8. Kết cấu của luận văn
2.2. Điều kiện phát triển Phật giáo Việt Nam hiện nay
2.2.1. Quan điểm Đảng và Nhà nước
Trên thế giới hiện nay, các tôn giáo có xu hướng tiếp tục điều chỉnh, thích nghi và mở rộng ảnh hưởng. Tình hình tôn giáo và dân tộc ở nước ta và trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế, để đảm bảo cho sự ổn định của thể chế chính trị của mình, các quốc gia đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc hoạch định cũng như tổ chức thực hiện chính sách đối với tôn giáo.
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, đời sống tín ngưỡng tôn giáo rất đa dạng và phức tạp. Chính vì vậy ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có thái độ, quan điểm rõ ràng về tín ngưỡng, tôn giáo. Chính sách cơ bản đối với tôn giáo ở Việt Nam là: tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và đoàn kết tôn giáo. Để đáp ứng yêu cầu quá trình đổi mới, tiếp tục phát huy lòng yêu nước và tạo điều kiện phát triển mọi tiềm năng, trí tuệ của đồng bào có đạo trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ năm 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản thể hiện chủ trương, chính sách về tôn giáo.
Ngày 16/10/1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 24 – NQ/TW về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, đã ghi dấu son về sự đổi mới đường lối, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó có ba quan điểm
quan trọng nhất đó là “Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới” [trích theo 52, tr.188] Ngày 21/3/1991, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 69 – HĐBT quy định về hoạt động tôn giáo.
Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 cũng nêu rõ: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” [27, tr.159].
Ngày 2/7/ 1998, Bộ chính trị ra Chỉ thị số 37 – NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới, trong đó có nguyên tắc: “Những hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được đảm bảo. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy” [34, tr326]. Ngày 19/4/1999 Thủ tướng chính phủ ban hành Nghi định 26/1999/ NĐ – CP về các hoạt động tôn giáo.
Ngày 12/3/2003, Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 25 – NQ/TW về công tác tôn giáo, trong đó nêu ra năm quan điểm chính sách đối với tôn giáo: Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác
đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Ngày 29/6/2004 Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký lệnh công bố Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc Hội thông qua.
Ngày 1/3/2005 Chính phủ ban hành nghị định số 22/2005 NĐ – CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngày 04/2/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 01/2005/ CT – TTg về một số công tác đối với đạo Tin Lành.
Như vậy, nhờ đường lối đổi mới về tôn giáo của Đảng và Nhà nước nên mối quan hệ Nhà nước và các tôn giáo cởi mở hơn, các tôn giáo ở Việt Nam nói chung và Phật giáo nói riêng được tự do hoạt động trong khuôn khổ của Pháp luật, các tôn giáo có cơ hội phát huy những hoạt động có ích của mình, cơ sở thờ tự, hoạt động hợp pháp của các tôn giáo được nhà nước đảm bảo. Các tôn giáo được phát triển trong môi trường công bằng, lành mạnh. Những tín đồ và chức sắc tôn giáo phấn khởi, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, tạo ra xu thế những người có tôn giáo đồng hành với dân tộc, tán thành và tham gia công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Như vậy có thể khẳng định, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam với tôn giáo đã tạo điều kiện cho nhu cầu tâm linh của quần chúng tín đồ có điều kiện thỏa mãn, làm cho tôn giáo phát triển, trong đó có Phật giáo.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo là bình đẳng, không phân biệt tôn giáo. Tuy nhiên mỗi tôn giáo lại có đặc điểm riêng của mình nên Đảng và Nhà nước ta cũng có những ứng xử phù hợp đối với mỗi tổ chức tôn giáo. “Chính nội dung thần học làm cho tôn giáo này khác tôn giáo kia. Và sản phẩm của nó là các định chế giáo hội, các sinh hoạt tín ngưỡng và thành phần tín đồ, do đó cũng khác nhau. Vì vậy mà hành lang pháp lý và các chính sách tôn giáo phải đủ độ linh động
và sắc sảo để ứng xử với các tôn giáo một cách khác nhau” [15, tr88]. Trong số khoảng 80 tôn giáo có mặt ở Việt Nam hiện nay, Phật giáo có nhiều điểm khác biệt so với tôn giáo khác. Phật giáo là tôn giáo có lịch sử du nhập, tồn tại ở Việt Nam lâu đời nhất so với các tôn giáo khác nên đã bén rễ sâu và có ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa, tư tưởng của nhân dân. Có số lượng tín đồ đông nhất, nhưng lại chưa bao giờ gây ra chiến tranh tôn giáo hay xung đột ý thức hệ, mà ngược lại còn có công hộ quốc an dân, luôn đồng hành cùng dân tộc… Căn cứ vào những đặc điểm rất riêng đó, Đảng và Nhà nước ta có những chính sách ứng xử thích hợp với Phật giáo qua từng giai đoạn lịch sử.
Nhà nước ta luôn chú trọng công tác hướng dẫn, giáo dục tăng ni, Phật tử tinh thần yêu nước, đoàn kết và tôn trọng pháp luật, đồng thời chăm sóc đời sống vật chất cho tăng ni. Ngay từ những năm 1960, đã có Chỉ thị số 217 0 CT/TW (ngày 9/7/1960) của Ban Bí thư về công tác đối với Phật giáo, trong đó khẳng định “tăng cường việc giáo dục tăng ni và giúp đỡ tăng ni về đời sống”. Trên thực tế, hiện nay, hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức mở các lớp ngắn hạn để tuyên truyền, giáo dục tăng ni về chính sách, pháp luật, tình hình, nhiệm vụ của đất nước, âm mưu thủ đoạn của các thế lực lợi dụng Phật giáo chia rẽ giáo hội, chống phá đất nước.
Trong Thông báo số 37, ngày 24/ 9/1968 của Thường vụ Hội đồng chính phủ cũng đề cập đến vấn đề đời sống của tăng ni: “phải chú ý chăm sóc đời sống của tăng, ni, phải có biện pháp thiết thực giúp đỡ họ về cơ sở vật chất để họ có thể sản xuất tự túc ổn định đời sống” [trích theo 15, tr92].
Năm 1973, Chỉ thị số 88 – TTg, ngày 26/4/1973 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành chính sách đối với việc bảo vệ các chùa thờ
Phật và đối với tăng ni cũng đã thể hiện rõ nét sự quan tâm, quan điểm ứng xử của Nhà nước ta với Phật giáo.
Đáp ứng nguyện vọng của quần chúng Phật tử và Tăng ni, Đảng và Nhà nước có chủ trương giúp đỡ Phật giáo thống nhất trong một tổ chức chung và hướng dẫn công tác xây dựng đường hướng hành đạo và xây dựng bộ máy hành chính đạo. Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để thành lập Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam ở miền Bắc, trước năm 1975. Sau đó Nhà nước Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện về cả mặt vật chất và tinh thần, tổ chức để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Mà như tác giả Nguyễn Hồng Dương đánh giá: Nhà nước có “vai trò trợ duyên” trong việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thể hiện trong Thông tri số 136 – TT/TW, ngày 30/9/1981 của Ban Chấp hành Trưng ương Đảng về chủ trương thống nhất các tổ chức Phật giáo để thành lập tổ chức chung cả nước có viết: “Ban Bí thư chủ trương cho tiến hành Hội nghị Đại biểu các tổ chức và hệ phái Phật giáo để thành lập tổ chức Phật giáo chung cả nước” [trích theo 15, tr103]. Nhà nước cũng đã công nhận tư cách pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Cho phép thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt nam là tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong và ngoài nước”. Nhà nước cũng phê chuẩn Hiến chương, công nhân giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, công nhận Ban Lãnh đạo của Giáo hội, Nhà nước tạo điều kiện để Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng bộ máy hành chính đạo các cấp.
Nhà nước giải quyết các công việc về sửa chữa, cải tạo cơ sở thờ tự, hướng dẫn các hoạt động tôn giáo thường xuyên đúng pháp luật, tạo điều kiện cho tăng ni, Phật tử yên tâm. Chính quyền Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ xây dựng hai văn phòng Trung ương của Phật giáo,
giúp đỡ tổ chức các kỳ Đại hội Phật giáo, các ngày lễ có tính quốc tế rộng lớn (như Đại lễ Phật Đản…), các ngày kỷ niệm…
Qua sự phân tích trên đây, ta thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng phát triển trong khuôn khổ pháp luật. Chính những chính sách mềm dẻo, linh hoạt, cởi mở với tôn giáo nói chung, thái độ ứng xử “phù hợp” với đặc điểm cụ thể của Phật giáo nói riêng đã tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển hiện nay ở Việt Nam. Hơn thế nữa, những chủ trương chính sách này cũng đã tạo hành lang cho Phật giáo phát triển đúng hướng, tuân thủ đúng những quy định của Pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, tránh đi ngược lại lợi ích của nhân dân, thực hiện đúng phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII có viết: “Đường lối đổi mới, cũng như chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tự do tín ngưỡng, sự quan tâm hỗ trợ sâu sắc của các cơ quan lãnh đạo ở Trung ương và địa phương, Giáo hội đã có nhiều thuận duyên để tiếp tục phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc, theo hướng phát triển chung của thời đại” [18, tr50].