II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA TRỌNG TÀI VÀ TÒA ÁN TRONG VIỆC GIẢ
2.2.2.1. Xem xét thẩm quyền của Hội đồng trọng tài
Trong quá trình tố tụng trọng tài, chúng ta thường gặp trường hợp một bên phủ nhận thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Đối với hoàn cảnh này, pháp luật hiện nay theo hướng Hội đồng trọng tài tự giải quyết bất đồng giữa các bên về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài .
Khi Hội đồng trọng tài ra quyết định về thẩm quyền của mình (có thẩm quyền hay không có thẩm quyền), một bên có quyền yêu cầu Tòa án can thiệp để xem xét lại vấn đề thẩm quyền
của Hội đồng trọng tài không? Ở Pháp, Tòa án không can thiệp vào chủ đề này và chỉ tập trung giám sát kết quả của hoạt động trọng tài (tức tập trung vào xem xét sau khi có phán quyết trọng tài). Pháp luật của chúng ta theo hướng rất khác. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại, “trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 43 của Luật này (Xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài), trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài”.
Điều đó có nghĩa là, trong hoạt động tố tụng trọng tài, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền xem xét lại Quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Quy định trên hiển nhiên được áp dụng cho Trọng tài Việt Nam và, theo quyết định nêu trên của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, cũng được áp dụng cho Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Ở đây, trên cơ sở “Điều 43 và Điều 44 Luật Trọng tài thương mại”, Tòa án quyết định “Hội đồng trọng tài Quốc tế ICC không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Công ty OB và UBND Thành phố H” (việc Tòa án xác định Hội đồng trọng tài của ICC không có thẩm quyền cho thấy Tòa án có thẩm quyền xem xét thẩm quyền của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam).