Quan niệm của John Locke về nguồn gốc hình thành nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của john locke về nhà nước trong tác phẩm khảo luận thứ hai về chính quyền (Trang 49 - 58)

2.1. Quan niệm của John Locke về nguồn gốc, bản chất của quyền

2.1.1. Quan niệm của John Locke về nguồn gốc hình thành nhà nước

Như chúng ta đã biết, xã hội Tây Âu thời kỳ trung cổ chịu sự thống trị mạnh mẽ của tư tưởng thần học Cơ đốc giáo. Chính vì thế mà hầu hết các học thuyết triết học thời kỳ này đều mang trong mình những yếu tố duy tâm thần bí. Những yếu tố duy tâm đó được thể hiện trong quan niệm về nhà nước, khi họ cho rằng nhà nước là một sản phẩm thuần tuý do Chúa (Thượng đế) tạo ra. Sang thế kỷ XVII, những thành tựu mới của khoa học tự nhiên đã giúp các nhà tư tưởng thoát ly khỏi sự chi phối của thần học Cơ đốc giáo mà đặc biệt là trong quan niệm về nhà nước. Trên cơ sở kế thừa những quan điểm của các nhà triết học trước đó, J. Locke khẳng định rằng nhà nước không phải là do bàn tay chúa tạo ra mà nó là sản phẩm của con người trong quá trình hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở lý luận về bản tính con người và quyền con người Locke đã đưa ra sự luận giải về sự ra đời của nhà nước của mình như sau:

Locke cho rằng lịch sử phát triển của con người trải qua từ trạng thái tự nhiên tiến lên trạng thái xã hội công dân, trong mỗi trạng thái đó lại có những đặc trưng riêng và một trong những đặc trưng quan trọng nhất để phân biệt giữa chúng là sự hiện hữu của nhà nước. Như vậy, theo Locke sự hình thành nhà nước không đồng nhất với sự xuất hiện của xã hội loài người.

Ở trạng thái tự nhiên - giai đoạn đầu tiên của xã hội loài người với những đặc trưng cơ bản là chưa có sự khác biệt rõ rệt giữa mọi người về

kinh tế, địa vị xã hội và đẳng cấp, con người đã được hưởng một cuộc sống bình yên và hạnh phúc trong một thời gian dài. Con người ở trong trạng thái này có quyền tự do và bình đẳng một cách hoàn hảo. Sự tự do và bình đẳng này là những quyền được tất cả mọi người thừa nhận, nó giống như một bản năng tự nhiên để mọi người tự giác thực hiện. Theo Locke, trạng thái tự nhiên “… là một trạng thái bình đẳng khi mà tất cả quyền lực và quyền thực thi công lý có tính hỗ tương, không một ai có nhiều hơn người khác. Không có gì hiển nhiên hơn là những sinh vật của cùng một loài và một hạng, được sinh ra một cách ngẫu nhiên với cùng những thuận lợi tự nhiên, sử dụng cùng những năng lực, cũng phải là những sinh vật bình đẳng với nhau mà không có sự lệ thuộc hay khuất phục” [30,tr. 33]. Locke cho rằng, mỗi người với tư cách là một cá nhân riêng lẻ có được sự bình đẳng mà không phải do ưu thế quyền lực hay tài sản do đó tất cả mọi người đều phải tôn trọng quyền bình đẳng của nhau. Cả J. Locke và T. Hobbes đều quan niệm trong trạng thái tự nhiên con người đều tự do một cách hoàn hảo tuy nhiên, vẫn có điểm khác biệt trong tư tưởng về tự do của J. Locke và T. Hobbes. Nếu như T. Hobbes cho rằng trong trạng thái tự nhiên, con người hoàn toàn được tự do và quyền tự do đó không bị chi phối bởi bất kỳ đạo luật nào thì J. Locke lại cho rằng: quyền tự do của con người trong trạng thái này cũng chịu sự kiểm soát và chi phối bởi một loại luật, đó là “luật tự nhiên” - luật này đứng trên, cao hơn cả pháp luật nhà nước. Biểu hiện của nó là với pháp luật nhà nước thì nhân dân có quyền xóa bỏ, thậm chí là bằng con đường bạo lực khi pháp luật của nhà nước ấy không những không bảo vệ mà còn vi phạm quyền tư nhiên của họ, nhưng với luật tự nhiên thì không thể nào xóa bỏ được. Theo Locke, con người được Thượng đế ban cho lý trí và lương tâm, do vậy, con người sống trong trạng thái tự

nhiên là tự do và bình đẳng tuyệt đối nhưng không làm con người trở thành “chó sói đối với người”.

Con người sinh ra có quyền tự do vô hạn có quyền làm bất kỳ điều mình muốn nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ của luật tự nhiên. Chính luật tự nhiên đã có tác dụng kiểm soát hành động của con người không đi quá giới hạn tự do cho phép (xâm hại đến tính mạng, tài sản của người khác). Điều này khiến cho trạng thái tự nhiên dù là rất tự do nhưng vẫn có quy tắc và trật tự nhất định chứ không phải là trạng thái thù địch, “chiến tranh của tất cả chống lại tất cả” như T. Hobbes vẫn quan niệm bởi nó luôn được những quyền hạn và nghĩa vụ tự nhiên điều chỉnh.

Trong trạng thái tự nhiên, ngoài quyền tự do và bình đẳng, mọi người đều có quyền sở hữu tài sản và bảo vệ tài sản của mình chống lại sự xâm phạm từ người khác– tài sản là từ Locke dùng để chỉ chung: “sự sống, tự do và của cải”. Đặc biệt Locke còn cho rằng, trong trạng thái này con người còn có quyền xét xử và trừng phạt những sự vi phạm vào “luật tự nhiên” hay xâm hại đến tính mạng và tài sản của anh ta. Mỗi người trong trạng thái tự nhiên là quan tòa cho chính mình và có quyền làm bất kể điều gì mình muốn sao cho hành động của anh ta vẫn nằm trong khuôn khổ cho phép của “luật tự nhiên”.

Như vậy, theo Locke trong trạng thái tự nhiên con người có đầy đủ các quyền tự nhiên căn bản, có cuộc sống tự do và hạnh phúc. Tuy nhiên, Locke thấy rằng, trạng thái tự nhiên của con người không thể tồn tại lâu dài và xã hội loài người cần tiến tới trạng thái xã hội thứ hai – trạng thái xã hội công dân. Điều này đã được chính J. Locke giải thích một cách cặn kẽ:

Dù trong trạng thái tự nhiên là trạng thái “con người rất tự do”, “là chúa tể tuyệt đối của cá nhân mình và tài sản riêng của mình, bình đẳng với người vĩ đại nhất và không phục tùng đối với một ai” [30,tr. 173].

Nhưng trong trạng thái tự nhiên cũng là trạng thái chứa nhiều bất tiện, đe dọa đến các quyền cơ bản của con người. J. Locke cho rằng trạng thái tự nhiên còn những khiếm khuyết và trạng thái dân sự sẽ bổ sung những thứ còn thiếu vắng trong trạng thái tự nhiên. Những khiếm khuyết đó là:

Thứ nhất, Locke cho rằng, trạng thái tự nhiên thiếu vắng luật pháp được thiết định mang tính ổn định. Mặc dù trạng thái tự nhiên vẫn có luật tự nhiên cai quản nhưng đó là “luật bất thành văn” và con người hành động tuân theo luật tự nhiên tùy theo cảm nhận, do đó, con người dễ dàng bị thiên lệch vì quyền lợi, vì cảm xúc của mình. Vì vậy, luật tự nhiên thường không trở thành luật ràng buộc trong những trường hợp cụ thể. Còn luật pháp được thiết định trong xã hội dân sự được ghi rõ trong các văn bản pháp luật và là chuẩn mực của đúng sai, là công cụ để giải quyết các tranh chấp trong các trường hợp cụ thể.

Thứ hai, trong trạng thái tự nhiên, mỗi người là quan tòa của chính bản thân mình. Vì là quan tòa cho chính mình nên khi đó “với sự tự yêu mình”, con người sẽ không tránh khỏi sự thiên vị cho bản thân và bạn bè, do đó dẫn đến “đi quá xa khi trừng phạt người khác”. Vì vậy đã tạo nên sự lộn xộn trong trạng thái tự nhiên mặc dù ở đó đã có luật tự nhiên cai quản và nếu để trạng thái lộn xộn đó kéo dài sẽ dẫn tới sự thù địch giữa mọi người do những mâu thuẫn nảy sinh từ chính quyền tự xét xử và trừng phạt người khác đi quá giới hạn và điều này sẽ đưa đến trạng thái chiến tranh. Trong trạng thái chiến tranh, chỉ có sự thù địch và sự hủy diệt là tồn tại. Ở đó, không chỉ tài sản của con người bị chiếm đoạt mà cả tự do, bình đẳng của con người cũng bị cướp, cả tính mạng của con người cũng bị đe dọa.

Thứ ba, trạng thái tự nhiên thiếu “quyền lực” để đảm bảo cho việc thi hành án được diễn ra đúng như đã xét xử. Bởi người phạm tội sẽ cố gắng

chống lại bản án để bản thân không bị trừng phạt. Và việc chống đối này rất có thể gây nguy hiểm cho người thi hành án.

Do những khiếm khuyết căn bản này nên trong trạng thái tự nhiên

“việc thụ hưởng nó rất không chắc chắn và luôn trong tình thế bị xâm lấn từ người khác…mọi người đều bình đẳng với anh ta, và bộ phận người nhiều hơn còn lại đó không là những người quan sát nghiêm khắc của bình đẳng và công lý, quyền sở hữu mà anh ta thụ hưởng trong tình trạng này rất không an toàn, rất không đảm bảo” [30, tr. 173]. Điều này đã đẩy loài người vào trạng thái chiến tranh và thù địch, cuộc đấu tranh ấy không những không giải quyết được nhu cầu của mỗi bản thân con người mà còn đẩy con người vào nguy cơ huỷ diệt. Thế nhưng, sự khôn khéo cũng như lý trí của con người đã được thức tỉnh và thể hiện. Dù rằng, trạng thái tự nhiên là một trạng thái hoàn hảo, con người có mọi đặc quyền nhưng không thể kéo dài trạng thái này. Và con người sẵn sàng từ bỏ trạng thái tự nhiên “dù tự do nhưng lại đầy dẫy những lo sợ và triền miên nguy hiểm” để chuyển sang một trạng thái an toàn hơn, các quyền cơ bản của con người được đảm bảo an toàn hơn. Đó chính là xã hội dân sự. Xã hội dân sự ra đời là “bằng sự đồng thuận với những người khác để cùng liên kết và hợp nhất trong một cộng đồng” với mục đích là “vì cuộc sống tiện lợi, an toàn và thanh bình”, “trong sự thụ hưởng một cách đảm bảo đối với sở hữu của họ” [30, tr. 137].

Ở đây ta nhận thấy có sự khác biệt giữa T. Hobbes và J. Locke trong quan niệm về nguyên nhân con người chuyển từ trạng thái tự nhiên sang xã hội dân sự. T. Hobbes xuất phát từ bản tính ích kỷ của con người. Theo Hobbes, bản tính con người là ích kỷ và hiếu chiến, về cơ bản con người bị thúc đẩy bởi tính vị kỷ cá nhân muốn bảo tồn sự sống và làm bất cứ điều gì để bảo toàn sự sống của mình. Thêm vào đó là trong trạng thái tự nhiên, tự do, bình đẳng của con người là tuyệt đối. Vì có tự do tuyệt đối lại không có

luật tự nhiên cai quản nên tự do của người này sẽ xâm phạm đến tự do của người khác. Con người càng tự do và bình đẳng bao nhiêu thì con người càng bất hạnh bấy nhiêu, bởi vì tự do được phát triển không giới hạn do nhu cầu sinh tồn của con người dẫn tới trạng thái lộn xộn và “trạng thái chiến tranh của tất cả chống lại tất cả”. Do vậy, theo Hobbes, động cơ để con người đi đến ký kết khế ước xã hội là do con người muốn tránh cho mình khỏi bị hại và bị giết chết bởi những người khác. Vì vậy, con người đã đi đến ký kết một “Khế ước xã hội” chuyển sang xã hội dân sự nhằm đảm bảo quyền con người và sinh mạng con người, mặt khác Hobbes còn cho rằng vì bản tính con người là ác do vậy, phải dùng sức mạnh của quyền lực (nhà nước) để kiểm soát tính ác của con người.

Locke có quan niệm tích cực hơn về bản tính con người. Nếu con người theo quan niệm của Hobbes chỉ do bản năng dục vọng thúc đẩy, thì con người theo quan niệm của Locke được dẫn dắt bởi lý trí và cả tiếng nói của lương tâm, bổn phận. Với năng lực lý tính của mình, con người hiểu rằng mọi người đều có các quyền tự nhiên do Tạo hóa ban cho do vậy anh ta không được phép xâm hại đến tự do; tính mạng; tài sản của người khác một cách bất hợp pháp. Locke cũng nhận thấy rằng, con người sống trong trạng thái tự nhiên dù có luật tự nhiên điều chỉnh, tuy nhiên, luật tự nhiên không có các chế tài chắc chắn bắt buộc mọi người phải tuân theo mà nó chỉ là sự nguyện tuân thủ của mỗi người, nhưng con người không phải lúc nào cũng nhận biết và hành động đúng theo luật tự nhiên. Hơn nữa, trong tạng thái tự nhiên khi có tranh chấp xảy ra, không có quyền bính nào đứng giữa để giải quyết. Từ đó, Locke cho rằng con người đi đến ký kết khế ước xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ bằng cách thiết lập một cơ cấu nhằm đảm bảo rằng luật được mọi người nhận biết và tuân thủ, và nó sẽ trở thành phương tiện hiệu quả để giải quyết các tranh chấp. Mặc dù,

Locke thừa nhận bạo lực cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của nhà nước, tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính mà theo ông, nhà nước xuất hiện trên cơ sở “Khế ước xã hội” do chính nhân dân lập ra một cách hòa bình trên tinh thần tự nguyện. J. Locke cho rằng: “Con người, như đã nói, theo tự nhiên, tất cả đều tự do, bình đẳng và độc lập, không một ai có thể bị đưa ra khỏi tình trạng này và phải khuất phục trước quyền lực chính trị của người khác mà không có sự chấp thuận của chính người bị đặt ra. Cách duy nhất mà theo đó một người tước bỏ của chính mình quyền tự do tự nhiên và gắn với những ràng buộc của xã hội dân sự, là bằng sự đồng thuận với những người khác để cùng liên kết và hợp nhất trong một cộng đồng” [ 30,tr. 137].

J. Locke cũng giống như T. Hobbes, coi “Khế ước xã hội là một cứu cánh” giúp con người bước từ trạng thái tự nhiên sang xã hội chính trị. Khế ước xã hội dựa trên sự thỏa thuận chung của mọi thành viên sống trong cộng đồng khi các thành viên, các cá nhân chấp nhận liên kết với nhau thành một cơ thể chung, chấp nhận mình là thành viên của cơ thể chung đó trên tinh thần tự nguyện. Nhà nước xuất hiện như là kết quả từ sự đồng thuận chung của mọi người để liên kết và hợp nhất trong một cộng đồng nhằm đạt được sự an toàn lớn hơn chống lại bất cứ thứ gì không thuộc về nó.Khi đã ký kết khế ước và tham gia vào xã hội dân sự, mỗi người sẽ phải từ bỏ hai quyền cơ bản trong trạng thái tự nhiên: đó là quyền thực hiện bất kỳ điều gì mà anh ta muốn sao cho hành động của anh ta không đi quá giới hạn cho phép của luật tự nhiên và thứ hai đó là quyền đi trừng phạt người khác khi họ xâm phạm vào luật này.

Như vậy, có thể hiểu rằng “Khế ước xã hội” chính là một bản ký kết, giao kèo của những cá nhân, con người trong xã hội bằng một sự ngầm định thỏa thuận với nhau một khế ước để cùng tham gia vào một cộng đồng

mới, có thể đem lại cho họ sự bình đẳng và an ninh mới. Khế ước này quy định mọi thành viên trao lại quyền tự nhiên của mình cho cộng đồng, mà hiện thân của nó là nhà nước, để nhận lấy sự bảo vệ của chính nhà nước đó trong vòng trật tự và có tổ chức. Sau khi được ký kết, sức mạnh tập thể, tức là ý chí chung đã được xác lập và chính nhờ có ý chí chung này mà bản ký kết đã lan tỏa ra một sức mạnh phi thường, sức mạnh đó có thể bảo vệ tất cả những ai tham gia ký kết vào bản “Khế ước xã hội” đó.

Quan điểm của Locke về sự ra đời của nhà nước là một đóng góp mới cho lý thuyết về Khế ước xã hội. Một thế kỷ sau đó, Jean - Jacques Rousseau đã nhắc lại ý tưởng này của Locke trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội”: “Với khế ước xã hội con người mất đi cái tự do thiên nhiên và cái quyền hạn chế được làm những điều muốn làm mà làm được; nhưng mặt khác con người thu lại quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của john locke về nhà nước trong tác phẩm khảo luận thứ hai về chính quyền (Trang 49 - 58)