Một số đặc điểm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh vĩnh phúc lãnh đạo chiến tranh du kích chống thực dân pháp xâm lược (1946 1954) luận văn ths lịch sử đảng cộng sản việt nam 5 03 16 (Trang 96 - 100)

3.1. Nhận xét chung

3.1.1. Một số đặc điểm

Cuộc chiến tranh du kích chống thực dân Pháp xâm lược trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Vĩnh Phúc có những đặc điểm chung nhưng cũng có những đặc điểm riêng so với những địa phương khác. Những điểm riêng nổi bật là:

Một là, Vĩnh Phúc là địa bàn nằm ở nơi tiếp giáp giữa vùng tự do Việt Bắc và vùng tạm bị chiếm nên cuộc chiến tranh ở đây diễn ra vô cùng quyết liệt.

Do điều kiện địa lý, với những đường giao thông chiến lược như quốc lộ số 2, 3 và sông Hồng, sông Lô nối thủ đô Hà Nội với căn cứ địa Việt Bắc, địa bàn là cầu nối giữa đồng bằng Bắc bộ với căn cứ địa chính của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Do vậy, chiến trường Vĩnh Phúc nằm đúng ở đầu phòng tuyến chiếm đóng trung du của địch và là hành lang ngoài cùng của chúng từ vị trí chiến lược Việt Trì về tới duyên hải. Địch đã thiết lập 3 phòng tuyến chiếm đóng với những cứ điểm dày đặc cùng với “Vành đai trắng” chiếm hơn 5 vạn mẫu ruộng và đồi núi.

Trong hơn 5 năm địch chiếm đóng, thời kỳ cao điểm nhất có tới 223 vị trí lớn nhỏ, gồm trên 8.000 lính Âu – Phi, nguỵ chiếm đóng. Với hệ thống chỉ huy dày đặc bao gồm: một chỉ huy sở của khu, 3 chỉ huy sở phân khu, trong đó gồm cả vị trí chiến lược Việt Trì và tiểu khu Yên Phụ (Bắc Ninh) cũng nằm trong hệ thống chỉ huy thuộc Vĩnh Phúc.

Ngoài ý nghĩa chiến lược về quân sự, Vĩnh Phúc còn là một kho của, kho người của một tỉnh trung du với gần nửa triệu dân. Địch đã nhằm vào vùng đồng bằng của Vĩnh Phúc để chiếm đóng khai thác.

Chính vì thế, địch đã ra sức củng cố chiếm đóng Vĩnh Phúc. Mọi thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt đều được áp dụng. Để chống lại kẻ địch, quân dân Vĩnh Phúc dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Từ một địa bàn bị địch chiếm đóng bao vây, nhưng quân dân Vĩnh Phúc đã anh dũng chiến đấu bền bỉ dẻo dai, xây dựng và khôi phục được cơ sở, mở rộng từng khu du kích, tiến tới chọc thủng các phòng tuyến chiếm đóng của địch, tiêu diệt địch, đạp tan âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”.

Chiến thắng của quân dân Vĩnh Phúc với đặc điểm trên đã làm sáng tỏ một kết luận rằng: trên một địa bàn trung du mang tính chất chiến lược, bị địch chiếm đóng dày đặc, bao vậy chia cắt giữa vùng tự do với vùng địch hậu, vẫn có

thể phát động được du kích chiến tranh cao độ. Điều kiện căn bản để phát triển chiến tranh du kích đó là yếu tố con người có lòng căm thù địch sâu sắc, có tinh thần yêu nước và được Đảng tiền phong tổ chức lãnh đạo đi đúng đường lối quân sự của Đảng.

Hai là, lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích ở Vĩnh Phúc trong điều kiện địa bàn hình thành hai vùng tự do và vùng địch hậu.

Điều kiện địa lý tự nhiên của một tỉnh trung du đã tạo nên cho tỉnh Vĩnh Phúc có hai miền với những điều kiện khác nhau. Phía bắc là miền rừng, đồi, núi có khoảng 1.028 km2, chiếm quá nửa diện tích trong tỉnh. Vùng rừng, đồi, núi của Vĩnh Phúc có một địa hình hiểm trở tiếp giáp với căn cứ địa Việt Bắc, thuận lợi cho việc tập kết, trú quân huấn luyện củng cố, cất giấu kho tàng, công xưởng và bảo vệ cơ quan đầu não của tỉnh. Đồng thời cũng là địa bàn rút lui bảo toàn lực lượng của lực lượng vũ trang địa phương. Đặc điểm của vùng này là đất đai thì rộng nhưng người thưa, kinh tế nghèo nàn. Chính vì vậy địch không chiếm được vùng này. Cho nên ta có đủ khả năng để xây dựng thành vùng căn cứ tự do vững chắc.

Phía nam là miền đồng bằng, nơi tạp trung đông người, nhiều của. Địch đã tập trung toàn bộ binh lực để chiếm giữ vùng này, ngoài ý nghĩa chiến lược về quân sự để thiết lập phòng tuyến trung du, địch còn ra sức vơ người vét của để phục vụ chiến tranh.

Do những đặc điểm như vậy nên trong suốt những năm kháng chiến, quân dân Vĩnh Phúc đã có một căn cứ vững chắc để dựa là miền rừng núi, từ cơ quan chỉ đạo đến mọi lực lượng quân sự, chính trị, tạo điều kiện tốt cho công tác chỉ đạo, chiến đấu lâu dài. Bên cạnh đó, có những mặt khó khăn trong việc lãnh đạo giải quyết tư tưởng của cán bộ, đảng viên ỷ lại vào hậu phương, chân ra chân vào, thiếu kiên trì ở vùng địch hậu.

Ba là, cuộc chiến tranh du kích ở Vĩnh Phúc luôn gắn liền với cục diện chiến trường toàn quốc và sự phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, quá trình diễn biến của chiến tranh du kích phát triển không đều.

Vĩnh Phúc bắt đầu bị địch chiếm đóng là luc cuộc kháng chiến toàn quốc đã bước sang giai đoạn cầm cự, kẻ địch thực hiện âm mưu đánh chiếm trung du, chiếm kho người, kho của, đi sâu vào một cuộc chiến tranh toàn diện.

Vĩnh Phúc thiết lập được khu du kích đầu tiên trong địch hậu là lúc ta mở chiến dịch lớn Hoà Bình. Đến khi khu du kích của Vĩnh Phúc được mở rộng và phát triển là thời kỳ ta thắng lớn ở Thượng Lào, Tây Bắc.

Chiến tranh du kích phát triển đến cao độ tiến lên giành chủ động áp đảo địch, thu hẹp phạm vị chiếm đóng của địch, giải phóng gần hết hai huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc cũng là lúc ta giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ và chiến thắng khắp nơi trên chiến trường toàn quốc.

Lực lượng thường xuyên tiến hành chiến tranh trong suốt hơn 5 năm là bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân du kích xã và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Vĩnh Phúc. Song bộ đội chủ lực đã đóng góp một phần quan trọng vào thắng lợi của Vĩnh Phúc. Tất cả những biến cố lớn làm chuyển biến phong trào đấu tranh của Vĩnh Phúc, chuyển biến tương quan lực lượng và hình thái chiến tranh giữa ta và địch đều có bộ đội chủ lực bên cạnh phối hợp. Trong giai đoạn đầu chuẩn bị đã có bộ đội chủ lực phân tán dìu dắt bộ đội địa phương và dân quân du kích. Chiến dịch Trung du có hai sư đoàn 312 và 308 về tác chiến. Khi bắt đầu mở khu du kích có trung đoàn 176 (sư đoàn 316) và tiểu đoàn 426 của Bộ về phối hợp. Từ đó đến khi kết thúc chiến tranh qua các đợt hoạt động lớn, trung đoàn 238 và 246 thường xuyên phối hợp bên cạnh.

Về mặt khác trong thực tiễn của cuộc chiến tranh du kích do điều kiện địch – ta về lực lượng, về bố trí, về địa hình…đã tạo nên một trạng thái chiến tranh xen kẽ cài răng lược. Có vùng tự do và vùng địch kiểm soát chia cắt lẫn nhau, bao

vây lẫn nhau. Trong vùng địch kiểm soát lại có vùng du kích, vùng tạm chiếm xen kẽ, chia cắt, bao vây lẫn nhau. Chính vì tính chất đó mà quá trình chiến tranh phong trào phát triển không đều, khi lên khi xuống. Ta giành được các khu du kích trong chiến dịch Hoà Bình nhưng sau đó lại bị xáo trộn bởi hai chiến dịch Siberie và Sabre của địch. Nhưng đến thu đông 1952, hè 1953 phong trào lại được khôi phục, rồi lại bị tàn phá trong trận càn lớn dài ngày cuối 1953. Sang đầu năm 1954, phong trào du kích lại phát triển phối hợp với chiến trường chính đi đến kết thúc thắng lợi.

Qua tính chất đặc điểm trên đây đã làm cho ta sáng tỏ một điều rằng: gắn bó chung với cuộc kháng chiến toàn quốc và thực hiện đầy đủ sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương là điều kiện tất yếu đưa từng bước đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời tính chất chiến tranh du kích là một trạng thái xen kẽ giữa địch và ta cho nên diễn biến của phong trào khi lên khi xuống là một vấn đề tất yếu trong trên chiến trường địch hậu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh vĩnh phúc lãnh đạo chiến tranh du kích chống thực dân pháp xâm lược (1946 1954) luận văn ths lịch sử đảng cộng sản việt nam 5 03 16 (Trang 96 - 100)