Những ưu điểm và hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh vĩnh phúc lãnh đạo chiến tranh du kích chống thực dân pháp xâm lược (1946 1954) luận văn ths lịch sử đảng cộng sản việt nam 5 03 16 (Trang 100 - 107)

3.1. Nhận xét chung

3.1.2. Những ưu điểm và hạn chế

Những ưu điểm

Trong quá trình kháng chiến, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã đề ra đường lối lãnh đạo chiến tranh du kích phát triển góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi. Qua quá trình lãnh đạo đó đã thể hiện những ưu điểm cơ bản. Điều này được thể hiện ở một số nội dung sau:

Một là,đã quán triệt và vận dụng đường lối của Trung ương và Liên khu, đề ra chủ trương xây dựng lực lượng về mọi mặt cho cuộc chiến tranh du kích ở địa phương phát triển.

Một trong những vấn đề hết sức quan trọng để thúc đẩy kháng chiến nói chung và chiến tranh du kích nói riêng đó là phải thường xuyên chú ý đến việc xây dựng và củng cố lực lượng về mọi mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá…Đó là nền tảng vật chất và tinh thần cho cuộc chiến tranh du kích phát

triển. Trong đó yếu tố chính trị là đặc biệt quan trọng. Vì rằng: “làng xã là cơ sở gốc rễ của chiến tranh du kích. Căn bản của chiến tranh du kích là nhân dân cách mạng vùng lên, bởi thế gây cơ sở cho chiến tranh du kích ở địch hậu không chỉ ỷ vào những đội quân cách mạng mà phải đặt ở lòng dân chúng” [71, 246]. Chính vì vậy, Đảng bộ Vĩnh Phúc luôn chú ý đến việc công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận để giác ngộ, tập hợp đoàn kết đông đảo nhân dân tham gia chiến tranh du kích, ủng hộ đóng góp cho du kích. Trên cơ sở giác ngộ tinh thần yêu nước căm thù giặc của đông đảo quần chúng, Đảng bộ chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở địa phương như dân quân, du kích, bộ đội huyện, tỉnh. Việc huấn luyện về quân sự, chính trị tư tưởng, hậu cần cho lực lượng vũ trang cũng được tiến hành thường xuyên trong suốt quá trình kháng chiến. Trong đó, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho dân quân du kích theo sự chỉ đạo của Trung ương: “Dân quân du kích là đội quân cách mạng, và đã là đội quân cách mạng thì phải có công tác chính trị để giữ vững đường lối chính trị, để nâng cao trình độ giác ngộ và tinh thần chiến đấu cho các đội viên…Đội viên dân quân du kích thường hay phân tán, sinh sống tản mạn trong làng, và khi chiến đấu cũng thường nhiều khi hoặc cá nhân tác chiến, hoặc từng tốp nhỏ tác chiến. Cho nên muốn cho đội du kích có tinh thần tích cực hoạt động, tự mình đi tìm địch để đánh, vấn đề công tác chính trị phải được đặc biệt chú trọng hơn cả về quân sự” [40, 12, 16].

Hai là, đã xây dựng cơ sở vững mạnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế để tạo điều kiện cho chiến tranh du kích phát triển.

Trong chiến tranh giải phóng, vấn đề xây dựng hậu phương là vấn đề hết sức quan trọng, nó quyết định thành bại của chiến tranh. Theo quan điểm của Đảng vừa kháng chiến vừa kiến quốc và đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh thì vấn đề xây dựng hậu phương còn là vấn đề xây dựng cơ sở. Thực tiễn cuộc kháng chiến ở Vĩnh Phúc đã khẳng định điều

đó. ở vùng tạm chiếm, xây dựng cơ sở chính là xây dựng hậu phương ta ở trong lòng địch. Còn ở vùng tự do, xây dựng cơ sở là xây dựng hậu phương cho chiến trường toàn tỉnh. Vì lẽ đó, trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch để giành giật cơ sở đã diễn ra hết sức quyết liệt ngay từ đầu cho đến kết thúc cuộc chiến tranh.

Nội dung của xây dựng cơ sở gồm cả về chính trị, quân sự, kinh tế…

Xây dựng cơ sở về chính trị, trước hết là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất. Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng. Thực tiễn cuộc kháng chiến ở Vĩnh Phúc cho thấy, trong từng thời kỳ, Đảng bộ đã chú trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân mà trọng tâm là công tác mặt trận. Vì vậy trong 3 năm đầu kháng chiến, mặt trận đã thu hút được rộng rãi các tầng lớp nhân dân kể cả đồng bào thiểu số, công giáo, các nhân sĩ và trí thức tiến bộ tham gia. Thông qua Mặt trận, Đảng bộ đã giác ngộ ý thức dân tộc, động viên mọi người tham gia kháng chiến dưới mọi hình thức, trong đó có tham gia chiến tranh du kích.

Chính quyền dân chủ nhân dân ở mối địa phương, mỗi cơ sở cũng từng bước được củng cố, kiện toàn, là công cụ đắc lực tổ chức nhân dân tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Một cơ sở mạnh về chính trị còn thể hiện ở vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng. Trong thực tiễn, nơi nào và khi nào có tổ chức cơ sở Đảng mạnh thì nơi ấy và khi ấy phong trào chiến tranh du kích lên cao. ở những nơi cơ sở vững, nhân dân không sợ hy sinh gian khổ, nuôi chứa bộ đội và du kích, đồng thời anh dũng đấu tranh chống địch càn quét, cướp phá, chống áp bức bóc lột,…hỗ trợ đắc lực cho tác chiến của lực lượng vũ trang đạt hiệu quả.

Xây dựng cơ sở vững vàng về quân sự, là thể hiện rõ nét nhất về quan điểm chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích của Đảng. Xây dựng cơ sở vững về quân sự, trước hết là xây dựng hệ thống làng chiến đấu kiên cố tạo nên những pháo đài đánh địch bảo vệ làng xóm và từng bước xây dựng các khu du kích

đánh địch ngay trong lòng địch. Làng chiến đấu và các khu du kích chính là trận địa của toàn dân đánh giặc mà trong đó lực lượng bán vũ trang là lực lượng tác chiến chủ yếu ở từng cơ sở. Chính vì vậy ở khắp các làng xã vùng tự do cũng như tạm chiếm, lực lượng dân quân du kích là lực lượng đông đảo nhất vừa làm nhiệm vụ bảo về Đảng , bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân và sản xuất, vừa là lực lượng chiến đấu mũi nhọn chống quân thù. Cùng với nhiệm vụ đánh giặc giữ làng, dân quân du kích còn là lực lượng phục vụ chiến đấu và phối hợp chiến đấu cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương giành nhiều thắng lợi to lớn.

Xây dựng cơ sở vững mạnh về kinh tế để bảo đảm đời sống nhân dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu hậu cần tại chỗ là yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển của chiến tranh du kích. Vì thế ngay sau khi kẻ thù đã tạm thời bình định được một vùng rộng lớn thuộc hai tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, các Đảng bộ đã đề ra các chủ trương, biện pháp cụ thể lãnh đạo nhân dân kiên quyết bám trụ quê hương để tiếp tục sản xuất, bảo đảm đời sống và đáp ứng nhu cầu cho lực lượng vũ trang chiến đấu. Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đề ra khẩu hiệu “cán bộ bám dân, dân bám đât”, đưa nhiều cán bộ đảng viên và lực lượng vũ trang luồn sâu vào địch hậu lãnh đạo nhân dân và cùng nhân dân đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh kinh tế, giành giật với địch từng tấc đất để sản xuất. Từ đầu năm 1950 đến cuối 1951, quân dân Vĩnh Phúc đã anh dũng đấu tranh lấn phá hàng ngàn mẫu đất trên tuyến vành đai thuộc 18 xã thuộc 5 huyện để tiếp tục sản xuất, đồng thời kết hợp với đấu tranh chống bóc lột hàng ngày của địch làm thất bại âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh của chúng”.

Xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để phát triển chiến tranh du kích là một trong những thành công trong công tác lãnh đạo kháng chiến của Đảng Vĩnh Phúc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ba là, đã luôn xác định phương châm bám đất, bám dân, xây dựng chỗ đứng chân trong lòng địch là các khu du kích để thúc đẩy chiến tranh du kích phát triển.

Trên địa bàn Vĩnh Phúc, từ tháng 8/1949 trở đi, thực dân Pháp bắt đầu triển khai bình định trên diện rộng. Đến 1951, chúng đóng chốt 223 vị trí tạo thành 3 tuyến phòng thủ: Đê Đại Hà, Quốc lộ 2 và truyến đột xuất. Cuộc chiến đấu của quân dân Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu nơi địch bình định để giành giật với chúng từng cơ sở, từng thức đất. Trong 3 năm xây dựng lực lượng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng trước ưu thế tạm thời về quân số và hoả lực, thực dân Pháp đã đánh bật lực lượng vũ trang ta, chiếm gần hết vùng đông dân và nhiều tiềm năng kinh tế của hai tỉnh Vĩnh Yên – Phúc Yên. Vì vậy, vấn đề sống còn đặt ra lúc này của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc là phải tạo ra chỗ đứng chân ngay trong lòng địch để đánh địch. Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã chỉ đạo tập trung lực lượng mở các khu du kích ở địch hậu. Cuối 1951 đầu 1952, phối hợp với chiến dịch Hoà Bình quân dân Vĩnh Phúc đã mở được các khu du kích đầu tiên ở 18 xã thuộc 6 huyện địch hậu. Từ đó, phong trào chiến tranh du kích ở vùng địch hậu có sự chuyển biến về chất. Nhiều cán bộ đảng viên và các đơn vị vũ trang của tỉnh, huyện từ các vùng tự do lần lượt trở về hoạt động. Cũng do xây dựng được các khu du kích trong lòng địch, từ đầu 12/1952, Tỉnh uỷ, Tỉnh đội và ban ngành của tỉnh, cơ quan lãnh đạo cấp huyện và xã đều thành lập bộ phận A ở các khu du kích để lãnh đạo kháng chiến. Mặc dù bị địch đánh phá điên cuồng, nhưng do có chỗ đứng chân, nhân dân cùng các lực lượng vũ trang đã kiên trì bám trụ, dẻo dai chiến đấu. Đến hè 1953, các khu du kích ở Vĩnh Phúc đã phát triển rộng tới 35 xã, 201 thôn với 13 vạn dân, làm cho phạm vi kiểm soát của địch bị thu hẹp.

Như vậy, chủ trương bám đất, bám dân, xây dựng chỗ đứng chân trong lòng địch là các khu du kích để tạo điều kiện thúc đẩy chiến tranh du kích phát triển là một sự chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc.

Bốn là, đã bồi dưỡng, xây dựng được đội ngũ đảng viên kiên định lập trường chính trị, chấp hành tốt mọi chủ trương, nghị quyết của Tỉnh uỷ, kiên trì bám trụ vùng địch hậu trực tiếp lãnh đạo quần chúng nhân dân, phát triển chiến tranh du kích.

Đảng lãnh đạo đúng đắn là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh du kích. Nhưng đưa được đường lối đúng đắn đó đến được cơ sở quần chúng nhân dân và các lực lượng vũ trang ở địa phương thì vấn đề quyết định lại là đội ngũ đảng viên. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, nên Đảng bộ Vĩnh Phúc thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên, để mỗi đảng viên thực sự là một chiến sĩ xung kích trong mọi cuộc đấu tranh. Qua đó, quần chúng thêm tin tưởng noi theo. ở vùng trực tiếp đối đầu với địch, trước sự khủng bố ác liệt của chúng, những đảng viên vẫn kiên trì bám dân, bám đất lãnh đạo nhân dân đấu tranh giữ vững cơ sở. Có đồng chí phải ăn hầm, ở bụi, đồng cam cộng khổ với nhân dân, lăn lội với phong trào, được nhân dân tin yêu mến phục. Trong khó khăn gian khổ, nhiều đồng chí là bí thư đã trực tiếp đến cơ sở, vừa chỉ đạo, vừa động viên phong trào, giúp cơ sở giải quyết những khó khăn. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, để lại niềm tiếc thương cho nhân dân.

Những hạn chế chính

Bên cạnh những thành công đạt được trong công tác lãnh đạo chiến tranh du kích, Đảng bộ Vĩnh Phúc cũng còn có những mặt còn hạn chế, khuyết điểm.

Thứ nhất, trong chuẩn bị kháng chiến còn có tư tưởng chủ quan khinh địch cả từ cán bộ tới quần chúng nhân dân. Vì sau ngày toàn quốc kháng chiến đã hai năm mà địch chưa chiếm Vĩnh Phúc cùng với những chiến thắng của ta trên các

mặt trận là nguyên nhân căn bản dẫn đến tư tưởng chủ quan. Công tác tuyên truyền giáo dục một chiều, không thấy hết khả năng của địch và khó khăn của ta. Nhất là khi Trung ương đề ra nhiệm vụ “tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”, hiểu không đầy đủ nhiệm vụ đó, nôn nóng tổng phản công. Tới mùa hè 1949, sau khi học tập nhận rõ âm mưu đánh trung du của địch, tư tưởng đó mới dần được khắc phục.

Thứ hai, trong lãnh đạo, chỉ đạo có lúc biểu hiện tư tưởng chủ quan, nôn nóng. Thời kỳ đầu, công tác lãnh đạo tác chiến chưa nhận thức đúng phương châm du kích chiến là chính; khuynh hướng muốn tập trung đánh lớn được thể hiện cả trong công tác huấn luyện đánh tập trung cả hai, ba đại đội, đánh tập trung du kích toàn xã, đánh trận địa công đồn không phù hợp với trình độ của lực lượng du kích.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và Liên khu uỷ Việt Bắc về tổ chức đợt tổng phá tề từ 2/1950 ở vùng tạm chiếm còn lúng túng, không xác định được hình thức, phương châm hoạt động cho thích hợp, lúc tả lúc hữu, nhất là ở cấp huyện, xã; quan điểm kháng chiến trường kỳ chưa rõ rệt, nôn nóng. Không thấy được quy luật chiến tranh và tính chất chiếm đóng bình định của địch. Không thấy được khả năng tương quan lực lượng hai bên, địch lúc đầu tạm thời còn mạnh sẽ chiếm đóng và tích cực bình định, ta lúc đầu tạm thời còn yếu sẽ không giữ được hết địa bàn.

Thứ ba, việc chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng dân quân và lực lượng du kích chưa được cân đối, nhất là ở thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Đành rằng lực lượng du kích là lực lượng nòng cốt, song không phải vì thế mà coi nhẹ dân quân. Bởi vì dân quân là lực lượng bán vũ trang, vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu và hết sức đông đảo. Khi tổ chức xây dựng không thấy hết sự quan hệ khăng khít của hai lực lượng này cho nên thời kỳ đầu 1946 - 1948, tổ chức dân quân không được coi trọng, có tính chất ồ ạt không đảm bảo được chất lượng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh vĩnh phúc lãnh đạo chiến tranh du kích chống thực dân pháp xâm lược (1946 1954) luận văn ths lịch sử đảng cộng sản việt nam 5 03 16 (Trang 100 - 107)