Lãnh đạo tiến hành chiến tranh du kích

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh vĩnh phúc lãnh đạo chiến tranh du kích chống thực dân pháp xâm lược (1946 1954) luận văn ths lịch sử đảng cộng sản việt nam 5 03 16 (Trang 65 - 83)

2.1. Lãnh đạo xây dựng lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích những năm

2.1.2. Lãnh đạo tiến hành chiến tranh du kích

Thực hiện chủ trương của Liên khu uỷ, ngay sau khi hợp nhất, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc tập trung vào việc chỉ đạo chiến dịch tổng phá tề. Chiến dịch diễn ra trong thời gian nửa tháng, từ trung tuần tháng 2 đến đầu tháng 3/1950. Thực hiện chủ trương trên, bộ đội tỉnh và huyện được chia thành những đơn vị nhỏ phối hợp với lực lượng du kích cùng với cán bộ đảng viên luồn sâu vào vùng địch hậu, diệt phá tề ở những nơi trọng điểm như Kinh Nỗ (Đông Anh), Mai Nội (Kim Anh), Tân Lợi (Yên Lãng), Đức Hậu (Đa Phúc)…sau đó đồng loạt tấn công vào các cơ sở nguỵ quyền trong toàn tỉnh.

Phương châm chỉ đạo của tỉnh là diệt phá tề loại A (tề phản động), giải tán tề loại B (tề cầu an lừng chừng), được tiến hành qua 3 đợt:

Đợt 1: Bộ đội, du kích phối hợp cùng với cơ sở tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu rõ sự cần thiết phải phá tề và dùng lực lượng vũ trang đánh vào một số tề loại A.

Đợt 3: Tiếp tục diệt một số tề loại A và xúc tiến gây cơ sở, phát động du kích chiến tranh trong nhân dân. Kết quả trong toàn tỉnh đã phá được 50 ban tề, diệt 62 tên tề phản động, bắt 242 tên, làm tan rã bộ máy nguỵ quyền ở một số nơi, số còn lại hoang mang dao động, không dám lùng sục, khủng bố như trước. Cán bộ đảng viên, du kích một số nơi có điều kiện để trở lại hậu địch tiếp tục xây dựng cơ sở. Song bên cạnh những thắng lợi, cũng còn những hạn chế trong quá trình thực hiện phá tề như có nơi cấp uỷ Đảng thiếu sâu sát, dẫn đến thiếu thận trọng trong khi thực hiện nhiệm vụ. Nhiều nơi diệt tề tràn lan, không phân loại hoặc dễ làm, khó bỏ, thiếu kiên quyết, có nơi lại làm quá tả bộc lộ hết lực lượng. Do đó, sau chiến dịch tổng phá tề, địch bắt đầu tổ chức lại lực lượng, ngoài việc tái lập lại các ban tề đã phá, địch còn xây dựng thêm 110 ban tề mới, đưa tổng số ban tề trong toàn tỉnh lên 480 ban trong 644 thôn ở vùng địch hậu, đồng thời chúng tổ chức đánh phá trả thù lực lượng kháng chiến, nhiều quần chúng tích cực bị địch giết hại, nhiều cơ sở bị phá vỡ, một bộ phận lớn cán bộ đảng viên, bộ đội, du kích không trụ lại được ở vùng địch hậu.

Trước tình hình thực tế như vậy, để khắc phục khó khăn do địch gây ra, nhất là ổn định về tư tưởng cho cán bộ đảng viên. Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã triệu tập Hội nghị cán bộ Tỉnh uỷ mở rộng ngày 11/4/1950 tại thôn Thản Sơn (Lập Thạch). Hội nghị đã tổng kết toàn diện cuộc đấu tranh về kinh tế, chính trị, quân sự với địch trong thời gian vừa qua và đề ra nhiệm vụ đấu tranh mới. Hội nghị kiểm điểm một cách sâu sắc những thiếu sót, khuyết điểm trong chiến dịch tổng phá tề và nghiêm khắc phê phán những biểu hiện yếu kém của một số cán bộ đảng viên, cấp uỷ sau chiến dịch. Báo cáo nêu rõ: “Nhiều nơi cán bộ đảng viên cầu an nao núng, nằm im không dám hoạt động trước sự khủng bố của giặc. Những chi uỷ đảng viên hoạt động công khai đã bị lưu vong không dám trở về hậu địch. Cấp uỷ huyện thì lúng túng, việc chỉ đạo không chuyển biến kịp thời, không nắm được tình hình dưới xã” [100, 4]. Trước tình hình như vậy, Tỉnh uỷ đã

thống nhất chủ trương đưa cán bộ, đảng viên, bộ đội và dân quân du kích trở về vùng địch hậu, tiếp tục bám dân, bám đất để phục hồi và xây dựng cơ sở.

Thực hiện chủ trương trên, cấp uỷ ở các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể để khôi phục lại cơ sở, tiếp tục chống phá tề một cách thận trọng hơn. trước hết các cán bộ đảng viên trung kiên, những chiến sĩ gan dạ, dũng cảm đưa về vùng địch hậu hoạt động. Mặc dù phải đương đầu với những khó khăn thử thách, song được nhân dân đùm bọc giúp đỡ, các đồng chí được giao nhiệm vụ đã từng bước gây dựng lại cơ sở và tạo được niềm tin cho quần chúng. Đến mùa hè năm 1950, cơ sở kháng chiến đã được phục hồi ở gần 100 thôn, các hoạt động vũ trang và đấu tranh chính trị vùng địch hậu ngày càng phát triển mạnh.

Để tạo điều kiện cho chiến tranh du kích vùng địch hậu phát triển và cổ vũ tinh thần quần chúng, Tỉnh uỷ chủ trương phải tạo ra một chiến thắng lớn về quân sự. Bởi vậy, tiểu đoàn 64 bộ đội chủ lực tỉnh đã được lệnh đánh đồn Sơn Kiệu (Vĩnh Tường) vào đêm 13/6/1950. Sau mấy tiếng đồng hồ chiến đấu, lực lượng vũ trang ta đã giành thắng lợi. Đồn Sơn Kiệu ngay trong lòng địch bị tiêu diệt làm cho quân dân Vĩnh Phúc hết sức phấn khởi, càng thêm quyết tâm bước vào cuộc chiến đấu mới.

Sau chiến thắng Biên giới tháng 9/1950, căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, nối liền với các chiến trường khác ở Bắc Bộ, đồng thời phá tan âm mưu phong toả đường biên giới của thực dân Pháp. Góp phần vào chiến thắng Biên giới, quân và dân Vĩnh Phúc đã có những đóng góp đáng kể, ngoài nhiệm vụ cung cấp sức người, sức của cho chiến dịch, Vĩnh Phúc còn phối hợp với chiến trường chính bằng những đợt tiến công địch trên địa bàn tỉnh làm phân tán lực lượng của chúng để tạo điều kiện cho mặt trận chính giành thắng lợi.

Trên đà thắng lợi, lực lượng du kích Vĩnh Phúc đã phối hợp với nhân dân đánh mạnh vào các cơ sở tề nguỵ của địch ở vùng tạm chiếm và giành được thắng lợi đáng kể. Đến cuối 1950, toàn tỉnh đã làm tan rã 120 ban tề nguỵ, khôi

phục cơ sở ở 364 thôn tạm chiếm, trong đó có những thôn công giáo lâu nay ta không đứng chân được.

Sau thất bại ở chiến dịch Biên giới 9/1950, được Mỹ giúp sức, tháng 12/1950 Chính phủ Pháp cử Đờ lát Đờ tát xi nhi sang Đông Dương hòng xoay chuyển tình thế bằng cách: tăng viện binh và tăng cường quân nguỵ; xây dựng thêm hệ thống cứ điểm boong ke; thiết lập vành đai trắng để bảo vệ đồng bằng Bắc bộ. Với kế hoạch này chúng đã xây dựng phòng tuyến từ Hòn Gai, Đông Triều, Lục Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, qua Vĩnh Phúc, Sơn Tây, đến Ninh Bình gồm 113 cứ điểm với 1300 lô cốt do 20 tiểu đoàn Âu Phi chiếm đóng. ở vòng ngoài chúng triệt phá hàng trăm làng mạc, hàng vạn mẫu ruộng, dồn hàng chục vạn dân vào vùng kiểm soát lập thành khu vực trống để ngăn cách giữa ta và địch mà chúng gọi là Vành đai trắng.

Về phía ta, sau chiến thắng Biên Giới, Trung ương Đảng chủ trương phát huy thắng lợi, đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiếp tục tiến lên bằng việc chủ động mở một loạt chiến dịch mới, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát triển du kích chiến tranh, phá kế hoạch củng cố lực lượng và bình định của địch ở trung du và đồng bằng.

Từ 26/12/1950 đến 17/1/1951, bộ đội chủ lực được lệnh mở chiến dịch Trung du (chiến dịch Trần Hưng Đạo). Địa bàn chủ yếu của chiến dịch nằm trên đất Vĩnh Phúc. Đây là thuận lợi lớn để lực lượng vũ trang địa phương phối hợp tiêu diệt địch, giải phóng một phần đất đai, đưa cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh tiến lên một bước mới.

Nhận rõ tầm quan trọng của chiến dịch, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã đề ra nhiệm vụ cho quân và dân trong toàn tỉnh là:

- Phối hợp với bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang các huyện và dân quân du kích xã đẩy mạnh hoạt động quân sự vùng địch hậu, đi đôi với

củng cố, xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích: trọng tâm hoạt động nhằm vào hai huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc.

- Chuẩn bị đầy đủ cán bộ, phương tiện để tiếp thu kịp thời những nơi giải phóng.

- Thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị chiến dịch do Trung ương giao [12, 213].

Giữa lúc bộ đội chủ lực cùng quân và dân Vĩnh Phúc đang khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch thì địch bất ngờ mở chiến dịch Bêcátsin, dùng binh đoàn ứng chiến số 3 (GM 3) và tiểu đoàn Mường bất ngờ tấn công vào vùng tự do Lập Thạch và Tam Dương ngày 25/12/1950 để thăm dò lực lượng của ta.

Quyết chặn đứng âm mưu của địch, để đảm bảo cho chiến dịch trung du mở đúng thời gian quy định, trung đoàn 209 và tiểu đoàn 428 thuộc trung đoàn 141 đại đoàn 312 được lệnh vận động đánh địch. Sáng ngày 27/12/1950, trận kịch chiến giữa ta và địch đã diễn ra ở Xuân Thạch - Xuân Hoà - Lập Thạch. Kết quả ta diệt 200 địch, bắt sống 150 tên, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng.

Phát huy thắng lợi, chiến dịch trung du được mở đúng thời gian quy định. Bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương trong tỉnh đã tiêu diệt một loạt vị trí của địch trên tuyến phòng thủ đột xuất như Gò Âu (Hữu Bằng), đồi cà phê Tú Tạo đêm 27/12/1950, Thằn lằn ngày 28/12/1950, Ba Huyên, Tam Lộng ngày 12/1/1951.

Trước nguy cơ tan vỡ của tuyến phòng thủ quan trọng, buộc địch phải điều quân ứng cứu ở Ba Huyên, nhưng bị ta phục kích ở Cẩm Trạch, Nhân Mỹ, Đạo Tú (Tam Dương) tiêu diệt gần hai tiểu đoàn địch và truy quét tàn quân địch đến sát thị xã Vĩnh Yên. Trước tình trạng bị uy hiếp nghiêm trọng buộc địch phải điều thêm binh đoàn cơ động số 1 và 4 đại đội lính dù lên ứng cứu cho Vĩnh Yên, đồng thời Đờ tát xi nhi phải đích thân lên Vĩnh Yên để trấn an tinh thần binh lính.

Ngày 15/1/1951, ta lại chặn đánh địch quyết liệt ở Ngoại Trạch (Bình Xuyên), Khai Quang, Mậu Thông (Tam Dương) loại khỏi vòng chiến đấu 250 tên, buộc địch phải sử dụng máy bay ném bom Napan để đối phó với ta. Đêm 16/1/1951, đã diễn ra trận kịch chiến giữa ta với địch ở điểm cao 101 và 210 (Núi Đanh) nằm về phía đông bắc thị xã Vĩnh Yên. Ngày 17/1/1951, ta tiếp tục đánh địch ở đồi 41 (Bảo Sơn), đồi 47 (Đình ấm) tiêu diệt 127 tên địch, bắt sống 1 quan hai và một số tù binh làm cho binh đoàn ứng chiến của địch bị tổn thất nặng, cuối cùng chúng phải rút về cố thủ ở thị xã Vĩnh Yên.

ở vùng địch hậu, dân quân du kích và bộ đội địa phương đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh phá các tháp canh, lô cốt của địch ở Vân ổ, Phú Đa, Phú Yên, Tứ Trưng, Hưng Lục (Vĩnh Tường), Giã Bằng (Yên Lạc). ở Đa Phúc, Kim Anh phong trào phá tháp canh, diệt phá tề, trừ khử những tên phản động đã làm bộ máy nguỵ quyền bị tan rã ở nhiều nơi.

Kết thúc chiến dịch ta đã giành được thắng lợi lớn, “tiêu diệt 2.565 tên, bắt sống 1.577 tên, thu 1.478 súng các loại, phá 32 tháp canh, lô cốt, làm tan rã 219 ban tề, 21 đội bảo an hương dũng, diệt và bắt nhiều tề nguỵ phản động, phá huỷ 12 xe quân sự. Ta đã phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch trên tuyến đột xuất, giải phóng 9 xã, 3 thôn, đồng thời mở rộng cơ sở ra 353 thôn” [12, 215].

Sau thất bại ở mặt trận trung du, thực dân Pháp nhận thấy không thể để mất vùng đất chiến lược này, nên khi thấy chủ lực của ta đã rút, ngày 22/1/1951, chúng đã đưa binh đoàn cơ động số 2, số 3 lên Vĩnh Phúc để chiếm lại những vùng đất đã mất. Chúng tổ chức những trận càn quét ác liệt vào vùng phía bắc quốc lộ số 2 và chiếm lại các vị trí Vàng, Thằn Lằn, Hữu Bằng và chiếm thêm một số vị trí như Hạ Chuế, Diên Lâm, Thanh Vân, Tam Lộng, Bảo Sơn, Mán Tép, Dược Hạ để ngăn chặn ta xâm nhập vùng chiếm đóng. Chúng tổ chức xây dựng lại hệ thống lô cốt boong ke trên tuyến đột xuất và xây dựng một vành đai trắng dài trên 40 km chạy dài từ Đa Phúc đến Sơn Đông (Lập Thạch) gồm 18 xã

thuộc 5 huyện: Đa Phúc, Kim Anh, Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch. Chúng đã biến 5 vạn mẫu ruộng, dồn đuổi dân thành vùng hoang hoá gây nên cảnh đau thương tang tóc cho nhân dân.

Đối với vùng chiếm đóng của địch, khi đã có vành đai bảo vệ chúng liên tục mở nhiều đợt càn quét, đánh phá vào các cơ sở kháng chiến , căn cứ du kích của ta. Đồng thời chúng xúc tiến xây dựng lại bộ máy nguỵ quyền, xây dựng lại tháp canh, tái lập các ban tề, bảo an, hương dũng vừa bị phá. Trang bị thêm vũ khí cho bọn tề phản động ở Xuân Lai (Đa Phúc), Hy Sinh (Yên Lạc), Do Nhân, Thường Lệ (Yên Lãng), Thuỵ Hà (Đông Anh)…Đến tháng 6/1951, địch đã lập lại được 457 ban tề các loại. Ngoài ra chúng còn đổi bang Đông Anh thành quận, lập thêm bang Mai Khê để kiểm soát chặt chẽ miền nam Yên Lạc và tây Yên Lãng. Thay thế những tên quận trưởng bằng những tên Quốc dân đảng phản động.

Để đối phó với các cuộc tiến công của ta, chúng thành lập 13 đại đội cơ động và 5 đại đội biệt kích; đồng thời chúng tăng cường đôn quân, bắt lính. Riêng 4 huyện Yên Lãng, Yên Lạc, Bình Xuyên, Kim Anh thời gian này chúng đã bắt 987 thanh niên vào lính cho chúng. Đến 10/1951, trên đất Vĩnh Phúc địch có khoảng 5.544 tên (trong đó gần 1/2 là lính Âu – Phi) cùng với 2000 hương dũng, thiết lập được 223 vị trí và tháp canh. Mặt khác chúng thành lập các tổ chức phản động, dựa vào bọn Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt, Phục Quốc, Việt Nam cách mạng hải ngoại đoàn…để phá hoại cơ sở kháng chiến của ta. Do địch tập trung đánh phá nhiều mặt như vậy, trong hai tháng 5 và 6/1951, chúng đã phá vỡ 8 cơ sở kháng chiến của ta trong đó có 3 cơ sở bị tổn thất nặng là Bình Định (Yên Lạc), Vân Trì, Hải Bối (Đông Anh).

Tháng 3/1951, giữa lúc quân và dân Vĩnh Phúc đang ra sức phá kế hoạch bình định và củng cố vùng chiếm đóng của địch sau chiến dịch Trần Hưng Đạo, thì chiến dịch Hoàng Hoa Thám và chiến dịch Quang Trung của ta tiếp tục mở,

buộc địch phải rút binh đoàn cơ động số 2 và số 3 đi ứng chiến cho chiến trường chính. Để tạo điều kiện cho mặt trận sau lưng địch ở Vĩnh Phúc hoạt động, Liên khu đã tăng cường cho Vĩnh Phúc tiểu đoàn 72 (bộ đội địa phương Phú Thọ) về phối hợp chiến đấu. Các đại đội huyện Lập Thạch, Tam Dương, Đa Phúc phối hợp với tiểu đoàn 72 chống địch càn quét ở vùng tự do và các xã mới giải phóng. Tiểu đoàn 64 cùng với bộ đội các huyện khác mở đường vào Bình Xuyên, Kim Anh, phối hợp với dân quân du kích liên tiếp phá tề trừ gian, tiêu diệt các tháp canh hương dũng, ngăn chặn địch vây quét ở các huyện Yên Lạc, Bình Xuyên, Yên Lãng, Đông Anh.

Kết quả 6 tháng đầu năm 1951, quân và dân Vĩnh Phúc đã diệt và phá 77 tháp canh, 1 vị trí Mai Khê, phá huỷ 63 xe các loại, phá 226 ban tề, bắt 339 tên, bức hàng 77 tên và thu nhiều quân trang quân dụng của địch.

Từ tháng 6 đến 10 năm 1951, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống gián điệp, bảo vệ cơ sở, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, bảo vệ mùa màng, thực hiện thuế nông nghiệp.

Bước một, bộ đội tỉnh và huyện phân tán về các vùng có lúa sớm làm nhiệm vụ canh gác, chống càn, bảo vệ cho nhân dân thu hoạch. Trong tháng 10/1951, ta đã phá tan hai trận càn quét của địch ở vùng tự do Tam Dương, Đa Phúc, diệt và làm bị thương 33 tên, đồng thời quấy rối tuyến đột xuất không cho địch rảnh tay cướp phá.

Bước hai, tỉnh tích cực chuyển lực lượng vào địch hậu, tiến hành vũ trang tuyên truyền, củng cố và phát triển cơ sở, nhằm xây dựng miền nam Bình Xuyên, bắc Yên Lạc và Yên Lãng thành bàn đạp hoạt động của ta ở vùng sau

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh vĩnh phúc lãnh đạo chiến tranh du kích chống thực dân pháp xâm lược (1946 1954) luận văn ths lịch sử đảng cộng sản việt nam 5 03 16 (Trang 65 - 83)