6. Bố cục của luận văn
2.2. Những biểu tượng đặc sắc trong thơ Nguyễn Quang Thiều
2.2.1.2. Cánh đồng và dòng sông
Cánh đồng và dòng sông là không gian tồn tại của con người, gắn bó thân thiết với mỗi con người. Đó là nơi ra đi và trở về, là nơi hò hẹn và tình tự. Đó là nơi ẩn giấu “những điều thiêng”. Cánh đồng và dòng sông được hiện lên với tất cả những nét đẹp đó và trở thành không gian nghệ thuật đặc sắc trong thơ Nguyễn Quang Thiều.
Không gian nghệ thuật “là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thời gian nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó, cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao thấp, xa gần, rộng dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian nên mang tính chủ quan, ngoài không gian vật thể có không gian tâm tưởng”.
“Không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy vào được không gian địa lý. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học không chỉ là các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học” [38, 134, 135].
Có thể nói rằng, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật, là phương diện quan trọng của tư duy nghệ thuật, thể hiện khả năng chiếm lĩnh thế giới khách quan của nhà thơ. Đó là sự mô hình hoá không gian tự nhiên theo điểm nhìn của người nghệ sĩ. Không gian nghệ thuật không phải lúc nào cũng trùng khít với không gian tự nhiên.
Cánh đồng và dòng sông - không gian trở về, không gian ký ức
Bên cạnh cặp biểu tượng cỏ - trăng thì biểu tượng cánh đồng - dòng sông mang một tầm vóc thiên nhiên rộng lớn và chiếm một vị trí quan trọng trong tư duy thơ Nguyễn Quang Thiều. “Đi dọc triền chữ của Nguyễn Quang Thiều tôi thấy anh thường trở đi trở lại với dòng sông, với những cánh đồng quê anh. Dòng sông Đáy bám chặt vào ký ức tuổi thơ Nguyễn Quang Thiều và theo năm tháng, nó toả ra muôn vàn màu sắc” [26, 257].
Thơ Nguyễn Quang Thiều bát ngát những “cánh đồng ngoại ô”, “cánh đồng mùa xuân”, “cánh đồng rau khúc”, “cánh đồng xứ sở”, và cả những “cánh đồng sản phụ”, “cánh đồng goá bụa”,… Thơ Nguyễn Quang Thiều cũng thênh thang những “dòng sông sáp nến”, “dòng sông gió”, “dòng sông đuối nước”, “dòng sông hồi xuân”, “dòng sông máu”, “dòng sông mặn”,…
Cũng giống như nhiều nhà thơ khác, Nguyễn Quang Thiều luôn dành cho thiên nhiên cỏ, cây, sông nước một vị trí rất trang trọng. Mỗi nhà thơ đều có một thế giới thiên nhiên mơ mộng riêng. Thơ Hàn Mặc Tử tràn ngập ánh trăng. Thơ Nguyễn Bính tràn ngập mảnh vườn, cánh bướm, con đò. Thơ Hoàng Cầm tràn ngập mưa.
Nguyễn Quang Thiều sinh ra và lớn lên tại làng Chùa ven bờ sông Đáy. Tuổi thơ Nguyễn Quang Thiều gắn bó với quê nhà, với cánh đồng, dòng sông Đáy, với những câu chuyện cổ thần tiên từ lời kể của bà. Làng quê, đất đai đã cung cấp cho anh một tâm hồn mơ mộng. Làng Chùa, dòng sông Đáy quê hương gắn bó sâu đậm với anh, dù ở nơi đâu, nhà thơ cũng luôn khao khát được trở về, được thả hồn trên cánh đồng kí ức và đắm mình trong dòng sông thơ ấu ngọt ngào.
Sống giữa nền văn minh đô thị, Nguyễn Quang Thiều tha thiết được trở về với cánh đồng để cảm nhận được sự trong lành, yên ả của đất đai, làng mạc, hương lúa,..
Vọng về từ cánh đồng rộng lớn mờ sương …
Người nông dân bế tôi lên và đặt vào thùng xe
Dưới vành nón của người cất lên trầm trầm giọng hát Như tiếng lúa khô chảy vào trong cót
Như đất ấm trào lên trong loé sáng lưỡi cày
(Ban mai)
Nhà thơ ước muốn được về lại cánh đồng, về lại nơi làm cho tâm hồn mình thanh thản:
Hãy mang tôi về xa nữa…
Trong bóng tối ngấm men chảy ướt cánh đồng
Và trong cuộc hành trình của đời mình, nhà thơ đã lấy cánh đồng quê hương để làm thước đo, điểm tựa:
Ta chạy qua bao cánh đồng, qua bao mùa cày cuốc, gieo gặt Ta chạy qua bao cánh đồng, qua những mùa cỏ dại
(Dòng sông)
Dường như, chỉ “về lại cánh đồng”, ngắm nhìn “đất nâu sẫm hắt lên rười rượi - mưa huênh hoang, ngây ngất đáy chiều”, nhà thơ mới thấy lòng thanh thản, mới trút bỏ được mọi ưu phiền:
Có một ngày không gieo, gặt
Tôi trốn những lo âu về lại cánh đồng Đất nâu sẫm hắt lên rười rượi
Mưa huênh hoang ngây ngất đáy chiều
(Cánh đồng)
Cánh đồng quê hương chính là không gian trở về sau gian nan, sau những cuộc kiếm tìm giá trị cuộc đời. Nhà thơ đã tìm thấy ở cánh đồng sự nuôi dưỡng, chở che, niềm an ủi ngọt ngào. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Quang Thiều đã có lần bộc bạch chân thành: “Tôi đã từng có những chiều đi chân
trần trên cánh đồng rực vàng của lúa chín với cõi lòng thanh sạch vô cùng. Lúc ấy, tôi được chìm đắm trong hương lúa, trong gió từ những chân trời vô tận thổi về và trong bầu trời trong vắt. Và lúc ấy, một giai điệu ngọt ngào từ đâu đó dâng lên mãi tràn ngập tâm hồn và thể xác tôi” (“Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng”).
Về lại cánh đồng, dòng sông, nhà thơ được về với chính mình, về với những kỷ niệm ngọt ngào thủa còn thơ dại. Nơi ấy có những cuộc tình, có “em” và “tôi”:
Thức dậy từ cơn mơ, cả cúc áo cũng không cài hết Cả tóc không kịp buộc, không kịp cả dặn dò
Tôi và em chạy về từ hai miền xa lạ Qua những cánh đồng cỏ bần bật run lên
(Dòng sông)
Không chỉ khát khao về với cánh đồng, Nguyễn Quang Thiều còn muốn đưa những đứa con thân yêu của mình về đó để tâm hồn trẻ thơ được tắm mát trong không khí trong lành của đất đai và được bắt rễ từ cội nguồn cố hương:
Cha ơi, cha đưa con về đâu
Cha đưa các con về cánh đồng của bà nội
(Con bống đen đẻ trứng)
Bên cạnh biểu tượng cánh đồng là biểu tượng dòng sông, đó là hai yếu tố tượng trưng cho làng quê Việt tự bao đời nay và đi vào trong thơ như những “bức tranh quê” gần gũi mà sống động vô cùng.
Nếu cánh đồng trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Quang Thiều gắn với những kỷ niệm thì dòng sông lại ám ảnh hơn. Dòng sông Đáy đã nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ từ thủa ấu thơ.
Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Đó là dòng sông của yêu thương, tình nghĩa, trĩu nặng phù sa. Bởi thế, “Sông Đáy đã trở thành cái sợi dây tình cảm thiêng liêng neo giữ và thanh lọc tâm hồn nhà thơ, là nơi trở về sau bao bươn bả gian nan”.
Cha ơi, cha đưa con về đâu Cha đưa con về sông Đáy
Dường như với các thi sĩ, trong sâu thẳm tâm hồn đều có hình bóng của một “con sông quê hương”. Dòng sông gắn với cội nguồn, nơi xuất phát điểm của đời người, cũng là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người. Dòng sông là điểm xuất phát cũng là điểm trở về. Có lẽ, chỉ có về với dòng sông, con người mới tìm được sự che chở:
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng Sông mở nước ôm tôi vào dạ
(Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh) Nếu “con sông quê hương” trong thơ Tế Hanh mang khuôn mặt thân thương, hiền hậu thì con sông Đuống trong thơ Hoàng Cầm đầy nữ tính mang đậm nét đặc trưng quê hương Kinh Bắc:
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
(Bên kia sông Đuống)
Với nhà thơ Nguyễn Duy, đó là dòng sông của làng quê Thanh Hoá. Dòng sông Mạ gắn với những kỷ niệm buồn vui, gắn với bao biến cố của cuộc đời:
Từ dòng sông ấy Tôi đi
Giọt nước lìa nguồn ra bể
Mát suốt đời tôi gió nồm sông Mạ mẹ và em sinh thành ở đó
quê nhà và tình yêu của tôi
Dòng sông Đáy trong thơ Nguyễn Quang Thiều có những con bống vàng, bống bạc, bống đen cổ tích đậm chất huyền thoại:
Cha đưa các con về sông Đáy Con bống bạc đã nổi lên
Ôi con bống tuổi thơ cha khóc đợi Nơi con bống vàng quẫy đuôi Ôi con bống nửa đời cha nín đợi Nơi con bống đen lùa vây khỏi ổ
Con bống suốt đời cha dứt tóc ngóng trông
(Con bống đen đẻ trứng)
Bên dòng sông ấy còn có số phận của những người đàn bà lam lũ:
Những ngón chân xương xẩu ngón dài Và đen toả ra như móng chân gà mái Đã mười lăm năm và nửa đời tôi nhìn thấy Những người đàn bà gánh nước sông
(Những người đàn bà gánh nước sông) Dòng sông ấy gắn bó máu thịt với nhà thơ, dù ở nơi đâu Nguyễn Quang Thiều cũng ao ước được về với dòng sông Đáy:
Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời
cho tôi được nhìn thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ nơi những chú bống làm tổ được giàn dụa nước mưa sông.
(Sông Đáy)
Nguyễn Quang Thiều là người đặt chân đến nhiều nơi trên địa cầu, có lẽ không ở đâu đẹp bằng dòng sông Đáy quê anh. Vì thế mà khát vọng mong “dòng sông dâng lên ngang trời” đầy táo bạo và cũng chân thật đến không ngờ. Sông
Đáy cũng là điểm trở về của nhà thơ: “Sông Đáy ơi sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại”.
Cánh đồng, dòng sông là hai biểu tượng song trùng, đồng hiện tạo nên một không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó không chỉ là nơi sống, nơi đón nhận, chở che, nuôi dưỡng tâm hồn mà còn là nơi “tái sinh những vẻ đẹp diệu kỳ nhất, nơi chiến thắng những cằn cỗi trong đời sống tinh thần”.
Cánh đồng và dòng sông - không gian thiêng liêng, không gian nghi lễ
“Chính vì thả thơ trên những cánh đồng kí ức tuổi thơ, trên những dòng sông tha thiết chảy trong cõi nhớ nên trong thơ Nguyễn Quang Thiều, thế giới ấy không chỉ đẹp mà còn rộng lớn vĩnh hằng. Vẻ đẹp của nó là vẻ đẹp tuyệt đối” [Nguyễn Đăng Điệp, 26, 260]. Cánh đồng, dòng sông trong thơ Nguyễn Quang Thiều không chỉ hiện lên với một vẻ đẹp giản dị, gần gũi thân quen mà còn thiêng liêng mang đậm màu sắc tâm linh, tôn giáo. Cánh đồng không chỉ là nơi trở về, nơi gắn bó với những tuổi thơ, nơi có những mối tình khờ dại mà còn là cánh đồng ẩn giấu những “điều thiêng”:
Cánh đồng thiêm thiếp sau từng đêm sinh nở …Bên hai khoé miệng đất đai mờ tối, thẳm sâu
(Bình minh đang lên) Là cánh đồng goá bụa chứa đầy bí ẩn:
Tổ tiên giấu vùi trong cát bát hương Gieo bí mật trong cánh đồng goá bụa
(Con bống đen đẻ trứng)
Cánh đồng có khi là “cánh đồng bên kia”, là một không gian vô định, mơ hồ và huyền ảo:
Cơn mưa không thể kéo dài mãi
Cánh đồng trong thơ Nguyễn Quang Thiều còn là một không gian thiêng liêng, một thế giới siêu thực, huyền diệu, chập chờn giữa hai bờ hư ảo:
Tôi bay qua những cánh đồng mùa xuân còn ái ngại Qua những ngôi sao đã mở mắt nhưng lưỡi thì chưa mọc Tôi gặp rơi của bình minh, sơn ca của bóng tối
Những ngôi mộ tổ tiên hắt sáng gọi tôi về.
Từ một cánh đồng, một không gian cụ thể, nơi gieo cấy sự no ấm cho quê hương Nguyễn Quang Thiều đã khái quát thành một không gian mang tính trừu tượng, tôn giáo trong thơ. Trong không gian ấy, con người có thể giao hoà với thiên nhiên, giao cảm với tổ tiên để tìm về nguồn cội. Ở đó, con người tìm được sự bình an trong tâm hồn, tìm được trạng thái cân bằng cho đời sống tinh thần.
Không gian ấy còn mở ra bát ngát dòng sông gợi lên sự tôn kính, linh thiêng và trong sạch. Đến với dòng sông quê mẹ, nhà thơ thấy mình thật nhỏ bé và thực hiện một nghi lễ để thanh lọc tâm hồn:
Ta chạy đến phía bờ, quỳ xuống trước sông Sông ở giữa đôi ta - một chân trời chuyển động
(Dòng sông)
Và tư thế trữ tình này được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần: “Tôi khóc”, “Tôi trở lại”,…
Sao đến bờ sông ta quỳ xuống khóc
Sao ta quỳ hai phía bờ xin lỗi những vầng mây
Sao ta không chạy xuống sông, sao ta quỳ xuống đôi bờ…
“Các dòng sông thường gợi lên lòng tôn kính và sự sợ hãi… Đừng bao giờ vượt qua những con sông với dòng chảy vĩnh hằng mà trước đó chưa đọc lời cầu nguyện, đừng mải mê ngắm dòng chảy tráng lệ của chúng mà trước đó chưa nhúng tay vào sóng nước tươi mát trong lành. Người qua sông mà không tẩy uế hai bàn tay khỏi những điều ác vấy bẩn chúng sẽ kéo cơn cuồng nộ của
các thần linh trút xuống đầu mình, sẽ phải chịu những đòn trừng phạt khủng khiếp”. “…Ở người Hy Lạp, các dòng sông là những đối tượng thờ cúng: các dòng sông hầu như được thần thánh hoá như là con của các đại dương hay là cha của các nữ thần. Người ta cúng cho sông các lễ vật… Người ta chỉ có thể qua sông khi đã tuân thủ những nghi lễ tẩy uế và cử hành cầu nguyện. Như mọi quyền năng đem lại màu mỡ, các dòng sông có thể nuốt chửng, tưới nước hoặc gây lụt lội, chở thuyền đi hay nhấn chìm nó…” [10, 830].
Như vậy, sông nước trong tâm thức của loài người mang một sức mạnh huyền bí, vừa bồi đắp phù sa, thanh lọc, gột rửa tâm hồn nhưng cũng có sức huỷ diệt vô cùng lớn. Phải chăng cũng xuất phát từ “mẫu gốc” này mà Nguyễn Quang Thiều đã thổi vào dòng sông quê anh một màu sắc linh thiêng tôn giáo mang đậm cái nhìn của người phương Tây.
Từ cánh đồng, dòng sông quê Lụa có tính xác định, Nguyễn Quang Thiều đã tạo dựng được một không gian nghệ thuật rất đỗi linh thiêng vươn tới những giá trị vĩnh cửu. Nhưng không gian ấy không minh hoạ cho con đường cứu rỗi của tôn giáo. Nguyễn Quang Thiều cũng không phải là tín đồ của tôn giáo mà đó chỉ là nhu cầu của con người được trở về với nơi đã sinh ra mình. Vì vậy, không gian thơ Nguyễn Quang Thiều không phải là một “thiên nhiên thứ hai” mà chỉ là cánh đồng làng Chùa có mây trắng xứ Đoài, sông Đáy quê Lụa được nhìn trong lăng kính khác, trong chiều sâu tâm tưởng. Tất cả cách nói ấy đều đi đến làm nổi bật vẻ đẹp của đất đai, sông nước quê hương, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nơi chiến thắng những cằn cỗi trong đời sống tinh thần. Đấy chính là tầng triết lý ẩn chìm trong câu chữ Nguyễn Quang Thiều mà nói theo ngôn ngữ của Baudelaire thì nhà thơ đã phủ lên triết lý sâu sắc ấy bằng một không gian “đầy ắp khu rừng biểu tượng”. Nếu như nhiều nhà thơ khác, các biểu tượng thường được thể hiện trên sự đa nghĩa của từ thì Nguyễn Quang Thiều xây dựng biểu tượng trên cơ sở những ẩn ngữ, các huyền tích văn hoá được tiếp nhận từ nhiều nền văn minh khác nhau, văn
minh phương Đông và văn minh phương Tây. Do đó, biểu tượng trong thơ Nguyễn Quang Thiều được nâng cao thêm một tầng triết lý…
Ngoài ra, hình ảnh cánh đồng, dòng sông trong tâm thức của người Việt luôn gắn bó mật thiết với quê hương, xứ sở, là điểm khởi đầu cũng là nơi trở về cội nguồn. Vì vậy, hành trình trở về nguồn trong văn chương là một mảng đề tài rất phổ biến mang đậm chất trữ tình. Hoàng Cầm rất trang trọng thành kính trở về với quê hương quan họ Bắc Ninh: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc”.
Nguyễn Duy cũng thấy mình thành kính trước rơm rạ, trước mùi bùn đất quê nhà:
Rơm rạ ơi ta trở về đây
Xin cúi lạy vong linh làng mạc Bà và mẹ như cánh cò cánh vạc Ông và cha man mác kiếp trâu cày.