Tơ lụa và gốm sứ: tiền đề hội nhập quốc tế của Đàng Ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của đàng ngoài thế kỷ XVII nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 69 - 73)

Các thương cảng của Đại Việt, trong đó có các thương cảng Đàng Ngoài, với vị trí thuận lợi nằm trên một trong những tuyến chính của hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVII đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc cung cấp và luân chuyển hàng hóa của mạng lưới kinh tế khu vực. Những phát kiến lớn về địa lý của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh... đã mở rộng con đường tìm đến các nước phương Đông để thăm dò và khai thác tài nguyên, cũng như mở rộng thị trường buôn bán, tạo nên cầu nối thương mại phương Đông – phương Tây. Sự xuất hiện các đoàn thuyền buôn phương Tây ở các vùng biển châu Á thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của châu Á, tạo nên sự phồn thịnh của các quốc gia.

Trong thế kỷ XVI - XVII, hệ thống thương mại châu Á ghi nhận sự tham dự của không chỉ các thương nhân Trung Hoa mà cả các doanh thương Nhật Bản, Xiêm, Patani, Java… Sức hút của thị trường Trung Hoa khiến cho các thương nhân nước ngoài khi đến châu Á đều khao khát xâm nhập được vào thị trường giàu tiềm năng kinh tế này. Nằm bên cạnh Trung Hoa lục địa, Đàng Ngoài đã trở thành một trong những trọng tâm thương mại của các công ty Đông Ấn châu Âu khi tiến hành các hoạt động giao thương tại châu Á. Trong vị thế của một khu vực trọng điểm, Đàng Ngoài nổi lên với các sản phẩm địa phương rất có sức hấp dẫn và quan trọng trong quan hệ buôn bán của các thương nhân nước ngoài như hương liệu, gốm sứ, tơ lụa, xạ hương… đặc biệt là tơ lụa và gốm sứ.

Kim loại quý, đặc biệt là vàng và bạc, cùng với đồng là các loại tiền tệ chính, mang tính quốc tế trong các giao dịch thương mại tại châu Á trong suốt các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Tại châu Á, Nhật Bản được biết đến với vai trò là một quốc gia có trữ lượng và sản lượng bạc rất dồi dào, lại là thị trường rất lớn trong việc tiêu thụ tơ lụa của khu vực, đặc biệt là tơ lụa Trung Quốc và tơ lụa Đàng Ngoài. Tuy nhiên, sự hạn chế giao thương của chính quyền nhà Minh, sau này là nhà Thanh, khiến cho các thương nhân nước ngoài không bao giờ mua đủ số tơ lụa cần thiết cho nhu cầu tiêu

thụ rất cao tại thị trường Nhật Bản và châu Âu. “Điều chắc chắn là, do tác động của chính sách cấm biển (Haichin) của nhà Minh, rồi nhà Thanh nên Hoa thương sinh sống ở Đài Loan và Đông Nam Á đã gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ buôn bán trực tiếp với Trung Quốc. Vào thế kỷ XVI- XVII, quan hệ thương mại Nhật – Trung cũng bị gián đoạn. Để có được tơ lụa, gốm sứ cùng những thương phẩm khác cung cấp cho Nhật Bản và thị trường khu vực, họ đã phải tìm đến Phố Hiến, Thăng Long… để mua hàng” [52, tr. 68]. Đứng trước cơ hội lớn đó, Đàng Ngoài trở thành nguồn cung cấp tơ lụa và gốm sứ quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các công ty Đông Ấn châu Âu. “Trong suốt nửa đầu thế kỷ XVII, tơ sống và các loại lụa thành phẩm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Đàng Ngoài và phần lớn thương nhân ngoại quốc đến đây đều có cùng mục tiêu thu mua tơ lụa cho thị trường Nhật Bản giàu có về các nguồn kim loại quý (bạc và đồng) vốn rất cần thiết cho việc đầu tư vào nền thương mại của họ ở châu Á” [119, tr. 13].

Có thể thấy rằng, trong chiến lược kinh doanh của các công ty Đông Ấn trong thế kỷ XVII tại châu Á, tơ lụa là mặt hàng được chú trọng, quan tâm nhiều nhất và cũng mang lại lợi nhuận cao hơn cả. Sức hút của tơ lụa đã được minh chứng cụ thể thông qua hoạt động buôn bán của các công ty Đông Ấn châu Âu.11 Trong hoạt động thương mại của công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) - thế lực chi phối thương mại châu Á suốt 2/3 thế kỷ XVII - “tơ lụa chính là chìa khóa vạn năng mang đến thành công của VOC với Nhật Bản”. Bởi nguồn bạc Nhật chính là điều kiện tiên quyết để VOC có thể vận hành một cách trơn tru mạng lưới thương mại Nội Á vốn là trọng tâm trong quan hệ trao đổi bạc Nhật lấy tơ lụa của VOC trong suốt thế kỷ XVII. Trong đó tơ lụa Đàng Ngoài chiếm tỉ trọng rất cao trong tổng lợi nhuận mà VOC thu được trong thương mại với Nhật Bản. Đặc biệt trong giai đoạn đỉnh cao những năm 1641-1654, tơ lụa Đàng Ngoài tỏ ra chiếm ưu thế hơn hẳn so với tơ lụa Bengal và tơ lụa Trung Quốc. Hoàn toàn có thể so sánh rằng: “Nếu Surat là cánh tay trái trong thương mại hương liệu với Molucca, thì Đàng Ngoài trong giai đoạn này là cánh tay trái trong thương mại bạc với Nhật Bản”. Trong giai đoạn thương

11 Người Bồ Đào Nha, ngay từ sớm đã thực hiện hoạt động trao đổi, buôn bán tơ lụa trực tiếp giữa MaCao - Nhật Bản trong suốt nửa cuối thế kỷ XVI. Sang thế kỷ XVII, người Hà Lan và Anh lần lượt xuất hiện và xác

mại VOC ở Đàng Ngoài đạt đến đỉnh cao lợi nhuận từ 1641 - 1654, tơ lụa Đàng Ngoài chiếm ưu thế hơn hẳn so với tơ lụa Bengal và tơ lụa Trung Quốc.

Trong thế kỷ XVII, khi cuộc chiến tranh phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài đang diễn ra ở thời kỳ cao trào nhất, sự xuất hiện của người phương Tây với công nghệ và kỹ thuật cao về khí tài chiến tranh đã khiến cho chính quyền phong kiến cả hai miền thiết lập quan hệ bang giao với các thương nhân phương Tây muốn đến giao thương. Ở Đàng Ngoài, để có được vũ khí, tiền bạc phục vụ cuộc nội chiến, chúa Trịnh đã đồng ý cho các công ty Đông Ấn châu Âu thiết lập thương điếm ở Kẻ Chợ để thu mua tơ lụa và các sản phẩm địa phương khác. Ngược lại, họ phải chuyển cho Chúa những thứ mà phủ Chúa yêu cầu. Trong khi đó, ở Đàng Trong, trước sức ép từ triều đình Lê – Trịnh, nhà Nguyễn cũng có nhu cầu rất lớn về vũ khí hiện đại để đảm bảo sự an toàn và ổn định của vương triều. Nhờ có vũ khí hiện đại mà quan hệ giao thương giữa các thương nhân phương Tây với chính quyền phong kiến cả Đàng Trong và Đàng Ngoài có thể diễn ra suôn sẻ, thuận lợi trong nhiều năm. Những hàng hóa mà người ta nhập vào nước này ngoài bạc còn có diêm tiêu, lưu huỳnh, những loại dạ khổ rộng của nước Anh, những loại len tuyết xoắn, các thứ vải bông in hoa, hồ tiêu cùng nhiều loại hương liệu khác, súng cỡ lớn… nhưng trong hàng loạt đại bác, loại nòng dài được người ta ưa thích hơn cả [18, tr. 427].

Để có được số hàng hóa cần thiết phục vụ mạng lưới buôn bán của VOC ở châu Âu, người Hà Lan đã đáp ứng những yêu cầu của triều đình Lê - Trịnh như đồng ý liên minh quân sự để tiến đánh Đàng Trong cho dù cuối cùng liên minh thất bại do thái độ lừng chừng của chúa Trịnh. Trong thời kỳ 1641 – 1654 quan hệ giữa hai bên có phần lạnh nhạt và thương điếm của người Hà Lan ở Kẻ Chợ gặp rất nhiều khó khăn bởi sự sách nhiễu và bất hợp tác của chính quyền địa phương. Nhưng với lợi nhuận lớn, người Hà Lan không bao giờ có ý định từ bỏ quan hệ buôn bán với Đàng Ngoài.

Tơ lụa và gốm sứ Đàng Ngoài cũng trở thành lực hút thương nhân Anh, những người đến Đàng Ngoài khi nền thương mại ở đây đã giảm sút và chính quyền không còn mặn mà lắm với sự có mặt của các thương nhân ngoại quốc. Thêm vào đó là sự tham nhũng đến kiệt quệ thương điếm của nhân viên thương điếm Anh, khiến tình hình buôn bán của EIC ở Đàng Ngoài không còn chút hi vọng [104]. Vì

vậy, hoạt động buôn bán của người Anh ở Đàng Ngoài không được thuận lợi với lợi nhuận cao như họ kỳ vọng.

Các thương nhân Nhật Bản, thương nhân Tây Ban Nha tại Manila cũng tích cực tiến hành các hoạt động giao thương của họ ở Đàng Ngoài để đưa đến các thị trường tiềm năng. Ở Manila tơ sống Đàng Ngoài được thợ dệt người Hoa dệt thành lụa tấm để các tàu chuyên chở về châu Âu bán với giá cao. Tơ sống Đàng Ngoài có giá thấp, với chủng loại khá phong phú nên đã thu hút được thương nhân ngoại quốc tới đây thiết lập quan hệ buôn bán, cố gắng duy trì quan hệ giao thương ngay cả trong thời điểm khó khăn, bởi họ có niềm tin vào tiềm năng thương mại của Đàng Ngoài trong quan hệ với Trung Quốc.

Tơ lụa cũng chính là “tiền”, vật ngang giá, là sản phẩm trao đổi để Đàng Ngoài hội nhập với thị trường quốc tế trong bối cảnh thương mại khu vực phát triển cực thịnh. Tơ lụa đã tạo ra một sự thay đổi lớn, trở thành công cụ kết nối và thúc đẩy sự phát triển thế giới. Với sự tham gia của tơ lụa vào mạng lưới thương mại, con đường tơ lụa trên biển và trên đất liền được thiết lập và ngày càng mở rộng [124, tr. 1 – 30]. Trên cơ sở của những mầm mống kinh tế hàng hóa bắt đầu manh nha, cùng với sự sôi động của hải thương châu Á thế kỷ XVII, Đàng Ngoài đã có sự dự nhập chủ động vào hệ thống thương mại biển Đông. Một số thương phẩm Đàng Ngoài như gốm sứ, tơ lụa đã có những khoảng thời gian tạo được sự hấp dẫn đối với thương nhân của nhiều quốc gia.

Có thể thấy rằng sự hiện diện của các thương nhân ngoại quốc ở Đàng Ngoài đã góp phần đáng kể vào những chuyển biến kinh tế - xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII, mà đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế hàng hóa. Trong quan hệ tương tác, châu Âu cũng dự nhập sâu rộng vào mạng lưới thương mại toàn cầu bằng việc tham gia buôn bán tơ lụa phương Đông. Ở khía cạnh này có thể nhận định rằng tơ lụa là một trong những nhân tố kết nối thế giới Đông – Tây: “việc nhập khẩu tơ lụa vào châu Âu đã khiến cho châu Âu tự tham gia vào mạng lưới tơ lụa đổi bạc toàn cầu” [127, tr. 48]. Gốm sứ dù không có được những con số ấn tượng, nổi bật như tơ lụa nhưng cũng đặt dấu ấn quan trọng trong hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVII, góp phần duy trì nền kinh tế với sự tham dự của ngoại thương, với những tác động tích cực làm thay đổi một phần diện mạo vật chất quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của đàng ngoài thế kỷ XVII nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 69 - 73)