1.2. Sự ra đời và phát triển của báo chí ở Hà Nội và vai trò của báo chí
1.2.2. Làng báo Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX
Nghề làm báo Việt Nam phát triển từ Nam ra Bắc, theo tiến trình xâm lược thuộc địa của thực dân Pháp. So sánh giữa Nam và Bắc Kỳ, nghề làm báo ở Hà Nội chậm hơn Sài Gòn chừng 20 năm.
Ra đời muộn hơn nhưng với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của mình, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, báo chí Hà Nội đã có những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ đến không ngờ với sự phát triển của công nghệ in ấn. Nhà in thứ nhất ở Bắc Kỳ do chính phủ bảo hộ lập tại Hà Nội vào tháng 11 năm 1873. Schneider là nhân viên của nhà in đó. Năm 1893, Schneider ra lập nhà in riêng, cho xuất bản tờ quan báo chữ Hán Đại Nam đồng văn Nhật báo sau đổi là Đăng cổ tùng báo khi Đông Kinh Nghĩa Thục mua lại.
Sau đó, lần lượt các nhà in khác ra đời ở Hà Nội. Các nhà in của các công ty Pháp như nhà in IDEO, nhà in Taupin, nhà in của Dufour mà Nguyễn Văn Vĩnh có hùn vốn cộng tác. Nhà in của người Việt tập trung ở phố Hàng Gai, Hàng Bông. Nhiều nhà mua được máy in nhỏ đạp chân in bốn trang nhăn hiệu Minerve hoặc là máy Marinoni của Pháp. Đó là các nhà in hiệu sách Thụy Ký, nhà cụ Quảng Thịnh, nhà in Ngô Tử Hạ, nhà in Mạc Đình Tư (sau này là nhà in Lê Văn Tân, tức con rể, có máy Elby là loại máy in mới hồi bấy giờ), nhà in Vĩnh Phúc Thành do 3 ông Nguyễn Văn Vĩnh, Lê Văn Phúc và Bùi Xuân Thành chung mua lại nhà in của ông Schneider, nhà in Đông Kinh ấn quán của Lê Văn Phúc in báo Nam Phong, nhà in Bùi Xuân Thành in báo
Nhiều tờ báo thuộc nhiều phong cách, khuynh hướng và lĩnh vực liên tiếp ra đời.
Cũng như Sài Gòn, những tờ báo đầu tiên xuất bản ở Hà Nội là báo tiếng Pháp, phục vụ đối tượng độc giả chính là thực dân với những tờ báo mang những cái tên “đặc Pháp” như Le colon, Indépendance tonkinoise, Hanoi journal, Avenir du Tonkin… Nối tiếp sau đó mới là sự xuất hiện của các tờ báo bằng chữ Hán, Hán – Việt, quốc ngữ. Tờ báo bằng chữ Hán đầu tiên là Đại Nam đồng văn nhật báo ra mắt năm 1893, nhưng lại do một người Pháp- Schneider làm chủ nhiệm, thực chất là một thứ công báo. Đến năm 1907 báo này đình bản và được thay thế bằng tờ Đăng cổ tùng báo một nửa chữ Hán một nửa chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, “tuổi thọ” của tờ này cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Những tư tưởng tân tiến mà Đăng cổ tùng báo đưa ra như kêu gọi mọi người yêu nước, đoàn kết, bỏ lối học khoa cử và lễ tục phong kiến, theo đòi học mới và mở mang công thương đã khiến tờ báo này bị thực dân đóng cửa chỉ sau 9 tháng hoạt động. Mãi đến năm 1913, tại Hà Nội mới xuất hiện tờ tuần báo hoàn toàn bằng quốc ngữ - tờ Đông Dương tạp chí do Scheneider làm chủ nhiệm, Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút với sự tham gia của nhiều cây bút Tây học và Hán học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính… Sau Đông Dương tạp chí là Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh làm chủ bút (ra đời năm 1917 đến năm 1934 thì đình bản).
Bắt đầu từ năm 1920, khi chính quyền Pháp thấy rằng không thể độc quyền báo chí được nữa, đành phải cho người Việt ra báo, nhưng với thể lệ quản lý chặt chẽ, Hà Nội mới thực sự có những tờ báo quốc ngữ do người Việt chủ trương. Mở đầu là tờ Thực nghiệp dân báo, tờ báo đại diện cho giai cấp tư sản dân tộc trẻ tuổi của Bắc Kỳ do Nguyễn Hữu Thu sáng lập, chuyên về kinh tế, thương mại, kỹ nghệ, nông nghiệp đầu tiên ở Hà Nội. Sau đó là
một serie đủ loại báo, thuộc đủ mọi ngành nghề, lĩnh vực, cả khoa học kỹ thuật lẫn văn hóa, kinh tế, công, nông thương như An Nam tạp chí, Hữu Thanh tạp chí, Đông Nam tạp chí, Khai Hoá nhật báo, Nông công thương báo, Công thương tân báo, Vệ nông báo, Thượng báo, Kinh tế tạp chí, Khoa học tạp chí… Có cả báo của những người công giáo như Thánh giáo tuần san, Trung hoà nhật báo... Tuy nhiên, nhiều tờ trong số đó chỉ tồn tại vài năm, thậm chí vài tháng. Tờ nhật báo tồn tại vào loại lâu nhất trong thời Pháp thuộc ở Hà Nội là Đông Pháp ra đời năm 1925 do Ngô Văn Phú làm chủ nhiệm, đến khi Nhật đảo chính Pháp (3/1945) đổi tên là Đông Phát, sau cách mạng tháng 8/1945 lại đổi là Dân Thanh.
Bảng 1: Danh mục tác tờ báo công khai ở Hà Nội trƣớc năm 1930
Thứ tự Tên báo Năm ra đời Ngôn ngữ
1 Người thực dân (Le Colon) 1889 Pháp 2 Đại Nam đồng văn nhật báo 1893 Hán 3 Con mèo vàng Bắc Kỳ
(Le Chat d’or Tonkinois )
1894 Pháp
4 Revue Indochinoise 1894 Pháp
5 Đại Việt Quan báo 1905 Hán + Quốc ngữ
6 Đăng cổ tùng báo 1907 Hán + Nôm + Quốc ngữ
7 Đông Dương tạp chí 1913 Quốc ngữ
8 Âu Châu chiến sử 1913 Quốc ngữ
9 Trung Bắc Tân văn 1915 Quốc ngữ
10 Nam Phong tạp chí 1917 Quốc ngữ
11 Thực nghiệp dân báo 1920 Quốc ngữ
13 Thánh giáo tuần san 1921 Quốc ngữ
14 Hữu Thanh tạp chí 1923 Quốc ngữ
15 Trung Hòa nhật báo 1923 Quốc ngữ
16 Nông công thương báo 1923 Quốc ngữ
17 An Nam tạp chí 1926 Quốc ngữ
18 Đông Pháp 1925 Quốc ngữ
19 Hà thành ngọ báo 1927 Quốc ngữ
20 Dân báo 1927 Quốc ngữ
21 Đông Tây tuần báo 1929 Quốc ngữ
22 Công thị báo 1929 Quốc ngữ
23 Đông dương 1929 Quốc ngữ
24 Bắc Kỳ thể thao 1930 Quốc ngữ
25 Phụ nữ thời đàm 1930 Quốc ngữ
Bên cạnh dòng báo chí công khai, một điểm nhấn trong dòng chảy của báo chí Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20 là dòng báo chí cách mạng. Có thể nói chính dòng báo chí này cũng đã góp phần đã tạo nên một giai đoạn nở rộ của báo chí Hà Nội. Ngày 21/6/1925 báo Thanh niên ra số đầu, mỗi số in thạch chỉ khoảng 100 bản được phát từ Trung Quốc về Việt Nam, chủ yếu là Hà Nội. Tháng 7/1929, Tổng công hội Bắc Kỳ được thành lập tại Hà Nội đã cho xuất bản báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ do Nguyễn Đức Cảnh chủ trương. Tháng 9 cùng năm, có thêm báo Người sinh viên do Đặng Xuân Khu chủ trương. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), ở Hà Nội xuất hiện nhiều tờ báo của Đảng lưu hành bí mật. Sau tờ Cờ đỏ, Búa liềm đã có, là các tờ Tiến Lên, Vô sản, Tạp chí Bôn-sê-vích… đưa Hà Nội trở thành nơi xuất bản tập trung báo chí cách mạng.
Như vậy là ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, báo chí Hà Nội đã phát triển sôi động, tăng nhanh về số lượng, phong phú về chủng loại và đa dạng về nội dung. Có những tờ báo của người Pháp và của những người Việt thân Pháp nhưng có nhiều tờ báo của những nhà tư sản dân tộc có tiếng nói độc lập. Các thể loại báo hết sức đa dạng bao gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo…Vì thế mà chỉ cần thông qua hệ thống báo chí thời kỳ này, chúng ta có thể hiểu được một cách toàn diện và chân thực về đời sống của người dân Thủ đô dưới con mắt của những nhà văn, nhà báo, những người đại diện cho tầng lớp trí thức tân tiến. Tờ báo trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.