Quyền lực và an ninh là bản chất của cuộc cạnh tranh ở Biển Đông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cạnh tranh quyền lực giữa trung quốc và hoa kỳ tại biển đông từ 2009 đến 2016 (Trang 59 - 65)

Chƣơng 1 BỐI CẢNH CỦA SỰ CẠNH TRANH TRONG GIAI ĐOẠN 2009-2016

3.1. Quyền lực và an ninh là bản chất của cuộc cạnh tranh ở Biển Đông

“Hòa bình chỉ có thể đạt được bằng quyền bá chủ hoặc bằng sự cân bằng quyền lực”, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger đã nói như vậy. Đó chính là mấu chốt sự cạnh tranh Trung Quốc - Hoa Kỳ tại châu Á và trên Biển Đông. Tương lai Biển Đông gắn liền với an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đã phủ nhận bá quyền Hoa Kỳ để tìm kiếm một mô hình tương tác mới dựa trên cân bằng sức mạnh, và nếu có thể là dựa trên sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Tương tự mô hình tương tác chính mà các nhà hiện thực đề ra, quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ là sự “tương tác chiến lược được hậu thuẫn bởi các ý tưởng nhân quả và sức mạnh quân sự và kinh tế” [22, tr. 59]. Do đó, đây cũng là quá trình phân bố lại cơ cấu sức mạnh trong khu vực, mà theo đó cần sắp xếp lại thứ bậc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ từ chối bán máy bay F-16 và F-35 cho Đài Loan, theo Robert D. Kaplan, là biểu hiện rõ ràng của sự thay đổi quyền lực toàn cầu [56]. Trật tự đơn cực đang tan rã, nhưng trật tự nào sẽ đặc trưng cho nền chính trị thế giới trong những năm tiếp theo vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.

Tương tự câu hỏi giành cho nền chính trị thế giới, hoà bình và ổn định trên Biển Đông sẽ được quyết định bởi ảnh hưởng trở lại của Hoa Kỳ, hay sự thống trị của Trung Quốc hay cân bằng quyền lực. Hoa Kỳ có thể giảm bớt vai trò của nó, nhưng Hoa Kỳ vẫn mạnh nhất thế giới, còn Trung Quốc đã bắt đầu bước từng bước lên vị trí hàng đầu trên sân khâu quốc tế. Hầu hết các nhà hiện thực sẽ đồng ý với Kissinger. Nhưng có lẽ trạng thái tối ưu như vậy cũng chỉ có thể giúp giảm thiểu xung đột, chứ khó có thể đạt được hoà bình. Các

nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện họ đang đi theo tiếng gọi của chủ nghĩa hiện thực về quan hệ quốc tế. Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với việc họ cũng sẵn sàng cho một cuộc xung đột bằng mọi giá với Hoa Kỳ trên Biển Đông? Chủ nghĩa hiện thực cũng hướng dẫn các quốc gia cần phải thấu hiểu môi trường mà họ đang tồn tại, “xác định mục tiêu lợi ích mà mình muốn đạt được,” và “xác định khả năng của mình” [21, tr. 437]; nếu không, sẽ phải chịu những hậu quả ngược lại mới mục đích.

Thật vậy, cán cân sức mạnh trong khu vực vẫn nghiêng về Hoa Kỳ. Trung Quốc chỉ có lợi thế hơn về vị trí địa lý - yếu tố có thể giúp họ duy trì lực lượng một cách liên tục trên Biển Đông. Trung Quốc thừa nhận họ là một quốc gia đang phát triển, ưu tiên vẫn là duy trì môi trường quốc tế ổn định. Đó là lý do ông Tập Cận Bình phải đặt “không có xung đột hay đối đầu” làm đặc điểm nền tảng cho “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Bộ trưởng Ngại giao Trung Quốc, Vương Nghị tái khẳng định: “Không có xung đột hay đối đầu là điều kiện tiên quyết cho mô hình mới về quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ”. Bằng những ngôn ngữ ngoại giao, Vương Nghị cũng cam kết Trung Quốc tôn trọng ảnh hưởng truyền thống và lợi ích trước mắt của Hoa Kỳ tại châu Á- Thái Bình Dương; phủ nhận quan điểm rằng họ sẽ đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực này. Một cách thức dụng hơn, vị Ngoại trưởng của Trung Quốc còn cho rằng: Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là “khu vực thử nghiệm” cho mô hình quan hệ cường quốc kiểu mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì nơi đây không chỉ là “nhà và gốc rễ của dân tộc Trung Quốc trong hàng ngàn năm” mà còn “đủ rộng lớn để chứa đựng hai nước lớn chúng ta” [73]. Năm 2015, trước những nghi ngờ từ phía Hoa Kỳ, ông Tập đã phủ nhận Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông, đồng thời xem Trung Quốc và Hoa Kỳ có chung lợi ích hàng hải trên biển Đông. Cách nói nước đôi của giới lãnh đạo Bắc Kinh là biện minh cho những hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông,

vốn có thể được xem như là cách để họ bảo vệ lợi ích hàng hải của mình. Nhưng để đạt được điều đó Trung Quốc phải là một cường quốc biển. Những cường quốc biển thường sẽ “ôn hoà hơn” và họ quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ sự ổn định của hệ thống hàng hải, sự tự do của các dòng chảy thương mại [26].

Trung Quốc đồng thời không để Biển Đông trở thành trung tâm của quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ thông qua việc nhấn mạnh các lĩnh vực khác đáng được ưu tiên hơn, vừa chủ động gây áp lực và chia rẽ các nước Đông Nam Á. Dĩ nhiên, Bắc Kinh vẫn để ngỏ sự cố kết với Đông Nam Á thông qua các chiến lược kinh tế như “Một vành đai, Một con đường” và các hợp tác kinh tế song phương và đa phương khác. Trung Quốc sẽ giữ cho Đông Nam Á ở thế trung lập cho đến khi Trung Quốc thống trị được Biển Đông, sau đó những áp lực liên tiếp về ngoại giao và quân sự sẽ buộc Đông Nam Á phải lựa chọn nghiêng về Trung Quốc thay vì kêu gọi sự tái can dự của Hoa Kỳ. Biển Đông thực sự là một sân khấu để Trung Quốc thể hiện tất cả sức mạnh mà quốc gia này có.

Về phía Hoa Kỳ, những điều chỉnh trong chiến lược châu Á cho thấy thái độ của chính quyền Obama đối với Trung Quốc chuyển dần từ cởi mở sang thận trọng hơn. Quan điểm coi Trung Quốc là một nhân tố có thể lôi kéo đã chiếm ưu thế trong chính quyền Obama, do đó Trung Quốc sẽ không được xem là đối thủ trực tiếp của Hoa Kỳ. Jerrey A. Bader, cựu cố vấn ngoại giao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thời chính quyền Obama đã nhận định chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Obama “phản ứng một cách có cân nhắc về sự trỗi dậy của Trung Quốc” và “nỗ lực xây dựng một mối quan hệ ổn định, chắc chắn và tích cực với Trung Quốc” [1, tr. 291-292]. Chính quyền Obama dường như cũng hiểu rằng nếu Trung Quốc đã coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ thì sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ chẳng những không

thể giải quyết được vấn đề mà còn đẩy vùng biển này vào một trạng thái nguy hiểm nhất từ trước đến nay, đó là đối đầu quân sự Hoa Kỳ - Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông, vì thế, cũng không được đặt vào một vị trí quan trọng hơn trong chính sách châu Á của chính quyền Obama. Chính quyền Obama vừa muốn duy trì được sự thống trị của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương, vừa muốn đưa Trung Quốc vào trật tự thế giới tự do mà Hoa Kỳ đang lãnh đạo, thay vì phải ngăn chặn Trung Quốc.

Obama lập luận rằng nhu cầu hợp tác sẽ tạo ra niềm tin, nhờ đó triệt tiêu những bất đồng và mâu thuẫn. Trung Quốc thì không nghĩ như vậy. Nghi ngờ lẫn nhau là tình trạng phổ biến trong quan hệ quốc tế, đặc biệt giữa các nước lớn. Nhưng nghịch lý là “tình trạng vô chính phủ đã kiềm chế sự sẵn sàng hợp tác của các chính phủ” mặc dù các thể chế quốc tế có thể đóng một vai trò trung gian để kết nối giữa họ [4, tr. 130]. Kurt M. Campbell, Phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng phải thừa nhận những kỳ vọng của Nhà Trắng vào Trung Quốc đã tiêu tan [59]. Ở Trung Quốc, bất chấp áp lực từ nhiều phía, ông Tập đang ngày càng gia tăng quyền lực nhiều nhất có thể, những chính sách cải cách kinh tế không mang lại sự đảm bảo chắc chắn rằng nhà nước Trung Quốc sẽ không can thiệp sâu vào nền kinh tế.

Chiến lược “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Obama là một đường lối tốt nếu xét trên khía cạnh ngoại giao, nhưng lại là một sự thụt lùi nếu xét trên góc độ thực tế. Hoa Kỳ đang không gây sức ép một cách trực tiếp, mà chủ yếu thông qua các đồng minh trong khu vực. Chính sách châu Á của Hoa Kỳ đã khiến châu Á bước vào một giai đoạn bất ổn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Khác với ở Hoa Kỳ, nơi có sự thay đổi về đảng lãnh đạo sau mỗi 4 hoặc 8 năm dẫn đến thay đổi về chính sách đối ngoại quan trọng, tại Trung

Quốc thường sẽ duy trì sự ổn định của một chính sách từ người tiền nhiệm hoặc sẽ có xu hướng gia tăng. Do đó, điều cần thiết là phải hiểu được bối cảnh quốc tế và lợi ích dài hạn mà Trung Quốc đang nhắm tới. Chiến lược là một bức tranh tổng thể, chỉ khi nhìn vào đó mới có được những đối sách phù hợp mà không bị cuốn theo những sự kiện cụ thể hay những thay đổi mang tính chiến thuật từ phía hai cường quốc này đặc biệt là Trung Quốc.

Tuyên bố chung 2009 và 2011 cho thấy cách Trung Quốc nhìn Hoa Kỳ, mặc dù coi Hoa Kỳ như một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, song Hoa Kỳ sẽ chỉ được chào đón trong vai trò là người góp phần vào hoà bình, ổn định và sự thịnh vượng của khu vực chứ không phải không vai trò người kiến tạo nên nó. Điều này phù hợp với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc là duy trì môi trường chính trị quốc tế có lợi cho sự phát triển của họ. Giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng sự kiểm soát của họ đối với Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian, họ sẽ sớm hành động giống như một cường quốc biển thực thụ. Do đó, Bắc Kinh đã không ngần ngại từ chối, hay thậm chí là bác bỏ, ý định trở thành người hoà giải của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-La năm 2014, bà Phó Oánh - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc tuyên bố, không có chỗ cho Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc [54]. Thông điệp mà Bắc Kinh phát đi là rất rõ ràng, Biển Đông sẽ là câu chuyện riêng của Trung Quốc, Hoa Kỳ không nên xuất hiện ở đây. “Mọi thứ vẫn do Trung Quốc quyết định chỉ cần Trung Quốc có thể kiểm soát được sự trỗi dậy của mình. Kiểu tư duy chính trị thực dụng đang chi phối chính sách Biển Đông của Trung Quốc” [74].

Mục tiêu quan trọng nhất của Trung Quốc là đảm bảo an ninh và duy trì sự tồn tại của nó; sau đó, củng cố sức mạnh trong vai trò cường quốc đứng đầu khu vực. Những lợi ích này sẽ khó đạt được nếu Hoa Kỳ còn tiếp tục hiện diện, vì thế, khác với lập luận của Washington, Bắc Kinh sẽ coi Washington

là tác nhân của những bất ổn và xung đột tại Biển Đông. Lợi thế và bất lợi về địa lý khiến cho Trung Quốc phải thể hiện được sự liên tục trong yêu sách về lãnh thổ của họ và sự cần thiết của chính sách ngăn chặn. Việc sử dụng vũ lực là cách để Trung Quốc thể hiện quan điểm cứng rắn và lâu dài về lãnh thổ và làm nhụt chí các đối thủ của họ trong tất cả tranh chấp khác [23, tr. 79].

Như những gì mà thế giới đã trải qua, liên minh là một cách đến cân bằng sức mạnh nhanh chóng. Hoa Kỳ đã có một liên minh ở châu Á đủ để ngăn chặn Trung Quốc và vẫn có nhu cầu mở rộng liên minh này. Không ai khác ngoài Hoa Kỳ có đủ khả năng và sức hấp dẫn để huy động một tập hợp lực lượng để chống lại bất kỳ sự nổi lên bất thường nào trong khu vực. Có thể sự quyết đoán của Trung Quốc là chưa đủ để cần hành động như vậy, lựa chọn của chính quyền Obama là hình thành một liên minh ngoại giao, kinh tế mà Trung Quốc là kẻ đứng ngoài. Đồng thời, Hoa Kỳ đã chọn cách “thuyết phục” thay vì “bao vây” [45].

Cách tiếp cận chủ nghĩa hiện thực của Trung Quốc bị phê phán, vì đó là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng và xung đột trong khu vực. Trung Quốc là một cường quốc tại khu vực châu Á, định mệnh địa lý này buộc họ phải va chạm với Hoa Kỳ để phản ánh lợi ích tự thân của họ. Giới lãnh đạo Bắc Kinh cho thấy rằng họ có lý. Trong khi đó, chính quyền Obama cũng bị phê phán vì cách tiếp cận đối với Bắc Kinh không có lợi cho sự thống trị châu Á và tính ưu việt toàn cầu của Hoa Kỳ, và sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên khắp châu Á và xa hơn nữa [43]. Washington chẳng những không ngăn cản được Bắc Kinh, mà họ còn làm mất đi niềm tin từ phía các đồng minh châu Á.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa Hoa Kỳ phải từ bỏ chính sách tự do hàng hải của nó như đang có, mà đứng trước một thách thức như Trung Quốc thì họ cần phải có một cách tiếp cận tương ứng và cân bằng. Cựu Thủ tướng Singapore nhận định: “Hoà bình và an ninh ở cả châu Âu và Thái Bình Dương

vẫn tuỳ thuộc vào sự cân bằng quyền lực. Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở cả hai khu vực này là rất cần thiết” [3, tr. 52]. Robert D. Kaplan viết, “Hoa Kỳ phải bảo vệ hệ thống hàng hải dựa trên những chuẩn mực pháp lý quốc tế, được củng cố bởi cơ chế cân bằng quyền lực có thiện chí” [9, tr. 305].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cạnh tranh quyền lực giữa trung quốc và hoa kỳ tại biển đông từ 2009 đến 2016 (Trang 59 - 65)