8. Kết cấu của luận văn
2.1. Những nhân tố quy định tính đặc thù trong xây dựng nhà nƣớc pháp
2.1.2. Nhân tố truyền thống văn hóa
2.1.2.1. Đặc thù về tính cách của người Việt trong xây dựng nhà nước pháp quyền
Tính cách của người Việt là một trong những đặc thù có tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Vì xét cho cùng, mọi ý tưởng hay kế hoạch chỉ có thể biến thành hiện thực thông qua hoạt động của những con người cụ thể. Trong quá trình hoạt động cải tạo giới tự nhiên và xã hội, con người lồng vào đó ý chí, tình cảm, nguyện vọng, mưu cầu lợi ích và cả chuẩn mực văn hóa, đạo đức, thẩm mĩ hay tôn giáo mà họ thừa hưởng được từ truyền thống. Bởi vậy những nét đặc trưng trong tính cách người Việt sẽ góp phần làm rõ những tác động tích cực hay tiêu cực đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Xã hội Việt Nam cổ truyền là một xã hội tiền công nghiệp với nền kinh tế nông nghiệp, tự cấp tự túc. Cư dân đa số là nông dân trồng lúa nước trên những thửa ruộng nhỏ như bàn tay, phần lớn lại là ruộng công. Làng mạc nơi
họ sinh sống là một cấu trúc chặt chẽ mang tính tự trị. Úp lên mạng lưới làng xã này là một nhà nước quân chủ tập trung kiểu “phương thức sản xuất châu Á”, cai trị chủ yếu bằng bạo quyền. Tính chất nước đôi của làng xã (ruộng vừa công vừa tư, làng vừa tự trị vừa phụ thuộc, người dân vừa nộp tô vừa nộp thuế…) đã để lại dấu ấn sâu đậm lên tâm thức, tư duy, ứng xử và đặc biệt là hình thành nhân cách, ý thức cá nhân, cái tôi.
Con người Việt Nam trước hết và chủ yếu là con người của cộng đồng nhỏ như gia đình, dòng họ…lớn như làng, nước. Trong khuôn khổ cộng đồng, con người không có quyền lựa chọn lối sống riêng cho mình. Cùng lắm anh ta chỉ được lựa chọn những sắc thái khác nhau của cùng một phổ sống.
Chính sự lệ thuộc của cá nhân vào cộng đồng làm cho con người trở nên thụ động trong các quan hệ, không dám khẳng định bản lĩnh và nhân cách cá nhân, không dám nhân danh cá nhân để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho mình.
Sự hạn chế phát triển ý thức cá nhân do lối sống đề cao tính cộng đồng vẫn còn để lại dư vị nặng nề trong xã hội hiện đại và gây khó khăn đáng kể cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, khi mục đích của Nhà nước pháp quyền sinh ra để trước hết và trên hết nhằm đảm bảo các quyền và tự do của cá nhân. Xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam vì vậy đã gặp phải lực cản từ những đặc điểm của một nền tảng văn hóa mà ở đó con người bị ràng buộc vào vô vàn các nghĩa vụ, không có chỗ cho sự khẳng định các quyền cá nhân. Đó là nguyên do giải thích vì sao người Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự tự giác và chủ động trong việc sử dụng các quyền cá nhân của mình trong ứng xử với các quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật, mặc dù đã được hiến pháp và pháp luật qui định.
Cũng do lối sống nông nghiệp quần cư, khép kín sau lũy tre làng dựa trên các mối quan hệ thân tộc, láng giềng cùng với nền sản xuất nhỏ tự cung tự cấp khiến cho các quan hệ xã hội thuần nhất, có tính ổn định cao. Các quan
hệ ứng xử cũng như các giao dịch dân sự chủ yếu dựa trên cơ sở của các chuẩn mực đạo đức, tình cảm và lòng tin mà không cần đến các bằng chứng có tính pháp lý.
Việc xử lý các quan hệ theo tình cảm sẽ dẫn đến thiếu tôn trọng tính nguyên tắc, tùy tiện là một điều tất yếu. Truyền thống duy tình đã làm cho người ta có thể có nhiều cách xử sự khác nhau trong cùng một hoàn cảnh, trong khi đó pháp luật lại phải là chuẩn mực chung để điều tiết các mối quan hệ một cách nghiêm khắc dựa trên tiêu chí khách quan và thống nhất. Bởi vậy, lối sống trọng tình khiến người ta dễ dị ứng với pháp luật, chỉ coi pháp luật là một giải pháp “cực chẳng đã”.
Xét về mặt tích cực, nguyên tắc ứng xử này giúp bảo vệ các mối quan hệ xã hội thân thuộc, củng cố tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết, ít xảy ra các tranh chấp dân sự, duy trì sự ổn định của xã hội. Tuy nhiên, hệ quả tiêu cực là pháp luật không còn uy lực khi cái lý bị đẩy xuống hàng thứ yếu so với cái tình.
Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tâm lý thờ ơ, né tránh pháp luật, không xem pháp luật là cách giải quyết được ưu tiên, là công cụ bảo vệ quyền lợi cho mình. Cho đến ngày nay, người Việt vẫn chưa có thói quen tìm đến pháp luật khi xảy ra các tranh chấp dân sự như một hành vi ứng xử phổ biến ở các nước có nền văn hóa pháp luật tích cực.
Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa ứng xử "lấy cảm tình làm bản vị" của người Việt đang là một thách đố gay gắt khi đất nước đang bước vào tiến trình hội nhập quốc tế mà tinh thần "thượng tôn pháp luật " là điểm tựa của việc thực hiện những cam kết quốc tế . Ý thức tôn trọng pháp luật và tính chủ động sử dụng pháp luật với tính cách là yếu tố của văn hóa pháp luật có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cơ chế hành vi của các chủ thể, nhưng đây lại là một trong những điểm yếu lớn nhất được nhận thấy trong thực tiễn pháp lý ở nước ta hiện nay. Bằng chứng là, đối với người dân và doanh nghiệp, việc giải
quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế không cần đến pháp luật vẫn còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ, bởi số đông người dân vẫn e dè khi nói đến việc kiện tụng, giải quyết tranh chấp bằng luật pháp... Rất ít doanh nghiệp có luật sư, chuyên viên pháp chế chuyên trách làm công tác pháp lý, dự báo các vấn đề pháp lý nảy sinh (ngoại trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Luật sư Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân nhận xét: “… giới doanh nhân Việt Nam ít có thói quen sử dụng luật sư. Các doanh nghiệp có thói quen vướng đâu thì “chạy” bằng phong bì, mạnh hơn nhau bằng cái đó, chứ không phải đưa nhau lên trên bàn để giải quyết đúng - sai bằng luật pháp, nên các doanh nghiệp không cần thiết phải có bộ phận pháp chế để làm cố vấn cho họ. Điều này trái ngược hẳn với giới doanh nhân quốc tế”.
Để phù hợp với phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước, người Việt sống quần tụ trong không gian làng quê, bao quanh làng là lũy tre và cổng làng, khiến cho làng nào biết làng ấy. Tính tự túc tự cấp của nền kinh tế tiểu nông cùng với bộ máy hành chính tự quản đã khiến cho làng luôn có xu hướng “ly tâm” với chính quyền trung ương.
Thói quen ứng xử tùy tiện, thiếu tính kỷ luật, vô nguyên tắc lại càng không thể chấp nhận trong một xã hội có tổ chức, nề nếp, kỷ cương với nguyên tắc thượng tôn pháp luật, trong khi những căn tính tiểu nông này đang di căn rất nặng nề trong một bộ phận không nhỏ người Việt Nam hiện nay cũng như đang tác động tiêu cực đến thái độ và hành vi ứng xử với pháp luật. Do việc người ta đã quen với nhiều cách ứng xử khác nhau trong cùng một hoàn cảnh, nên dẫn đến thói quen “lách luật” mà hiện đang tồn tại phổ biến với nhiều dạng biến tướng khác nhau như: làm ăn gian dối, tệ nạn hối lộ, đi cửa sau để giải quyết công việc, chạy chức chạy quyền, chạy án… Đây thực chất là biểu hiện của lối sống coi thường pháp luật, thậm chí vô hiệu hóa pháp luật ngay từ trong suy nghĩ và hành vi của mỗi người.
Cũng từ lối sống nông nghiệp với tư duy nặng về kinh nghiệm chủ quan, cảm tính, thói quen tùy tiện, lối sống thiển cận “nước đến chân mới nhảy” nên đã hình thành ở người Việt kiểu tư duy manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tư duy lý luận, không có tính chiến lược và tầm nhìn xa. Đặc điểm này của văn hóa tiểu nông đã và đang hiện diện rõ nét trong lĩnh vực hoạch định chính sách pháp luật, soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật và thực thi pháp luật; sự tùy tiện, chủ quan, cảm tính, sự thiếu đồng bộ và nhất quán trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật cũng như việc tổ chức và thực thi pháp luật đang là những hạn chế rất lớn, gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội, làm gia tăng thói quen hành xử không thượng tôn pháp luật, suy giảm niềm tin vào tính hiệu lực của pháp luật. Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến cho lời tuyên truyền, kêu gọi “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” hiện chỉ đang là khẩu hiệu chứ chưa trở thành một thói quen trong văn hóa ứng xử.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trước hết đòi hỏi hệ thống pháp luật phải được xây dựng đồng bộ, thống nhất, hoàn thiện mới có thể hòa nhập bình đẳng trong sân chơi quốc tế. Vì vậy, khi cái chất tiểu nông với thói quen, lối sống tùy tiện, vô kỷ luật, với kiểu tư duy manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tầm nhìn chiến lược đang có sức sống tiềm tàng trong tâm thức mỗi người Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ nông dân đến trí thức, từ thường dân đến quan chức… thì đó không chỉ là những thủ phạm đang níu kéo, cản trở công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền mà còn là một rào cản rất lớn đối với đất nước trong quá trình hội nhập để phát triển
2.1.2.2. Đặc thù về thiết chế làng xã
Theo quan điểm của các nhà sử học, làng- xã là một thể chế bền vững, tồn tại hầu như xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Làng xã cổ truyền là đơn vị tụ cư, là cộng đồng dựa trên quan hệ láng giềng kết hợp với quan hệ huyết
thống, là môi trường sinh hoạt văn hóa xã hội từ bao đời nay. Đặc biệt khi nghiên cứu tính cộng đồng hay truyền thống Việt Nam thì làng xã là cơ sở hết sức quan trọng. Ở Việt Nam làng xã vốn bắt nguồn từ công xã nông thôn, ra đời vào giai đoạn tan rã của công xã nguyên thủy, hình thành xã hội có giai cấp và nhà nước đầu tiên, tức vào khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên. Làng xã là đơn vị xã hội mà người nông dân Việt Nam tập hợp lại để tạo nên sức mạnh cộng đồng trong khai phá đất hoang, đắp đê, đào kênh làm thủy lợi. Từ thế kỷ thứ X trở đi, cùng với sự hưng thịnh của chế độ phong kiến, các công xã nông thôn dần dần bị phong kiến hóa trở thành các đơn vị xã hội- hành chính cơ sở của chính quyền phong kiến với tên gọi chung là xã, cũng có khi gọi là thôn hay làng.
Xét về mặt hành chính, làng xã giữ vai trò như mắt khâu trung gian nối các cá thể với nhà nước. Tất cả các chỉ thị từ chính quyền trung ương đến với người dân, đều phải thông qua “bộ lọc” làng xã. Nếu biết tận dụng và khai thác thiết chế làng xã có thể đem lại cho nhà nước pháp quyền những thuận lợi như tính tự quản của nó. Tính tự quản này thể hiện ở chỗ: việc các thành viên giám sát lẫn nhau trở thành một yêu cầu tự nhiên và là biện pháp quan trọng để duy trì kỷ cương.
Bộ máy quản trị làng xã gồm hai cơ quan: cơ quan quyết nghị và cơ quan chấp hành. Cách thức tổ chức cũng như thành lập thể hiện rất rõ tính tự trị của làng xã. Tất cả các dân trong làng xã đều có thể trực tiếp tham gia vào giải quyết các công việc của xã kể cả một số công việc của nhà nước trung ương. Cơ quan quyết định được gọi là hội đồng kỳ mục có nơi gọi là hội đồng kỳ hào, hội đồng làng, hội đồng xã… Đây là một tập thể không hạn định về mặt số lượng các thân hào danh tiếng trong xã, đã từng đỗ đạt như: cử nhân, tú tài, tiến sĩ đã ra làm quan hoặc đang làm quan. Được quyền tham gia hội đồng kỳ mục chỉ cần hội đủ các điều kiện quy định trong hương ước của làng xã. Hương ước được xem như “Bộ luật” của làng xã. Để tăng cường việc quản lý
làng xã, Nhà vua đã ban hành quy định yêu cầu các làng xã buộc phải có lệ làng của mình, và lệ ấy chỉ có hiệu lực tức là trở thành hương ước, khi được sự phê chuẩn của chính quyền cấp trên. Nội dung của hương ước bao gồm tất cả các quy tắc liên quan đến đời sống làng xã. Ngay từ khi mới đặt nền đô hộ tại nước ta, các nhà cầm quyền người Pháp đã chú trọng ngay đến việc tổ chức chính quyền cấp xã, và đã thấy được tầm quan trọng của tính tự trị làng xã. Họ đã tận dụng tính tự quản này bằng cách tôn trọng cơ cấu tổ chức và hương ước của nó.
Tính tự quản còn thể hiện rất rõ trong mối quan hệ giữa làng xã với chính quyền trung ương. Về nguyên tắc, vua hay triều đình không giao dịch trực tiếp với dân trong làng. Do vậy, nhà nước quản lý làng xã phải thông qua đại diện của làng xã.
Ngày nay, nhà nước pháp quyền hiện đại đang khuyến khích cao độ chế độ tự quản của công dân, của các tổ chức của họ. Trái với cơ chế quan liêu hành chính mệnh lệnh- nơi mà nhà nước phải can thiệp vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, tự quản là con đường tốt nhất nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của cá nhân, của các tập thể lao động, của nhân dân lao động. Như vậy, nếu biết lợi dụng tính tự quản này thì công việc hành chính và chi phí nhà nước sẽ giảm thiểu. Xét theo phương diện ấy, thì đây sẽ là một yếu tố thuận lợi cho việc hấp thụ nhà nước pháp quyền. Nhất là trong tình hình hiện nay khi mà Đảng ta đang phát động phong trào làm chủ ở cơ sở thì vấn đề tự quản của làng xã đáng được quan tâm.
Song tính tự quản của làng xã cũng dễ biến thành tính tự trị. Lịch sử Việt Nam đã cho thấy, làng xã tự quản theo “lệ” mà không dựa vào “luật” của chính quyền trung ương, nên dẫn đến sự gián cách giữa trung ương với địa phương và tạo cơ hội cho các hoạt động tùy tiện của đội ngũ “quản lý” biến chất. Bước chuyển từ tự quản sang tự trị đã đẻ ra tầng lớp cường hào nhiễu sách nhân dân.
Một hạn chế nữa của làng xã đối với việc hấp thụ các giá trị của nhà nước pháp quyền là tính khép kín dẫn đến chủ nghĩa cục bộ địa phương của làng xã. Đặc điểm này làm cho sự tiếp nhận các quy định chung của nhà nước, trở nên bê trễ, hoặc chỉ mang tính hình thức, hoặc bị áp dụng và giải thích sai lệch về nội dung, bị “uốn nắn” theo quan điểm địa phương “Phép vua thua lệ làng”. Trong không gian làng xã, pháp luật bị đẩy xuống hàng thứ yếu, và mọi vấn đề phát sinh đều có thể quy về cái gọi là “giải quyết nội bộ”. Đây là một vật cản đáng kể trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền.