nước ở miền Bắc
Năm 1954, miền Bắc chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước đề ra nhiệm vụ lớn là củng cố miền Bắc về mọi mặt và đấu tranh thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Củng cố miền Bắc là tạo cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh giành thống nhất nước nhà.
Để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trên, ngành giáo dục phải cung cấp cán bộ đủ tiêu chuẩn về số lượng và chất lượng phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, phải đào tạo một lớp người có đủ khả năng để tham gia cuộc đấu tranh chính trị, thực hiện thống nhất nước nhà. Do đó, cũng như các ngành kinh tế khác, ngành giáo dục cần phải phát triển mạnh mẽ nhằm giải quyết trong cùng một thời gian ngắn nhiều vấn đề về tổ chức, nội dung của các ngành học, bậc học. Nhiều văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã nêu rất rõ nhiệm vụ, vai trò của công tác giáo dục đối với việc khôi phục và phát triển kinh tế.
Ngay từ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa". Đến tháng 3 năm 1956, tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc, một lần nữa Người khẳng định: "Kinh tế có kế hoạch, giáo dục cũng phải có kế hoạch. Kế hoạch giáo dục phải ăn liền với kế hoạch kinh tế. Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế. Kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được. Nếu kinh tế không phát triển thì giáo dục cũng không phát triển được. Giáo dục không phát
triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau [60, tr. 135].
Trước đó, tháng 3 năm 1955, Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng khóa II cũng nêu rõ nhiệm vụ của ngành giáo trong những năm tới là:
1. Chấn chỉnh và củng cố giáo dục phổ thông. Thống nhất hai chế độ giáo dục (chế độ giáo dục dân chủ mới và chế độ giáo dục cũ còn tồn tại ở vùng mới giải phóng);
2. Đối với cán bộ giáo dục, cần "bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị và chiếu cố sinh hoạt vật chất của họ";
3. Đối với người lớn, cần "bổ túc văn hóa cho cán bộ, trước hết là cán bộ những xã đã giảm tô hoặc cải cách ruộng đất. Tiếp tục phát triển bình dân học vụ. Mở những lớp buổi tối cho công nhân";
4. "Mở các trường chuyên nghiệp trung cấp cần thiết cho công cuộc khôi phục kinh tế;
5. Chấn chỉnh ngành đại học; mở thêm những ban đại học cần thiết. Chú trọng tuyển lựa học sinh đi học ở các nước bạn” [34, tr. 213].
Bước sang giai đoạn phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa (1958 - 1960) cùng với kinh tế, công tác giáo dục tiếp tục được xác định là đóng vai trò quan trọng. Trong Báo cáo về kế hoạch cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa năm 1959 của Chính Phủ nhấn mạnh: “Phát triển sản xuất, tăng cường công tác giáo dục, văn hóa để cải thiện đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân là trọng tâm công tác ở vùng cao hiện nay cũng như sau này”. Về mặt văn hóa, giáo dục, Báo cáo nêu rõ: “Đẩy thêm một bước phong trào xóa nạn mù chữ, mở thêm một số trường quốc lập và vận động một số trường dân lập ở các vùng dân cư đông, phong trào khá, v.v... để thu hút trẻ em đã đến tuổi đi học. Ở các huyện, tỉnh, khu tự trị cố gắng lập một số trường có chỗ ăn, ở cho con em đồng bào vùng cao xuống học. Mở lớp dạy văn hóa cho một số cán bộ xã, bổ túc cho số cán bộ đã công tác lâu năm, v.v… Cần hoàn thành việc xây
dựng chữ Tày, Mèo, bắt đầu nghiên cứu thống nhất chữ Thái và nghiên cứu chữ cho một số dân tộc khác” [26, tr. 559 - 560].
Hòa bình được lập lại trên miền Bắc. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để toàn Đảng và toàn dân ta thực hiện mục tiêu xóa bỏ nạn mù chữ, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, rất nhiều văn bản, nghị quyết về công tác xóa mù chữ đã được ban hành. Năm 1956, công tác xóa mù chữ được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch Nhà nước và đề ra kế hoạch trong ba năm (1956 - 1958) phải hoàn thành xóa nạn mù chữ về căn bản ở miền Bắc. Tháng 3 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 114 - TTg về tăng cường công tác xóa nạn mù chữ. Chỉ thị nêu rõ: «Việc xóa bỏ nạn mù chữ cho cán bộ và nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết» [22, tr. 118 - 119]. Tháng 10 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ triệu tập Hội nghị các Uỷ viên văn xã các khu, thành, tỉnh để tiếp tục bàn về việc thanh toán nạn mù chữ. Hội nghị đã quyết định
Thành lập Ban lãnh đạo thanh toán nạn mù chữ Trung ương và các cấp để huy động lực lượng toàn dân vào sự nghiệp xóa mù chữ và Phát động chiến dịch diệt dốt lần thứ 3 trong toàn quốc (1957 - 1958). Đến cuối năm 1957, thực hiện Nghị quyết Hội nghị các Ủy viên văn xã các khu, thành, tỉnh Ban lãnh đạo hoàn thành thanh toán nạn mù chữ Trung ương được thành lập. Ban do Ông Tôn Đức Thắng làm Trưởng Ban. Nhân dịp được thành lập và hưởng ứng Chiến dịch diệt dốt lần thứ 3 do Trung ương phát động, Ban lãnh đạo hoàn thành thanh toán nạn mù chữ Trung ương đã ra lời kêu gọi về xóa nạn mù chữ:
"Toàn thể đồng bào, toàn thể các cụ phụ lão, toàn thể anh chị em trí thức, thanh niên, học sinh và bộ đội hãy đem tất cả lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng của mình hăng hái tham gia phong trào diệt dốt. Những người biết chữ hãy dìu dắt giúp đỡ cho những bà con xung quanh chưa biết chữ để mau chóng thoát nạn mù chữ. Những người chưa biết chữ từ 12 đến 50 tuổi ở nông thôn cũng như thành thị hãy cố gắng thu xếp thì giờ sắp đặt công việc mà học để hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình đối với Tổ quốc, đối với
nhân dân" [91, tr. 13]. Đặc biệt, đến năm 1958, năm cuối của kế hoạch ba năm thanh toán nạn mù chữ, Đảng và Chính phủ đã ban hành ba chỉ thị quan trọng nhằm tăng cường lãnh đạo công tác bình dân học vụ. Đó là Chỉ thị số 72 - CT/TW (ngày 7 tháng 3), Chỉ thị số 107 - CT/TW (ngày 3 tháng 10) của Ban Bí thư và Chỉ thị số 300 TTg (ngày 16 tháng 6) của Thủ tướng Chính phủ. Các Chỉ thị trên đều khẳng định: «Hiện nay, việc xóa nạn mù chữ cho nhân dân lao động là một yêu cầu cấp bách của cách mạng» [36, tr. 362].
Công tác bổ túc văn hóa, đào tạo đội ngũ cán bộ và công nhân cho các ngành kinh tế, kỹ thuật tiếp tục được coi trọng, nhất là trong giai đoạn miền Bắc đang tiến hành khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Bởi lẽ, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ đòi hỏi hàng nghìn, hàng vạn cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn để đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, tăng năng suất lao động, v.v… Một đội ngũ cán bộ như vậy nếu chỉ trông vào các trường phổ thông và các trường đại học dài hạn thì không thể nào đáp ứng kịp. Công tác bổ túc văn hoá lúc này được đặc biệt coi trọng và lãnh đạo chặt chẽ, nhằm đạt được mục đích là nâng cao trình độ văn hóa của cán bộ và nhân dân lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục chính trị và khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ trên quy mô lớn, góp phần đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quốc phòng. Chính vì vậy, ngày 22 - 7 - 1959, Bộ Giáo dục ra Nghị định số 380 - NĐ thành lập hệ thống trường Bổ túc văn hóa công nông liên tỉnh. Nghị định quy định rõ đối tượng, chức năng, nhiệm vụ của trường:
- Bổ túc văn hóa cho từng lớp thanh niên công nhân, nông dân lao động thuộc các công trường, nông trường; Công nhân, cán bộ ở các xí nghiệp, cơ quan, nông thôn không có điều kiện học ở các trường phổ thông; Cán bộ, quân nhân có thành tích trong kháng chiến.
- Mục đích của trường là đào tạo học viên đến trình độ hết cấp 1, 2 phổ thông để đưa vào các trường chuyên nghiệp đào tạo thành cán bộ kỹ thuật đáp ứng cho nhu cầu kiến thiết và cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Giáo dục quyết định lập một Trường bổ túc văn hóa công nông khu Tự trị Việt Bắc để bổ túc văn hóa cho cán bộ công nông các tỉnh trong Khu và hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai.
Cuối năm 1959 (2 tháng 12), Ban Bí thư ra Nghị quyết số 93 - NQ/TƯ về việc tăng cường lãnh đạo công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ, công nhân, nông dân nhằm đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Nghị quyết của Ban Bí thư nhấn mạnh: “Nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ, công nhân và nông dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay của toàn Đảng, toàn dân” [37, tr. 936].
Nghị quyết cũng nêu ra những biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác bổ túc văn hóa:
1. Tăng cường tổ chức và lãnh đạo công tác bổ túc văn hóa ở các ngành, các cấp, cơ quan, xí nghiệp;
2. Hình thức học chủ yếu là vừa học vừa làm, học ngoài giờ sản xuất; 3. Cần mở thêm trường học tại chức cho một số đối tượng được thoát ly công tác và sản xuất để đi học, bao gồm các trường:
- Trường bổ túc văn hóa cán bộ (thay cho trường phổ thông lao động) dành cho những cán bộ lãnh đạo từ cấp xã trở lên có trình độ từ cấp 1 đến cấp 3.
- Trường Bổ túc văn hóa và kỹ thuật dành cho cán bộ, nhân viên, công nhân của ngành.
- Trường Bổ túc văn hóa công nông ở các địa phương dành cho thanh niên, công nhân, nông dân ưu tú có trình độ văn hóa nhất định, bổ túc trong một hoặc hai năm để có trình độ vào học các trường chuyên nghiệp và đại học;
4. Đội ngũ giáo viên chủ yếu lấy từ lực lượng văn hóa sẵn có ở cơ quan, xí nghiệp, nông thôn, nhất là cán bộ có văn hóa, giáo viên, học sinh lớn tuổi ở các trường phổ thông, học sinh và sinh viên các trường chuyên nghiệp, đại học;
5. Sách giáo khoa gồm hai loại riêng dành cho người dạy và người học, trong đó sách cho người học phải biên soạn đơn giản, dễ hiểu, có tác dụng giúp người học khi vắng thầy vẫn có thể tự học được.
Bước sang năm 1960, năm kết thúc giai đoạn khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 203 - CT/TƯ (7 tháng 4) về nhiệm vụ phát triển giáo dục bổ túc văn hóa và phổ thông. Với bậc học bổ túc văn hóa, Chỉ thị nhấn mạnh: "Nhiệm vụ hiện nay của giáo dục trước hết là phục vụ cho việc bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, và tạo điều kiện cho phong trào cách mạng của quần chúng lao động tiến quân vào khoa học và kỹ thuật đồng thời nâng cao dần trình độ văn hóa của thanh niên, thiếu nhi".
Chỉ thị cũng nêu hình thức học là: "Song song với những trường phổ thông cần tích cực nghiên cứu những trường vừa học văn hóa phổ thông vừa học kỹ thuật sản xuất, nhất là kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Loại trường này nhằm đào tạo những người lao động trẻ tuổi có văn hóa, có kỹ thuật, có sức khỏe. Trên phương hướng đó, chúng ta tiến hành phổ cập kỹ thuật dần dần trong nhân dân ta, đồng thời tạo thêm điều kiện cho con em ta được học tập" [38, tr. 261 - 262].
Không chỉ chăm lo xây dựng và phát triển giáo dục bình dân, Đảng và Chính phủ còn chăm lo phát triển và hoàn thiện ngành học giáo dục phổ thông. Ngày 12 - 5 - 1956, Bộ Giáo dục triệu tập Hội nghị liên tịch giữa các Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Tài chính và Trung ương Đoàn thanh niên lao động để thông qua bản quy chế xác định việc tổ chức, quản lý lớp vỡ lòng. Hội nghị nhận thấy việc phát triển các lớp vỡ lòng là bước chuẩn bị đầu tiên rất quan trọng để học sinh vào cấp 1. Đối với những thiếu niên quá độ tuổi vỡ lòng mà chưa biết đọc, biết viết, Bộ Giáo dục chủ trương mở "lớp 1 đặc biệt" do các trường phổ thông đảm nhận dạy cả chương trình vỡ lòng và lớp một trong một năm. Hội nghị chủ trương ở miền xuôi phải thực hiện phổ cập vỡ lòng nhằm thanh toán tận gốc nạn mù chữ và chuẩn bị cho phổ cập cấp 1. Ở miền núi, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển vỡ lòng ở vùng thấp, thanh
toán những xã trắng ở vùng giữa và vùng cao. Nơi nào có điều kiện thì phấn đấu phổ cập vỡ lòng như ở miền xuôi.
Tháng 10 năm 1958, Hội nghị phổ cập vỡ lòng toàn miền Bắc họp, đề ra tiêu chuẩn cụ thể về phổ cập vỡ lòng. Hội nghị nhất trí phấn đấu đưa 90% số trẻ từ 6 đến 11 tuổi đến lớp với phương châm vận động phổ cập là "lớn trước bé sau, số lượng đi đôi với chất lượng".
Các cấp học phổ thông cũng có sự thay đổi căn bản. Khi mới giải phóng, miền Bắc có hai hệ thống giáo dục phổ thông. Đó là hệ thống giáo dục trung học và tiểu học mười hai năm của chế độ cũ và hệ thống giáo dục chín năm của ta được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến. Song hệ thống giáo dục chín năm của ta cũng có những nhược điểm, hạn chế nhất định, như: Kiến thức trang bị cho học sinh còn quá thấp và không hiện đại; Cấu tạo chương trình chưa sát với đặc điểm tâm lý và sinh lý lứa tuổi học sinh; Thiếu một số bộ môn học cần thiết, như ngoại ngữ, hoạt động thể dục, nhạc, họa, v.v…
Trước tình trạng trên, tháng 5 năm 1956, Chính phủ thông qua đề án cải cách giáo dục lần thứ 2 nhằm sát nhập hai hệ thống giáo dục cũ, lập ra hệ thống giáo dục phổ thông mới với tính chất của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa và Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục triển khai đề án đó. Đến tháng 8 năm 1956, Chính phủ ban hành Chính sách giáo dục phổ thông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Nội dung cơ bản của hai văn kiện này là:
- Khẳng định rõ đường lối xây dựng ngành học giáo dục phổ thông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:
Tính chất của nền giáo dục là giáo dục mang tính chất xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng nhằm phục vụ nhân dân lao động.
Phương hướng chính trị của giáo dục: Toàn bộ công tác giáo dục phải phục tùng đường lối chính trị của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam và
Đảng Lao động Việt Nam đáp ứng đúng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng nước nhà và đấu tranh chính trị thắng lợi.
Mục đích giáo dục phổ thông: Lấy tư tưởng chủ nghĩa xã hội mà giáo dục học sinh, bồi dưỡng thanh niên thành những người công dân tốt, cán bộ tốt, lãnh đạo tốt, có điều kiện nhất định về các mặt để phục vụ nhân dân, củng cố miền Bắc đi dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước.
Nhiệm vụ của giáo dục phổ thông: Nhằm cung cấp học sinh đủ số lượng và chất lượng cần thiết để ra tham gia phục vụ ngay các công cuộc kiến thiết nước nhà trước mắt, hoặc tiếp tục học lên các lớp trên phục vụ cho những công cuộc kiến thiết về sau.