Tác động của du lịch đến đời sống văn hóa-xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu tác động của hoạt động du lịch đến đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng người H'' Mông ở Sapa, Lào Cai (Trang 34 - 39)

6. Bố cục của luận văn

1.3. Tác động của du lịch đến đời sống văn hóa-xã hội

1.3.1. Tác động đến xây dựng, trang trí nhà cửa

Hoạt động du lịch đôi khi cũng gây ảnh hưởng đến kiến trúc nhà ở của dân cư tại khu du lịch hay một vùng du lịch. Những người làm du lịch khi tiếp đón du khách nước ngoài thường có xu hướng cải tạo, sửa sang lại nhà cửa sao cho phù hợp với nhu cầu của khách. Ngoài việc sửa sang lại kiến trúc, trang trí, họ còn tìm những vật liệu xây dựng mới, phù hợp với sở thích của du khách.

Như vậy, có thể thấy hoạt động du lịch ít nhiều có ảnh hưởng đến kiến trúc nhà cửa của vùng du lịch, khu du lịch, đặc biệt là những vùng có nhiều khách phương xa, khách nước ngoài tới du lịch.

1.3.2. Tác động đến trang phục

Trang phục cũng là một hiện tượng văn hóa về mặt vật chất, hay văn hóa vật chất. Đứng ở góc độ văn hóa tinh thần, trang phục còn có ý nghĩa về ý thức chính trị, về đạo đức con người, về quan niệm thẩm mỹ... Như vậy, trang phục là một nhu cầu vật chất nhưng đồng thời còn là một hiện tượng về văn hóa.

Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là phương tiện cấu thành và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét nhất. Xuất phát từ đặc điểm của tự nhiên và nhu cầu của đời sống, mỗi vùng, mỗi dân tộc đã sáng tạo, hình thành một sắc thái

văn hóa riêng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đặc điểm địa hình phục vụ cho nhu cầu đi lại, ăn, ở, mặc, giao tiếp trong cộng đồng.

Tuy nhiên, tương tự như các lĩnh vực của đời sống văn hóa-xã hội, trang phục cũng chịu sự ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, trong đó có hoạt động du lịch. Hoạt động du lịch đã có những tác động nhất định đến trang phục của cư dân tại điểm đến du lịch. Đôi khi trang phục địa phương cũng là một trong những điểm hấp dẫn đối với du khách phương xa. Nắm bắt được tâm lý của du khách và để phát triển du lịch, yếu tố trang phục cũng được các cơ quan quản lý du lịch địa phương khuyến khích và hỗ trợ, bảo tồn bằng các nguồn kinh phí thu trực tiếp hay gián tiếp từ hoạt động du lịch. Và chính bản thân người dân cũng ý thức được sự hấp dẫn du khách qua trang phục địa phương, do đó họ duy trì và bảo vệ nét văn hóa này, đôi khi là để phục vụ mục đích kinh doanh du lịch.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân bản địa, tham gia trực tiếp vào quá trình phục vụ khách du lịch, đã bị ảnh hưởng bởi cách ăn mặc, trang phục của những du khách này. Do đó, những người dân này không giữ được văn hóa trang phục truyền thống, mà ăn vận theo phong cách thời trang của du khách. Ngoài ra, khi họ thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động du lịch, trang phục truyền thống sẽ trở nên gì bó, không thuận tiện.

1.3.3. Tác động đến ẩm thực

Ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch. Vấn đề khái thác các giá trị của văn hóa ẩm thực để tổ chức xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch được các cơ quan quản lý quan tâm đặc biệt.

Trong thời gian gần đây, hoạt động du lịch đã có những tác động nhất định đến văn hóa ẩm thực. Ở tầm vĩ mô, hoạt động du lịch góp phần tạo nên thành công trong việc quảng bá ẩm thực của các quốc gia tới bạn bè năm châu.

Ngành du lịch các nước đã tổ chức những hoạt động nhằm giới thiệu các món ăn truyền thống, đặc trưng của dân tộc mình với các quốc gia khác.

Ở góc độ vi mô, hoạt động du lịch cũng đã có những ảnh hưởng tới ẩm thực địa phương. Khi đón tiếp du khách, người dân địa phương phải chế biến món ăn phù hợp với khẩu vị của họ. Dần dần, họ có thói quen sử dụng các món ăn theo kiểu của khách. Từ đó, làm mất đi khẩu vị các món ăn truyền thống, đặc trưng của địa phương. Đây là một tác động tiêu cực của du lịch tới văn hóa ẩm thực bản địa.

1.3.4. Tác động đến các mối quan hệ trong gia đình-xã hội

Đối với các mối quan hệ trong gia đình, hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng nhiều. Chủ yếu là tác động đến các mối quan hệ ngoài xã hội. Các mối quan hệ này có thể là: mối quan hệ giữa cộng đồng dân cư với nhau và giữa cộng đồng dân cư với khách du lịch. Đặc biệt, du lịch có tác động rõ ràng đến thái độ giữa dân địa phương và khách du lịch. Du lịch càng phát triển, thái độ của cư dân sở tại với du khách càng theo chiều hướng tiêu cực.

Vào thời gian đầu, khi những du khách đầu tiên xuất hiện, người dân địa phương tỏ ra vô cùng hào hứng. Du khách được tiếp đón nồng nhiệt, với tất cả sự chân thành và hiếu khách của chủ.

Theo thời gian, ngược với sự gia tăng của luồng khách, tình cảm nồng hậu mà du khách đón chờ giảm dần. Quan hệ tình cảm giữa du khách và dân địa phương ngày càng trở nên nguội lạnh và thay vào quan hệ tình cảm đó là quan hệ buôn bán. Đại đa số du khách được tiếp đón với nghi lễ xã giao.

Những cảm giác khó chịu đối với du khách xuất hiện. Sự có mặt của quá nhiều du khách tại địa phương đã ảnh hưởng đến tâm lý người địa phương, làm cho không ít người khó chịu. Nếu vào giai đoạn đầu những hành vi, cách biểu cảm khác lạ của du khách làm cho người dân cảm thấy thú vị thì nay, có thể

cũng với những hành động ấy của du khách, lại bị xem là lố bịch. Nếu như vào giai đoạn đầu, do cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa có, du khách được tiếp đón ở những điều kiện sẵn có của địa phương như nhà dân, quán bình dân thì nay họ dần bị cô lập trong các điều kiện được tạo nên để phục vụ riêng cho họ. Điều kiện tiếp xúc, giao tiếp với cộng đồng giảm và do vậy, sự cảm thông, đồng cảm cũng hạn chế rất nhiều.

Tồi tệ nhất trong mối quan hệ giữa cư dân bản địa với du khách, đó là tư tưởng và hành động chống đối du khách. [22, tr. 153-154]

Tất cả các thái độ cư xử nêu trên nằm trong thế biến động không ngừng. Vì tương lai phát triển du lịch lâu bền, nghành du lịch nói chung, người làm du lịch nói riêng phải tự đặt cho mình trách nhiệm thúc đẩy những quan hệ, tình cảm tốt đẹp sẵn có, ngăn chặn đẩy lùi những thái độ tiêu cực có thể nảy sinh đối với du khách.

1.3.5. Tác động đến văn hóa-nghệ thuật

Với sự phát triển của du lịch, một số hoạt động văn hóa nghệ thuật được các cơ quan ban ngành các cấp quan tâm và phục hồi, góp phần phát triển và bảo tồn.

Thông qua hoạt động du lịch, du khách có thể thâm nhập vào các hoạt động văn hóa của địa phương. Song nhiều khi sự thâm nhập biến thành sự xâm hại. Mặt khác, để thỏa mãn nhu cầu của du khách, vì lợi ích kinh tế to lớn trước mắt nên các hoạt động văn hóa truyền thống được trình diễn một cách thiếu tự nhiên hoặc chuyên nghiệp hoặc mang ra làm trò cười cho du khách. Nhiều nhà cung ứng du lịch đã thuyết phục được dân địa phương thường xuyên trình diễn lại các phong tục, lễ hội cho khách xem. Nhiều trường hợp, do thiếu hiểu biết về nguồn gốc, ý nghĩa của các hành vi lễ hội, người ta giải thích một cách sai lệch. Như vậy những giá trị đích thực của một cộng đồng, đáng lý phải được trân trọng lại bị đem ra làm trò tiêu khiển, mua

vui cho du khách. Giá trị truyền thống dần bị lu mờ do sự lạm dụng vì mục đích kinh tế.

1.3.6. Tác động đến cơ cấu kinh tế, phân công lao động

Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế với vị trí, tỷ trọng tương ứng của chúng và mối quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành.

Du lịch phát triển ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu kinh tế của vùng. Khi đi du lịch, du khách phát sinh nhiều nhu cầu khác nhau. Để đáp ứng các nhu cầu của họ, sẽ có các loại hình kinh doanh với các ngành nghề khác nhau để đáp ứng nhu cầu của du khách. Như vậy, cơ cấu kinh tế cũ không còn hợp lý nữa và dần được thay thế.

Cơ cấu kinh tế thay đổi dẫn đến sự phân công lao động cũng thay đổi. Khi các ngành nghề mới xuất hiện, vị trí và số lượng lao động cũ sẽ không phù hợp với yêu cầu của các ngành nghề mới nữa. Do đó, vấn đề phân công lao động được điều chỉnh và thay đổi đáng kể.

1.3.7. Tác động đến ngôn ngữ

Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu. Hiểu theo nghĩa rộng, ngôn ngữ là một thành tố văn hóa nhưng là một thành tố chi phối đến nhiều thành tố văn hóa khác. Ngôn ngữ là một nét đặc trưng của mỗi quốc gia. Khi đi du lịch, du khách có thể giao lưu, tìm hiểu văn hóa của quốc gia hoặc điểm đến du lịch, trong đó có ngôn ngữ. Thông qua du lịch, du khách có thể luyện tập và biết thêm những ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ.

Tuy nhiên, tại những vùng du lịch, đôi khi cư dân địa phương sử dụng những ngôn ngữ của du khách nhiều hơn ngôn ngữ chính của họ. Điều này nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh du lịch. Khi họ sử dụng những ngôn ngữ ngoại lai, ngôn ngữ chính của họ lại có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ví

dụ như việc họ nói xen lẫn ngôn ngữ khác vào ngôn ngữ chính của họ, làm cho ngôn ngữ không nhất quán và bị pha tạp.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu tác động của hoạt động du lịch đến đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng người H'' Mông ở Sapa, Lào Cai (Trang 34 - 39)