8. Cấu trúc của đề tài
1.1. Lý luận chung về quan hệ công chúng (PR )
1.1.5. Công luận là gì?
“Công luận” hay “ý kiến của công chúng” là một điều đáng để chúng ta thảo luận bởi những gì chúng ta đang cố gắng thực hiện thông qua hoạt động PR là chuyển đổi sự cân bằng trong ý kiến của nhiều nhóm công chúng có liên quan thiên về phía có lợi cho chúng ta. Có thể xem công luận là những quan điểm, ý kiến nổi bật của số đông công chúng. Theo Anne Greogory, “ý kiến công chúng” đại diện cho sự nhất trí phát sinh theo thời gian từ tất cả những quan điểm liên quan đến một vấn đề được bàn luận, và sự nhất trí này có thể tạo ra quyền lực.
Ý kiến công chúng vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của hoạt động PR. Nếu được duy trì mạnh mẽ, ý kiến của công chúng có thể tác động đến các quyết định của các cấp quản trị. Mặt khác, nhiều kế hoạch PR đều nhắm đến một mục tiêu là tác động ý kiến công chúng bằng các chiến dịch truyền thông đa dạng.
Giới truyền thông không quyết định được suy nghĩ của công chúng, tuy nhiên, họ có thể giành được sự ủng hộ của công chúng, tạo được sự đồng nhất của ý kiến công chúng với quan điểm của giới mình bằng việc tung những bài viết mang tính thời sự, hoặc cung cấp diễn đàn để công chúng thảo luận các vấn đề mà dư luận quan tâm.
“Công luận” cũng có thể được thể hiện trên nhiều cấp độ. Nếu được hỏi về quan điểm đối với một tin tức hay sự kiện nào đó, hầu hết mọi người đều sẽ đưa ra ý kiến riêng của mình, là sự cảm nhận của họ không phụ thuộc vào mức độ tri thức của câu trả lời. Ở cấp độ cao hơn, ý kiến đó sẽ đi kèm với những lập luận và một thái độ cụ thể. Còn ở cấp độ sâu hơn, thái độ có thể chuyển thành hành vi, và ở cấp độ sâu nhất, thái độ sẽ trở thành hình thức hoạt động trực tiếp và có thể đi ngược lại các quy định pháp luật.