Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chính trị cơ sở ở huyện can lộc, tỉnh hà tĩnh thực trạng và giải pháp (Trang 73 - 80)

2.2. Một số giải pháp

2.2.1. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ xã

Đảng bộ xã là hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nông thôn giàu đẹp, văn minh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, động viên nhân dân làm tròn nghĩa vụ đối với nhà nước; tiến hành các hoạt động xây dựng nội bộ đảng như công tác đảng viên, công tác cán bộ, công tác tư tưởng.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết các cấp về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ các xã, thị trấn huyện Can Lộc không ngừng được phát huy. Tuy nhiên, ở một số xã năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, chi bộ còn nhiều bất cập, yếu kém (đã phân tích ở phần thực trạng). Vì vậy, cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, xác định nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ xã

Thường xuyên tổ chức có hiệu quả việc học tập, nghiên cứu, nắm vững Nghị quyết các cấp về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở cho cán bộ, đảng viên. Tổ chức nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo; thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức đang đặt ra ở mỗi địa phương trong toàn huyện.

Trên cơ sở nghiên cứu chủ trương, chính sách các cấp và đánh giá thực trạng địa phương, cấp ủy thành lập bộ phận xây dựng dự thảo văn kiện, nội dung dự thảo văn kiện phải xác định đúng nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, chi bộ tức là xác định rõ việc phải làm, lực lượng để làm, cách thức làm, thời gian thực hiện, nguồn lực đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện. Nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ xã và Chi bộ xóm gồm nhiệm vụ của nhiệm kỳ được xác định tại Đại hội Đảng bộ, Chi bộ và nhiệm vụ cho từng năm; nhiệm vụ của từng năm phải trên cơ sở nhiệm vụ của nhiệm kỳ, đồng thời phải từng bước bổ sung điều chỉnh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới và tình hình thực tế của địa phương.

Để xác định đúng nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chi bộ, cấp ủy cần phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng để đảng viên được đóng góp ý kiến vào quá trình xác định nhiệm vụ chính trị địa phương.

Thứ hai, nâng cao năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị

Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, nhiệm vụ cần thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các xã, thị trấn, nhằm tạo sự thống nhất cao về chính trị, tinh thần trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Xây dựng ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy tối đa nội lực, tìm cách thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Lãnh đạo chính quyền cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, đề án và các quyết định để tổ chức thực hiện như: kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhiệm kỳ và hàng năm; kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng; kế hoạch tài chính ngân sách hàng năm; kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động nhiệm kỳ và hàng năm; kế hoạch xóa đói giảm nghèo; kế hoạch thực hiện các mục tiêu về y tế, giáo dục ...

Thành lập các tổ chức cần thiết và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ các ban ngành, đoàn thể trực tiếp phụ trách các mảng công việc, các thôn, xóm để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện; lấy hiệu quả chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân hàng năm.

Trong quá trình chỉ đạo thực hiện nghị quyết, các cấp ủy cần chú ý nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân và tổng kết thực tiễn; kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, sáng tạo, những điển hình tiên tiến; đồng thời uốn nắn những lệch lạc, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trên từng lĩnh vực cụ thể, góp phần bổ sung, hoàn thiện nghị quyết của Đảng.

Lãnh đạo và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao giác ngộ chính trị, đạo đức cách mạng, hiểu biết luật pháp; bảo vệ lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên. Chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền xã với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó cần xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của từng tổ chức. Ví dụ, Mặt trận Tổ quốc đảm nhận công tác tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, xóm. Hội Nông dân đảm nhận

việc vận động xây dựng hợp tác xã và cải tạo vườn tạp; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp đặc điểm của xã, tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Đoàn thanh niên đảm nhận công tác vệ sinh môi trường; xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Hội Cựu chiến binh nhận trách nhiệm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu. Hội Phụ nữ vận động hội viên học tập, tạo thêm ngành nghề mới, vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh...

Thứ ba, lãnh đạo và tổ chức tốt công tác giám sát, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ chính trị

Đối với công tác kiểm tra: Đảng ủy phải có chương trình, kế hoạch kiểm tra hàng năm, hàng quý, hàng tháng về những nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Thường trực Đảng ủy có trách nhiệm kiểm tra hoặc sử dụng Ủy ban kiểm tra và cán bộ làm công tác đảng để tiến hành kiểm tra theo chương trình, kế hoạch đã định.

Đảng ủy kiểm tra thông qua các kênh như: đảng ủy viên (các đảng ủy viên được phân công phụ trách địa bàn nào thì có trách nhiệm kiểm tra các nội dung trong phạm vi nhiệm vụ, địa bàn đó); thông qua chế độ hội ý, hội báo, nắm tình hình giữa Ban thường vụ Đảng ủy với chi ủy, với lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo chuyên môn và đoàn thể (theo quy chế làm việc của Đảng ủy); qua chế độ sinh hoạt thường kỳ của đảng uỷ; qua sơ kết, tổng kết công tác lãnh đạo, công tác chuyên môn…

Cùng với việc kiểm tra thường xuyên, Đảng ủy, Ban thường vụ Đảng ủy cần tiến hành kiểm tra định kỳ (hàng năm, sáu tháng hoặc theo thời vụ, chu kỳ sản xuất, đợt vận động…) đối với các tổ chức đảng và đảng viên. Khi có vấn đề đột xuất tiến hành kiểm tra bất thường. Qua các hoạt động kiểm tra, Đảng ủy, Ban thường vụ Đảng ủy và chi bộ cơ sở kịp thời nhận xét, đánh giá đúng ưu, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên về những nội dung được kiểm tra; có biện pháp phát huy ưu điểm, sữa chữa khuyết điểm; đôn đốc và thúc đẩy thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước có hiệu quả. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy và chi bộ cơ sở tự đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của mình trong việc lãnh đạo công tác kiểm tra và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; rút

kinh nghiệm để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Qua kiểm tra, nếu phát hiện tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì chỉ đạo Ủy ban kiểm tra kịp thời kết luận để cấp ủy quyết định hoặc đề nghị cấp trên thi hành kỷ luật theo thẩm quyền (nếu có vi phạm đến mức phải xử lý).

Đối với công tác giám sát: Đảng ủy giám sát các chi bộ trực thuộc, giám sát đảng viên trong Đảng bộ thông qua chế độ sinh hoạt định kỳ, đột xuất; qua phân tích chất lượng đảng viên và tổ chức đảng hàng năm; qua theo dõi đôn đốc đảng viên thực hiện nhiệm vụ; giám sát thông qua chế độ báo cáo tình hình; chế độ hội ý, giao ban phản ánh tình hình giữa Ban thường vụ với Thường trực Hội đồng nhân dân, các chi ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc và các đoàn thể nhân dân.

Thứ tư, xây dựng cấp ủy thực sự tiêu biểu về trí tuệ, năng lực, phẩm chất và đoàn kết thống nhất cao

Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và chi bộ phụ thuộc rất lớn vào phẩm chất, năng lực của cấp uỷ. Chất lượng lãnh đạo của cấp ủy đảng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà trước hết từng cấp ủy viên, đặc biệt là đồng chí Bí thư Đảng bộ, chi bộ. Nghị quyết của cấp ủy, chi bộ có xác định được nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, đề ra biện pháp lãnh đạo thích hợp hay không phụ thuộc rất lớn vào trình độ, năng lực của người chuẩn bị nghị quyết, ở đây là cấp uỷ mà vai trò chính là đồng chí Bí thư Đảng bộ, chi bộ. Sau khi nghị quyết được thông qua, việc tổ chức thực hiện nghị quyết đó hiệu quả hay không cũng phần lớn phụ thuộc vào khả năng tổ chức, năng lực điều hành, sự năng động, sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn của các đồng chí cấp ủy viên. Do đó, phải thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp uỷ đủ số lượng, phù hợp cơ cấu giới tính, có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và phương pháp công tác đảng. Bầu và bố trí đồng chí Bí thư cấp ủy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ và uy tín cao, nhiệt tình với công tác đảng để thực sự là người đứng đầu cấp ủy, chi bộ.

Cấp uỷ phải là những người tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào, phải có đầy đủ các tiêu chuẩn, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực, phẩm chất của Đảng bộ, chi bộ; được sự tín nhiệm của đảng viên và quần chúng. Trong việc lựa chọn người vào cấp ủy phải căn cứ tiêu chuẩn là chính; giữa cơ cấu và tiêu chuẩn không lấy cơ cấu thay thế cho tiêu chuẩn mặc dù cơ cấu là rất cần thiết. Phải coi trọng

chất lượng hơn số lượng, không vì mục đích cơ cấu hoặc trẻ hóa đội ngũ để châm chước, xem nhẹ tiêu chuẩn. Trong khi nhấn mạnh tiêu chuẩn cũng không nên xem nhẹ cơ cấu, vì cơ cấu để đảm bảo cho cấp ủy có đủ khả năng lãnh đạo toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, các vùng, miền, địa bàn.

Trong tình hình hiện nay, xây dựng đội ngũ cấp ủy viên cần chú trọng những tiêu chuẩn như: vững vàng, kiên định mục tiêu và con đưỡng xã hội chủ nghĩa; trung thành với Đảng, với chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; có đạo đức, lối sống trong sáng, trung thực, không tham vọng cá nhân, không cục bộ bản vị, không cơ hội và chống mọi biểu hiện cơ hội, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có khả năng tham gia xây dựng, cụ thể hóa đường lối, nghị quyết và lãnh đạo tập thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đảng ủy phải thường xuyên quan tâm củng cố kiện toàn cấp ủy các cấp, làm tốt việc kiểm tra, đánh giá cấp ủy để kịp thời thay thế những cấp ủy viên vi phạm hoặc không phát huy tác dụng; bổ sung kịp thời những người có đủ tiêu chuẩn, có uy tín cao tăng cường vào cấp ủy.

Thứ năm, nâng cao chất lượng sinh hoạt, tăng cường giáo dục rèn luyện đội ngũ đảng viên, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng

Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí trong cấp ủy về chức năng, nhiệm vụ, vị trí nền tảng và vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng và chi bộ. Đảng ủy, chi ủy và chi bộ phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng theo Điều lệ Đảng. Nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ phải thực hiện đúng nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, để các đồng chí cấp ủy viên, đảng viên hiểu và xác định rõ vị trí, nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Sinh hoạt cấp ủy, chi bộ phải kịp thời phổ biến, quán triệt nghị quyết và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng và Nhà nước, tình hình thời sự trong và ngoài nước cho đảng viên; tập trung thảo luận thẳng thắn và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên và quần chúng.

Trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ phải thực sự mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ

của cấp ủy, chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cấp ủy viên, đảng viên; tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và tình yêu thương đồng chí trong Đảng; đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp phải thực sự gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ để mọi người noi theo.

Đối với chi bộ, trước khi sinh hoạt, cấp ủy mà trước hết là bí thư chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 02/3/2012 của Ban Tổ Chức Trung ương Đảng về nội dung sinh hoạt chi bộ, trong đó chú trọng một số vấn đề: Đánh giá tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong quá trình triển khai nhiệm vụ ở địa phương; kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ trong tháng; tình hình đảng viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ được cấp trên, chi bộ phân công. Tổng hợp ý kiến đóng góp của đảng viên, quần chúng đối với vai trò lãnh đạo của chi bộ, vai trò tiền phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để chi bộ biết nhằm phát huy ưu điểm, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục khuyết điểm, giải quyết kịp thời những vụ việc tiêu cực.

Thông qua sinh hoạt chi bộ hàng tháng, cấp ủy phải nắm tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, kể cả đảng viên do cấp ủy cấp trên quản lý; kịp thời biểu dương, khen thưởng những đảng viên gương mẫu, có thành tích xuất sắc; giúp đỡ, giáo dục, xử lý những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm hoặc vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng và tiêu chí đảng viên.

Việc xác định nhiệm vụ của chi bộ trong tháng tới cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm, cụ thể, bức xúc trước mắt, đồng thời phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng của đảng viên để thực hiện có hiệu quả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chính trị cơ sở ở huyện can lộc, tỉnh hà tĩnh thực trạng và giải pháp (Trang 73 - 80)