6. Cấu trúc luận văn
3.3. Kết cấu
3.3.2. Kết cấu lồng ghép
Đây là kiểu kết cấu mà cốt truyện hình thành nhờ hình thức lồng ghép, sắp xếp của nhiều câu chuyện nhỏ, nhiều sự kiện nối tiếp nhau xoay quanh một hạt nhân tính chất, một vấn đề cơ bản. Nhà văn đưa nhiều chuyện vào một truyện.Ma Văn Kháng sử dụng hai kiểu lồng ghép cơ bản: lồng ghép nối tiếp và lồng ghép song song.
Ở kết cấu lồng ghép nối tiếp, nhà văn liệt kê hàng loạt những câu chuyện nhỏ cùng mô tip, bản chất mỗi lúc một tăng cấp, mở rộng tạo nên lớp nội dung tư tưởng phong phú trong tác phẩm. Nhiều truyện ngắn của Ma Văn Kháng có thể kể bất tận: Seoly,kẻ khuấy động tình trường, Chị Thiên của tôi, Vòng quay cổ điển, Thầy Khiển, Nhiên,nghệ sỹ múa…Trong Chị Thiên của tôi, tác giả lần lượt liệt kê từng cuộc tình của chị Thiên với đủ loại đàn ông, từ ông bố vợ của anh bạn cũ – goá vợ đã năm năm - đến ông đương kim đại tá, rồi ông bác sĩ phụ khoa đã về hưu…Mỗi câu chuyện mỗi sự kiện đều na ná như nhau nhưng mức độ tăng dần để cuối cùng là chuyện quan hệ với anh chàng thợ nề bị mụ vợ anh ta đánh ghen man rợ. Trong Seoly,kẻ khuấy động tình trường cũng vậy. Câu chuyện là tập hợp của những câu chuyện tình kể về sự chiếm đoạt Seoly của tất thảy đám đàn ông háo sắc, trẻ có, già có, thường dân có, quan chức có: từ ông chủ tịch Giàng A Páo đến bí thư huyện uỷ Cư A Tráng...Càng những kẻ đến sau, càng những bậc trưởng giả, quan chức càng bị bỡn cợt, trêu ghẹo, càng thấy hiện lên sự xấu xa, thấp hèn, đê tiện của con người cũng như nỗi đau đớn cho thân phận những người đàn bà đẹp, cho cái đẹp đang bị chiếm đoạt. Cách liệt kê các câu chuyện, sự kiện cùng xoay quanh một vấn đề hạt nhân không hề khiến cho câu chuyện nhạt nhẽo, nhàm chán mà ngược lại, bởi nó xảy ra trong những hoàn cảnh đơn vị khác nhau
của nhân vật nên nó vẫn tạo được những bất ngờ với người đọc khi theo dõi truyện.
Ở kiểu kết cấu lồng ghép song song các câu chuyện nhỏ được đặt cạnh nhau, mở rộng phạm vi, đề tài nhờ lối liên hệ tạt ngang, liên tưởng linh hoạt của nhà văn. Nhờ sự liên hệ tạt ngang này mà các lớp nội dung, ý nghĩa ngày càng được mở rộng vượt ra ngoài sự việc chính được kể. Kiểu kết cấu lồng ghép song song làm cho người đọc không dễ nhận biết quan điểm của tác giả nên gợi trí tưởng tượng, khích lệ sự tìm tòi ở độc giả. Một số truyện ngắn tiêu biểu cho kiểu kết cấu này: Mảnh đạn, Ngẫu sự, Mất điện, Thanh minh trời trong sáng, Những người đàn bà, Thím Hoóng . Ở tác phẩm Thanh minh trời trong sáng, nhân vật trong truyện là những con người trong cùng một gia đình: chị Cả, Hoan, vợ Hoan, cậu Chương, cô Nhu và mẹ con người phụ nữ đi cùng xe ô tô. Truyện ngắn là sự gắn kết của những câu chuyện nhỏ xung quanh chuyện cả gia đình đi tảo mộ. Trên chuyến xe, họ nói đủ thứ chuyện: chuyện về cái chết, chuyện về mẹ con người phụ nữ… Và trong truyện còn xuất hiện những dòng suy nghĩ triền miên của Chương về cuộc đời, về sự sống và cái chết. Dù câu chuyện không có gì đáng nói, không có tình huống nổi bật, không có chi tiết ly kì, song tất cả các câu chuyện tưởng như vụn vặt, lẻ tẻ ấy lại đan cài, xen lẫn vào nhau và tập trung làm nổi rõ ý tưởng của nhà văn. Đây không phải là câu chuyện về gia đình họ Đinh đi tảo mộ, câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của chị Cả, chuyện về mối quan hệ giữa người sống và người chết… mà qua tất cả những chuyện đó, Ma Văn Kháng muốn đưa ra những suy nghĩ, triết lý về cuộc đời. Vấn đề của những người vợ, người con có chồng, cha hi sinh; vấn đề tìm hài cốt liệt sỹ; vấn đề chạy chức quyền của tay giám đốc nọ; vấn đề sự sống và cái chết… Chính nhờ kiểu kết cấu lồng ghép khiến cho cách thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm có chiều sâu nhất định, được soi chiếu ở nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau.
Truyện ngắn Bến bờ là sự lồng ghép của nhiều câu chuyện nhỏ xoay quanh chuyến trở về thăm mẹ, thăm quê của nhân vật Nhâm. Rất lâu rồi vì cuộc mưu sinh Nhâm phải tha hương nên cô không có dịp về thăm quê, thăm mẹ già. Hôm nay nghe tin mẹ ốm, cô quyết định trở về thăm nơi chôn rau cắt rốn. Về đến nơi cô mới chợt hiểu, con người ai cũng cần có bến bờ để neo đậu, có cội nguồn gốc gác để nương tựa tinh thần. Đó là tư tưởng chính của truyện. Song sự lồng ghép của nhiều câu chuyện nhỏ, chuyện của gia đình Nhâm, chuyện của bà giáo Phụng, chuyện của tên bán vé đò…khiến cho tư tưởng của truyện thêm phong phú, các lớp nội dung được mở rộng. Câu chuyện của bà giáo Phụng bị học trò hãm hại khiến chồng bà phải tự tử, gia đình tan vỡ, bà thì điên dại khiến người đọc nhức nhối, xót xa cho một thế thái đang phai lạt nhân tình. Chuyện thàng Bật dốt nát nhờ ô dù mà thăng quan tiến chức khiến chúng ta không khỏi trăn trở về một thực trạng chạy quyền trong xã hội hiện nay. Đó còn là chuyện của Kính, em trai Nhâm…Tất cả những câu chuyện ấy xen vào mạch cảm xúc của Nhâm như một nốt trầm buồn và gợi ra trong lòng người đọc nhiều ý nghĩa sâu xa về thế thái nhân tình.
Trong Mảnh đạn, nhân vật là những người trong một gia đình: người cha đã mất chỉ còn người mẹ già, anh con trai Lộc “năm mươi nhăm, trán trợt, cổ rụt, bụng sệ, lỗ mũi rộng, miệng dẩu tướng khỉ” giàu có, cô con dâu Liễu “kém chồng hai tuổi, vẻ hiền thê nếu không có cặp môi dưới dày hơn trên và hai cái vú to căng biểu hiện tình dục mãnh liệt hơn người” và người con út Tự “thằng điên ba mươi tuổi, choắt chéo, gai góc và tiêu điều”. Ngoài ra có một người liên quan đến Tự: người thầy xưa kia có đủ đức, tài nay cũng là người điên. Câu chuyện Mảnh đạn rất khó tóm tắt liền mạch, hệ thống chi tiết sự kiện. Truyện ngắn là sự gắn kết, đan xen của những câu chuyện nhỏ: chuyện “thằng điên lại đến” hò hét chửi rủa, đập phá trong sự sợ hãi của người mẹ,
chuyện Lộc to tiếng với mẹ, chuyện Tự trong nỗi nhớ của mẹ, chuyện thầy giáo Đức, chuyện Tự về nhà gặp Liễu và trận đòn chí tử của Lộc, cuối cùng là chuyện bà lão bắt đầu đi rong phố với bộ mặt ngẩn ngơ. Sự liên kết trong hàng loạt các chi tiết và sự kiệ ấy là mạch thời gian của cuộc đời Tự - là của thằng điên. Qua những câu chuyện nhỏ ấy, qua dòng suy nghĩ của người mẹ già nua, đau khổ, qua số phận của Tự và thầy giáo Quý, qua hành động ngôn ngữ của Lộc, người đọc xác định các tầng ý nghĩa trong tác phẩm. Đây là câu chuyện của người lính trở về hậu phương với mảnh đạn trong đầu và trở thành người tàn phế hoàn toàn theo đúng nghĩa của nó? Đây là tác phẩm thể hiện nỗi đau, sự mất mát của gia đình và xã hội vì những di chứng của chiến tranh? Đây là truyện ngắn gióng hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của tình nghĩa gia đình? là truyện ngắn viết về nỗi đau của người có tài, có tâm giữa dòng đời ô trọc?... Không trực tiếp đưa ra những lời bình luận nhưng đằng sau những chi tiết sự kiện, đằng sau ngôn ngữ, hành động của nhân vật, chúng ta thấy rõ quan điểm, ý tưởng của nhà văn. Theo chúng tôi chi tiết cuối thiên truyện là chi tiết bất ngờ và có nhiều ý nghĩa: bà lão kể về chuyện ngày đi bộ đội Tự đưa Liễu đến nhà để nhờ anh ruột “trông nom cô ấy hộ em” và rồi sau chiến tranh người anh yêu đã là chị dâu của mình. Chỉ cần một chi tiết, một tình huống cuối thiên truyện đã giải mã cho tất cả hành động của Tự, cho sự bất hạnh của người mẹ, cho sự nhẫn tâm của người anh. Thì ra Tự không phải chỉ phát điên vì mảnh đạn thực sự của quân thù ở chiến trường mà còn hóa điên vì xú khí, vì căn bệnh lãnh cảm của thói ích kỷ, của sự thờ ơ, của sự thiếu hụt nhân tính của con người.
Có thể nói việc lồng ghép những câu chuyện nhỏ xoay quanh một vấn đề, một hạt nhân cơ bản giúp cho truyện ngắn Ma Văn Kháng mở rộng trường liên tưởng, các lớp nội dung thêm phong phú, ý nghĩa tác phẩm thêm sâu sắc. Đồng thời gợi sự liên tưởng ở người đọc về mọi mặt của đời sống xã hội. Xã
hội thật đa dạng muôn màu muôn vẻ. Do đó truyện của Ma Văn Kháng không có truyện vẫn rất cuốn hút hấp dẫn người đọc.