LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÀI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA TRỌNG TÀI VÀ TÒA ÁN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ (Trang 41 - 43)

II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA TRỌNG TÀI VÀ TÒA ÁN TRONG VIỆC GIẢ

2.1. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÀI VIỆT NAM

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, trọng tài thương mại, với tư cách là một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài toà án, đã và đang góp phần không nhỏ vào sự ổn định của hoạt động thương mại trên thế giới. Ở nước ta, tiến trình hình thành và phát triển của trọng tài thương mại được thể hiện qua ba giai đoạn chủ yếu: giai đoạn sơ khai (trước năm 2003), giai đoạn chuyển tiếp (năm 2003 – 2010) và giai đoạn hội nhập (năm 2010 – nay).

So với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trọng tài thương mại Việt Nam trải qua quá trình phát triển đặc thù. Mặc dù chế định này du nhập vào hệ thống pháp luật nước ta từ cuối thế kỷ XIX, do bối cảnh xã hội đương thời không thuận lợi nên về cơ bản, trọng tài không

có tác động đáng kể đến xã hội Việt Nam trong giai đoạn này. Tuy nhiên, những sự kiện lịch sử diễn ra giữa thế kỷ XX đã làm thay đổi vận mệnh quốc gia, trong đó có hệ thống pháp luật. Cùng với đó, các tổ chức trọng tài kinh tế được hình thành. Ngoài ra, còn song song tồn tại trọng tài phi chính phủ với hai cơ quan là Hội đồng trọng tài ngoại thương và Hội đồng trọng tài hàng hải Việt Nam, sau này được sáp nhập thành Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 204/TTg ngày 28/03/1993 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 1995, Việt Nam gia nhập Công ước New York, đánh dấu sự cải thiện đáng kể môi trường pháp lý nhằm tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong giai đoạn sơ khai, không có một luật về trọng tài thống nhất điều chỉnh hệ thống trọng tài trong nước và trọng tài quốc tế. Thêm vào đó, quyết định giải quyết tranh chấp của trọng tài không được bảo đảm thi hành. Vì thế, mô hình trọng tài thương mại chưa thực sự đạt được những thành tựu đáng kể trên hành trình tiếp cận những chuẩn mực của trọng tài thương mại hiện đại.

Ngày 25/02/2003, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại, thể hiện nỗ lực hội nhập to lớn của Việt Nam cũng như đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình phát triển của pháp luật trọng tài ở nước ta. Pháp lệnh mang ý nghĩa quan trọng về mặt điều chỉnh pháp luật, là nền tảng pháp lý cho trọng tài Việt Nam tiếp cận, hoà nhập với xu hướng chung của nền tài phán trọng tài quốc tế. Tiêu biểu, Pháp lệnh đã xác định phạm vi cụ thể thẩm quyền của trọng tài bằng cách liệt kê các loại việc trọng tài được giải quyết, đưa ra cơ chế xác định hiệu lực pháp lý của thoả thuận trọng tài, quy định chặt chẽ quy trình tố tụng, xác định rõ những nguyên tắc quan trọng nhất phù hợp với thông lệ trọng tài trên thế giới cũng như quy định sự hỗ trợ của toà án đối với trọng tài và xác lập giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài. Tuy có nhiều điểm tiến bộ, qua hơn sáu năm áp dụng và cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, một số quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ bất cập và không còn phù hợp với tình hình mới như việc xác định không rõ ràng phạm vi giải quyết tranh chấp và chủ thể được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nhiều thiếu sót trong chế định về thoả thuận trọng tài, vai trò hỗ trợ mờ nhạt của toà án, căn cứ huỷ phán quyết trọng tài quá rộng. Mặc dù vậy, Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng mang tính chuyển tiếp trong tiến trình phát triển của pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại.

Bước vào giai đoạn mới, Luật Trọng tài thương mại 2010 được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2010 và chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2011, gồm 13 chương và 82 điều, thể hiện sự đột phá của pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam, cụ thể như đã khắc phục việc phân định không rõ ràng phạm vi thẩm quyền của trọng tài đối với các tranh chấp thương mại, giới hạn các tình huống làm thoả thuận trọng tài vô hiệu đồng thời quy định hướng giải quyết khi thoả thuận trọng tài không rõ ràng, lần đầu tiên có điều khoản bảo vệ người tiêu dùng trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, cho phép trọng tài viên là người nước ngoài cũng như nội luật hoá các cam kết quốc tế của Việt Nam về dịch vụ trọng tài. Ngoài ra, luật cũng xác định rõ mối quan hệ giữa trọng tài với toà án trong quá trình giải quyết tranh chấp, mở rộng thẩm quyền của Hội đồng trọng tài và tiếp thu nguyên tắc cấm hành vi mâu thuẫn trong tố tụng. Từ đó, Luật Trọng tài thương mại 2010 bảo đảm sự tương thích giữa các văn bản pháp luật hiện hành, nâng cao khả năng tính khả thi trong thực tế và tiến đến gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế. Và ngày 28/7/2011 Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trọng tài thương mại 2010.

Nhờ những cải cách trên, trong những năm qua, số vụ tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài mà tiêu biểu là tại VIAC tăng liên tục, từ 18 vụ / năm trong giai đoạn 1993 – 2003 lên 42 vụ / năm trong giai đoạn 2004 – 2010. Đội ngũ trọng tài viên cũng không ngừng được mở rộng. Sáu tháng đầu năm 2012, VIAC đã kết nạp thêm 37 trọng tài viên, trong đó có 12 trọng tài viên nước ngoài, nâng tổng số trọng tài viên của Trung tâm lên 151 người, tăng gần 30% so với năm 2009. Tuy nhiên, bức tranh về trọng tài thương mại tại Việt Nam chưa thật sự khởi sắc khi phương thức này chỉ giải quyết khoảng 11% tổng số tranh chấp thương mại. Số vụ tranh chấp mà VIAC thụ lý trong năm 2011 là 83, vẫn rất khiêm tốn nếu so với 188 vụ mà Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) giải quyết hay như Uỷ ban trọng tài Bắc Kinh là 1.500 vụ.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA TRỌNG TÀI VÀ TÒA ÁN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ (Trang 41 - 43)