Lý thuyết hành động xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của thanh niên theo đạo tin lành tại hà nội về quan hệ tình dục trước hôn nhân (Trang 31 - 35)

CHƢƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.2 Các lý thuyết áp dụng

1.2.2 Lý thuyết hành động xã hội

Có thể nói, lý luận về hành động xã hội của M. Weber là một trong những lý luận có ý nghĩa quan trọng, đặt nền tảng cho sự phát triển các lý thuyết về hành động xã hội trong xã hội học hiện đại. Ông được xem là nhà xã hội học đầu tiên khởi xướng quan điểm hành động xã hội. Weber cho rằng, mọi hiện tượng và sự kiện xã hội đều có thể lý giải bằng lý luận về hành động xã hội, vì suy cho cùng, xã hội thống nhất bởi các quan hệ xã hội mà quan hệ xã hội lại do con người tạo ra. Tóm lại, con người tạo ra xã hội và xã hội không phải tổng số cơ học của các cá thể mà là tổng hòa của các hành động xã hội. Vì thế, nhiệm vụ của xã hội học là tiếp cận, tìm hiểu, giải thích hành động xã hội cũng như giải thích một các nhân quả về quá trình và kết quả tác động của nó [32, tr92].

Weber đã chỉ ra sự khác nhau giữa hành động xã hội và hành vi, hoạt động khác của con người. Theo Weber, hành động được gọi là hành động xã hội khi nó tương quan và định hướng vào hành động của những người khác theo cái ý đã được nhận thức bởi chủ thể hành động [32, tr92].

Dựa vào động cơ của hành động xã hội, Weber đã phân loại HĐXH ra làm 4 loại:

- Hành động duy lý mục đích - Hành động duy lý giá trị - Hành động cảm xúc

- Hành động truyền thống Hành động duy lý mục đích

Đây là loại hành động được thực hiện với sự cân nhắc, tính toán, lựa chọn công cụ, phương tiện, mục đích sao cho có hiệu quả cao nhất. Hành động này cho ta thấy nỗ lực của cá nhân trên cơ sở phân tích, định hướng vào điều kiện, hoàn cảnh để xác định sự hợp lý về mục đích hành động của mình. Tương ứng với tính mục đích của hành động là những phương tiện đã được ý thức một cách hợp lý, nhằm đảm bảo cho việc đạt được những kết quả của hành động xã hội.

Tính duy lý của mục đích được thỏa mãn trên cả hai phương diện: Hợp lý về mặt nội dung của chính mục đích và hợp lý về mặt phương tiện đã được chủ thể lựa chọn. Hành động duy lý mục đích đòi hỏi chủ thể hành động cần có những tính toán, cân nhắc hợp lý để có những phản ứng phù hợp, đồng thời “tận dụng” hành vi của những người xung quanh để đạt được mục đích mình đã đặt ra. Theo Weber, hành động hợp lý về mục đích có ưu điểm lớn về mặt phương pháp luận, nó đóng vai trò mô hình mà theo đó các loại hành vi người được hình thành và xây dựng trên cơ sở của những hoàn cảnh cụ thể.

Hành động duy lý giá trị

Loại hành động này được thực hiện vì bản thân hành động (mục đích tự thân). Khi phân tích hành động duy lý giá trị ta thấy nổi trội lên vai trò của yếu tố khách quan, buộc chủ thể phải cân nhắc và thận trọng, để lựa chọn những gì mà nó cho là có ý nghĩa, có giá trị. Hành động duy lý giá trị là loại hành động tuân thủ theo quy tắc của cái nghĩa, cái hành vi đúng mức hay còn gọi là hành vi chuẩn.

Hành động duy lý giá trị được thực hiện bởi niềm tin của chủ thể vào những giá trị đã được hình thành trong đời sống xã hội thông qua hoạt động của các thiết chế chủ yếu, như gia đình, kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục,

tôn giáo… Hành động này luôn luôn phụ thuộc vào những đòi hỏi nào đó đối với chủ thể. Khi hành động chủ thể nhận thức được nghĩa vụ của mình, lúc đó nó thực hiện nghĩa vụ phù hợp với những đòi hỏi được đo bằng thang giá trị mà cá nhân đã lĩnh hội được, chỉ khi đó ta thấy hành động cá thể hợp với giá trị (theo sự phán xét của chính cá thể đó).

Hành động duy lý giá trị có đặc tính là có tính hoạch định nên dựa vào đó ta có thể dự báo được những xu hướng hành vi của con người.

Hành động cảm xúc

Là hành động do các trạng thái cảm xúc hoặc tình cảm bột phát gây ra mà không có sự cân nhắc, xem xét, phân tích mối quan hệ giữa công cụ, phương tiện và mục đích hành động (Ví dụ như hành động của đám đông quá khích hoặc hành động lúc cáu giận). Đây là loại hoạt động mà đặc tính xác định của nó là trạng thái cảm xúc nhất định của chủ thể.

Khác với hành động duy lý mục đích và duy lý giá trị, hành động cảm xúc không cần đạt mục đích bên ngoài nào đó mà nó có một ý nghĩa ngay trong tính xác định của hành vi (thỏa mãn nhu cầu cảm xúc một cách nhanh nhất với mong muốn tháo gỡ căng thẳng).

Loại hành động này nằm trên ranh giới của hành động nhận thức và định hướng một cách có ý thức. Cũng chính do đặc tính này mà hành động cảm xúc là trường hợp đặc biệt của hành vi con người hiện thực. Weber xác nhận mức độ nhận thức một cách tối thiểu của hành động cảm xúc, vượt qua ngưỡng này thì nó không còn là xã hội, không còn là hành động của con người nữa.

Hành động truyền thống

Là loại hành động tuân thủ những thói quen, nghi lễ, phong tục, tập quán đã được truyền lại từ đời này qua đời khác; được hình thành trên cơ sở

của việc mô phỏng lại mô hình hành vi nào đó đã được củng cố, khẳng định trong truyền thống văn hóa và được xã hội, cộng đồng chấp nhận.

Ý nghĩa của hành động truyền thống là rất lớn vì phần nhiều những hành vi thưởng ngày của con người đều thấy có vài trò của thói quen. Trong khi đó độ tin cậy đối với thói quen tự nó có thể được ý thức bởi những phương thức khác nhau. Weber không chỉ xem xét hành động truyền thống trong một chừng mực của hành động phản xạ có ý thức mà còn công nhận cái ý nghĩa thực chứng của nó nữa.

Theo Weber, Xã hội học nghiên cứu hành động xã hội, tập trung nhấn mạnh hành động cơ sở, quan trọng nhất là hành động duy lý mục đích. Ông lập luận rằng, đặc trưng quan trọng nhất của xã hội hiện đại là hành động xã hội của con người ngày càng trở nên duy lý, hợp lý với tính toán chi li, tỉ mỉ, chính xác về mối quan hệ giữa những công cụ, phương tiện và mục đích, kết quả.

Có thể nói, 4 loại hành động xã hội theo phân loại của Weber đều là những loại hành động được suy diễn từ lý thuyết chứ chưa có bằng chứng thực nghiệm nào đo đạc cụ thể. Trên thực tế, khó có thể tìm được một loại hành động nào chỉ đơn thuần là hành động duy lý mục đích hay hành động cảm xúc… mà các loại hành động đều là sự phối hợp lẫn nhau. Phân loại các loại hành động xã hội chỉ mang tính chất tương đối để người ta có thể hiểu được một cách khái quát về con người và xã hội, bởi xã hội là phức hợp của các hành động xã hội [12].

Như vậy, áp dụng lý thuyết hành động xã hội vào nghiên cứu sẽ giúp phân tích được những nguyên nhân, động cơ tạo nên những quan niệm, thái độ của thanh niên theo đạo Tin lành đối với vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của thanh niên theo đạo tin lành tại hà nội về quan hệ tình dục trước hôn nhân (Trang 31 - 35)