Quan niệm về gia đình và vai trò của người phụ nữ trong xây dựng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát huy vai trò của người phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở ngoại thành hà nội hiện nay (Trang 25)

dựng gia đình văn hóa

1.2.1 Quan niệm về gia đình, gia đình văn hóa

1.2.1.1 Quan niệm về gia đình và các chức năng cơ bản của gia đình * Quan niệm về gia đình

Thời đại nào cũng vậy, hai từ gia đình thường được nhắc đến với những gì ngọt ngào nhất, trân trọng nhất như: Gia đình là tổ ấm, gia đình là cái nôi thân yêu, gia đình là trường học đầu tiên của mỗi người hay gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình là một phạm trù mang tính lịch sử, thay đổi và phát triển cùng với sự thay đổi và phát triển của lịch sử. Vì vậy, từ xưa đến nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình.

Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, khi luận chứng về những điều kiện, tiền đề cho sự tồn tại của con người C. Mác đã đưa ra định nghĩa về gia đình: “Hàng ngày tái tạo ra đời sống bản thân mình, con người còn tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, đó là gia đình” [7, tr.41]. Với quan niệm này, khái niệm gia đình được làm rõ: Thứ nhất, gia đình ra đời và tồn tại cùng với sự ra đời và tồn tại của xã hội loài người, cùng với quá trình tái tạo ra bản thân con người. Thứ hai, con người được tạo ra chủ yếu bởi hai mối quan hệ hôn nhân và huyết thống. Đồng thời khái niệm gia đình còn luôn gắn liền với khái niệm xã hội, trong đó gia đình được xem là tế bào của xã hội.

Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, Ph. Ăngghen đã phân tích mối quan hệ biện chứng giữa gia đình và xã hội:

Nhân tố quyết định nhất trong lịch sử, quy đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng, sản xuất đó, bản thân nó lại có hai loại. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt: ra thức ăn, quần áo và nhà cửa và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sản xuất ra ngay bản thân con người, là tiếp tục nòi giống. Những trật tự xã hội, trong đó con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất đó quyết định: một mặt do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là trình độ phát triển của gia đình [12, tr.6 - 7].

Như vậy, theo Ph. Ăngghen các mô hình gia đình trong lịch sử luôn gắn với phương thức sản xuất và chế độ xã hội xác định. Sự vận động, biến đổi của gia đình luôn vận động biến đổi cùng với sự vận động biến đổi của lịch sử xã hội. Gia đình luôn gắn với đặc trưng và trình độ của phương thức sản xuất của một xã hội nhất định. Lịch sử đã chứng minh rằng, trong quá trình vận động của mình, mỗi hình thái kinh tế - xã hội có những hình thức gia đình tương ứng.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và những biến đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, quan niệm về gia đình cũng có rất nhiều và có những nét khác trước. Những khái niệm gia đình trước đây chưa bao giờ xuất hiện thì bây giờ được nhắc đến, bàn luận như: “Gia đình không con”, “Gia đình hợp đồng”, “Gia đình đồng tính luyến ái”, …Trong sự xuất hiện này nó vừa biểu hiện tính đa dạng phong phú, vừa biểu hiện sự suy thoái biến tướng của gia đình.

Gia đình Việt Nam, ra đời trên cơ sở một nền văn hóa và truyền thống xã hội đặc thù. Gia đình Việt Nam được nghiên cứu dưới rất nhiều góc độ khác nhau:

Theo góc độ tâm lý học, tác giả Ngô Công Hoàn cho rằng: “Gia đình là một nhóm nhỏ xã hội có quan hệ gắn bó về hôn nhân hoặc huyết thống, tâm sinh lý, có chung các giá trị vật chất, tinh thần ổn định trong các thời điểm lịch sử nhất định” [52, tr.36].

Dưới góc độ Luật học nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng: “Gia đình là tập hợp những người dựa trên các quan hệ về hôn nhân và huyết thống, nuôi dưỡng đã gắn bó nhiều người có quan hệ với nhau bởi các quyền và nghĩa vụ về tài sản và thân nhân, bởi sự cộng đồng về đạo đức và vật chất, để tương trợ nhau, cùng làm kinh tế chung và nuôi dạy con cái” [27, tr.9].

Từ góc độ triết học, Giáo sư Lê Thi, một chuyên gia về lĩnh vực gia đình đã cho rằng:

Khái niệm gia đình được sử dụng để chỉ một nhóm xã hội hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân và huyết thống, nảy sinh từ quan hệ hôn nhân đó và cùng chung sống (cha mẹ, con cái, ông bà nội, ngoại). Đồng thời gia đình cũng bao gồm một số người được gia đình nuôi dưỡng, tuy không có quan hệ huyết thống. Các thành viên trong gia đình về trách nhiệm và quyền lợi (kinh tế, văn hóa, tình cảm), giữa họ có nhiều ràng buộc có tính pháp lý được nhà nước thừa nhận và bảo vệ (được ghi rõ trong luật hôn nhân và gia đình nước ta). Đồng thời, trong gia đình có những nhận định rõ ràng về quyền được phép và cấm đoán về quan hệ tình dục giữa các thành viên” [46, tr.20 - 21].

Với những quan niệm đó về gia đình, tác giả đã xem gia đình như một nhóm tâm lý tình cảm xã hội đặc thù, vừa là một thiết chế xã hội. Tác giả đã làm rõ mặt nổi bật của gia đình là một nhóm tâm lý – tình cảm xã hội đặc thù. Gia đình vừa được kết cấu, duy trì củng cố bởi các quan hệ nội tại giữa các thành viên, bắt nguồn từ các quan hệ huyết thống ruột thịt và quan hệ tình cảm.

Trong Chỉ thị của Ban Bí thư số 49 – CT/TW “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc”.

Hướng tới xây dựng gia đình bền vững, tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đã lấy năm 1994 là năm Quốc tế gia đình và thống nhất khẳng định: Gia đình là một yếu tố tự nhiên và cơ bản, một đơn vị kinh tế của xã hội. Gia đình được coi như một giá trị vô cùng quý báu của nhân loại cần được giữ gìn và phát huy. Trên tinh thần đó UNESCO đã đưa ra định nghĩa về gia đình: Gia đình là một nhóm người có quan hệ họ hàng, cùng chung sống và có ngân sách chung. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh rằng, trên thực tế đặc điểm của các thể chế gia đình hiện nay là tính đa dạng của nó. Gia đình là một thể chế có tính toàn cầu, thể chế đó lại có hình thái khác nhau và thực hiện các chức năng của nó một cách khác nhau. Do đó, không thể có một quan niệm duy nhất về gia đình và không thể đưa ra một định nghĩa có thể áp dụng cho toàn cầu.

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề gia đình và khái niệm gia đình cần được nghiên cứu thêm. Căn cứ vào tình hình chung của hôn nhân và gia

đình, có thể khái quát rằng: “gia đình là một cộng đồng người đặc biệt, được hình thành, phát triển và củng cố bởi hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng mặc dù không có huyết thống nhưng được xã hội thừa nhận. Các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, quý trọng và có trách nhiệm lẫn nhau, có quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm về tài sản cũng như người thân mà hoàn thành tốt việc nuôi dưỡng, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” [36, tr.33].

Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào gia đình khỏe mạnh, xã hội sẽ lành mạnh, mọi người đều có cơ hội phát triển và hưởng hạnh phúc. Vì vậy việc củng cố nền tảng gia đình là phải thực hiện tốt các chức năng cơ bản của gia đình.

* Các chức năng cơ bản của gia đình

Trong mỗi chúng ta, chắc ai cũng đều biết gia đình là tổ ấm thiêng liêng nhất của con người. Gia đình có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, được xem là “cái nôi nuôi dưỡng suốt cả đời người”. Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nếp sống, nhân cách của mỗi cá nhân, chuẩn bị hành trang để họ hòa nhập vào cộng đồng xã hội, tham gia tích cực vào sự hình thành và phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, gia đình còn được xem là một tổng thể đa chức năng, các chức năng của gia đình là một thể thống nhất và nhiều khi được thể hiện tổng hợp trong một công việc hoặc nhiều hoạt động gia đình.

Thứ nhất: Chức năng sinh sản - tái sản xuất ra con người, tái tạo và bảo dưỡng sức lao động xã hội

Chức năng sinh sản duy trì nòi giống nhằm đảm bảo cho sự tồn tại, kế thừa và phát triển của xã hội. Chức năng này được coi là một giá trị của gia đình mà từ cổ chí kim loài người phải thừa nhận. Bản thân Ph. Ăngghen - một nhà duy vật vĩ đại cũng cho rằng theo quan điểm duy vật, nhân tố

quyết định trong lịch sử suy cho cùng là “... sự tái sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống”.

Tái sản xuất ra đời sống trực tiếp, ra con người từ đó mà cung cấp lao động cho xã hội vốn là chức năng của gia đình trong bất cứ xã hội nào. Song trong những xã hội khác nhau, chức năng này mang tính chất khác nhau. Trong xã hội cũ, nguồn lao động này phần lớn là công cụ để giai cấp thống trị tiếp tục duy trì ách áp bức bóc lột của chúng, phần lớn còn lại là lao động tư nhân phục vụ cho kinh tế tư nhân; trong xã hội xã hội chủ nghĩa đây lại là lực lượng quan trọng của công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng và đào tạo những người lao động mới có tinh thần làm chủ tập thể, thành những người công dân mới có ích cho đất nước. Gia đình dưới chủ nghĩa xã hội bảo đảm cho con cái sinh ra được nuôi dưỡng chu đáo, có đạo đức, có sức khỏe, có trình độ văn hóa và kiến thức khoa học kỹ thuật, có kỹ năng lao động cao, là những người tích cực đem tài năng và sức lực phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày thêm giàu mạnh.

Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, tình trạng tăng dân số quá mức cần thiết, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do ảnh hưởng của nền kinh tế tiểu nông, chú trọng việc tái sản xuất nhân khẩu thường xuyên, nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Một khi có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, sự lan tỏa của quá trình đô thị hóa,… Lập tức, sẽ có một cuộc thay đổi ngay từ trong cơ tầng nông thôn, gây ra chuyển dịch dân cư. Quy mô gia đình lại phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa “hào con là hào của”. Giá trị bản nguyên đứa con trai cùng với cần nhiều nguồn nhân lực trong lao động nông nghiệp là nguyên nhân dẫn đến đông con của các gia đình cả trong truyền thống lẫn hiện đại. Chức năng này, cũng phải thông qua quá trình giáo dục thì mới đảm bảo cho gia đình và xã hội được duy trì về mặt sinh học.

Thứ hai: Chức năng giáo dục của gia đình

Theo lý thuyết gia đình là “tế bào của xã hội, là yếu tố đầu tiên và cơ bản của quá trình giáo dục”. Gia đình là nơi đại bộ phận trẻ em được người lớn thường xuyên giáo dục: “Dạy con từ thưở còn thơ”. Trong môi trường gia đình, trẻ bắt đầu hình thành nhân cách, lối sống và đặc biệt là nhân sinh quan. Các bậc phụ huynh, nhất là các bà, các mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của đứa trẻ theo tư duy: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.

Giáo dục gia đình có nội dung toàn diện, phong phú, trong đó giáo dục đạo đức và giáo dục học tập luôn được coi trọng vì: Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội, có cơ sở từ tồn tại xã hội. Lẽ sống, niềm hạnh phúc, nghĩa vụ và lương tâm của con người, những quan hệ hành vi đạo đức chỉ nảy sinh, tồn tại khi chủ thể đạo đức ý thức được điều đó, xây dựng cho mình có được lý trí và tự nguyện hành động, phù hợp với những tiêu chuẩn nguyên tắc được xã hội thừa nhận. Trong gia đình, giáo dục đạo đức là nội dung quan trọng nhằm xây dựng ý thức đạo đức, bồi dưỡng tình cảm đạo đức, rèn luyện thói quen hành vi đạo đức để mỗi thành viên trong gia đình được sống trong môi trường chan chứa tình thương, đậm tính nhân văn. Giáo dục đạo đức trong gia đình hướng tới sự hình thành và phát triển nhân cách với những phẩm chất như: Lòng yêu tổ quốc, yêu sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, yêu gia đình, kính trên nhường dưới, có thái độ đúng đắn với lao động và nghệ nghiệp, lòng yêu thương con người, tính trung thực, khiêm tốn, tính tự trọng, lòng dũng cảm vượt khó khăn, ….

Phương thức giáo dục đạo đức của gia đình chủ yếu thông qua tấm gương của cha mẹ. Cha mẹ sống trong sáng, mẫu mực thì con nết na, nên người. Giáo dục đạo đức chỉ có kết quả khi gắn liền với nội dung giáo dục học tập, lao động nghề nghiệp, thẩm mỹ, giới tính.

Bên cạnh đó, việc giáo dục học tập văn hóa cũng được đặc biệt quan tâm và có nội dung toàn diện, nhằm trang bị cho các thành viên trong gia đình những tri thức văn hóa, khoa học – kỹ thuật, nhằm mở rộng sự hiểu biết, rèn luyện năng lực tư duy khoa học, óc phân tích và kỹ năng vận dụng những tri thức vào cuộc sống.

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề giáo dục gia đình lại càng được đặc biệt quan tâm nhằm tạo ra những con người mới có ý thức tự giác trong sản xuất, trong công tác, trong học tập, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, có thái độ lao động mới, có kỹ năng và trình độ kỹ thuật cao, là người không chỉ biết lao động chân tay mà còn có khả năng lao động trí óc, không chỉ có tri thức mà có tình cảm đẹp với gia đình và xã hội, có quan niệm đúng về tình yêu và hạnh phúc. Tóm lại, con người mới là con người văn minh, tiến bộ được phát triển phong phú và hài hòa, có lẽ sống “mình vì mọi người”. Nhưng con người mới phải được bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo và rèn luyện từ bé đến lớn – thậm chí ngay từ khi mới lọt lòng thông qua ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Như vậy gia đình là môi trường quan trọng đối với việc xây dựng con người mới. Đặc biệt với quan hệ huyết thống và quan hệ tình cảm, gia đình có lợi thế hơn bất cứ môi trường nào khác trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục con người mới ở lứa tuổi lọt lòng cho đến khi khôn lớn. Nhiệm vụ cao quý và thiêng liêng của gia đình không chỉ là nuôi mà còn là dạy dỗ con cái nên người.

Thứ ba: Chức năng kinh tế và tổ chức đời sống gia đình

Chức năng kinh tế của gia đình được quyết định phụ thuộc vào công việc hay mức thu nhập của các thành viên trong gia đình và tiêu chuẩn tiêu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát huy vai trò của người phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở ngoại thành hà nội hiện nay (Trang 25)