Chương 3 : NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM
3.1. Nhận xét quá trình Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo phát triển sự
3.1.2. Hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, giáo dục phổ thông vẫn còn
những hạn chế, yếu kém cần khắc phục sau:
Một là, quy mô mạng lưới trường lớp còn thiếu tính hợp lý, quy hoạch chưa đồng bộ
Mặc dù hệ thống trường lớp của tỉnh Hòa Bình về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập văn hóa của người dân, nhưng tốc độ tăng trưởng về quy mô nhanh hơn tốc độ phát triển các điều kiện thực hiện nên chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng học sinh, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới việc phổ cập giáo dục bậc trung học. Việc phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa tốt, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chưa hoàn thành phổ cập bậc trung học vào năm 2010. Tâm lý bằng cấp nặng nề làm cho cấp trung học phổ thông vẫn tiếp tục mang nặng vai trò của một cấp học chuẩn bị cho bước vào đại học, cao đẳng.
Hai là, chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học còn bộc lộ hạn chế, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục
Chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học nhìn chung còn thấp, chưa đồng đều, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và so với mặt bằng chung cả nước. Công bằng trong giáo dục tuy từng bước được cải thiện, nhưng điều kiện học tập còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng lòng hồ sông Đà, vùng đồng bào dân tộc. Khoảng cách về trình độ giáo dục giữa các vùng trong tỉnh còn chậm thu hẹp. Công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông chuyển biến chậm, kết quả chưa cao.
Với giáo dục Tiểu học, do thiếu giáo viên ở một số môn học đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục nên việc thực hiện chương trình còn một số hạn chế. Việc dạy tiếng Anh ở một số trường chưa thực sự được quan tâm.
Đầu tư cơ sở vật chất cho trường học chưa đáp ứng yêu cầu của việc thay sách giáo khoa. Nhiều giáo viên còn lúng túng trong việc sử dụng đồ dùng, thiết bị và tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh.
Với giáo dục Trung học, biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh còn nặng về hành chính, mệnh lệnh, thiếu thuyết phục; một bộ phận nhỏ học sinh còn có biểu hiện thiếu hụt về nhận thức, thái độ, hành vi; một bộ phận nhỏ giáo viên chưa có chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động so với yêu cầu đổi mới sách giáo khoa; bài giảng chưa đi sâu vào tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học, kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học mới ở một số giáo viên còn yếu, nhiều giáo viên còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung và phương pháp dạy. Phân tích kết quả kiểm tra đánh giá qua các năm học cho thấy, số đông học sinh mới dừng ở nhận biết kiến thức theo kiểu ghi nhớ, tái hiện, số học sinh có khả năng phân tích tổng hợp còn ít, thường tập trung ở những học sinh khá, giỏi ở các trường chuyên, trường có chất lượng cao.
Ba là, đội ngũ giáo viên tăng lên về quy mô, nhưng chất lượng chưa đồng đều, công tác quản lý giáo dục vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế hiệu quả và chất lượng giáo dục
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới: Còn thiếu quy hoạch tổng thể đào tạo đội ngũ nhà giáo dẫn đến tình trạng đội ngũ nhà giáo vừa thừa, vừa thiếu (thừa giáo viên ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, thiếu giáo viên ở cấp trung học phổ thông), vừa không đồng bộ về cơ cấu; trình độ chuyên môn.
Năng lực sư phạm của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa mới; hiện tượng giáo viên dạy chéo môn vẫn còn. Đối với cấp trung học phổ thông còn thiếu nhân viên thư viện, nhân viên thiết bị và nhân viên văn phòng. Đội ngũ nhân viên thiết bị ở các đơn vị trường học hầu hết là giáo viên kiêm nhiệm. Nhìn chung một
bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông trong giai đoạn mới.
Tỷ lệ giáo viên có trình độ sau đại học trong các trường còn thấp. Một bộ phận giáo viên chưa tâm huyết với nghề, chưa thực sự có ý thức đổi mới về phương pháp, trau dồi về chuyên môn và chưa gương mẫu, chưa tích cực, sáng tạo và chủ động trong công việc và nhiệm vụ được giao, chưa có quy hoạch tổng thể về đội ngũ cán bộ quản lý, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, thiếu kinh nghiệm quản lý dẫn đến việc điều hành và quản lý nhà trường chưa được hiệu quả.
Bốn là, cơ sở vật chất trường học, kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia còn một số hạn chế
Dù đã có nhiều cố gắng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy được nâng lên một bước, song do quy mô giáo dục phát triển và những yêu cầu đổi mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa ngày càng cao, trong khi đó nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng đủ, đặc biệt với một số địa phương có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể huy động vốn khi triển khai xây dựng và mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học. Khuôn viên nhiều trường còn chật hẹp, sân chơi, bãi tập nhỏ, không đủ đất để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Quỹ đất dành cho các cơ sở giáo dục chưa đạt chuẩn quy định. Đồ dùng dạy học thiếu thốn, thư viện nghèo nàn, bàn ghế ở nhiều trường chưa đúng quy cách và chưa phù hợp với từng cấp học, ở một vài xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu phòng học, phải học nhờ. Vấn đề xây dựng phòng thí nghiệm, thư viện trường học còn nhiều hạn chế, bất cập. Mặc dù ngân sách Nhà nước có ưu tiên, song ở một tỉnh nền kinh tế phát triển chưa mạnh nên ngân sách của tỉnh chi cho giáo dục phổ thông còn hạn chế. Do đó, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên toàn tỉnh tiến hành không đồng đều ở các vùng, miền. Lãnh đạo ở một số nhà trường chưa quan tâm đến công tác xây
dựng trường chuẩn quốc gia, chưa chủ động, kịp thời khắc phục hạn chế trong từng tiêu chuẩn và chưa tham mưu với cấp trên trong công tác xây dựng bổ sung cơ sở vật chất. Vì vậy, số trường đạt chuẩn quốc gia đã tăng, song tỷ lệ còn thấp.
Lãnh đạo công tác xã hội hóa giáo dục trong việc huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục phổ thông được triển khai tốt, song cơ chế cụ thể về xã hội hóa còn chưa đầy đủ. Những quy định về đóng góp tài chính, kiểm soát thu chi ở một số trường còn chưa đảm bảo để nhân dân có thể yên tâm chia sẻ trách nhiệm và cùng tham gia phát triển giáo dục phổ thông. Sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các cơ quan về kinh phí cho các nhà trường còn hạn chế chủ yếu là động viên tinh thần. Việc triển khai liên kết ba môi trường giáo dục (Nhà trường - Gia đình - Xã hội) trong quản lý và giáo dục học sinh còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập.
* Nguyên nhân của hạn chế Nguyên nhân khách quan:
Hòa Bình là tỉnh miền núi, kinh tế, cơ sở vật chất, điều kiện địa lý, tự nhiên còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, tác động của nền kinh tế thị trường đem lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về giáo dục chưa đầy đủ; tâm lý khoa cử, sính bằng cấp, bệnh thành tích vẫn chi phối việc dạy, học và thi. Nhu cầu học tập của nhân dân và đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng cao trong khi khả năng đáp ứng của ngành giáo dục và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế.
Nguyên nhân chủ quan:
- Tư duy về quản lý giáo dục của các cơ quan quản lý, chỉ đạo còn chậm đổi mới, năng lực quản lý về giáo dục chưa đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình mới và chưa theo kịp với
những yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Việc quản lý chương trình, nội dung và chất lượng chưa tốt. Công tác thanh tra còn yếu, thiếu những biện pháp hữu hiệu để kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Việc phát hiện, xử lý và khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong ngành còn chậm, thiếu kiên quyết, kém hiệu quả.
- Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành ở địa phương và chưa có những quyết định đủ mạnh về chính sách, cơ chế và biện pháp tổ chức thực hiện tương xứng với chủ trương coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội.
- Nội dung giáo dục vừa thiếu, vừa yếu, nhiều phần chưa gắn với cuộc sống. Công tác giáo dục chính trị, đạo đức, nhân cách còn nhiều hạn chế. Công tác giáo dục hướng nghiệp bậc phổ thông chưa được chú ý đúng mức. Phương pháp giáo chậm được đổi mới, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Giáo dục chưa kết hợp chặt chẽ với lao động sản xuất. Các cấp, các ngành chưa có những quyết định đủ mạnh về chính sách, cơ chế và biện pháp tổ chức thực hiện.
- Một số chính sách được ban hành chưa đủ sức khuyến khích nghề dạy học, chưa huy động được giáo viên đến dạy ở những vùng khó khăn, chưa động viên giáo viên dạy giỏi và giáo viên có trình độ cao; tiền lương vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của giáo viên. Thiếu chính sách thu hút học sinh khá, giỏi vào học sư phạm; chưa có quyết định đủ mạnh thu hút người tài.
- Tỷ lệ ngân sách đầu tư cho giáo dục chưa thỏa đáng, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học của các trường nhìn chung còn thấp chưa được cải thiện. Cơ chế chính sách khuyến khích huy động các nguồn lực từ cộng đồng và các nhà đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia chưa có giải pháp thu hút hiệu quả. Cơ cấu chi ngân sách giáo dục chưa hợp lý, trong đó phần chi hoạt động chuyên môn không đáng kể.
Những hạn chế trên cần được ngành giáo dục đào tạo tỉnh Hòa Bình nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng quan tâm, khắc phục và giải quyết để đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh phát triển vững bước ở những giai đoạn tiếp theo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.