.Các chính sách lớn về hướng nghiệp, tạo việc làm cho TNNT

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn trên kênh truyền hình VTV6 (Trang 28 - 32)

Nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn đáp ứng cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) và hội nhập sâu vào nền kinh tế

thế giới, Việt Nam đã đề ra hàng loạt chủ trương lớn, cho đến các chính sách cụ thể:

Trước hết là việc ban hành hàng loạt các văn bản pháp qui về dạy nghề: Từ các nghị quyết, luật, đến hàng loạt các quyết định, thông tư…Các quy định pháp luật cũng như các chính sách này có tác dụng bước đầu tạo môi trường, hành lang pháp lý và chính sách thuận lợi để phát triển mạnh công cuộc dạy nghề cho người lao động, nâng cao khả năng tạo việc làm, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông nghiệp, nông thôn.

Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Đề án “Tăng cường phát triển dạy nghề cho lao động nông thôn, cho xuất khẩu lao động” nhằm đào tạo nguồn nhân lực nông thôn chất lượng cao phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là một trong những chủ trương rất đúng đắn phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới khi Việt Nam bắt đầu tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế vừa đào tạo phát triển nguồn nhân lực vừa thu ngoại tệ.

Từ đại hội Đảng lần thứ X đã xác định rõ quan điểm: Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; chuyển dịch và phân bố lại lực lượng lao động trong nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp, ngành nghề thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành một số chủ trương và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua việc thực thi các biện pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực nông thôn, phát triển các loại hình trường lớp dạy nghề cho nhân dân nông thôn đồng thời khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó yêu cầu đẩy mạnh “đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề và nghiệp vụ kinh doanh cho các cơ sở ngành nghề nông thôn”.

Gần đây nhất, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN, đã yêu cầu tăng ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa

học công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; Đồng thời tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức khoa học kĩ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân, đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động; tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lí, cán bộ cơ sở. Nghị quyết TW cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hình thành “Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực”, đảm bảo hàng năm đào tạo 01 triệu lao động nông thôn, thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện trong Nghị quyết này đang là kim chỉ nam cho tất cả các hoạt động phát triển nông nghiệp- nông thôn trong đó bao gồm cả phát triển nguồn nhân lực nông thôn mà đào tạo nghề là một hợp phần quan trọng. Trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề theo tinh thần của Nghị quyết này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh góp phần vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực nông thôn theo hướng công nghiệp và hiện đại.

Với định hướng đó, các chương trình sẽ tiếp tục được xây dựng liên quan đến tất cả các khâu của công tác đào tạo nghề từ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đến nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, cải tiến giáo trình và phương pháp dạy nghề… nhằm đảm bảo cung cấp được lực lượng lao động nông thôn có trình độ chuyên môn tốt, tay nghề cao đáp ứng được các yêu cầu của cả sản xuất nông nghiệp hiện đại và chuyển sang phục vụ phát triển công nghiệp.

Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy dạy nghề và tạo việc làm cho Thanh niên. Luật dạy nghề ban hành ngày 29/11/2006, tại điều 7 quy định " ...đầu tư mở rộng các cơ sở dạy nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề góp phần bảo đảm cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT; tạo điều kiện phổ cập nghề cho Thanh niên..."

Luật Thanh niên ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2005, tại điều 18 quy định: " Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho Thanh niên; ưu đãi thuế, tín dụng, đất đai để phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng về học nghề cho Thanh niên; Phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ tư vấn giúp Thanh niên tiếp cận thị trường. Năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã bàn hành Quyết định 103/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015” .

Điều này đã cho thấy, những năm qua, công tác giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động nông thôn đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng. Cơ chế, chính sách về lao động, việc làm được chú trọng, phù hợp với cơ chế thị trường và từng bước hội nhập với thị trường lao động quốc tế. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về lao động, việc làm được bổ sung ngày càng hoàn thiện. Nhiều luật mới ra đời và đi vào thực tiễn đời sống như Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài,… và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý về giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.

Cùng với cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản pháp luật là các chương trình mục tiêu: Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình phát triển công nghiệp, dịch vụ; Chương trình xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao và các chương trình, dự án trọng điểm kinh tế - xã hội được thực hiện, góp phần giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống của người lao động. Hằng năm, các chương trình mục tiêu này đã giải quyết việc làm cho 1,1 đến 1,2 triệu lao động, trong số đó đa số là thanh niên nông thôn.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình về việc làm, Nhà nước thông qua các chính sách, nguồn lực hỗ trợ có sự lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác như Chương trình 134, Chương trình 135, phát triển kết cấu hạ tầng về đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trạm xá, trường

học, công trình văn hóa,… phục vụ cho phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống cho nông dân. Ngoài ra, Nhà nước còn thực hiện các dự án về tín dụng việc làm với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, gắn dạy nghề với tạo việc làm và tự tạo việc làm cho thanh niên. Trung bình hằng năm các dự án này đã tạo ra việc làm cho 300.000 đến 350.000 lao động, chủ yếu là lao động thanh niên nông thôn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta từ 60% đầu những năm 1990 xuống còn 9,6% năm 2012. Ngày 27-11-2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1956 phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, sẽ có khoảng trên 10 triệu lao động nông thôn được đào tạo, và tối thiểu 70% trong số đó có việc làm. Đề án có tổng kinh phí dự kiến hơn 20 nghìn tỷ đồng, và thời gian thực hiện là 10 năm (2010 đến 2020).

Có thể nói hơn lúc nào hết vấn đề Hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho Thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng đang là vấn đề xã hội bức xúc hiện nay và trong nhiều năm tới. Việc giải quyết được vấn đề này luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và nhà nước ta cùng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân người lao động nói chung trong đó có Thanh niên nông thôn để tự tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn trên kênh truyền hình VTV6 (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)