Phát huy tính nhân văn trong đời sống xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa kinh bắc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 41 - 51)

1.3. Vai trò của văn hóa Kinh Bắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ

1.3.1. Phát huy tính nhân văn trong đời sống xã hội

Tính nhân văn, hay cụ thể hơn là chủ nghĩa nhân văn (được hiểu như là một hệ thống các giá trị nhân văn) đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử phát triển của con người. Nó là hệ thống quan điểm thể hiện tình thương yêu, coi trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Con người Kinh Bắc – Bắc Ninh với bản sắc văn hóa của mình, luôn luôn đề cao tính nhân văn, phát huy và coi trọng tình nghĩa, gắn bó thủy chung “tình làng nghĩa xóm” và những phẩm hạnh tốt đẹp của mình trong đời sống hàng ngày.

Người dân Kinh Bắc sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau, ứng xử với nhau theo phong cách văn hóa riêng của mình. Người dân Kinh Bắc – Bắc Ninh sống có sự cố kết cộng đồng chặt chẽ. Sự cố kết này thể hiện rõ nhất là việc tổ chức dân cư thành các làng xóm, đó là cộng đồng xã hội được liên kết bằng mối quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng. Câu nói thường ngày của người dân quê Kinh Bắc – Bắc Ninh là: “Trong họ ngoài làng, hàng xóm láng giềng”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, đã phản ánh hai mối quan hệ truyền thống bền chặt đó. Hầu như công việc gì của mỗi gia đình đều có họ

hàng nội ngoại, hàng xóm láng giềng, với tinh thần cộng cảm “Máu chảy ruột mềm”, “tắt lửa tối đèn có nhau”. Cùng cư trú lâu đời và liên tục ở một địa bàn, khiến ai cũng đều yêu quý trân trọng và tự hào về làng quê mình là nơi “đất lành” là mảnh đất “địa linh”, có hình “tứ linh” (long, ly, quy, phượng)… Đó là nơi mà mỗi thành viên trong làng, mỗi gia đình, tộc họ, đời nọ nối tiếp đời kia gắn bó đoàn kết với nhau trong làm ăn, đánh giặc, trừ tai, diệt họa, xây dựng cuộc sống, góp phần bảo vệ quê hương, đất nước với chiêm nghiệm từ thực tế cuộc sống của làng, của nước: “Nước lụt thì lút cả làng”.

Tình yêu quê hương không chỉ tự hào không thôi về quê hương mà, yêu quê hương còn là sẵn sàng đấu tranh, chiến đấu hy sinh để bảo về quê hương, mang lại sự thanh bình êm đềm trên quê hương: “Nước mất, nhà tan/Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Trong quan hệ gia đình, xã hội con người Kinh Bắc phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc trên quê hương Kinh Bắc giàu lễ nghĩa đó là luôn trọng trình trọng nghĩa, luôn yêu thương đoàn kết gắn bó tương trợ lẫn nhau, tôn trọng và tuân theo những quy ước mà gia đình, làng xã đề ra.

Gia đình là tế bào của xã hội, xã hội trong cách nghĩ của người dân Xứ Bắc xưa kia, trước tiên là làng. Làng là mô hình của một xã hội thu nhỏ “Theo quan niệm của người Việt, làng là một gia đình lớn, một xã hội thu nhỏ. Quốc gia là hình ảnh mở rộng của một gia tộc, người ta coi toàn quốc như một đại gia đình. Làng là một trong ba hằng số của văn hóa Việt Nam: nhà (gia tộc) – làng – nước” [57, tr. 16]. Người Kinh Bắc rất coi trọng và yêu quý gia đình gắn bó với gia đình, đề cao những phẩm chất đạo đức truyền thống như: hiếu nghĩa, lễ phép, có thứ tự trên dưới. Những người trong một dòng họ liên kết trên cơ sở huyết thống với mối quan hệ họ hàng; trong họ mọi người theo ông trưởng họ, mọi sinh hoạt của tộc họ diễn ra ở nhà từ đường của họ với sự chủ trì của ông trưởng họ, tuân theo những quy định của gia đình của dòng họ. Trong mỗi làng xã, việc tổ chức dân cư tuy khác nhau nhưng làng xã nào

cũng giữ nguyên tắc và truyền thống “trọng lão” với quan niệm: “triều đình trọng chức tước, làng xã trọng người cao tuổi”. Quan niệm kính trọng người cao tuổi ngay trong gia đình, họ tộc cũng được đề cao.

Trong quan hệ gia đình và xã hội người dân Kinh Bắc – Bắc Ninh luôn thể hiện, đề cao và phát huy tính dân chủ. Trong gia đình giữa vợ - chồng, cha – con, anh – em,.. tuy là vùng quê có bề dầy văn hiến và ảnh hưởng rất sâu sắc quan niệm của học thuyết Nho gia về Tam cương, ngũ thường, về tam tòng, tứ đức… những những yếu tố đó đã được dung hòa với đặc điểm sinh hoạt của người dân nơi đây và được cải biến đi giảm bớt sự hà khắc cổ hủ vốn có của quan niệm Nho giáo thể hiện sự bình đẳng và dân chủ. Điều này thể hiện rõ trong giao tiếp và ca hát của người Quan họ, hai bên nam, nữ gọi nhau “liền anh”, “liền chị” và xưng bằng em. Các công việc của gia đình đều có sự bàn bạc đồng thuận của vợ chồng, tôn trọng ý kiến của nhau…; vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng được đề cao. Đó là những người phụ nữ đảm đang, tài hoa, tháo vát trên quê hương Kinh Bắc đã được nhân dân trong vùng ca ngợi, tôn vinh.

Hơn thế, vai trò của người phụ nữ còn được đề cao trong nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian thờ “mẫu”, thờ “vua bà – thủy tổ Quan họ”. Đây là nét đặc trưng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian Việt Nam được thể hiện sinh động ở miền quê Kinh Bắc, phản ánh tư tưởng coi trọng vai trò, vị trí của người phụ nữ.

Trong quan hệ với xã hội, với làng xóm, ngoài việc tuân theo các quy ước, tục lệ đã đề ra thì các công việc chung của làng xã đều được họp bàn lấy ý kiến, trước hết là ý kiến của những người cao tuổi trong làng và tiếp đến là tất cả ý kiến của mọi người dân trong làng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.

Chính vì vậy, trong lao động sản xuất, đấu tranh chống thiên tai địch họa, mọi người trong gia tộc, làng xóm luôn luôn đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ

tương trợ lẫn nhau; trong xây dựng, tổ chức cuộc sống, mọi người đều nêu cao và phát huy tinh thần, trách nhiệm, cùng nhau tham gia kiến thiết đường làng, ngõ xóm, xây dựng các công trình đình, đền, chùa, miếu, ao làng, giếng làng; bảo vệ, tu tạo “Cây đa, giếng nước, sân đình”; cùng chung lo những công việc cưới xin, tang ma, giỗ chạp, lễ hội; chia sẻ với nhau mỗi khi vui, buồn, lúc hoạn nạn.

Trong quan hệ ứng xử xã hội, phong cách của con người vùng Kinh Bắc rất lịch thiệp, kín đáo và tài hoa. Nó được thể hiện rõ nét nhất ở những ngày hội của người Quan họ: “Em đi khắp bốn phương trời/Không đâu lịch sự bằng người ở đây”.

Vẻ lịch sự của con người vùng Kinh Bắc có pha chút màu sắc quý phái. Quý phái trong cách ăn thanh tao, cách mặc giản dị nhưng nền nã, sang trọng, cách giao tiếp ứng xử lịch thiệp. Miếng trầu phải “bổ miếng cau, lạng miếng vỏ sao cho mịn đường dao”. Chén nước cũng phải “thoang thoảng hoa sói, hoa ngâu, hoa nhài”. Lời nói của người Kinh Bắc – người Quan họ nói với nhau không những phải là “nhời nói hữu tình”, mà còn phải là “nhời ân nhời nghĩa”, “giọng thanh nhời lịch”. Trong giao tiếp, người Kinh Bắc luôn có thái độ cung kính, nhún nhường với bạn bè với khách. Họ tiếp đãi bạn xuất phát từ đáy lòng, từ chính cái “tâm” của mình, từ lễ nghĩa mang tính truyền thống của con người nơi đây. Không chỉ có vậy, phương ngôn xưa có câu: “Ăn Bắc mặc Kinh” để khẳng định nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người dân Kinh Bắc. Cỗ của người Kinh Bắc có mân đan, bát đàn và thường rất to. Mâm cao cỗ đầy nhưng với người Kinh Bắc cần nhất là thái độ, lời lẽ và cử chỉ mời chào sao cho thanh lịch mà không khách sáo, thân mật mà không suồng sã, nồng hậu mà vẫn chừng mực. Tất cả đều mang đậm tính nhân văn của bản sắc văn hóa Kinh Bắc. Vì vậy nó mau chóng trở thành phong tục, thành phong cách và quan niệm thẩm mỹ của con người nơi đây. Tất cả mọi người đều

hướng tới cái đẹp, ra sức làm đẹp, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và đặc biệt, mọi cái đẹp đều quy tụ, vun xới, bồi đắp cho cái đẹp của tình người Kinh Bắc. Việc giáo dục ý thức về giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình của dòng họ và làng xã rất được quan tâm chú ý. Điều đó thể hiện ở giữ gìn gia phả của gia đình, dòng họ, thực hiện theo hương ước của làng xã; làm rạng danh gia đình dòng họ và quê hương. Đó là truyền thống văn hóa trên quê hương Kinh Bắc luôn được phát huy từ xưa tới nay. Trong lịch sử trên mảnh đất “nghìn năm văn hiến”, “địa linh nhân kiệt” này đã có những dòng họ tiến sĩ, những làng khoa bảng… với những bậc danh nhân vĩ đại đã cống hiến tài sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Truyền thống ấy được giữ gìn và ngày càng được phát huy ở thế hệ trẻ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng quê hương Kinh Bắc giàu đẹp. Giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” là một đạo lý được truyền dạy và đề cao. ”. Xưa kia đối với những người có công với nước, với làng thì dân tôn thờ làm thành hoàng làng, hàng năm làng mở lễ hội xuân để tưởng nhớ, phát huy truyền thống đó. Mỗi làng xóm trên quê hương Kinh Bắc, làng nào dường như cũng thờ một vị thánh, thần là danh nhân lịch sử có công với dân làng làm thành hoàng của làng và mở hội đầu xuân để tưởng nhớ như: Lễ hội Đền Đô Đình Bảng, (Từ Sơn) vào ngày 15 tháng 3. Theo truyền thống dân gian, lễ hội này là nhằm kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang, thiết lập vương triều Lý, khai mở một triều đại vàng son và hiển hách trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thành hoàng làng được thờ nhiều nhất thường là các vị tướng có công đánh giặc cứu nước cứu giúp dân làng như Thánh Gióng, Cao Sơn, Quý Minh những tướng lĩnh tài ba của vua Hùng Vương, các vị tướng triều Lý như: Lý Thường Kiệt… Ngoài ra, dân các làng còn thờ các vị tổ nghề đã có công dạy dân làm ăn, làm nghề thủ công, buôn bán,… Đối với tổ tiên thì mỗi gia đình đều có bàn thờ để những ngày lễ, tết, ngày rằm, mồng một hương khói thờ phụng. Ngày nay, chúng ta có đài liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

Trong lao động sản xuất người dân Kinh Bắc luôn tỏ ra thông minh, sáng tạo, cần cù chịu khó và giúp đỡ lẫn nhau làm ra nhiều của cải vật chất. Đối với sản xuất nông nghiệp, từ xưa Bắc Ninh đã là xứ sở điển hình của nền văn minh lúa nước, đa canh, đa nghề. Làm ruộng, cấy lúa nước, trồng hoa mầu, trồng dâu chăn tằm dệt lụa vốn là nghề chính của người dân xứ Bắc. Làng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc là những làng xóm tiểu nông điển hình của nông thôn Việt Nam. Đã có cả một bộ lạc Dâu – mà trung tâm là Dâu – Thanh Khương, nay thuộc Thuận Thành, quê hương của những người nông dân thạo trồng lúa, trồng dâu với tín ngưỡng thờ bà Dâu, thờ “tứ pháp” (mây, mưa, sấm, chớp) và lễ hội Dâu vào ngày 8 tháng 4 – một lễ hội nông nghiệp điển hình ở đồng bằng Bắc Bộ. Người Kinh Bắc – Bắc Ninh chẳng những rất cần cù chịu khó lại cộng với sự thông minh am hiểu sâu sắc về canh tác nông nghiệp, cho nên rất giỏi làm ruộng, năng suất và chất lượng lúa gạo cao, giá cả thấp hơn nhiều ở những nơi khác: “Tỉnh Bắc giá thóc mười hai/Tỉnh Đông mười tám, tỉnh Đoài hai mươi”.

Đối với lao động sản xuất thủ công, mỹ nghệ, người dân Kinh Bắc – Bắc Ninh khéo tay, năng động, hoạt bát và giỏi giao thương buôn bán. Chính vì vậy mà không một nơi nào trên đất nước ta lại nổi tiếng với nhiều làng nghề và làng buôn như ở nơi này. Bắc Ninh – Kinh Bắc được coi là đất trăm nghề: Gốm, sứ có Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà; đúc đồng có Đại Bái; rèn sắt có Đa Hội, “Cày bừa Đông Xuất, giấy dó Đống Cao, tranh điệp Đông Hồ”…

Tại chân núi Tiêu Sơn (xã Tương Giang huyện Từ Sơn) và địa điểm chùa Lái (thuộc Xuân Ổ, xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh) các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật được di tích các công xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá ngọc, có niên đại cách đây hơn 3000 năm, với nhiều sản phẩm được chế tạo rất đẹp, rất tinh xảo như hạt chuỗi, vòng tay, hoa tai, nhẫn… Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều đồ gốm, dọi xe sợi, chì lưới bằng đất nung, cùng nhiều đồ đồng, đồ đá được chế tác rất tinh xảo.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở đây có những nét riêng, độc đáo là một sự kết tinh của bản sắc văn hóa Kinh Bắc, được người Kinh Bắc thổi hồn văn hóa mang đậm tính nhân văn của mình vào, nên nó không thể bị nhầm lẫn với những sản phẩm tương tự ở các địa phương khác. Nhờ đó mà nó nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ.

Trong các ngành nghề thủ công, sự tài hoa khéo léo cộng với đức tính cần cù chịu khó khiến cho nhiều người thợ nơi đây trở thành những nghệ nhân, thành người nghệ sỹ tài giỏi trong ngành nghề của mình. Dòng tranh Đông Hồ; gốm Phù Lãng, Thổ Hà; đồ đồng Đại Bái… là những sáng tạo và kết tinh của tài hoa và tâm hồn người nghệ nhân Kinh Bắc – Bắc Ninh.

Trong làm ăn buôn bán, người dân Kinh Bắc đã coi đó là một nghề và là một nghề làm nên giàu có và thịnh vượng, với câu ca: “Sĩ chăm chỉ quyển vàng đôn đốc/Nông cần cù hòa cốc phong đăng/Công kia khéo léo tài năng/hương kia vi bản có hàng ức muôn”.

Người Kinh Bắc không làm ăn buôn bán đơn thuần vì lãi lờ, vì đồng tiền mà điêu ngoa lừa lọc, bất chấp nhân nghĩa như người ta thường mỉa mai “thật thà như thể con buôn”. Người Kinh Bắc rất chú trọng đến lối ứng xử lịch thiệp, cởi mở khéo léo, coi trọng chữ tín với bạn hàng. Đó là sự đề cao tính nhân văn trong buôn bán, là cách để người Kinh Bắc luôn luôn giữ được mối giao hảo và ngày càng mở rộng phát triển buôn bán với người trong nước và nước ngoài. Quá trình giao lưu buôn bán, tiếp xúc, hội nhập kinh tế diễn ra đã tạo những cơ hội cho người Kinh Bắc – Bắc Ninh nói riêng, người Việt Nam nói chung làm ăn phát triển kinh tế.

Những tiến bộ, những kinh nghiệm trong sản xuất: làm nông nghiệp, làm các nghề thủ công, đặc biệt là tài năng kỹ xảo giao thương, buôn bán của người Hoa, người Ấn, người vùng Trung Á… được người Kinh Bắc, người Việt Nam tiếp thu, vận dụng để làm ăn, mở mang phát triển kinh tế trong điều

kiện, hoàn cảnh cụ thể của vùng đất, con người xứ Bắc. Đó là truyền thống được phát huy của một miền quê giàu lễ nghĩa, mang đậm dấu ấn nhân văn của bản sắc văn hóa Kinh Bắc.

Trong học tập, tu dưỡng, người Kinh Bắc rất nhân văn, nổi tiếng về truyền thống hiếu học. Vì vậy, Kinh Bắc được coi là đất khoa bảng. Đó là niềm tự hào là truyền thống quý báu của quê hương Kinh Bắc nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung. Nơi đây có những mái trường dạy chữ cổ xưa nhất, có vị trạng nguyên đầu tiên của đất nước. Với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo vùng đất Kinh Bắc đã sản sinh ra biết bao bậc anh tài, trạng nguyên, tiến sỹ cho đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo nhiều tài liệu thống kê mới nhất, đặc biệt là cuốn “Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh” thì “ Trải qua gần ngàn năm tồn tại chế độ thi cử thời phong kiến được đánh dấu từ khoa thi Hội đầu tiên năm Ất Mão (1075) vào thời Lý, đến khoa thi Hội cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919) vào thời Nguyễn, nước ta có 188 khoa thi và 2791 nhà khoa bảng (bao gồm cả tiến sỹ và phó bảng), trong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa kinh bắc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 41 - 51)