6. KẾT CẤU LUẬN VĂN
3.1.2. Hệ thống nhân vật hư cấu hoàn toàn:
3.1.2.1. Các nhân vật nữ:
Có thể nói, trong số những nhân vật hư cấu hoàn toàn thì nhân vật nữ chiếm số lượng khá lớn. Và các nhân vật này nhận được nhiều ưu ái của các tác giả TTLS. Thường đó là những người con gái đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn. Có thể kể ra đây những ví dụ như: An trong Sông Côn mùa lũ, Nhuệ Anh, Ngạn La trong Giàn thiêu và hệ thống nhân vân vật nữ trong Mẫu
thượng ngàn. Đặc điểm nổi bật ở những nhân vật nữ này là ở họ có sức mạnh
phi thường, đó có thể là sức mạnh gột rửa, cảm hóa, sức mạnh sinh tồn…
An trong Sông Côn mùa lũ tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam ở mọi thời đại. Đó là người phụ nữ rất thực, đảm đang tần tảo, hi sinh, gánh vác gia đình. Dù họ bé nhỏ nhưng có sức mạnh phi thường, là chỗ dựa vũng chãi của những người đàn ông.
Hai nhân vật nữ chính trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo lại được khai thác ở khía cạnh khác. Nhuệ Anh (sư bà chùa Trầm) và Ngạn La được miêu tả như cái gì đó phi thường, siêu nhiên. Nhuệ Anh thì được gọi là “Người Đàn Bà Không Tuổi”, là “Thần nữ”, là “Phù thủy”. Ở nhân vật này có sức mạnh của sự gột rửa. Khi Thần Tông hóa hổ, đại sư Minh Không chỉ có thể khiến vua tỉnh lại bằng những kỉ vật ở kiếp trước nhưng không thể làm sạch hết lông hổ trên người vua. Chỉ có nước mắt của Nhuệ Anh mới làm đám lông trên người vua biến mất. Chỉ có Nhuệ Anh mới gột rửa được tâm hồn của
Thần Tông. Cũng là Nhuệ Anh đã làm cho ông già điên Lý Câu tỉnh lại, và cũng là Nhuệ Anh đã khiến chàng Cá Bơn lần đầu tiên muốn thoát ra khỏi khúc sông hẹp của mình. Nhuệ Anh có thể cầu mưa xuống như một ẩn dụ về sức mạnh của nhân vật này (Bởi nước là biểu tượng cho sự thanh lọc cao nhất). Nếu như ở Nhuệ Anh có sức mạnh của một “Thần nữ”, thì Ngạn La khiến người ta liên tưởng đến một “Yêu nữ”. Vẻ đẹp huyền bí với cái rốn màu chu sa của Ngạn La được miêu tả như có thể quyến rũ được cả Diêm Vương. Ngạn La trở thành “vưu vật” trong tay các ông vua. Nàng là biểu tượng cho dục vọng. Nhưng có một điều kì lạ, dù được coi là biểu tượng của dục vọng, nhưng Ngạn La lại là người đàn bà duy nhất ngăn cản được dục vọng của Thần Tông. Đến khi chết Ngạn La vẫn là một trinh nữ. Nhân vật Ngạn La phải chăng là biểu tượng cho cái dục vọng mà Thần Tông không bao giờ đạt được trong suốt hành trình theo đuổi của mình.
Cũng như Nhuệ Anh và Ngạn La, hệ thống nhân vật nữ trong Mẫu
thượng ngàn mang tính biểu tượng cao. Nhưng các nhân vật này cũng rất hiện
thực, rất sinh động. Đó là: bà tổ cô, cô Mùi, bà ba Váy, thím Pháo, Nhụ, Hoa… Đây là những nhân vật mang tính phồn thực. Nguyễn Xuân Khánh coi đây mới chính là những con người đích thực của dân tộc Việt Nam chứ không phải là cụ đồ Tiết, nghĩa quân Trịnh Huyền hay những chàng trai mang tư tưởng tiến bộ như Huy, Tuấn; lại càng không phải là bọn tay sai như Lý Cỏn, Hương Ất hay Quản Boong. Chính vì thế, trong chương VI có tên “Người Cổ Đình” là câu chuyện Điều dẫn Nhụ đi thăm bà tổ cô, cô Mùi, bà ba Váy, thím Pháo, Hoa và ông hộ Hiếu. Có nghĩa, tác giả cho rằng chính những con người ấy, những con người theo cái nhìn thông thường là bất thường, là bỏ đi, là dở hơi, mới là linh hồn của làng quê, chứ không phải những kẻ quyền cao chức trọng, những người học rộng, tài cao. Những nhân vật này có số phận vô cùng
đau khổ, nhưng rồi họ đón nhận đau khổ một cách vô cùng bình tĩnh, hay đúng hơn là vô cùng “tự nhiên”. Bởi trong họ có sức mạnh của cội nguồn văn hóa. Bà tổ cô sau bao sóng gió cuộc đời cũng quay trở về với đền Mẫu bên sông Son. Cô Mùi cũng lấy cái sức mạnh phồn thực từ trong cội nguồn tín ngưỡng dân gian để chống chọi với sự đày đọa của ba đời chồng. Bà ba Váy, thím Pháo cũng nhờ vào cái sức mạnh ấy mà trải qua biết bao đau khổ. Và Nhụ, nỗi đau thể xác và tinh thần do Julien gây nên cho cô tưởng chỉ có cái chết mới gột rửa được nhưng cũng đã được sức mạnh văn hóa ấy làm cho dịu nhẹ. Tất cả các nhân vật nữ này đều được miêu tả hết sức phồn thực, khác thường từ vẻ bề ngoài cho đến tâm hồn, tính cách bên trong. Tất cả họ sau những vùi dập của cuộc đời, cuối cùng đều tìm đến sự gột rửa và siêu thoát trong Đạo Mẫu. Và bản thân họ cũng trở thành một biểu tượng sức mạnh của sự gột rửa. Trong hoàn cảnh đau thương của cuộc sống, khi mà lớp người cũ như cụ đồ Tiết, Trịnh Huyền không đủ sức cứu nước; lớp người mới như Huy, Tuấn chưa trưởng thành để cứu dân, thì người dân Việt vẫn sống và đem sức mạnh từ cội rễ văn hóa dân tộc ra để chống lại kẻ thù. Và sức mạnh ấy được gửi gắm trong hình tượng những nhân vật nữ trên. Tất cả họ như hình ảnh của văn hóa dân tộc, bền bỉ với sức sống trường tồn.
Đặc điểm của hệ thống nhân vật nữ trong các TTLS vừa xét khiến cho chúng ta liên tưởng đến xu hướng nữ quyền của các tác giả tiểu thuyết hiện nay.