Các biên tập biên chính của tờ Nam Phong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp xúc văn hoá đông – tây trên lĩnh vực giáo dục qua nam phong tạp chí (1917 1934) (Trang 27 - 32)

Chƣơng 1 : NAM PHONG TẠP CHÍ VÀ NHÓM NAM PHONG

1.2 Về nhóm trí thức Nam Phong

1.2.2. Các biên tập biên chính của tờ Nam Phong

Cùng với Phạm Quỳnh, các biên tập viên chính của tạp chí đã hoạt động tích cực trong việc truyền bá những tư tưởng canh tân, trong đó trọng tâm là luyện thành một nền quốc căn, xây dựng một nền quốc học cho nước nhà.

Nam Phong tạp chí gồm ba phần, phần tiếng Pháp chủ yếu cho Phạm Quỳnh và các quan thuộc địa đảm nhiệm. Phần chữ Hán do các nhà Nho như Lê Dư, Nguyễn Bá Trác… thực hiện. Quan trọng nhất là phần tiếng Việt, Nam phong làm nhiệm vụ giới thiệu thơ văn cổ, dịch các tài liệu cổ. Phần này có sự tham gia những nhà Nho học uyên thâm như Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Đỗ Mục… Sau đó, là những bài bàn về văn học, giới thiệu tư tưởng văn hóa Đông và Tây, đặc biệt những bài dịch.

Theo từng giai đoạn chính của báo, những cây bút chủ lực của Nam

Phong có sự thay đổi rõ rệt.

- Giai đoạn thành lập, phát triển và mở rộng (1917-1922): Nguyễn Bá Trác,

Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Học, Trần Văn Ngoạn, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Khôi, Tản Đà, Trần Mỹ, Thân Trọng Huề, Hoàng Yến, Hoàng Tích Chu, Nguyễn Mạnh Bổng. Bài vở trong giai đoạn này nặng về phần Hán văn. Thời kì này, Phạm Quỳnh đang hợp tác chặt chẽ với Nguyễn Bá Trạc.

- Giai đoạn đề cao mục đích giáo huấn, khai hóa quốc dân (1922-1925):

Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Triệu Luật, Hoàng Ngọc Phách, Đoàn Tử Thuật, Trần Trọng Kim, Phạm Duy Tốn, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam. Thời gian này, phần Hán văn được giao

cho Lê Dư, thêm phần chữ Pháp. Nam Phong lúc này đang dựa vào Hội Khai Trí Tiến Đức để thi hành mục đích khai hóa quốc dân.

- Giai đoạn hoạt động thiên về chính trị (1925 - 1932): Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Lê Dư, Bùi Ký, Tương Phố, nhóm Trí đức Hà Tiên: Đông Hồ - Nguyễn Văn Kiêm - Mộng Tuyết, Nguyễn Thúc Khiêm, Trúc Hà, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam. Nam Phong bấy giờ không còn đăng Kỷ yếu của Hội Khai Trí Tiến Đức nữa “Phạm Quỳnh đã mạnh dạn dám ăn nói, nhất là phần Pháp văn. Ông đưa ra chủ nghĩa quốc gia, thuyết lập hiến, bút chiến với Nguyễn Văn Vĩnh.” [Phạm Thế Ngũ…, trang 153]

- Giai đoạn suy yếu 1932-1934: Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến,

Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Tiến Lãng, Đỗ Đình Thạch. Quyền chủ bút được giao cho Nguyễn Trọng Thuật, Lê Văn Phúc canh tân được vài số, mời nhiều nhà Tây học ra trợ bút. Phần Pháp văn tăng thêm, phần Hán văn bị bỏ hẳn. Tạp chí lúc này có thêm nhiều tranh ảnh hơn trước.

Có thể thấy, trong giai đoạn đầu, nhóm tác giả Nam Phong hầu hết là các nhà nho cựu học. Giai đoạn thứ hai và thứ ba là giai đoạn đặc sắc nhất bao gồm những trí thức bán cựu, bán tân. Giai đoạn cuối cùng, cây bút chủ lực ở lại Nam Phong phần lớn là những người Tây học.

Sự thay đổi trong thành phần tham gia nhóm bút có tác động đến các tư tưởng được đưa ra tranh biện trên Nam Phong tạp chí trong đó có vấn đề giáo dục.

Những cộng sự tích cực với Phạm Quỳnh trong giai đoạn đầu là Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Bá Học… đều là những nhà nho có tinh thần cấp tiến. Trong giai đoạn này, trên lĩnh vực giáo dục, Nguyễn Bá Học là cây bút

của những bài giảng luân lý đạo đức của thầy, trò, Nguyễn Hữu Tiến nổi tiếng với những bài khảo cứu về học thuật Tàu trong nền Hán học suy vong.

Trong những giai đoạn tiếp theo, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Đôn Phục, Lê Dư là những tên tuổi quen thuộc trong tranh luận về vấn đề quốc học.

Nam Phong tạp chí là một trong những nơi trí thức tân học gửi gắm nhiều nỗi trăn trở nhất với thời đại, khi xã hội Việt Nam bước sang một giai đoạn mới dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Từ “Mấy nhời nói đầu”, Phạm Quỳnh đã nhấn mạnh vào trọng tâm giáo dục của Nam Phong: “Cái mục đích của bản báo là muốn gây dựng một nền học mới để thay thế vào cái nho học cũ, cùng đề xướng lên một cái tư trào mới hợp với thời thế cùng trình độ dân ta. Cái tính cách của của sự học vấn cùng với cái tư trào mới ấy là tổ thuật cái học vấn tư tưởng của Thái Tây, nhất là của Đại Pháp mà không quên cái quốc túy trong nước.” (tr.5)

Trải trên 210 số báo Nam Phong, tiếng nói của trí thức về vấn đề giáo dục vẫn đều đặn cất lên. Đó là những trăn trở về hiện trạng của nền giáo dục đương đại, lúc Nho học đã hết thời và Tây học cũng chẳng thành hình. Nó là những đóng góp xây dựng cho nền quốc văn, quốc học bằng việc xây dựng các bộ từ điển, tạo danh từ mới, luyện thành câu văn quốc ngữ. Tờ tạp chí cũng chuyển tải những kiến nghị, đề xuất để xây dựng một nền giáo dục dân tộc cho người Việt.

Tư tưởng của trí thức Việt Nam trên Nam Phong tạp chí thể hiện sự điều hòa mối quan hệ Đông - Tây. “Nếu không kể một số bài viết ca ngợi lợi ích của chế độ thuộc địa, thì tờ Nam Phong đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa ở Hà Nội trong vòng gần hai mươi năm. Tờ tạp chí này đăng

những bài viết có chất lượng cao nhằm phổ biến kiến thức văn học, lịch sử, tôn giáo, ngôn ngữ, bản dịch các tác phẩm văn học nước ngoài và những bài thơ mang phong cách mới. Nam Phong cũng là nơi gặp gỡ những nhà nho theo tư tưởng tiến bộ và các trí thức Tây học. Là cầu nối giữa hai thế hệ trí thức này” [22, tr.261]. Những giá trị của Nho học truyền thống chưa bao giờ bị chối bỏ và những yếu tố tích cực của giáo dục phương Tây, nhất là vấn đề phương pháp được giới trí thức đón nhận rất nhiệt thành.

Theo nhà sử học Nhật Tsuboi thì một trong những đòi hỏi cấp bách nhất đặt ra với nhiều nước ở phương Ðông hồi cuối thế kỷ XIX là phải “tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển một kiểu tư duy khả dĩ thức tỉnh ý thức dân tộc trước sự bành trướng của phương Tây”. Và để đáp ứng đòi hỏi đó, ở Nhật Bản người ta đã đưa ra khẩu hiệu “Hoà hồn dương tài”, ở Triều Tiên có “Ðông đạo tây khí”, ở Trung Quốc có “Trung thể tây dụng”. Bằng cách diễn tả khác nhau, các khẩu hiệu đó có phần cốt lõi giống nhau: đó là những cố gắng của trí thức mỗi nước nhằm tìm cách hoà hợp văn hoá Ðông - Tây và tạo cho đất nước một sự thích ứng với hoàn cảnh. Trong khi đó ở Việt Nam, một mặt do Việt Nam bảo thủ hơn các nước theo Nho giáo khác nên đã không thấy có một khẩu hiệu tương tự. Đây chính là một trong những lý do khiến đất nước ta rơi vào tay bọn xâm lược, còn xã hội thì trượt dài trong một cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Mặt khác, một trong những đặc điểm của văn hoá Việt Nam là thói quen dung hoà, tức là khả năng chấp nhận những ảnh hưởng xa lạ với mình, thích ứng với hoàn cảnh mới để tồn tại. Bởi vậy, tuy không có những khẩu hiệu rõ ràng tức là không được đưa lên phương diện ý thức, song sự tiếp nhận văn minh phương Tây vẫn cứ ngấm ngầm xảy ra, dần dà tự phát mà xảy ra, cái tinh thần thấy ở các khẩu hiệu nói trên ở Nhật Bản, ở Trung Hoa, vẫn là

điều được thực hiện ở Việt Nam. Những nỗ lực “tuỳ tâm Âu hoá” khởi đi từ các nhà nho trong Ðông Kinh Nghĩa Thục và Phan Chu Trinh, đến những năm sau, càng được nhiều người thấy là phải và thành tâm tin theo. Nói như Trần Văn Giàu “Tư tưởng về sự điều hoà đạo đức phương Ðông với khoa học phương Tây để tạo cho Việt Nam một lớp thượng lưu mới, tạo cho Việt Nam điều kiện đi tới phú cường - tư tưởng đó trong những năm 20 và 30 khá là phổ biến trong các báo chí chứ không riêng gì trên Nam Phong. ”

Hơn 10 năm sau, nhóm Thanh Nghị còn đưa ra những nhận xét khái quát hơn. Trong bài viết mang tên “Nay và Mai” in trên báo Thanh Nghị số Tết 1944, Ðinh Gia Trinh cho rằng trong sự kết hợp Ðông - Tây, chính thái độ Nam Phong là ôn tồn và phải chăng hơn cả. Qua thời Tự lực, vẫn theo Ðinh Gia Trinh, người ta đột ngột đi tới sự khinh miệt cái di sản tinh thần của nước nhà sự ca tụng quá đáng và thiết tha những cái gì Âu Tây mang lại (thời kỳ Phong hoá, Ngày nay). Về phần mình nhóm Thanh Nghị không giấu diếm ý đồ trở lại sự tôn trọng những di sản của đất nước, những tinh tuý của văn minh Á Đông. Đồng thời, họ tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải học nhiều ở Tây phương để đi tới sự thành công trong việc xây dựng một nền tư tưởng và một nền nghệ thuật Việt Nam xứng đáng. Có thể là Thanh Nghị vẫn không phục gì Phạm Quỳnh (nhất là lúc này Phạm Quỳnh đã vào triều làm quan) nhưng vô hình chung họ đã đến rất gần các mục tiêu của Nam Phong.

Trong khuôn khổ một nước bị trị, mặc dù các tư tưởng giáo dục tiến bộ được đề xuất công khai trên mặt báo nhưng ngành giáo dục vẫn không thể phát triển đường lối của một quốc gia chân chính.

Chƣơng 2: TIẾNG NÓI CỦA TRÍ THỨC VIỆT NAM VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC QUA NAM PHONG TẠP CHÍ

2.1. Chính sách giáo dục của thực dân Pháp và phản ứng của trí thức Nam Phong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếp xúc văn hoá đông – tây trên lĩnh vực giáo dục qua nam phong tạp chí (1917 1934) (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)