6. Cấu trúc luận văn
3.4. Giọng điệu trần thuật
3.4.3. Giọng ngợi ca
Truyện ngắn Ma Văn Kháng sau đổi mới là lời ngợi ca nhiệt thành dòng đời sinh hoá, bình dị, hồn nhiên thể hiện niềm tin của tác giả vào con người và cuộc đời. Thực ra, truyện ngắn Ma Văn Kháng không chỉ là “tiếng nói ngậm ngùi, cảm khái chứa đựng tình thương và nỗi buồn mênh mông trước một nhân thế đang phai lạt nhân tình” mà còn là “tiếng reo ca hân hoan trước sự thăng hoa của tình đời, tình người”(Lã Nguyên). Có thể nhận thấy điều này qua một loạt các nhân vật là người tốt, người tài nhưng gặp tai ương bất hạnh trước trò đùa của số mệnh. Song, nhân vật của ông không bao giờ chịu đầu hàng số phận mà luôn đi tìm sự dẫn mở, tin ở lý trí và khát vọng hành động để cải biến thực tại cùng cách ứng xử trên thế “thượng phong”.
Truyện ngắn Ma Văn Kháng luôn ngợi ca những con người biết hành động để cải biến thực tại như Kiểm (Kiểm, chú bé, con người), mẹ và vợ Luyến (Mất điện), bà Sẹc (Miền an lạc vĩnh hằng), Tâm (Mưa lớn đầu mùa)… họ là những người gặp biết bao tai ương trong cuộc sống: Kiểm bị dì ghẻ đối xử tàn tệ; bà Sẹc luôn bị trù dập, hãm hại; Tâm hết bị cưỡng đoạt, hành hạ lại bị đẩy vào tù… Mặc dù vậy, họ vẫn sống hồn nhiên theo lẽ đời, tin tưởng vào nghị lực của bản thân. Bị đối xử tàn nhẫn, chú bé Kiểm bỏ nhà đi nhưng không phải là sa ngã mà là lập thân bằng con đường học tập và lao động. Kiểm không hề tỏ ra thù ghét mà luôn một lòng rộng mở, bao dung. Viết về Kiểm, nhà văn luôn một giọng ngợi ca khẳng định: “Bị vùi dập và dồn vào cảnh thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm, nó vẫn còn giữ được một khoảng cách, chưa đồng hóa với cái xấu…. Ngược lại nó tràn đầy lòng yêu thương” [41 , tr.235]. Giọng điệu đầy tin tưởng, ngợi ca của nhà văn dành cho chú bé Kiểm có khi lại bộc lộ một cách công khai, trực tiếp “chú bé Kiểm đã tự nguyện trở về và hoàn toàn không một chút hả hê hay ngấm ngầm thích thú trước sự rủi ro của kẻ đã gây ra bao khốn khổ cho đời mình… mà tràn đầy trong từng âm tiết, ngữ điệu câu nói và thái độ của em đều bộc lộ một tình
thương yêu vừa non tơ, vừa quảng đại và quả cảm trước cơn tai biến của những người ruột thịt, thân thương” [41 , tr.251]. Giọng ngợi ca, tin yêu có khi lại bộc lộ như một tiếng reo vui, hạnh phúc như vừa phát hiện ra điều gì: “chú bé Kiểm, cái mầm non mạnh mẽ, hình tượng biểu trưng cho bản chất nhân hậu vốn có ở cuộc đời, tồn tại một cách gần như hồn nhiên, không cần giải thích và đang cần được bồi đắp ở cuộc đời mới này” [41 , tr.251]. Còn chị cả (Thanh minh trời trong sáng) sau bao thăng trầm của cuộc đời giờ đây chị vẫn đứng vững và tạo lập một cơ nghiệp mới. Đồng thời chị là chỗ dựa vững chắc cho đại gia đình họ Đinh ấy. Viết về chị, Ma Văn Kháng không khỏi ngưỡng mộ, kính phục yêu thương “Ôi, chị cả! Người phụ nữ ít chữ nghĩa nhất nhà nhưng sống trọn vẹn với cuộc đời bằng toàn bộ tâm lực của mình. Chị cả là sự sáng tỏ, là điều minh triết” [22, tr. 66]. Đó là vợ Luyến (Mất điện), một con người chính trực ngay thẳng dám đương đầu với thằng điên trong lúc cả tập thể phải sợ nó, kể cả Luyến. Chính chị đã quả quyết với chồng "Tôi không thích khôn ngoan như thế. Đây cũng là quyền lợi, cũng là trách nhiệm của mình nữa".[41,tr.279].
Bên cạnh những con người biết hành động để cải biến thực tại, nhà văn còn ngợi ca cả những con người biết vượt lên trên thế sự đảo điên bằng tài hoa, lòng nhân ái và bao dung, bằng niềm tin hướng thiện. Ông Thại (Tóc huyền màu bạc trắng) hiện ra dưới ngòi bút của Ma Văn Kháng cái cốt cách của một nhà nho, của bậc trượng phu, của anh hàn sỹ. Ông hiện ra trong sự đồng cảm, kính trọng yêu thương của nhà văn: “Quan sát bạn đồng liêu của ông mới thấy họ khác ông lắm… Bảy mươi rồi, lắm cụ còn lao vào thương trường, giở đủ trò mánh khóe… Ông Thại không như vậy, ông vẫn cặm cụi với đèn sách… Ông không sống với thế sự, môn trường. Ông ở trên những buồn phiền, lo âu, ở ngoài những nhọc nhằn đau đớn” [41 , tr.255]. Cũng giống như ông Thại, ông Huỳnh, ông Khoa (Phiên chợ hoa áp tết) được Ma
Văn Kháng miêu tả với niềm kính trọng và sự tin yêu ca ngợi trước lòng nhân ái bao dung và niềm tin hướng thiện của họ.
Ngoài ra, truyện ngắn Ma Văn Kháng còn thấm đẫm một tinh thần lạc quan. Niềm tin vào con người, vào sự chiến thắng của cái đẹp ở đời. Nhà văn không chỉ ngợi ca con người có nghị lực, có lòng nhân ái bao dung mà ông còn ngợi ca vẻ đẹp của “dòng đời sinh hóa hồn nhiên” này. Trong cái dòng đời sinh hóa ấy, con người không chỉ hăm hở trong mưu sinh mà trong tình ái còn hăm hở hơn nhiều. Nhà văn đã viết được những truyện như thế. Cái đẹp của cuộc sống tình ái được ông đề cao khẳng định. Truyện Những người đàn bà kể về cuộc sống của những người đàn bà ở khu chung cư thích kể chuyện tục tĩu, thích dòm ngó vào đời sống riêng của người khác, nhất là đời sống tình dục, thích kể về mối tình vụng trộm của chính mình. Họ bị cuốn vào những câu chuyện bất tận về đời sống tình dục, nhờ vậy mà họ cởi mở với nhau hơn, sống hồ hởi hào hứng hơn. Ma Văn Kháng đã viết về lòng đắm dục, ái dục của con người đầy “khoái hoạt và hả hê”. Qua câu chuyện của họ “hóa ra còn một cuộc sống thầm thào chảy, ở bên dưới cuộc sống lộ thiên nhìn thấy. Thầm thào chảy nhưng dào dạt vô cùng” [52 , tr.239]. Truyện Anh thợ chữa khóa là câu chuyến ái tình của anh Thiều. Dường như nhà văn đứng ra chiêu tuyết cho những cuộc tình vụng trộm. Thực ra Ma Văn Kháng không ngợi ca nó mà ông muốn trả lại cuộc sống cái đẹp nguyên dạng của nó. Cuộc sống vốn giàu chất thơ nhưng phải thiết tha yêu cuộc sống ta mới phát hiện ra vẻ đẹp của nó. Tác phẩm gợi dậy ở người đọc niềm vui, nỗi buồn như chính cuộc đời – đầy những vui buồn. Quan trọng hơn, thiên truyện mài sắc cái nhìn của ta, để ta thêm yêu cuộc sống ngay cả ở những nơi lấm láp nhất, nhiều lụy tục nhất.
Có thể nói giọng ngợi ca trong sáng tác của Ma Văn Kháng xuất phát từ tình yêu và niềm tin của ông với con người, cái đẹp ở đời. Dù hoàn cảnh thế nào thì con người cũng biết vượt qua để sống, để tồn tại.
Tóm lại từ sau 1986, truyện ngắn Ma Văn Kháng đã chuyển từ tiếng nói đơn thanh, một giọng sang tiếng nói đa thanh nhiều giọng, một sự “đa giọng điệu”: vừa có sự xót xa ngậm ngùi, vừa có sự hài hước, hóm hỉnh, vừa có giọng triết lý, tranh biện… Nhưng dù giọng điệu nào thì người đọc vẫn bắt gặp trong đó những trăn trở, suy tư của nhà văn trước cuộc đời lắm đa đoan, đa sự này. Nổi bật lên là một trái tim đầy tình yêu thương và độ lượng với con người. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng là một sáng tạo độc đáo của nhà văn đóng góp cho văn xuôi đương đại Việt Nam.
KẾT LUẬN
1. Trong không khí sôi động của văn học đương đại sau thời kỳ đổi mới, Ma Văn Kháng vẫn âm thầm bền bỉ, luôn tự đổi mới, tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật. Ma Văn Kháng viết đều viết khỏe, vẫn viết như ông hằng tâm sự: “Tôi viết như tôi nghĩ, tôi hiểu, tôi yêu, tôi ghét”. Ma Văn Kháng là cây bút lực lưỡng, đang đà sung sức, mặc dù xấp xỉ tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn luôn mong ước và cảm thấy “còn nợ đời vài cuốn tiểu thuyết và vài chục truyện ngắn”. Với sự nỗ lực không ngừng, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, Ma Văn Kháng đã đóng góp cho văn học Việt Nam đương đại 15 cuốn tiểu thuyết và gần 200 truyện ngắn. Ông đã tìm cho mình một chỗ đứng trong văn học Việt Nam – một chỗ đứng khiêm tốn giống như bản chất con người ông.
2. Ma Văn Kháng là một trong số ít những nhà văn Việt Nam đương đại đặt ra vấn đề triết học về con người. Trừ những sáng tác trước năm 1986, còn ít nhiều sơ lược, các truyện ngắn từ sau thời kỳ đổi mới trở đi, dù viết về miền núi, dân tộc, hay viết về miền xuôi thành thị, về gia đình hay xã hội, ông đều soi thấu con người ở bản chất con – người. Ông thấy sự chi phối ghê gớm của phần con với phần người, cũng như của phần người với phần con. Ông đưa ra một cái nhìn đúng đắn biện chứng về con người: “Con người là con người” cả thể xác lẫn tâm hồn. Con người được ông nhìn nhận trong tính đa diện đa chiều của nó. Nó vừa là thánh nhân nhưng cũng là ác quỷ, vừa sống với ý thức nhưng cũng vừa sống với bản năng, vừa tốt đẹp nhưng cũng lại vừa xấu xa, cao thượng nhưng cũng đầy nhỏ nhen ích kỷ… Quan niệm nghệ thuật về con người của Ma Văn Kháng mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Vấn đề bản năng chưa được đề cập nhiều trong văn học nước ta, nhất là bản năng tính dục. Viết nhiều, viết hay về vấn đề này, Ma Văn Kháng muốn kêu gọi một sự nhìn nhận đúng đắn, không nên coi con người là thần thánh mà quên đi những yêu cầu thiết yếu của con người. Đặc biệt Ma Văn Kháng là một trong số ít
những nhà văn đi sâu vào khai thác đời sống tâm linh của con người. Điều này thể hiện rõ tính hiện đại trong quan niệm nghệ thuật về con người của ông. Ngoài ra, nhà văn còn cổ vũ cho một triết lý tình thương có thể cảm hóa được con người và cải biến được xã hội. Nó gần gũi với quan niệm của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Cần phải khẳng định rằng: quan niệm nghệ thuật về con người của Ma Văn Kháng không những mang nhiều nét mới mẻ, sâu sắc trong sự lý giải về con người và các vấn đề xung quanh nó, mà còn có một tầm vóc lớn bởi tính nhân văn, nhân đạo được thể hiện qua đó.
3. Thế giới nhân vật của Ma Văn Kháng, một mặt là sự cụ thể hóa quan niệm nghệ thuật về con người, mặt khác nó tồn tại độc lập như một cấp độ của thi pháp. Xây dựng thế giới nhân vật với đông đảo những con người bình thường có, khác thường có, Ma Văn Kháng muốn thể hiện một cách sinh động cuộc sống và con người như nó vốn có, hằng tồn tại. Trong dòng đời đa đoan, đa sự này, nhân vật của ông hiện lên chân thực và “đời” hơn bao giờ hết. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, Ma Văn Kháng đã tìm cho mình một hướng đi riêng, theo chúng tôi rất độc đáo, mới mẻ: khai thác thế giới tâm linh nhân vật. Thế giới tâm linh như “một vùng đất” còn ít được các nhà văn cày xới. Cùng với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng đã khẳng định một điều: lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, con người được chiếm lĩnh một cách trọn vẹn, có chiều sâu nhất. Ma Văn Kháng đã cùng với một số nhà văn khác làm nên cuộc cách tân khám phá đối tượng phức tạp con người. Nhà văn Bùi Hiển rất tâm đắc với Ma Văn Kháng và ông cho rằng: “Tác giả tâm linh con người – một đề tài khá độc đáo và còn ít được khai thác trong văn học ta”. Bên cạnh đó, cũng trên phương diện nhân vật, Ma Văn Kháng còn thể hiện sự bứt phá. Ông dường như đã vượt qua những thông
lệ của thi pháp thể loại khi đẩy cốt truyện xuống hàng thứ yếu và nhân vật được đẩy lên bình diện thứ nhất.
4. Truyện ngắn Ma Văn Kháng viết về những cái “tầm thường vặt vãnh” nhưng vẫn cuốn hút hấp dẫn người đọc không chỉ ở những ý nghĩa sâu xa mà cốt yếu là ở nghệ thuật trần thuật. Ma Văn Kháng là một trong số ít nhà văn có “một dấu ấn khu biệt với nhiều người” bởi “một giọng điệu riêng và một ngôn ngữ riêng của Ma Văn Kháng”(Phong Lê).Ông là một trong những nhà văn đương đại rất có ý thức trong việc gọt rũa kĩ lưỡng từng câu chữ. Là người am hiểu cuộc sống, sống hết mình, sống trung thực với cuộc đời, Ma Văn Kháng đem vào truyện ngắn một vốn ngôn ngữ rất đa dạng phong phú. Một thứ ngôn ngữ văn xuôi giàu chất thơ, chất nhạc và đậm đặc chất khẩu ngữ của đời thường.
5. Là một nhà văn luôn tìm tòi và tự đổi mới, sáng tạo, Ma Văn Kháng đã tạo ra một hình thức riêng cho thể loại truyện ngắn. Cốt truyện trong truyện Ma Văn Kháng không bó buộc trong khung truyền thống cổ điển. Nhờ việc sử dụng phép liệt kê tăng cấp, sử dụng phép tương phản đối lập cùng các yếu tố dân gian, cốt truyện của Ma Văn Kháng lôi cuốn sự chú ý của người đọc. Truyện ngắn của ông đôi khi có cảm giác là không có chuyện, có khi lại là tập hợp rất nhiều chuyện nhỏ liên kết lại với nhau mà mỗi câu chuyện là một mảng đời, số phận. Cốt truyện của Ma Văn Kháng cho phép người đọc suy ngẫm về sự ngổn ngang, bộn bề, đa tạp, đa sự của cuộc sống hôm nay. Xây dựng cốt truyện với bút pháp hiện đại nên kết cấu truyện ngắn của Ma Văn Kháng cũng đem lại hiệu quả đáng kể. Ma Văn Kháng là người kể chuyện vừa ham chuyện, vừa ham luận bàn, triết lý, vừa phơi bày trực tiếp, công khai tư tưởng nên kiểu kết cấu mở, kết cấu lồng ghép là hai kiểu kết cấu đặc sắc của truyện ngắn Ma Văn Kháng. Ngoài ra, ở một số truyện ngắn ông còn sử dụng kiểu kết cấu tâm trạng - kết cấu theo quy luật phát triển tâm lý
nhân vật. Cách kết cấu truyện ngắn của ông tưởng là hết sức tuỳ tiện, song thực ra rất nhát quán trong việc thể hiện quan điểm, tư tưởng của tác giả.
Qua việc tìm hiểu truyện ngắn Ma Văn Kháng từ những năm 1986 trở lại đây, chúng tôi khẳng định Ma Văn Kháng là nhà văn “của các cuộc kiếm tìm”, “nhà văn luôn luôn tự vượt mình”, luôn luôn tự nhận thức chính mình. Ông là con người của sự tự đổi mới và truyện ngắn của ông đang vận động theo hướng hiện đại hoá và ngày càng được đông đảo bạn đọc yêu mến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Hà Minh Đức (Chủ biên) (2000), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Hà Minh Đức (1998), Nhà văn nói về tác phẩm, NXB Văn học, Hà Nội.
4. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB, Hà Nội.
5. Tôn Phương Lan (2002), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Nguyễn Đăng Mạnh (2001), Nhà văn tư tưởng và phong cách, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
7. Nguyễn Đăng Mạnh (1993), Dẫn luận nghiên cứu tác giả văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội.
8. Nguyễn Đăng Điệp (1998), Cảm nhận Đầm sen của Ma Văn Kháng, Tạp chí diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.
9. Phong Lê (2006), Văn học Việt Nam trước và sau 1975 – nhìn từ yêu cầu phản ánh hiện thực. Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. NXB Giáo dục.
10. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia.
11. Ma Văn Kháng (1999), Sống rồi mới viết – Hồi ức nhà văn Việt Nam thế kỉ XX, tập II, NXB Hội nhà văn.
12. Nguyễn Thị Hoa (2008), Tiểu thuyết thế sự đời tư của Ma Văn Kháng, Luận văn thạc sĩ văn học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà