8. Kết cấu của luận văn
1.2. Quá trình hình thành, phát triển Phật giáo Việt Nam
1.2.1. Giai đoạn từ thế kỷ I sau Công nguyên đến thế kỷ X
Phật giáo ra đời trên đất nước Ấn Độ vào thời kỳ văn hóa Vêđa, chủ nhân của nền văn hóa này là người Arian. Thời kỳ này, xã hội Ấn Độ có những bước chuyển biến quan trọng, là thời kỳ hình thành nhà nước hoàn chỉnh ở Ấn Độ.
Một trong những hoàn cảnh quan trọng của Ấn Độ, mà sau này cũng chính là một trong những tiền đề quan trọng cho sự ra đời đạo Phật ở Ấn Độ, là sự xuất hiện đạo Bà la môn cùng với chế độ phân chia đẳng cấp khắc nghiệt. Xã hội Ấn Độ thời kỳ này phân chia thành bốn đẳng cấp khác nhau:
+ Bà la môn (Brahmanas), gồm giới tăng lữ của đạo Bà la môn, họ là những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp. Là đẳng cấp đứng cao nhất trong xã hội, được coi là cao quý nhất, trong sạch nhất, được sánh ngang với các thánh thần, hưởng mọi đặc quyền đặc lợi.
+ Sát đế lị (Vaisyas), gồm vua quan cai trị và tầng lớp võ sĩ.
+ Vệ xá là những người dân tự do, những người làm nông nghiệp, buôn bán, thợ thủ công
+ Thủ đà la: gồm những chiến binh bại trận trong các cuộc chiến tranh bị bắt làm tù binh, những người ở tầng lớp trên bị phá sản… Đẳng cấp Thủ đà la chiếm đại đa số và ở vị trí tận cùng của xã hội, làm nô lệ cho các tầng lớp khác.
Ngoài ra còn có đẳng cấp Pa ri a.
Sự phân chia đẳng cấp khắc nghiệt làm cho mâu thuẫn giữa các tầng lớp trong xã hội càng trở nên gay gắt. Trong hoàn cảnh đó, có nhiều trào lưu tư tưởng xuất hiện đều trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp và đạo Bà la môn đó. Phật giáo là một trong những trào lưu đó.
Sự ra đời đạo Phật còn gắn với tên tuổi Thái tử Tất Đạt Đa – người sáng lập đạo Phật. Thái tử Tất Đạt Đa là con vua Tịnh Phạm, trị vì một vương quốc nhỏ là Ca tỳ la vệ. Tương truyền khi sinh ra ở vườn Lâm tì ni, vào một đêm trăng tròn, ông được chín con rồng phun nước tắm, ông bước đi bảy bước, mỗi bước là một đài sen hiện ra. Ngay từ nhỏ ông đã được chiều chuộng, sống cuộc sống xa hoa, tránh xa mọi ưu phiền, khổ nhọc.
Lý do dẫn đến bước ngoặt trong tâm hồn Tất Đạt Đa là khi ông nhìn thấy những cảnh khổ đau ở bốn cửa ra vào hoàng cung. Năm 29 tuổi, ông rời bỏ cung điện nguy nga, từ chối giàu sang để trở thành một người ẩn tu. Một thời gian dài tu khổ hạnh, ông vẫn không tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn, ông đi vào tư duy trí tuệ. Sau 49 ngày thiền định dưới gốc cây Bồ đề, cuối cùng ông đã ngộ được đạo, đạt được đến chân lý. Từ đó, ông đi nhiều nơi giảng đạo và có biệt hiệu là Thích Ca Mâu Ni, gọi là Buddha.
Kinh sách của Phật giáo rất nhiều, được chia thành ba loại, gọi là Tam Tạng kinh điển (Tripitaka), gồm Kinh – Luật – Luận.
+ Kinh tạng: những sách ghi lại những lời Phật dạy về giáo lý
+ Luật tạng: những sách ghi lại những giới luật do Phật chế định để hướng dẫn việc tu tập.
+ Luận tạng: những sách giải nghĩa về kinh và luật.
Giáo lý Phật giáo cho rằng thế giới là thế giới vật chất, luôn luôn chuyển động và biến đổi, vô thủy, vô chung, không có bắt đầu, không có kết thúc. Sự vận động đó đi theo chu trình: thành – trụ - hoại – không hay sinh – trụ - dị - diệt. Các hiện tượng trong vũ trụ chuyển động, biến đổi đều bị chi phối bởi quy luật nhân duyên. Sự biến đổi của thế giới không phải do đấng siêu hình nào tạo nên, hay sức mạnh bên ngoài nào chi phối mà là do “tự nó”, “tự kỷ nhân quả”. Sự vật, hiện tượng mà con người nhận biết qua thần sắc, hình tướng chỉ là giả tạo, không có thực tướng. Hay nói cách khác, đối với con người, thế giới khách quan đang tồn tại chỉ là cái hư ảnh, không có thực.
Quan niệm về con người, Phật giáo cho rằng, con người không phải do Thượng đế hay Đấng Thiêng liêng nào sinh ra. Con người là một pháp “đặc biệt” của thế giới vạn pháp. Con người bao gồm hai phần: sinh lý và tâm lý và là sự kết hợp của Ngũ uẩn.
Con người cũng như mọi sự vật, hiện tượng khác trong vũ trụ phải tuân theo quy luật sinh – trụ - dị - diệt. Khi Ngũ uẩn kết hợp lại thì gọi là sinh, Ngũ uẩn tan rã ra thì gọi là diệt. Phật giáo cho rằng con người chết chưa phải là hết, mà sau khi chết có linh hồn bất tử tiếp tục đầu thai vào kiếp khác. Kiếp sau là sự nối tiếp của kiếp trước theo quy luật nhân quả luân hồi.
Một trong những nội dung rất căn bản của giáo lý Phật giáo khi lý giải về con người là lý thuyết về “khổ” và con đường cứu khổ, được thể hiện bằng thuyết “Tứ diệu đế” – bốn chân lý huyền diệu nhất, cắt nghĩa bản chất của nhân sinh, nguyên nhân gây ra đau khổ và con đường khắc phục sự đau khổ. Con người có bản chất nhân sinh là khổ, nổi khổ là do con người tự tạo nên và có tám loại khổ: sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, sở cầu bất đắc khổ, ái biệt ly khổ, oán tăng hội khổ, ngũ uẩn xí thịnh khổ. Nguyên nhân của sự khổ là do “Thập kết sử”: tham lam, giận dữ, si mê, kiêu ngạo, nghi ngờ, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Ngoài ra, lý giải nguyên nhân của sự khổ đau, sách Phật còn dùng lý thuyết “Thập nhị nhân duyên”, trong đó đặc biệt chú ý đến “vô minh” – nguồn gốc sâu xa tạo ra sự khổ của con người. Đời là bể khổ. Khổ đau là vô tận. Con người ai cũng mong được sống hạnh phúc, an vui, tức là diệt được khổ, diệt hết những nguyên nhân gây đau khổ để được giải thoát. Phật giáo chỉ ra con đường tu dưỡng để được giải thoát: có tám con đường lớn là “Bát chính đạo” trong Đạo đế: Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tịnh tiến, chính niệm, chính định. Cứu khổ, thoát khổ chính là nội dung chính, là chủ đích của giáo thuyết Phật giáo, như Đức Phật từng nói: Cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn, học thuyết của ta chỉ có một vị là giải thoát.
Phật giáo ra đời với hệ thống giáo lý sâu sắc, luật lệ, lễ nghi lại đơn giản, không rườm rà, tốn kém nên ngay từ đầu nó đã được đông đảo quần chúng nhân dân lao động đón nhận. Nó phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ ở khoảng triều đại Maurya (từ năm 321 – 187 TCN), đặc biệt dưới triều vua A Dục, Phật giáo trở thành quốc đạo của một quốc gia rộng lớn. Sau đó, trải qua thời gian, Phật giáo dần suy vi, đến cuối thế kỷ VII, Phật giáo chỉ giữ vị trí thứ yếu trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa của xã hội Ấn Độ. Phật giáo suy vi ở Ấn Độ nhưng lại mở rộng và phát triển mạnh mẽ ra bên ngoài như Trung Quốc, Tây Tạng, Myama, Xrilanca… Song quá trình truyền bá rộng rãi này cũng kéo theo đó là sự phân hóa Phật giáo thành hai phái lớn: Phật giáo Tiểu Thừa và Phật giáo Đại Thừa (Bắc Tông và Nam Tông
Phật giáo truyền bá ra bên ngoài lãnh thổ sinh ra nó, để đến với mỗi một vùng đất mới, mỗi một khu vực khác nhau nó lại có những bước đi khác nhau, cách thức khác nhau, sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Nhưng nó đều có những nét chung mà Nguyễn Thanh Xuân đã tổng kết trong Một số tôn giáo ở Việt Nam [77], những nét chung ấy có thể coi là đặc điểm của quá trình truyền bá Phật giáo:
- Phật giáo truyền bá bằng con đường “hòa bình”, kết hợp hình thức truyền đạo trực tiếp qua các giáo đoàn với hình thức dân gian một cách đa dạng. Không thấy việc Phật giáo truyền đạo bằng chiến tranh.
- Quá trình truyền bá Phật giáo không gây ra xung đột về tôn giáo, văn hóa, tư tưởng. Phật giáo chấp nhận chung sống với các tín ngưỡng, tôn giáo nơi nó truyền đến, theo tinh thần “tùy duyên phương tiện”. Trong quá trình truyền giáo, Phật giáo còn tiếp thu những yếu tố của các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nên Phật giáo mang tính địa phương.
- Phật giáo truyền đến, tồn tại và phát triển đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ dân tộc, xây dựng nền đạo đức, văn hóa, lối sống… ở nhiều quốc gia Châu Á.
Theo tác giả Nguyễn Cao Thanh trong “Khái lược Phật giáo Việt
Nam” [65] thì hiện nay Phật giáo là tôn giáo lớn trên thế giới, với số lượng
khoảng trên 325 triệu tín đồ thuần thành – Quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), trong khoảng hơn 1 tỷ người chịu ảnh hưởng của Phật giáo về văn hóa, đạo đức, tâm lý, lối sống. Phật giáo đang phát triển mạnh ở khắp các Châu lục: số lượng tín đồ Phật giáo ở Châu Á: 322,00 triệu; Châu Âu: 1,20 triệu; Châu Mỹ: 2 triệu; Châu Úc: 0,50 triệu. Một số quốc gia tiêu biểu: Trung Quốc: 74,23 triệu; Nhật Bản: 48,17 triệu; Thái Lan, 57,57 triệu, Srilanka: 14,00 triệu….
Việt Nam là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam châu Á. Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm, quá trình truyền bá Phật giáo vào Việt Nam cũng có những đặc điểm chung của quá trình truyền bá Phật giáo trên thế giới và nó cũng có những đặc điểm riêng do hoàn cảnh chính trị, văn hóa, xã hội, tư tưởng rất riêng của Việt Nam.
Có nhiều ý kiến khác nhau về thời gian Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Có những ý kiến tán thành quan điểm là Phật giáo vào Việt Nam khoảng thế kỷ I, II sau Công Nguyên, cũng có ý kiến cho rằng Phật giáo vào Việt Nam sớm hơn thời gian đó. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học đồng ý với quan điểm cho rằng: Phật giáo vào Việt Nam từ những năm đầu Công Nguyên và chắc chắn rằng khoảng thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên, Phật giáo đã là một tôn giáo thịnh hành ở nước ta. Khi ấy, Luy Lâu đã là một trung tâm tôn giáo hình thành sớm nhất trong khu vực, trước cả các trung tâm khác của Trung Quốc như Bình Thành hay Lạc Dương. Luy Lâu lúc đó
đã là một trung tâm Phật giáo hoàn chỉnh với số lượng khoảng 500 tăng sĩ, 20 chùa và đã dịch được 15 bộ kinh.
Thời kỳ đầu, Phật giáo vào Việt Nam chủ yếu qua đường biển, trực tiếp từ Ấn Độ sang, cùng với các thương nhân thông qua sự giao lưu buôn bán của người Ấn Độ và người Việt. Thời kỳ này người Việt tiếp nhận Phật giáo một cách trực tiếp. Có thể kể đến một số tăng sĩ Ấn Độ và Trung Á sang Việt Nam truyền giáo như: Ma Ha Kỳ Vực (Marajavaka), Khưu Đà La (Ksudara), Khương Tăng Hội, Chi Lương Cương, Đạt Ma Đề Bà… Đến thế kỷ thứ V, Phật giáo đã có mặt ở nhiều nơi trên đất Việt, đã xuất hiện nhiều nhà sư Việt Nam danh tiếng như Huệ Thắng, Đạo Thiền, Đạo Cao, Pháp Minh… Không chỉ nổi tiếng trong nước, thậm chí nhiều nhà sư còn được mời sang Trung Quốc thuyết pháp như Huệ Thắng, Đạo Thiền…
Phật giáo du nhập vào Việt Nam chủ yếu theo đường biển, một phần khác là theo đường bộ, trong bối cảnh nước ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Ở giai đoạn từ thế kỷ VI đến thế kỷ X, ảnh hưởng của các nhà truyền giáo Ấn Độ giảm dần, thay vào đó là ảnh hưởng của các nhà truyền giáo Trung Quốc tăng lên. Các phái thiền Trung Quốc lần lựợt du nhập vào Việt Nam.
- Phái Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) vào Việt Nam khoảng năm 580, do nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đưa sang Việt Nam, ông tu tại chùa Pháp Vân. Phái thiền này ở Việt Nam có 18 đời với 29 vị Đại sư.
- Phái Thiền Vô Ngôn Thông vào Việt Nam năm 820. Vô Ngôn Thông sang Việt Nam tu ở chùa Kiến Sơ. Phái thiền này ở Việt Nam có 15 đời với 40 vị Đại sư.
Phật giáo truyền bá vào Việt Nam trong mười thế kỷ, trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược và đô hộ. Khi ấy, các loại hình tín ngưỡng dân gian, bản địa ở Việt Nam (thờ Thần Tự nhiên, thờ Tổ tiên…) đã phát triển
khá mạnh mẽ. Nhưng người Việt vẫn chấp nhận và dần bản địa hóa Phật giáo phù hợp với văn hóa dân tộc. Phật giáo đã tạo ra đựợc những ảnh hưởng trong nhân dân và có sự chuẩn bị cho sự phát triển mới trong giai đoạn đất nước độc lập tự chủ.
Như vậy, nhìn chung ta thấy với tư tưởng khoan dung, từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha… Phật giáo truyền vào Việt Nam cũng như những nước khác một cách êm thấm, bằng con đường hòa bình, thực hiện đúng tinh thần, chủ trương “tùy duyên phương tiện”, “tùy khế cơ, khế lý”…