức tuổi thơ, kí ức về người bà nội đã ăn sâu trong tâm trí nhà thơ và có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng những hình tượng nghệ thuật, những biểu tượng độc đáo trong tư duy thơ Nguyễn Quang Thiều. “Giọng nói” là một biểu tượng mang mầu sắc thẩm mỹ rất đặc biệt trong hệ thống biểu tượng thơ Nguyễn Quang Thiều.