Cuộc đời và sự nghiệp của John Locke

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của john locke về nhà nước trong tác phẩm khảo luận thứ hai về chính quyền (Trang 38 - 43)

1.3. Giới thiệu khái quát về cuộc đời, sự nghiệp của John Locke và

1.3.1. Cuộc đời và sự nghiệp của John Locke

John Locke (1632-1704) là một trong các nhà triết học vĩ đại nhất ở châu Âu vào cuối thế kỷ XVII. Locke lớn lên và sống qua một thế kỷ đầy biến động trong lịch sử nước Anh. Đó là một thế kỷ đầy rẫy các cuộc xung đột giữa Vua và Nghị viện và các cuộc xung đột chồng chéo giữa người Tin Lành, Anh giáo và Công giáo hoà quyện vào cuộc nội chiến trong thập niên 1640.

Cha của Locke, còn gọi là John, là một luật sư địa phương mang tư tưởng cấp tiến, ông đã phục vụ như là một đội trưởng của đội kỵ binh thuộc phe Nghị viện nhằm chống lại sự độc quyền chuyên chế của vua Charles I trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến Anh. Locke đã được sinh ra vào ngày 29 Tháng Tám năm 1632, trong một ngôi nhà tranh nhỏ tại Wrington, Somerset. Sinh trưởng trong một gia đình Thanh giáo, ngay từ nhỏ ông đã được cha mẹ dạy dỗ lối sống giản dị, lòng yêu lao động và đức tính cần cù, trung thực, chính điều này đã ảnh hướng lớn đến sự hình thành nhân cách

của John Locke. Chính từ hoàn cảnh sống, từ bản thân cho đến gia đình, quê hương đất nước đã quy định nên lối sống, nếp suy nghĩ của John Locke, mà trước hết là tinh thần tự do, bình đẳng, chống chuyên chế đã ăn sâu vào tiềm thức của ông.

Là một học sinh thông minh xuất chúng và ham học hỏi cộng với sự quan tâm của gia đình Locke luôn được học tập ở những môi trường giáo dục tốt nhất ở Anh lúc bấy giờ.Vào năm 1647, Locke đã được gửi đến học tại Westminster ở London – là trường trung học hàng đầu của nước Anh lúc bấy giờ. Sau khi hoàn thành nghiên cứu của mình ở đó, ông được nhận vào Christ Church, là trường đại học hàng đầu tại Oxford, tuy nhiên trong thời gian J. Locke theo học trường vẫn mang nặng hình thức giáo dục trung cổ, giáo dục kinh viện. Do vậy, Locke không mấy hài lòng với chương trình giảng dạy đại học lúc bấy giờ. Ông thích thú nghiên cứu các tác phẩm của các nhà triết học hiện đại, như René Descartes hơn so với các nhà triết học cổ đại vẫn thường được giảng dạy tại trường đại học. Mặc dù, Locke tiếp tục nghiên cứu lô gíc và siêu hình học nhưng ông dần dần bị thu hút vào các khoa học thực nghiệm mới phát triển, do ông bắt đầu chịu ảnh hưởng đặc biệt của Huân tước Robert Boyle.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ năm 1658, Locke được bổ nhiệm chức danh giảng viên tiếng Hy lạp và tiếng La tinh. Không dừng lại ở địa vị hiện tại với khát vọng tri thức, lòng say mê khoa học và sự quan tâm đến sức khỏe, trạng thái tâm sinh lý của con người đã dẫn ông đến nghiên cứu y khoa. Locke đã được giới thiệu đến y học và triết lý thực nghiệm đang được theo đuổi tại các trường đại học khác và trong Hội Hoàng gia sau này ông đã trở thành một thành viên trong hiệp hội này.Chính quyết định nghiên cứu y học đã tạo cơ hội cho Locke có cơ hội kết bạn với bác sỹ David Thomas và qua đó ông đã có dịp tiếp xúc với Lord Ashley - Huân tước toàn quyền

Carolinas tức Bá tước Shaftesbury, một trong những người giàu nhất nước Anh và giữ vị trí quan trọng trong chính quyền Anh. Có thể nói, Ashley là người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những ý tưởng chính trị của Locke. Huân tước Ashley là một trong những người ủng hộ quan điểm rằng nước Anh sẽ thịnh vượng thông qua thương mại và thuộc địa có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại. Ashley thuyết phục Charles II thành lập Hội đồng Thương mại và đồn điền để thu thập thông tin về thương mại và thuộc địa, và Locke trở thành thư ký của ban này. Trong thời gian sống và làm việc bên cạnh Ashley, Locke đã bị lôi cuốn bởi những vấn đề chính trị của nước Anh lúc bấy giờ và ông đã nhanh chóng hòa nhập vào những tư tưởng cùng những kế hoạch cấp tiến của Ashley. Với vai trò là một thư ký của Ashley, Locke đã được tham gia góp ý xây dựng các văn bản của hiến pháp cơ bản của Carolinas. Ngoài các vấn đề về thương mại và thuộc địa, Locke đã hỗ trợ đắc lực Ashley trong các cuộc tranh luận về chính sách công cộng khác.

Trong giai đoạn từ 1674 – 1688, cuộc đời của John Locke gắn liền với nhiều biến cố thậm chí hiểm nguy đến tính mạng do việc tham gia tích cực của J. Locke vào các hoạt động chính trị Asley. Ông đã lưu vong sang Pháp, sau đó là Hà Lan và dồn hết tâm huyết vào việc nghiên cứu triết học và chính trị học nhằm giải đáp những vấn đề trăn trở của cả thời đại. Cũng trong giai đoạn này, J. Locke đã chắp bút hai tác phẩm triết học nổi tiếng là: “Kinh nghiệm về nhận thức của con người” và “Hai khảo luận về chính quyền”.

Sau khi cuộc “Cách mạng vinh quang” (1688) giành thắng lợi, J. Locke đã trở lại Anh trên tàu cùng công nương Mary II và quốc trưởng Hà Lan Vinhem Orange. Năm 1696, Uỷ ban thương mại được phục hồi và J. Locke đóng một vai trò quan trọng trong sự hồi sinh của nó. Sau khi nghỉ

hưu từ Ban Thương mại năm 1700, Locke về sống tại Oates cho đến khi ông qua đời vào ngày Chủ nhật 28 Tháng 10 năm 1704.

Trong cả cuộc đời, Locke đã làm nhiều nghề khác nhau, có lúc làm bác sỹ riêng và cố vấn chính trị cho bá tước Shaftesbury, nhưng do ảnh hưởng của các tư tưởng triết học của các bậc tiền bối, trong đó có các tác phẩm của Descartes ông đã đọc trong thời gian ở Oxford, đã xác nhận ước muốn của ông dành các năng lực sáng tạo của mình cho việc triển khai các nhận thức triết học để giải quyết các vấn đề đang làm bối rối người đương thời mà trước hết là vấn đề nhận thức luận và các vấn đề chính trị nước Anh lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, chính những gian truân trên con đường hoạt động chính trị đã trở thành nguồn tư liệu sống quý giá để Locke xây dựng lên quan niệm chính trị nói chung và quan niệm về nhà nước nói riêng của mình. Học thuyết nhà nước của Locke đưa ra là nhằm giải đáp những trăn trở, suy tư thực sự nghiêm túc của một nhà khoa học, một nhà chính trị đồng thời là của một người dân sống trong bối cảnh xã hội đầy những biến động, xáo trộn, sự suy tàn của chế độ phong kiến và sự vươn lên mạnh mẽ của giai cấp tư sản cũng như phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Những tư tưởng triết học của ông, nhất là các tư tưởng triết học xã hội, có ảnh hưởng lớn đến các nhà triết học sau này như Voltaire, Ch. L. Montesquieu, J. J. Rousseau và cả sự phát triển sau này của hệ tư tưởng chính trị tư sản. Cống hiến lớn nhất của ông là cho chủ nghĩa tự do, ông được mệnh danh là “người cha của chủ nghĩa tự do”.

Ông dành cả cuộc đời mình cho hoạt động thực tiễn và qua đó đúc kết vào các tác phẩm của mình. Ông để lại cho hậu thế khoảng 30 tác phẩm. Trong đó có các tác phẩm lừng danh định hình nên vị thế của J. Locke trong lịch sử tư duy nhân loại. Các tác phẩm vốn đã được ông viết

trước đó nhưng chỉ được công bố không lâu sau thời điểm thành công của cuộc cách mạng vinh quang năm 1688.

Trong thời gian hợp tác với bác sỹ nổi tiếng Thomas David, Locke đã cho ra đời tác phẩm “Bàn về nghệ thuật y học” (1668). Sau đó do nguyên nhân chính trị, Locke đã sống lưu vong tại nước ngoài (tại Pháp và Hà Lan) chính khi đó ông đã hoàn thành tác phẩm nổi tiếng “Kinh nghiệm về nhận thức của con người” (1686). Tác phẩm được coi là tuyệt tác nổi tiếng của ông liên quan đến lĩnh vực nhận thức của con người. Mặc dù các triết gia trước ông đã viết nhiều về vấn đề nhận thức con người, nhưng Locke là người đầu tiên làm một cuộc nghiên cứu toàn diện về phạm vi và giới hạn của nhận thức con người. Trong tác phẩm này, Locke đã đi tìm hiểu “nguồn gốc, sự chắc chắn và mức độ của nhận thức con người”. Locke đã giả thiết rằng nếu ông có thể mô tả nhận thức bao gồm cái gì và làm thế nào để đạt được nó, thì ông có thể xác định được cái gì làm nên sự chắc chắn của tri thức. Locke cho rằng, phạm vi nhận thức của chúng ta bị giới hạn vào kinh nghiệm. Ông khẳng định, nhận thức của con người lúc ban đầu giống như tờ giấy trắng mà sau này chỉ có kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn sẽ lấp đầy lên trên nó. Để triển khai ý tưởng này, trước tiên Locke đặt cho mình nhiệm vụ phải đánh đổ lý thuyết lâu đời về các ý niệm bẩm sinh, quan niệm tất cả chúng ta sinh ra trên đời đã có sẵn các ý niệm chuẩn mực trong nhận thức. Trong quá trình phê phán học thuyết ý niệm bẩm sinh, Locke đã đưa ra được một sự giải thích mới về cách thức hoạt động của tinh thần, và từ đó ông mô tả các loại và cấp độ nhận thức của con người. Sau khi được xuất bản tác phẩm “Kinh nghiệm về nhận thức của con người” đã trở thành nền tảng của chủ nghĩa duy nghiệm ở Anh.

Trong thời gian lưu vong tại Hà Lan, ông đã viết tác phẩm “Thư về lòng khoan dung” (1689). Tiếp đó là “Lá thư thứ hai về lòng khoan dung

(1690), “Lá thư thứ ba về lòng khoan dung” (1692) và “Lá thư thứ tư về lòng khoan dung”. Năm 1690, John Locke cho xuất bản cuốn “Hai khảo luận về chính quyền”. Cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn trong đời sống chính trị nước Anh đương thời và đã đưa tên tuổi của J. Locke phổ biến với đông đảo mọi người với tư cách một nhà triết học, nhà lý thuyết chính trị thiên tài.

Ngoài ra, còn một số tác phẩm được viết trong thời gian sau khi ông trở về Anh và có tác phẩm chỉ được công bố sau khi ông đã qua đời như:

Một số suy nghĩ về hậu quả của việc hạ thấp tỷ giá và tăng giá trị của tiền tệ (1691)

Một số suy nghĩ về giáo dục (1693)

Kinh nghiệm về nhận thức của con người (1689) Tính hợp lý của Kito giáo (1695)

Biện hộ cho tính hợp lý của Kito giáo (1695)

Thuyết trình về phép màu của Chúa (xuất bản sau khi J. Locke đã mất) Xem xét ý kiến của Cha Malebranche nhìn thấy tất cả mọi việc nhân danh Chúa (xuất bản sau khi J. Locke đã mất)

Nhận xét về một số tác phẩm của Ông Norris (xuất bản sau khi J. Locke đã mất)

Con đường của trí tuệ (xuất bản sau khi J. Locke đã mất)

Trong các tác phẩm của ông thì tác phẩm “Kinh nghiệm về nhận thức của con người” là tác phẩm triết học lớn nhất, nhưng tác phẩm “Hai khảo luận về chính quyền” mới là tác phẩm ghi dấu ấn của ông và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ sau này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của john locke về nhà nước trong tác phẩm khảo luận thứ hai về chính quyền (Trang 38 - 43)