Thị trường châu Âu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của đàng ngoài thế kỷ XVII nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 56 - 60)

2.2. Thị trường tiêu thụ chính của tơ lụa Đàng Ngoài thế kỷ XVII

2.2.3. Thị trường châu Âu

Thế giới phương Đông từ lâu đã là thị trường đầy hấp dẫn đối với các nước phương Tây. Sau các phát kiến địa lý và tiếp nối những thành công, các tàu buôn của các nước Tây Âu bắt đầu tới phương Đông để buôn bán. Trong số những thương phẩm nổi tiếng của thế giới phương Đông được các công ty Đông Ấn châu Âu xuất khẩu về thị trường Tây Âu trong hai thế kỷ buôn bán thịnh đạt là hương liệu - sản phẩm luôn chiếm thị phần rất cao. Thế kỷ XVII, tuyến thương mại Á - Âu càng trở nên sôi động với sự tham gia của công ty Đông Ấn Hà Lan và công ty Đông Ấn Anh. Sự hoạt động tích cực cũng như sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty Đông Ấn khiến cho hương liệu phương Đông càng trở thành hàng hóa có vị thế quan trên thị trường châu Âu.

Bên cạnh hương liệu, tơ lụa phương Đông cùng với xạ hương, quế, gốm sứ… dù có thị phần khá khiêm tốn cũng được các công ty Đông Ấn, đặc biệt là công ty Đông Ấn Hà Lan chuyên chở về bán ở thị trường châu Âu. Mặc dù số lượng không lớn lắm nhưng lợi nhuận thu được lại rất cao. Đây là động lực để khuyến khích người Anh và người Hà Lan mở rộng và tăng cường mạng lưới thu mua sản phẩm này từ các trung tâm buôn bán ở phương Đông thông qua các thương điếm, trong đó có Đàng Ngoài.

Trong thế kỷ XVII, với vị trí thuận lợi Đàng Ngoài trở thành một trong những điểm nối quan trọng của công ty Đông Ấn Hà Lan ở thị trường Đông Nam Á. Những năm cuối thế kỷ XVII - giai đoạn cuối cùng đánh dấu mối quan hệ giao thương giữa VOC và Đàng Ngoài, khi tơ lụa Đàng Ngoài không thể mang lại những mức lợi nhuận hấp dẫn còn các sản phẩm tơ lụa Bengal gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Nhật Bản, ngoài các sản phẩm gốm sứ được xuất khẩu sang thị trường liên đảo Đông Nam Á khá thành công, các sản phẩm tơ lụa, xạ hương, và quế được VOC đưa về tiêu thụ tại thị trường nội địa Hà Lan [106]. Tuy nhiên, theo tư liệu của người Hà Lan, ngay từ giữa thế kỷ XVII, công ty Đông Ấn Hà Lan đã xuất khẩu lụa Đàng Ngoài về Hà Lan, chủ yếu là lụa tấm. Hàng hóa sau khi thu mua sẽ được đưa ngay về Batavia và chờ tàu chuyển về châu Âu. Khối lượng lụa tấm Đàng Ngoài xuất khẩu về Hà Lan không nhiều và không thường xuyên so với thị trường Nhật Bản, bởi vì lụa tấm Trung Quốc vẫn là hàng hóa chủ yếu trong tổng số hàng tơ lụa được chuyển về Hà Lan từ khu vực Viễn Đông. Trong bối cảnh mới, cụ

thể là từ những năm 1640 tình hình chính trị Trung Quốc có những bất ổn, cuộc nội chiến cản trở việc vận chuyển hàng hóa từ đại lục tới thương điếm của VOC ở Đài Loan, làm giảm số lượng các mặt hàng chuyển tới, gây đứt gãy nghiêm trọng mạng lưới thương mại của công ty ở khu vực này. Tình hình này như một xung lực thúc đẩy việc công ty xuất khẩu lụa tấm Đàng Ngoài về Hà Lan, như một giải pháp thay thế bởi không thể có đủ số lụa Trung Quốc mà thị trường Hà Lan yêu cầu.

Năm 1644, Giám đốc thương điếm Hà Lan ở Đàng Ngoài, Antonio van Brouckhorst, đã đề nghị với Batavia yêu cầu được tạo điều kiện để thu mua lụa tấm Đàng Ngoài cho cả Nhật Bản và Hà Lan, mong muốn được thành lập một thương điếm thường trực với số lượng nhân viên và số vốn đáng kể ở kinh thành Thăng Long để thu mua lụa trong mùa giá thấp. Đề xuất này đã được phê duyệt; việc xuất khẩu tơ lụa Đàng Ngoài của công ty và lụa tấm cũng được tiến hành suôn sẻ trong năm này. Trong mùa kinh doanh năm 1645 trong số 135.000 tael bạc (tương ứng 385.000 guilders) mà công ty cung cấp cho việc thu mua lụa Đàng Ngoài, Batavia đã chỉ thị rằng 122.400 tael (90.4%) sẽ được sử dụng cho việc mua tơ sống và lụa tấm cho Nhật Bản, số còn lại 12. 600 tael (9.6%) được sử dụng mua tơ sống và lụa tấm cho thị trường Hà Lan. Đầu những năm 1650 khi lợi nhuận trong việc kinh doanh tơ lụa Đàng Ngoài của Công ty ở thị trường Nhật Bản giảm xuống, Batavia đã đình chỉ việc nhập khẩu lụa Đàng Ngoài tới Nagasaki trong một thời gian, nhưng lại yêu cầu nhân viên của thương điếm Kẻ Chợ mua lụa tấm cho thị trường Hà Lan. Vào thời điểm này, sự thiếu hụt tiền đồng và sự mất giá của bạc khiến giá mua tơ sống Đàng Ngoài tăng lên trung bình 20%. Tình hình này khiến các thợ dệt địa phương đòi nâng giá sản phẩm và yêu cầu được nhận đầy đủ số tiền công trước khi tiến hành dệt. Nếu năm 1645 số tơ và lụa tấm là 90.6% cho Nhật Bản và 9.4 % cho Hà Lan, con số này năm 1661 tương ứng là 68% và 32%. Trong số 264.144

guilders giao cho Đàng Ngoài năm đó, Batavia yêu cầu 84.144 guilders được dùng thu mua lụa tấm địa phương cho Hà Lan, chủ yếu là pellings (lĩnh). Tỷ lệ này được duy trì trong suốt thập kỉ 1660 - 1670. Năm 1664 trong số 164,703 guilders Batavia gửi cho Đàng Ngoài, 50.000 guilders được dùng để mua lụa tấm cho thị trường trong nước, phần còn lại được đầu tư cho tơ sống Nhật Bản, với tỉ lệ là 30/70.

Những thập kỷ cuối trong quan hệ buôn bán của Công ty với Đàng Ngoài, số vốn dự trữ để thu mua lụa tấm Đàng Ngoài chuyển về Hà Lan tăng lên tổng thể, bởi sự sụt giảm nghiêm trọng trong quan hệ buôn bán và lợi nhuận của tơ lụa Đàng Ngoài tại thị trường Nhật Bản.10 Nhân viên thương điếm Kẻ Chợ chỉ tiến hành thu mua một vài mặt hàng, lụa tấm cho thị trường Hà Lan. Đến năm 1681, Batavia chỉ thị cho thương điếm Kẻ Chợ chỉ thu mua lụa tấm và xạ hương cho thị trường châu Âu. Quan hệ thương mại giữa VOC và Đàng Ngoài cũng không duy trì được lâu dài bởi tình hình đã có những thay đổi theo hướng không còn có lợi cho hoạt động buôn bán tơ lụa của công ty ở đây. Đặc biệt là thái độ của chúa Trịnh không còn mặn mà với người Hà Lan, thậm chí còn ngày càng gia tăng các hành động ngược đãi của phủ chúa và quan lại đối với nhân viên thương điếm của Công ty ở Đàng Ngoài. Tình hình buôn bán ảm đạm, một tương lai không mấy sáng sủa, cùng với đó là sự bất hòa giữa Batavia với phủ Chúa đã khiến Công ty quyết định đóng cửa thương điếm Kẻ Chợ của Batavia vào năm 1700, chấm dứt 64 năm bang giao nhiều sóng gió của Công ty tại Đàng Ngoài, dù trên thực tế Batavia vẫn nuôi hi vọng và tin tưởng vào tiềm năng, tương lai kinh tế của Đàng Ngoài.

Việc xuất khẩu tơ lụa Đàng Ngoài về châu Âu trong thế kỷ XVII không chỉ có người Hà Lan mà còn có cả các thương nhân Anh, muộn hơn là Pháp. Người Anh sau khi thất bại trong việc tái thiết quan hệ buôn bán với Nhật Bản vào năm 1673 cũng tiến hành xuất khẩu lụa tấm Đàng Ngoài về Luân Đôn trong suốt một phần tư thế kỷ XVII (từ 1672 đến năm 1697). Ngay khi đến Đàng Ngoài vào năm 1672, thương điếm Đàng Ngoài của công ty Đông Ấn Anh đã thông báo về Luân Đôn rằng các sản phẩm của vùng này không chỉ thỏa mãn thị trường Nhật Bản mà còn rất thích hợp cho thị trường châu Âu như xạ hương, gốm sứ, sơn mài và lụa tấm. Các thông tin về kế hoạch buôn bán ở Đàng Ngoài và mẫu lụa gửi từ đây về Luân Đôn nhanh chóng được chấp nhận. Kết quả của những tính toán từ Ban Giám đốc ở Luân Đôn là việc thành lập mạng lưới thương mại mới của người Anh ở Đàng Ngoài. Trên cơ sở đó, trong suốt một phần tư thế kỷ, Đàng Ngoài là nơi cung cấp các sản phẩm gốm sứ, xạ hương cho thị trường Anh. Tuy nhiên, tình hình buôn bán tơ lụa Đàng

10 Năm 1671, do tình hình buôn bán xấu đi nghiêm trọng, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã hủy bỏ cầu thương mại trực tiếp Đàng Ngoài - Nhật Bản. Đến đầu những năm 1680, việc xuất khẩu tơ lụa Đàng Ngoài sang Nhật Bản thực sự kết thúc.

Ngoài của công ty Đông Ấn Anh không mấy suôn sẻ bởi sự tham ô và việc nhân viên công ty tự ý buôn bán dưới danh nghĩa cá nhân đã làm cho lợi nhuận không thu được, thậm chí Công ty còn phải bù lỗ cho việc duy trì thương điếm Kẻ Chợ rất tốn kém, thậm chí còn gây ra vụ áp phe thương mại vào năm 1693. Tình hình buôn bán của Công ty ở Đàng Ngoài sa sút nghiêm trọng bởi những hậu quả nặng nề mà vụ áp phe mang lại, thậm chí dẫn đến việc triều đình Lê - Trịnh cấm người Đàng Ngoài xuất dương vào năm 1693.

Tình hình buôn bán không khả quan, lợi nhuận thu được không đủ để bù vào “chi phí vận chuyển đắt đỏ, cao hơn 50% so với trước đây, kèm theo rủi ro trong bối cảnh chiến tranh hiện nay, cũng như tình trạng sụt giảm giá bán của các sản phẩm tơ, lụa, xạ hương đưa từ Đàng Ngoài về so với thời gian trước chiến tranh với người Pháp” [102, tr. 166]. Cuối cùng, thương điếm của người Anh tại Kẻ Chợ đã phải đóng cửa do không thể duy trì được tình hình buôn bán không lợi nhuận và những khoản chi phí đắt đỏ cho việc duy trì thương điếm và số lượng nhân viên ở đây. Việc thương điếm Anh đóng cửa vào năm 1697 đã chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ giao thương giữa công ty Đông Ấn Anh với Đàng Ngoài, đồng thời cho thấy việc người Anh thiết lập quan hệ mậu dịch với Đàng Ngoài trong một hoàn cảnh và thời điểm hoàn toàn không thích hợp. Bởi lẽ kinh tế và chính trị Đàng Ngoài đã rơi vào suy thoái và bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng từ khoảng 2 thập niên cuối cùng của thế kỷ XVII. Hàng loạt những khó khăn chồng chất đã làm nản chí thương nhân Anh, nhưng họ vẫn quyết tâm duy trì thương điếm Kẻ Chợ với hi vọng về một tương lai mậu dịch có mức lợi nhuận cao như người Hà Lan đã từng làm được. Tuy nhiên, những biến đổi của tình hình hải thương quốc tế ở khu vực Đông Á cuối thế kỷ XVII, cộng thêm vụ áp phe thương mại gây tổn thất nghiêm trọng cả về uy tín lẫn kinh tế cho công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài đã khiến cho nền mậu dịch Đàng Ngoài – Luân Đôn không thể tiếp tục duy trì.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của đàng ngoài thế kỷ XVII nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)