Đứng trước quy mô và tốc độ đổ bộ mau lẹ của cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, đứng trước khả năng tác động mang sức tàn phá lớn của cơn bão lên nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu/gói kích thích kinh tế vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Gói kích cầu là biểu tượng của nỗ lực chống suy giảm nền kinh tế của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều chính sách khác cũng được triển khai và có thể phân chính sách đã triển khai thành 3 nhóm và thời gian công bố từng cấu phần như sau:
Nhóm 1: hướng về hộ gia đình và kích thích tiêu dùng
- Giãn nộp thuế thu nhập cá nhân từ 1/1/2009 đến hết ngày 31/5/2009.
- Cấp 2500 tỷ đồng cho hơn 2 triệu hộ nghèo trong dịp Tết Kỷ Sửu, (200.000đ /ng. Gia đình thu nhập thấp có xu hướng tiêu dùng tiền kiếm thêm cao hơn các hộ có thu nhập cao. Vì các hộ nghèo, thu nhập thấp sẽ sử dụng ngay khoản trợ cấp để sống. Trợ cấp thất nghiệp cho người mất việc là chính sách kích cầu hiệu quả nhất…). - Giảm 50% thuế VAT cho hàng nghìn sản phẩm, dịch vụ kể từ ngày 1/2/2009 đến hết 31/12/2009.
- Hỗ trợ lãi suất (4%) vốn vay mua sắm máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.
Nhóm 2: hướng về doanh nghiệp và đầu tư xây dựng
- Quyết định 131/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất được Thủ tướng ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 23/1/2009, áp dụng cho các khoản vay bằng đồng VND có thời hạn tối đa 8 tháng. Mức lãi suất hỗ trợ 4%. Có 13 đối tượng không thuộc diện hỗ trợ lãi suất.
- Giảm 30% thuế thu nhập của quý IV/2008 và cả năm 2009 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Giảm, giãn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Bộ Tài chính quyết định giảm một nửa thuế suất thuế giá trị gia tăng cho 19 nhóm mặt hàng, dịch vụ trong năm 2009. Trong đó, nhiều mặt hàng là nguyên liệu, thiết bị cho sản xuất, xuất khẩu.
- Từ ngày 15/02/2009, thuế xuất khẩu các mặt hàng than (than đá, than bùn, than bán, nhiên liệu rắn tương tự được sản xuất từ than đá) sẽ là 10% thay cho mức 20% hiện hành.
- Từ 29/03/2009: Các sản phẩm cơ khí, vật liệu xây dựng như gạch, ngói các loại, vôi, sơn xây dựng, lắp đặt và các dịch vụ du lịch; kinh doanh lương thực; phân bón sẽ được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh năm 2009 trong khoảng thời gian 9 tháng.
- Quyết định 14/QĐ-TTg (2009) về ban hành quy chế bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp, để thự hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh..
- Quyết định 443/QĐ-TTg ngày 4/4/2009, hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp, nhưng hướng vào các nguồn vốn trung và dài hạn trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng. Về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư. Tiếp theo Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn cấp bù lãi suất cho các khoản vay trung và dài hạn theo chương trình kích thích kinh tế thứ hai của Chính phủ, trong đó quy định 9 ngành thuộc diện ưu đãi.
- 20/4/2009: Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ sử dụng 8 tỷ USD cho gói kích cầu.
Nhóm 3: chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái
- Đầu tháng 10/2008: Thủ tướng yêu cầu các tổ chức rà soát các khoản tiền gửi và đầu tư tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nước ngoài; rà soát hoạt động đầu tư, kinh doanh của các ngân hàng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Ngày 27/6/2008, biên độ tỷ giá được điều chỉnh từ 1% lên 2%. - Ngày 7/11/2008, biên độ tỷ giá được điều chỉnh từ 2% lên 3%.
- Từ ngày 1/2/2009, lãi suất cơ bản giảm từ 8,5% xuống còn 7%. Như vậy lãi suất trần cho phép là 10,5%.
- Từ 1/3/2009, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND từ mức 5% xuống còn 3%, áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng. Các kỳ hạn trên 12 tháng áp dụng tỷ lệ 1%.
- 24/3/2009: biên độ tỷ giá nới rộng lên 5% thay cho mức 3%.
Về quy mô/liều lượng của gói kích cầu, có rất nhiều những đánh giá khác nhau về vấn đề này. Sau đây là tập hợp một số quan điểm khác nhau về vấn đề này[ 14 ].
(xem thêm: “Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính” Thời báo kinh tế Việt nam, số 91, ngày 16/4/2009)
Việc ban hành các chủ trương chính sách kể trên cho thấy Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ tính chất nghiêm trọng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng này tới đời sống kinh tế - xã hội nước ta, từ đó đã chủ động tìm giải pháp khắc phục.
Đánh giá 1: Một số ý kiến cho rằng khi Chính phủ công bố gói kích cầu và ước tính thâm hụt ngân sách 7% GDP, trong khi thâm hụt ngân sách những năm trước đó vào khoảng 5% GDP thì gói kích cầu chỉ vào khoảng 2% GDP.
Đánh giá 2: Như những gì Chính phủ công bố, gói kích thích kinh tế của Việt Nam vào khoảng 8% GDP; tất nhiên, gói 8% không phải được công bố một lúc và cả gói được thực hiện ngay lập tức, nó được trải từ cuối năm 2008 cho đến đầu năm 2009.
Mặc dù đây là gói được Chính phủ chính thức công bố, nhưng dưới khía cạnh phân tích khoa học, phải thừa nhận rằng, gói này đã bao gồm cả những khoản bản thân phải được chi tiêu kể cả khi không có cuộc khủng hoảng.
Trong nội dung hộp 2 dưới đây, cấu phần của gói kích cầu được thể hiện rõ hơn; trong đó cấu phần lớn nhất tập trung vào cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội (5,1 tỷ USD). Tuy nhiên cấu phần này thường có độ trễ khi triển khai. Thậm chí có những cấu phần còn chưa thực hiện. Đáng lưu ý, cấu phần lớn nhất tập trung vào cơ sở hạ tầng là nơi sử dụng rất nhiều lao động phổ thông và đồng thời cũng là nơi tạo đầu ra cho các ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng,… những ngành cũng sử dụng nhiều lao động không kỹ năng. Như vậy, với cấu phần lớn tập trung vào cơ sở hạ tầng, khu vực xuất khẩu và những khu vực có cầu sản phẩm giảm do tác động của cuộc khủng hoảng và vì thế thu hẹp lao động, việc làm hoặc số giờ làm việc được bù đắp phần nào từ việc mở rộng cơ sở hạ tầng.
Đánh giá 3: Mặc dù Chính phủ công bố gói kích thích kinh tế và cấu phần của nó, theo tiêu chí của một số tổ chức tài chính quốc tế, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Ngân hàng Thế giới, một số cấu phần của gói sẽ không được tính trong gói kích cầu - gói thuộc khía cạnh chính sách tài khóa. Chẳng hạn, khoản tiền hỗ trợ lãi suất 4% không được tính vào chính sách tài khóa; khoản này phải được tính vào chính sách tiền tệ vì thế nó không thuộc gói kích thích kinh tế.
Hộp 2: Cấu phần gói kích cầu của Việt Nam
- Cuối tháng 11 năm 2008: 1 tỷ USD - Giữa tháng 12 năm 2008: 6 tỷ USD - Tháng 4 năm 2009: 8 tỷ USD
Gói công bố vào tháng Tư gồm 4 cấu phần:
- Cấu phần lớn nhất tập trung vào cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội, 5.1 tỷ USD (Nguồn: 1.9 tỷ từ quỹ (…), ứng trực tiếp từ ngân sách nhà nước 2.1 tỷ, phát hành trái phiếu 1.1 tỷ).
Cấu phần thứ hai là giảm thuế 1.6 tỷ USD (Nguồn: Giảm 50% thuế VAT cho 19 nhóm hàng hoá và dịch vụ và cho thuế nhập khẩu 0.1 tỷ; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoãn trả 9 tháng cho một số doanh nghiệp 1.2 tỷ; miễn PIT 6 tháng 0.3 tỷ).
Cấu phần thứ ba là hỗ trợ 4% lãi suất các khoản vay ngắn hạn cho doanh nghiệp (1 tỷ USD). Cấu phần cuối cùng dành cho an sinh xã hội 0.3 tỷ USD từ ngân sách nhà nước.
Bảng 6. Cấu phần gói kích cầu của Việt Nam, 4 tỷ USD
Giảm thuế 20
Thuế thu nhập doanh nghiệp 9,9
Thuế thu nhập cá nhân 4,5
Thuế giá trị gia tăng 4,5
Phí và bằng sáng chế 1,1
Chi tiêu ngân sách thêm 39,4
Ứng trước ngân sách năm 2010 18,2
Ngân sách không chi tiêu năm 2008 7,2
Đầu tư tài trợ bằng phát hành trái phiếu 14
Cho vay bởi Ngân hàng Phát triển VIETNAM 7,1 Chương trình trợ cấp lãi suất (Không tài trợ bằng ngân sách)
Nguồn: World Bank (2009)
Mặc dù những đánh giá về quy mô/liều lượng về gói kích thích kinh tế là khác nhau, không thể phủ nhận được rằng Chính phủ đã thực hiện tổng thể hàng loạt các chính sách khác bên cạnh chính sách tài khóa, đó là, các chính sách tiền tệ, chính sách thương mại, tỷ giá hối đoái, chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
Các biện pháp xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập siêu
Trong năm 2009, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các biện pháp để chống suy giảm kinh tế, kích thích tăng trưởng nhập khẩu, đồng thời hạn chế nhập siêu. Cuối năm 2008 và đầu năm 2009 Chính phủ đã thực thi gói kích cầu, khoảng 17000 tỷ đồng huy động từ nguồn dự trữ ngoại tệ được sử dụng để hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng các doanh nghiệp, bao gồm hỗ trợ 4% lãi suất vay ngắn hạn, hỗ trợ lãi suất vốn vay trung và dài hạn và vốn vay mua máy móc cho khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, hoàn thuế giá trị gia tăng và giảm thuế một số mặt hàng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, với tổng số tiền lên tới hơn 28.000 tỷ đồng. Các khoản
trong gói kích cầu này đã tới các các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, duy trì và phát triển sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu. Tác động của gói kích cầu này đến nền kinh tế có thể thấy được qua sự khởi sắc của bộ phận doanh nghiệp được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, tác động của gói kích cầu này đến thương mại nói chung chưa rõ rệt, vì chưa có số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu tăng trưởng nhờ cú hích kích cầu từ Chính phủ.
Bộ Công thương cũng thực hiện nhiều biện pháp kiềm chế nhập siêu. Chi tiết xem hộp 3 dưới đây.
Hộp 3: Một số biện pháp hạn chế nhập siêu của bộ Công Thương
Bộ Công thương đã tiếp tục thực hiện các giải pháp hạn chế NK đã triển khai trong năm 2008 như kiểm soát việc tiếp cận ngoại tệ theo 3 nhóm hàng: Nhóm cần NK, nhóm cần kiểm soát và nhóm hạn chế NK. Quản lý NK bằng giấy phép tự động đối với các mặt hàng tiêu dùng. Mở rộng danh mục mặt hàng NK phải nộp thuế ngay trước khi thông quan. Hạn chế NK qua việc quy định thời hạn nộp thuế. Ngoài ra còn tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá NK và sử dụng hàng rào kỹ thuật phù hợp WTO để hạn chế NK. Xây dựng lộ trình bắt buộc dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với nhóm sản phẩm gia dụng để áp dụng từ tháng 01/2010. Rà soát, ban hành các quy định về hóa chất, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến dùng trong bảo quản hàng thực phẩm… Tập trung điều hành XK những mặt hàng có kim ngạch XK lớn, trong đó cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao dịch, đấu thầu để đảm bảo XK dầu thô, than đá và các khoáng sản khác có giá XK hiệu quả nhất. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện chế độ tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy XK, hạn chế nhập siêu; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp sử dụng hàng Việt Nam và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng.
Bên cạnh những biện pháp ngắn hạn, Bộ cũng đề ra nhiều giải pháp trung và dài hạn. Theo đó, trong những năm tới, Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh XK, tiến tới đưa tăng trưởng XK cao hơn tăng trưởng NK để sớm cân bằng cán cân thương mại, trong đó cần tiếp tục trao đổi với các đối tác thương mại mà Việt Nam nhập siêu để phối hợp tìm giải pháp giảm nhập vào Việt Nam và tăng xuất từ Việt Nam. Đây được coi là giải pháp chủ yếu, lâu dài để hạn chế nhập siêu. Kiểm soát chặt chẽ nhu cầu NK các mặt hàng có khối lượng lớn; Nghiên cứu và triển khai đồng bộ các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để giảm NK bằng các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiếp tục duy trì một số công cụ quản lý phù hợp quy định của WTO như hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối và mở rộng diện mặt hàng áp dụng; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu theo phương thức giao hàng tại kho
Trong đó, đáng chú ý là cuộc phát động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Cuộc phát động này được các doanh nghiệp và người tiêu dùng nội địa hưởng ứng khá rộng rãi. Đây có thể được coi như một cơ hội để quảng bá hàng Việt Nam với chính người tiêu dùng Việt Nam, (xem phụ lục, hộp 4).
Các biện pháp trên chưa thực sự thu được kết quả như mong muốn do thời gian thực hiện các biện pháp chưa đủ dài, cụ thể là kim mức thâm hụt thương mại theo tháng trong năm 2009 biến động chủ yếu do biến động giá cả hàng hóa thế giới, không chịu ảnh hưởng nhiều từ các biện pháp kiềm chế nhập siêu trong nước. Do đó, những tháng cuối năm, khi cầu nội địa tăng do kinh tế trong nước phục hồi và giá cả trên thị trường thế giới, thâm hụt thương mại tăng mạnh. Đầu tháng 12 năm 2009, Bộ Công thương cũng đã áp dụng những biện pháp mạnh mẽ để hạn chế nhập khẩu như hạn chế nguồn cung ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng xa xỉ và không khuyến khích tiêu dùng, ví dụ ô tô; sử dụng hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp hành chính khác như kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa; và sử dụng thuế quan để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng này trong thời gian tới. Tuy nhiên, một lần nữa, các biện pháp mang tính tạm thời này vướng phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, như vi phạm các cam kết của WTO, cùng với nảy sinh hiện tượng dồn hạn ngạch sang năm 2010.
Tóm lại, để khắc phục tình trạng nhập siêu trong năm 2010 nói riêng và trong dài hạn nói chung, Việt Nam cần phải có cuộc cải cách thực sự trong cơ cấu sản xuất công nghiệp và chiến lược phát triển kinh tế. Cụ thể là hai vấn đề sau:
Thứ nhất, về cơ cấu xuất khẩu, có thể dễ dàng nhận thấy những mặt hàng chủ lực của Việt Nam chủ yếu là nhóm hàng thâm dụng lao động và tài nguyên như các mặt hàng nông sản, mặt hàng thủ công và nguyên liệu thô. Nhóm hàng này trong thời gian qua có mức tăng giá chậm hơn so với các nhóm hàng khác, do đó lợi ích kinh tế mang lại của nhóm này cho nền kinh tế không cao. Hơn nữa, nhóm này cũng