Tình hình sản xuất tơ lụa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của đàng ngoài thế kỷ XVII nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 28 - 35)

1.3 Tình hình sản xuất tơ lụa và gốm sứ Đàng Ngoài thế kỷ XVII

1.3.1. Tình hình sản xuất tơ lụa

Tơ lụa từ rất sớm trong lịch sử đã trở thành sản phẩm tiêu dùng thiết yếu của con người. Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, Bắc Đại Việt là trung tâm ươm tơ, dệt lụa sớm và lớn nhất trong cả nước với những làng chuyên nghề như Vạn Phúc, La Cả, La Khê,… cùng những sản phẩm đa dạng, phong phú. Mặc dù có truyền thống sản xuất tơ lụa lâu đời với nhiều sản phẩm chất lượng cao nhưng phải đến thế kỷ XVII, trong bối cảnh nhà Minh thi hành chính sách Cấm hải, tơ lụa Đại Việt mới có cơ hội vươn mình ra thị trường khu vực và thế giới.

Không thể phủ nhận rằng, trong thế kỷ XVII tơ lụa trở thành sản phẩm hàng hóa đặc biệt, thu hút các thương nhân ngoại quốc đến buôn bán, thúc đẩy ngoại thương Đàng Ngoài phát triển. Trong mạng lưới buôn bán của các Công ty Đông Ấn châu Âu tại phương Đông, Đàng Ngoài có vai trò như một vùng sản xuất tơ lụa lớn và tiềm năng, nơi có thể cung cấp một số lượng lớn tơ sống và lụa tấm cho nhu cầu giao dịch của thị trường, đảm bảo nguồn hàng có chất lượng tốt. Trong Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, nhà du hành Jean- Baptise Tavernier đã ghi chép về nơi này “xứ phì nhiêu, có khí hậu tốt và do đó là một xứ đông dân nhất” [40, tr.29]. Đặc biệt là xứ này có rất nhiều tơ lụa, và tơ ở xứ này thì rẻ hơn tất cả những xứ lân cận [40, tr. 24], “mọi người ở trong xứ giàu cũng như nghèo, đều mặc áo với tơ lụa” [40, tr. 37]. Đàng Ngoài vốn là vùng sản xuất tơ lụa rất lớn trong cả nước, hàng năm sản lượng tơ lụa ở đây có thể lên tới 90 tấn tơ sống và khoảng 5.000 đến 6.000 tấm lụa. Tơ lụa Đàng Ngoài luôn được đánh giá rất cao tại thị trường quốc tế, nguồn tơ ở đây được các thuyền buôn ngoại quốc rất ưa thích, và được mua với số lượng lớn để chuyển sang thị trường Nhật Bản và chuyển về châu Âu (với thị phần nhỏ hơn). Nguồn lợi nhuận từ thương phẩm này trong suốt thập kỷ 40 của thế kỷ XVII, thường chiếm trên 100%, giai đoạn thịnh đạt có thể lên tới 250% do giá tơ sống Đàng Ngoài rất rẻ lại được bán với giá rất cao ở thị trường Nhật Bản. Mạng lưới buôn bán tơ lụa Đàng Ngoài đã được thiết lập từ thế kỷ XVI bởi Hoa thương và Nhật thương. Những biến động chính trị sau đó đã đưa việc kinh doanh “tơ lụa đổi bạc” vào tay thương nhân Bồ Đào Nha, sau đó là người Hà Lan, người Anh. Tơ lụa Đàng Ngoài có sức hút rất lớn đối với các

thương nhân ngoại quốc bởi đó là “chìa khóa vạn năng” để mở cánh cửa xâm nhập thị trường Nhật Bản.

Tơ lụa là ngành thủ công nghiệp truyền thống trên khắp cả nước (cả Đàng Trong và Đàng Ngoài), theo các nguồn sử liệu, thì đâu đâu trong cả nước cũng có bãi dâu, vùng nào cũng có nghề làm tơ lụa bởi ở xứ này, khí hậu nhiệt đới rất thích hợp cho sự phát triển của dâu, cộng thêm các dòng sông lớn bồi đắp phù sau màu mỡ, dân cư lại chăm chỉ và rất khéo léo trong các nghề thủ công mỹ nghệ. Sản xuất tơ lụa được xem như một nghề phụ, làm trong lúc nông nhàn để phục vụ cho nhu cầu may mặc của gia đình và số còn thừa thì mang đi bán, kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, số lượng sản xuất chắc không nhiều và mang tính chất của một nền kinh tế tự cấp, tự túc. Phải đến khi tơ lụa trở thành một mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, nguồn thu chủ yếu của quốc gia thì ngành này mới phát huy hết tiềm năng vốn có của nó, chứ không dừng lại ở nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt là thế kỷ XVII, mạng lưới thương mại châu Á được mở rộng với sự tham dự của các thương nhân phương Tây, tơ lụa trở thành thương phẩm quan trọng vào bậc nhất trong việc tiến hành giao thương của các lái buôn Âu và Á. Trong bối cảnh mới của nền thương mại quốc tế với sự thiếu vắng sản phẩm tơ lụa của Trung Quốc do tình hình chính trị, tơ lụa Đàng Ngoài đã nhanh chóng theo chân các thương thuyền đến các thị trường Nhật Bản, châu Âu, và góp phần đưa Đại Việt dự nhập vào nền hải thương quốc tế. Tình hình sản xuất tơ lụa Đàng Ngoài thế kỷ XVII phụ thuộc vào 3 yếu tố: 1. Nhu cầu thị trường; 2. Chính sách của nhà nước phong kiến cầm quyền; 3. Tình hình thời tiết. Trong nhật ký của các công ty Đông Ấn nước ngoài tại Đàng Ngoài đều có ghi chép tương đối cụ thể về sản lượng, số lượng, và lãi ròng thu được trong hoạt động buôn bán tơ lụa, đồng thời cho thấy ảnh hưởng của 3 yếu tố trên đến hoạt động sản xuất tơ lụa trong dân chúng.

Nhật ký của thương điếm Hà Lan tại Kẻ Chợ ghi chép tình hình thu mua tơ lụa, số lượng tàu đến, tàu đi và quan hệ thương mại giữa Công ty với chính quyền Lê – Trịnh. Qua số liệu thống kê, số lượng tơ lụa, hàng hóa của thương điếm Kẻ Chợ có thể cho chúng ta biết được một phần tổng thể (dù chưa thực sự đầy đủ) về tình hình sản xuất tơ lụa Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII (ít nhất là trong thời gian thương điếm của người Hà Lan được tiến hành buôn bán ở kinh thành Thăng Long). Trong báo cáo

của giám đốc thương điếm Kẻ Chợ về Batavia, tiềm năng sản xuất tơ lụa của Đàng Ngoài rất lớn, trung bình có thể sản xuất khoảng 90 tấn tơ và từ 5.000 đến 6.000 tấm lụa khổ lớn các loại (có thể nhận định này đúng với tình hình thời tiết tốt, và chính sách của triều đình khuyến khích việc sản xuất tơ lụa). Người Hà Lan bắt đầu tiến hành thu mua tơ lụa Đàng Ngoài từ năm 1637, sau khi chúa Trịnh chấp nhận cho người Hà Lan buôn bán ở Đàng Ngoài. Trong năm này, các lái thương Bồ Đào Nha thu mua được 620 picul tơ sống “Năm 1637, người Bồ đến từ Ma Cao trên 3 thuyền; 2 thuyền khác đã đến Đàng Ngoài từ mùa đông năm trước để mua tơ. Khi người Hà Lan ngược sông Hồng lên Kẻ Chợ vào tháng 4 năm 1637, tàu của các cha cố người Bồ đang xuôi dòng ra biển để đi Ma Cao, mang theo 620 picul tơ” [104, tr. 93]. Trong khi đó, người Hà Lan với số vốn 188.166 guilders đã thu mua được 53.695 catty tơ sống (trị giá 168.378 guilders) và 9.6665 tấm lụa (trị giá 11.268 guilders). Nếu chưa tính đến số tơ lụa rất lớn mà các Hoa thương, Nhật thương có thể đã mang đi khỏi Đàng Ngoài và nhập khẩu vào Nhật Bản, cùng một số lượng lớn được dùng để tiêu dùng trong nước, cung cấp cho phủ Chúa và trở thành cống phẩm… thì Đàng Ngoài đã cung cấp tới hơn 40 tấn tơ sống cho việc xuất khẩu, cùng với 9.6665 tấm lụa. Có thể thấy rằng tiềm năng sản xuất của Đàng Ngoài là rất lớn, cùng với sự kích thích sản xuất do sự xuất hiện của các thương thuyền phương Tây sẽ làm cho sản lượng tơ lụa Đàng Ngoài tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Cũng trong chiến lược tăng cường quan hệ giao thương với Đàng Ngoài, Batavia quyết định sẽ cử tàu Grol mang theo 150.000 guilders để mua khoảng 600 đến 700 picul tơ sống kèm theo lụa tấm và các loại sản phẩm địa phương khác [104, tr. 94].

Vào năm 1638, người Hà Lan đã mua tới 800 picul tơ sống cho tàu Zandvoort

mang đi Nhật Bản, kèm thêm một khoản hàng khác gồm có 285 picul tơ sống và 8.972 tấm lụa được chở trên một chiếc thuyền thuê của người Trung Quốc. Số hàng này đã mang lại cho người Hà Lan một khoản lãi lớn đồng thời hứa hẹn một tương lai khá tốt cho việc buôn bán của công ty. Tuy nhiên, thế lực Bồ Đào Nha ở Đàng Ngoài vẫn còn rất mạnh: cùng trong năm đó một chiếc tàu khác của Bồ Đào Nha lại mang đi 965 picul tơ sống Đàng Ngoài. Nhật ký cũng cho biết sự xuất hiện của Hoa thương tại thị trường Đàng Ngoài nhưng với số vốn không lớn. Như vậy, tổng cộng trong năm này, cả người Bồ Đào Nha và người Hà Lan đã thu mua được 2.050 picul tơ Đàng

Ngoài, mức mua đã cao hơn hẳn năm trước. Nguyên nhân của việc tăng lượng tơ sống thu mua được một phần là do quan hệ giữa Hà Lan và chúa Trịnh tốt đẹp, phủ Chúa tạo điều kiện cho thương nhân thu mua tơ lụa. Nhưng chắc chắn là số lượng tơ được sản xuất ra phải tăng lên do nhu cầu thị trường biến động. Chính sử cũng không ghi chép lại bất cứ tình hình thời tiết xấu nào ảnh hưởng đến việc sản xuất tơ lụa, trồng dâu nuôi tằm của nhân dân. Trong một khuôn khổ nào đó, do nhìn nhận được lợi nhuận cao của việc trao đổi tơ lụa với thương nhân ngoại quốc, chính quyền Đàng Ngoài chắc chắn sẽ có những biện pháp thích hợp để thúc đẩy hoặc ít nhất là nới lỏng chính sách, tạo điều kiện đối với người trồng dâu, nuôi tằm, để tăng số lượng tơ sống hàng năm. Những năm tiếp theo, thương điếm Hà Lan không ghi nhận bất kỳ số liệu nào liên quan đến số lượng tơ lụa mà các thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, và Trung Hoa mang ra khỏi thị trường Đàng Ngoài, nhưng cũng ghi nhận số lượng hàng hóa thu mua được đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt là vào năm 1640, lượng tơ lụa nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản đột ngột tăng lên 622.000 guilders giá trị sản phẩm, trong đó tơ sống là 492.000 guilders, với mức giá mua vào là 3,35 guilders/catty, thì số lượng tơ sống Đàng Ngoài tương đương là trên 146.865 catty tơ sống. Năm 1645, khi đã thiết lập được quan hệ buôn bán không chỉ với phủ Chúa mà còn với cả thương nhân tự do ở đây, nhân viên thương điếm Kẻ Chợ còn thu mua được 500 picul tơ sống và nhiều lụa tấm từ họ. Số liệu này cho thấy một thực tế là, ngoài số lượng tơ lụa mà phủ Chúa trưng thu từ các hộ dân để bán cho các lái buôn nước ngoài, ở Đàng Ngoài còn một số lượng rất lớn tơ lụa trong dân chúng. Các lái buôn thời kỳ này cũng ghi nhận một thực tế là giá tơ lụa của Phủ Chúa thường cao hơn nhiều so với giá thu mua ngoài thị trường tự do.

Nhật ký của thương điếm phương Tây tại Kẻ Chợ ghi lại tình hình sản xuất tơ Đàng Ngoài bị đình trệ do mùa màng thất bát, cộng thêm tình hình chính sự bất ổn đã khiến cho hoạt động buôn bán bị ngưng trệ hoàn toàn. Chẳng hạn, năm 1645, bạo loạn nổ ra trong phủ Chúa, một cuộc tàn sát để tranh giành ngôi vị giữa các thế tử do Chúa bị ốm nặng gây ra những hậu quả rất nặng nề cho hoạt động sản xuất và buôn bán ở đây: “Dân thường khiếp sợ tắm máu nên tháo chạy về quê… Gần hết mùa buôn bán rồi mà nhịp sống chưa trở lại. Tơ lụa trên thị trường cũng khan hiếm” [104, tr. 114]. Báo cáo của Jan van Riebeek từ thương điếm Kẻ Chợ về Batavia

cũng cho biết một số vấn đề chính về tình hình sản xuất và thu mua tơ lụa của thương điếm như sau: “1. Năm nay, sau trận bão là mưa lớn trong dịp tháng 8 khiến cho ruộng đồng bị ngập úng nặng. Kinh đô Kẻ Chợ bị hư hỏng nặng, toàn nhà phía đông phải sửa chữa rất nhiều, tiêu tốn khoảng 2.843 guilders. Nghiêm trọng nhất là đồng ruộng bị ngập lụt khiến cho dâu tằm bị hư hại nặng nên sản lượng tơ năm đó rất ít. 2. Tình hình chính trị ở Đàng Ngoài nhất là tại kinh đô Kẻ Chợ rất bất ổn xuất phát từ nguy cơ loạn đảng từ nội bộ phủ Chúa. Những tranh giành quyền lực tưởng như đã được giải quyết trước đây vẫn âm ỉ và có nguy cơ bùng phát trở lại, khiến cho thương nhân rất dè dặt khi ra ngoài buôn bán” [104, tr.116]. Tuy nhiên, thương điếm Hà Lan vẫn nhập khẩu vào Nhật Bản một lượng tơ sống có giá trị 243.000

guilders, cao hơn năm trước. Số liệu này có thể biểu hiện rằng dù mùa màng thất bát nhưng tơ lụa trong dân chúng còn nhiều hoặc giả thương điếm đã mua được một khối lượng dự trữ từ trước đó (phó thương nhân Van Riebeek được cử lại ở Đàng Ngoài từ đầu năm 1645 để tiến hành việc thu mua tơ lụa. Ông này đã tìm cách thu mua tơ bằng cách đi đến các phường hội và hộ gia đình sản xuất tơ vào ban đêm để đặt hàng). Trong suốt khoảng thời gian trước khi nhà Thanh thi hành chính sách cấm biển, Đàng Ngoài vẫn ghi nhận sự xuất hiện của rất nhiều thương nhân Trung Quốc đến buôn bán, bằng quan hệ với quan lại địa phương, Hoa thương đã thu mua được phần lớn tơ lụa trên thị trường, khoảng 400 picul tơ sống. May mắn thay, người Hà Lan với sự ủng hộ của Chúa cũng thu mua được 635 picul tơ sống sau khi các Hoa thương đã đi khỏi Đàng Ngoài. Những năm này, ghi nhận tình hình sản xuất tơ lụa tương đối ổn định của Đàng Ngoài và càng chứng minh được tiềm năng sản xuất của xứ này, nâng cao vị thế của Đàng Ngoài trong chiến lược kinh doanh của người Hà Lan tại đây.

Đến năm 1649, vụ tơ thất thu do nạn lụt lớn và thời tiết lạnh giá đã khiến ruộng dâu và tằm chết gần hết. Tình hình sản xuất tơ Đàng Ngoài chắc chắn gặp khó khăn, bởi năm 1650 người Hà Lan đặt chỉ tiêu thu mua được khoảng 365 picul tơ sống nhưng trên thực tế chỉ mua được 246 picul. Hoa thương cũng tới đây và mang đi 820 picul tơ sống mang sang Nagasaki. Tình hình lại càng trở nên buồn tẻ khi năm đó, vụ tơ Đàng Ngoài lại cho sản lượng thấp, thời tiết khô hạn làm cho dâu không lớn được, thành ra không đủ thức ăn cho tằm và hậu quả là sản lượng tơ thấp. Tình hình

đó cho chúng ta thấy một điểm quan trọng là, rõ ràng sản lượng tơ lụa ở Đàng Ngoài đã tăng lên rất nhanh chóng dưới tác động của sự xuất hiện các thuyền buôn ngoại quốc trên quy mô lớn. Ghi chép của thương điếm Kẻ Chợ cũng cho thấy một thực tế là, khi sản lượng tơ lụa nhiều thì giá cả sẽ hạ và ngược lại. Khía cạnh này được xem xét dựa trên nhận thức mang tính thương mại là giá cả thị trường sẽ giảm khi lượng cung gần đáp ứng được đủ lượng cầu, không xét đến chính sách áp giá của triều đình Lê – Trịnh. Đến năm 1652, tơ lụa Đàng Ngoài được mùa lớn bởi tình hình thời tiết khá thuận lợi, năm này cũng ghi nhận sự hạ của giá tơ. Tình hình kinh doanh của các thương nhân nước ngoài tại đây khá tốt. Ngoài người Hà Lan, còn có bốn thuyền mành Trung Quốc, kèm theo một chiếc thuyền buôn khác của người Bồ Đào Nha xuất phát từ Ma Cao đến Đàng Ngoài để thua mua tơ sống và lụa tấm xuất khẩu.

Trong những năm này, tình hình sản xuất nông nghiệp Đàng Ngoài gặp rất nhiều thiên tai, trong khi chính sách khuyến nông của triều đình không được chú trọng. Chỉ sau một trận mưa lớn, toàn bộ đồng ruộng sẽ ngập tràn trong nước và luôn ở trong trạng thái ẩm ướt. Điều này hoàn toàn bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của dâu tằm.6 Tiêu biểu là năm 1653 tại Đàng Ngoài lại gặp phải thiên tai “mưa quá nhiều gây ngập lụt nặng ở Đàng Ngoài khiến cho ruộng dâu bị hỏng nặng. Sản lượng tơ lụa vì thế khan hiếm và giá tơ đắt đỏ tại thị trường Kẻ Chợ” [104, tr.144]. Tuy nhiên, năm này, người Hà Lan vẫn nhập khẩu vào Nhật Bản 261.000 guilders tơ sống.

Từ năm 1655, Batavia quyết định không thu mua tơ cho thị trường Nhật Bản nữa nhưng phải đến tận năm 1670 mới chính thức chấm dứt hoạt động thu mua tơ lụa qua cầu thương mại trực tiếp Đàng Ngoài – Nhật Bản. Tình hình sản xuất tơ lụa Đàng Ngoài chắc chắn vì thế suy giảm đi ít nhiều. Sự tác động của chính sách mua

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của đàng ngoài thế kỷ XVII nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)